Tuesday, 25 October 2022

KHI Ý THỨC HỆ THẮNG CUỘC    (Tạ Duy Anh)

 



KHI Ý THỨC HỆ THẮNG CUỘC   

Tạ  Duy Anh  (Lão Tạ)  

24-10-2022  21:17   

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=pfbid02cM27Zhts3YBYa4dkNuJ3TSQ22SZLSvEs3xwqi6cLhjDVLRF4vf4sjFPbQVpJ8SsVl&id=1160946631

 

 (Sau 10 năm đọc lại “Bên thắng cuộc”)

 

Một thập kỉ đã trôi qua,* “Bên thắng cuộc” của nhà báo Huy Đức (mà từ đây tôi sẽ gọi ông là “Người ghi chép lớn về thời đại”) vẫn cho tôi ấn tượng về một tác phẩm đồ sộ bậc nhất, phản ánh một giai đoạn phức tạp nhất của lịch sử Việt Nam hiện đại. Sẽ mất công vô bổ khi tranh cãi cuốn sách là tác phẩm báo chí hay lịch sử, nếu chúng ta bỗng ngộ ra rằng, lịch sử thực chất chỉ là những sự kiện, những câu chuyện cứ nối nhau trôi qua một cách liên tục và không ngừng nghỉ. Chúng ta đang sống từng giây từng phút và cũng từng giây từng phút chúng ta thuộc về lịch sử!

 

Bao quát hầu hết các sự kiện lớn, có tác động sâu rộng, thậm chí mang tính quyết định, mang tính định mệnh gắn với số phận của đất nước này trong trọn cả thế kỷ, “Bên thắng cuộc” rõ ràng nuôi tham vọng lớn vẽ lại chân dung thời cuộc, một thời cuộc mà những bộ phận cấu thành quan trọng của nó chủ yếu vẫn chìm trong bóng tối.

 

Thông thường, bất kể sự ghi chép mang tính lịch sử nào cùng thời với tác giả của nó, ông/bà ta thường phải tìm cách né tránh phần lớn sự thật “đương triều”, chủ yếu vì để bảo toàn chính mạng sống của mình và gia đình mình. Vì thế, một điều tưởng như nghịch lý nhưng lại là sự thật: Người đương thời luôn biết về họ ít nhất. Đó cũng là lý do các nhà sử học được chế độ chăm nuôi trở thành không đáng tin. “Bên thắng cuộc”, ở phần ghi điểm quan trọng, đã vượt qua được nỗi sợ truyền kiếp này. Mọi sự thật, hoặc tác giả tin là sự thật, đều được phơi bày tối đa, bằng thứ thủ pháp báo chí ở tầm lão luyện. Lần đầu tiên chúng ta biết một cách hệ thống (trong khuôn khổ gần 1000 trang sách), tiến trình hình thành nên những sự kiện thay trời chuyển đất của người Việt trong suốt thế kỉ 20, những sự kiện mà tác động của nó, cả tích cực lẫn tiêu cực, tới từng người Việt chắc chắn chưa dừng lại. Ngoài sự kì công khảo cứu, sưu tầm tài liệu bằng những bí quyết và bí mật nghề nghiệp có thể nói là vô song cho tới thời điểm này, việc trình bày nó trong một cuốn sách, để bạn đọc có thể theo dõi và bị hút theo từng sự kiện, ghi nhớ từng tiểu tiết quan trọng, hình dung ra từng chân dung các nhân vật nhưng không bị bứt khỏi tổng thể đồ sộ đến mức rất dễ gây chóng mặt, ngộp thở với một số người, là một nỗ lực ghê gớm của người viết. Điều này thường chỉ làm được bởi những người có khả năng khác thường. Dễ dàng nhận ra tính toán nghiệt ngã trong từng lần tác giả hạ bút mở đầu mỗi chương, cũng như kết thúc nó vào thời điểm nào.

 

Việc đưa các lời kể của nhân vật, nhân chứng mang tính minh họa cho vấn đề nào đó vào phần note, in chữ nhỏ dưới chân trang, mà nếu tính chi li có thể chiếm tới ¼ dung lượng cuốn sách, là thủ pháp không mới nhưng vẫn là một tính toán cao tay của tác giả cho trường hợp “Bên thắng cuộc”. Những lời kể, những lời chứng ấy giống như nỗ lực “vượt tường lửa” vào phần cấm kị luôn được bảo vệ bởi những hàng rào an ninh kiên cố và khắc nghiệt. Tác giả cố tình đứng tách ra, không chịu trách nhiệm về giá trị lịch sử của những thông tin ấy, nhưng bạn đọc thì có cơ hội để suy tưởng, đối chiếu với những biến cố mà mình chứng kiến hoặc thu nhận được. Và nếu không có thông tin nào bị thời gian và nhân chứng bác bỏ, điều mà tác giả luôn trông đợi, thì nó mặc nhiên là một phần lịch sử được kể lại.

 

Chỉ riêng cái phần note này, đáng là một cuốn sách lịch sử, sau khi nó được thời gian kiểm chứng. Và nhờ nó, chúng ta có thể vẽ lại hầu hết những chân dung đã định hình, đã ăn sâu trong trí nhớ chúng ta suốt cả thế kỉ qua. Để ít nhất rút ra hai điều: Lịch sử mà chúng ta vẫn học và vẫn miệt mài dạy con cháu cần phải được nghiêm túc và nghiêm khắc viết lại; và, chúng ta có khả năng tự mình trả về đúng với vị trí lịch sử dành cho từng nhân vật ấy. Trên thực tế, ngoài những hồi kí (kí ức cá nhân đã thành văn), sẽ chẳng có ai còn cơ hội ghi chép lại khá nhiều lời kể có mầu sắc và chất lượng lịch sử, bởi nhiều nhân vật sở hữu nó đã mất hoặc không còn khả năng nhớ lại. Nếu cần ghi một điểm quan trọng nữa cho tác giả thì chính là ở chỗ này.

 

Nhưng tất cả những gì vừa nói chưa phải là điều quan trọng đáng kể mà cuốn sách đem lại cho bạn đọc. Bóng tối, kể cả đêm dài đen kịt thì rồi cũng có lúc phải tan. Mọi sự kiện có thể không được bạch hóa hết, nhưng từng sự thật trong đó thì trước sau cũng lộ diện. Nhiều tư liệu lịch sử quý giá tác giả chỉ là người dịch, chép lại, biên tập, lọc ra một cách có chủ ý rồi đặt chúng vào đúng chỗ mà nó cần có mặt. Nghĩa là nếu ông không làm, thì rồi sẽ có người khác làm.

 

Tuy nhiên, dấu ấn của tác giả vẫn vô cùng sâu đậm ngay cả ở chính những gì chúng ta vừa nói, khi ông đã dụng công bố cục cuốn sách theo hướng làm nổi bật lên nguồn gốc sâu xa của bi kịch lớn mà dân tộc này phải trải qua. Ông cho chúng ta thấy một cách thuyết phục hoặc rất khó bác bỏ rằng, ở những bước ngoặt định mệnh của người Việt, lợi ích dân tộc, quốc gia luôn bị lợi ích đảng phái, lợi ích giai cấp, lợi ích gắn với vô sản quốc tế đẩy xuống hàng thứ yếu. Giả sử trật tự đó được hoán đổi, có thể mỗi người Việt hôm nay đã có một gương mặt khác.

 

Chữ “nếu” của lịch sử trong đa số trường hợp chỉ được thốt ra đầy tiếc nuối sau khi sự lựa chọn trước đó đã có đáp án. Đáp án mà tác giả muốn chúng ta nhớ là hàng loạt sự trả giá. Đó là hàng thập kỉ máu xương lênh láng của cả triệu người; đó là nhiều thập kỉ chia rẽ Bắc-Nam; đó là không biết bao nhiêu cơ hội phát triển bị bỏ lỡ, không biết bao nhiêu bi kịch đau thương không đáng xảy ra nhưng đã mãi mãi trở thành một phần u tối trong hàng triệu gia đình Việt; đó là cuộc tháo chạy hãi hùng bằng thuyền nan qua các đại dương với trùng trùng hiểm họa với hàng trăm ngàn người thành mồi cho cá; đó là khối nguyên khí tích tụ từ hàng ngàn năm bị làm cho thui chột, bị ruồng rẫy, bị bức tử.

 

Nhưng điều nguy hiểm là có vẻ như sự trả giá cho sự thắng cuộc của ý thức hệ chưa dừng lại, mà vẫn đang diễn ra ở ngay cả những gì chúng ta vẫn tự hào coi là thành tựu! Sự trả giá thậm chí sẽ còn kéo dài tới các thế hệ con cháu.

 

“Ý thức hệ” là một sản phẩm ngoại lai, được tuồn vào Việt Nam qua đường "tiểu ngạch". Trong một không gian chính trị ẩm thấp, tranh tối tranh sáng, có phần còn hoang dã, nó bắt rễ và sinh trưởng nhanh chóng. Nó lập tức biến thành một thứ ma túy được bọc bằng cái vỏ triết học và tư tưởng tiến bộ. Sự thắng cuộc của nó, chính là nguyên nhân của mọi thảm kịch đã nói, mà sẽ khó có thể tìm thấy ở đâu sự lý giải đáng tin cậy và logic hơn “Bên thắng cuộc”.

 

Tác giả rõ ràng không muốn làm một việc dễ nhất là phán xét quá khứ. Không ít nhân vật lịch sử, sau khi biết rõ hơn nhiều sự thật về họ, chúng ta có thể giảm đi sự tôn sùng, nhưng không thể không cảm phục họ. Họ đã không hề cố ý đưa đất nước đến những khúc cua nguy hiểm bằng sự lao tâm khổ tứ đầy ngập lòng yêu nước, thương nòi. Nhiều người khi tự biến mình thành cái lô cốt cản trở sự phát triển của đất nước, lại luôn tin rằng họ đang hy sinh cho lý tưởng cao đẹp. Nhưng chính vì thế mà tấn bi kịch kinh người nào do họ gây ra cũng kèm theo cả yếu tố hài, kèm theo cả sự đáng thương.

 

Tôi tin rằng “Bên thắng cuộc” sẽ còn là cuốn sách đồng hành lâu dài với người Việt. Nó khó mà không can dự vào những lựa chọn của thế hệ tương lai, cũng như giúp họ định hình vững chắc một cái nhìn bao dung hơn về quá khứ. Ở khía cạnh nào đó nó chính là liều thuốc giải độc được/bị tích tụ lâu dài bởi sự thù hận và thất bại.

 

Nếu như vết thương nào cũng cần được làm lành, được hàn gắn, thì không thể từ chối liệu pháp phải một lần rạch nó ra, cạo đi phần hoại tử trước khi tìm cho nó loại thuốc thích hợp. Và cũng cần cho nỗi đau được dịp cất lên tiếng thét ai oán cuối cùng của nó, trước khi đón những nụ cười trở lại để không bao giờ đất nước rơi trở lại thảm cảnh chỉ có “một bên” thắng cuộc.

 

------------------------------------

*Tác phẩm này ra mắt năm 2012, tại Hoa Kỳ và thật tiếc là nó lại chỉ có thể in ở nước ngoài, bởi đây là cuốn sách dành riêng cho người Việt, rất cần cho người Việt và chỉ thực sự quan trọng với người Việt.

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=10225543514872332&set=a.10214678173885598

Hình bìa tác phẩm “BÊN THẮNG CUỘC”

 

.

197 BÌNH LUẬN 

 

Nguyễn Hữu Dũng

Xin lỗi bác Lao Ta chứ Huy Đức viết cuốn này theo đơn đặt hàng. Ko thể phủ nhận thông tin ông này đưa ra có giá trị nhất định mà người thường ko bao giờ có cơ hội tiếp cận. Nhưng những gì cuốn sách viết cơ bản phục vụ cho một thế lực đang cầm cờ trong tay vs bật đèn xanh cho tác giả. Bởi vậy nó là cuốn sách chỉ có 50% giá trị sự thật - KHÔNG THỂ XEM NÓ LÀ LỊCH SỬ. Hoặc nó chỉ là một nửa Lịch sử.

P/s: Nếu bác là người có cùng tư tưởng như Huy Đức, cháu sẽ ko lấy làm tiếc nếu bị bác block khỏi trang

.

Tác giả

Lao Ta

Nguyễn Hữu Dũng cứ thẳng thắn thế, đừng thay đổi. Mình chỉ căn cứ trên văn bản, bản thân tác giả cũng chờ phản biện. 50 % là một con số không hề nhỏ, nếu so với 1% hoặc 0 %, cảm ơn. F của tôi luôn dân chủ tối đa

.

Hai Xuan

Bên Thắng Cuộc của Huy Đức, Đèn Cù của Trần Đĩnh, Chiều Chiều của Tô Hoài, Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, Sinh Ra Để Chết của Tạ Duy Anh và nhiều cuốn nữa đã phản ánh đầy đủ sự thật bộ mặt lịch sử VN già nửa thế kỷ đau thương của dân tộc rồi. Riêng tôi không muôn đọc thêm nữa!

.

Michael Hung

Kỷ niệm 10 năm của Bên Thắng Cuộc, BBC tiếng Việt cũng có một bài rất hay, có nội dung gần với bài viết của Lao Ta. Bên thắng cuộc' của Huy Đức: Đi tìm lại sự đa dạng của lịch sử Việt Nam

Năm 2012, bộ sách hai tập Bên thắng cuộc của nhà báo Huy Đức được in ở nước ngoài, nhanh chóng thu hút sự quan tâm của độc giả khi đó. 10 năm đi qua, hai học giả nước ngoài có bài viết nhận định về ý nghĩa và ảnh hưởng của Bên thắng cuộc.

Bài đầu tiên là của Giáo sư Lịch sử Olga Dror, viết từ Hoa Kỳ.

Năm 2012, Huy Đức đã dành tặng một món quà cho tất cả những ai quan tâm đến Việt Nam và lịch sử của Việt Nam với việc xuất bản cuốn sách Bên thắng cuộc.

Ban đầu là tập “Giải phóng”, không lâu sau đó là tập thứ hai “Quyền bính”. Trọng tâm chính của Bên thắng cuộc là đường lối chính trị của đảng và chính phủ từ thời chiến tranh đến năm 2011.

Chủ đề của cuốn sách vô cùng phức tạp và Huy Đức cung cấp cho chúng ta một kim chỉ nam để định hướng trong hệ thống chính trị Việt Nam.

Là người miền Bắc sinh năm 1962, Huy Đức còn quá trẻ để tham gia vào cuộc Chiến tranh Đông Dương lần thứ hai. Nhưng ông được nuôi dưỡng trong guồng máy giáo dục và xã hội nhằm hình thành tâm trí con người theo hai màu đen trắng của Chính nghĩa Cộng sản chống lại những kẻ ác ở miền Nam Việt Nam, những người Mỹ và những người Việt chống cộng.

Sau thời gian phục vụ trong quân ngũ Việt Nam tại Campuchia, Huy Đức trở thành nhà báo, tìm hiểu lịch sử và tình hình đương đại ở đất nước mình.

Sự quen biết của Huy Đức với miền Nam Việt Nam nói riêng và cuộc sống của người dân Việt Nam nói chung đã giúp ông nhận ra rằng lịch sử chiến tranh và xây dựng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thống nhất sau chiến tranh còn đa sắc hơn những gì ông đã được dạy.

Ông quyết định khám phá những điều phức tạp này. Huy Đức đã từng đăng nhiều suy tư của mình trên nhiều trang báo tiến bộ Việt Nam như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Sài Gòn Tiếp thị cũng như trên blog OSIN, và bị chính phủ chỉ trích. Nhưng sách Bên thắng cuộc mới là đỉnh cao thực sự trong sự nghiệp nghiên cứu và biểu đạt của ông.

Bản chất đa sắc của nền chính trị Việt Nam được mô tả trong cả hai tập hoàn toàn trái ngược với bìa sách của mỗi tập.

Tập đầu tiên, “Giải phóng”, bắt đầu từ sự kết thúc chiến tranh năm 1975, có chút nhắc lại thời kỳ chiến tranh, và mô tả giai đoạn thống nhất hai miền Nam - Bắc cho đến đầu thời kỳ “Đổi mới”.

Một trong những chương mà Huy Đức gọi là “Giải phóng”, đặt dòng chữ “Giải phóng” trong dấu ngoặc kép. Ở đó, ông giải quyết câu hỏi liệu việc tiếp quản miền Nam của lực lượng cộng sản có thực sự là một “cuộc giải phóng” hay không.

Tương tự, Huy Đức tập trung vào cuộc xâm lược Campuchia của Việt Nam vào năm 1979, xem đó là một kiểu “giải phóng” hay “xuất khẩu cách mạng”.

Trên nền trắng của tập này, chúng ta thấy một cụm loa hướng về các phía khác nhau đại diện cho tuyên truyền được áp đặt trong và sau chiến tranh.

Tập hai “Quyền bính” đưa chúng ta đi từ đầu thời kỳ “đổi mới” đến năm 2011.

Trong thời gian này, Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc về kinh tế và một số tiến bộ trong hệ thống chính trị.

Trên bìa có hai màu trắng và đen, chúng ta thấy một chiếc ô tô Lada của Liên Xô và tín hiệu giao thông. Tuy không phải là một chiếc xe tuyệt vời, Lada vẫn là một dấu hiệu hiếm hoi về vị thế tại một Việt Nam sau chiến tranh, ít ô tô với đầy xe đạp và số lượng xe máy ngày càng tăng sau khi bắt đầu “khôi phục”.

Sau này, khi ô tô có nhiều hơn tại Việt Nam, đó không còn là những chiếc Lada hay những chiếc xe Liên Xô hay Nga nữa. Trên trang bìa của Huy Đức, chiếc Lada và đèn giao thông tượng trưng cho sự trì trệ của hệ thống chính trị Việt Nam không thể tách khỏi hệ thống quản lý miền Bắc Việt Nam trong chiến tranh và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sau chiến tranh.

Huy Đức cho rằng dù nền kinh tế thị trường có thay đổi đất nước thì Việt Nam vẫn tụt hậu so với kinh tế quốc tế, mặc dù vấn đề đã được chỉ ra từ năm 1994.

Ông viết rằng Đảng cầm quyền, thay vì nắm bắt được tư duy của thời đại và ý chí của con người, thì chỉ có thể quẩn quanh trong một vòng lặp tự vẽ.

Bên thắng cuộc là một cuốn sách độc đáo.

Huy Đức chắc chắn không phải là nhà phê bình đầu tiên nói về phương pháp và tuyên truyền của nhà nước Việt Nam. Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Bảo Ninh, những nhà văn lớn hơn Huy Đức cả chục năm tuổi và có những năm tháng tuổi trẻ rơi vào thời kỳ chiến tranh, đã thể hiện một cách ấn tượng sự vỡ mộng của họ qua văn học. Họ đã phản ánh sáng tạo về kinh nghiệm của chính họ.

Là một đứa trẻ trong chiến tranh, Huy Đức, một nhà báo tài năng và một nhà nghiên cứu đam mê, đã dành nhiều năm để tìm ra sự đa sắc mà ông đã bị tước đoạt. Ông không chỉ đọc nhiều sách mà - và có lẽ điều này quan trọng và hấp dẫn hơn nhiều - ông có cơ hội đáng kinh ngạc để trò chuyện với hàng trăm người đã tham gia hoặc chỉ đạo các sự kiện được mô tả trong sách, bao gồm cả các nhà lãnh đạo của đất nước.

Ông đã hình thành ý kiến của mình, mà cuối cùng lại khác xa với những gì được truyền đi qua “loa đài” của Đảng và chính phủ.

Tuy nhiên, như nhiều người làm việc trong lĩnh vực lịch sử truyền miệng đều biết, để viết dựa trên các cuộc phỏng vấn và hội thoại luôn có những khiếm khuyết của nó.

Ký ức của mọi người không hoàn hảo và mang tính chủ quan. Nó được kết hợp bởi thiên vị của riêng mọi người, khi trình bày các sự kiện nhất định theo một khía cạnh nhất định.

Huy Đức bổ sung nhiều tài liệu đã xuất bản, nhưng chủ yếu là nhật ký hoặc hồi ký có thể gặp những vấn đề tương tự như phỏng vấn và trò chuyện.

Ông cũng sử dụng một số tác phẩm học thuật, phần lớn bằng tiếng Việt, do đó, thiếu những gì mà học thuật bên ngoài Việt Nam đã có thể khám phá.

Nhưng Huy Đức không bao giờ tự nhận mình là nhà sử học. Tác phẩm của ông là một tác phẩm báo chí chuyên nghiệp xuất sắc, chứng minh rằng ngay cả trong điều kiện đen-trắng hạn chế, vẫn có những người sẵn sàng dành nhiều năm cuộc đời để chứng minh tính đa sắc của lịch sử đất nước họ.

.

·         Michael Hung

(Tiep tuc) Tôi thực sự hy vọng rằng cuốn sách này sẽ xuất hiện qua các ngôn ngữ khác. Đây là một trong những cuốn sách hay nhất về chính trị Việt Nam và là nguồn tài liệu không thể thiếu cho các học giả.

Tiến sĩ Olga Dror là Giáo sư Lịch sử ở Đại học Texas A&M, Hoa Kỳ, và hiện có một năm nghiên cứu tại Collegium de Lyon – Insitut d’études avancées, Pháp (2022-2023). Bà là tác giả, dịch giả của năm cuốn sách. Tác phẩm mới nhất, Making Two Vietnams: Youth Identities during the War, 1965-1975 được NXB Đại học Cambridge ấn hành năm 2019. Hiện bà đang dự định viết một cuốn sách về ký ức và sự tôn sùng Hồ Chí Minh ở Việt Nam.

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cjjv4pd047vo

BBC.COM

Sách 'Bên thắng cuộc' của Huy Đức: Đi tìm lại sự đa dạng của lịch sử Việt Nam - BBC News Tiếng Việt

Sách 'Bên thắng cuộc' của Huy Đức: Đi tìm lại sự đa dạng của lịch sử Việt Nam - BBC News Tiếng Việt





No comments:

Post a Comment

View My Stats