Hà
Nội theo dõi hoạt động chống Cộng nào?
Jackhammer Nguyễn
06/10/2022
https://baotiengdan.com/2022/10/06/ha-noi-theo-doi-hoat-dong-chong-cong-nao/
Anh H.,
người quen của tôi là một “nhân vật cộng đồng”. Tôi nghe mọi người nói như thế
khi quen anh H. Sau đó, qua vài lần có mặt ở các buổi sinh hoạt cộng đồng, tôi
từ từ hình dung ra “nhân vật cộng đồng” H. là như thế nào.
Anh là một
người nho nhã, đẹp trai, nhất là khi anh diện bộ lễ phục sĩ quan. Anh có giọng
nói rõ ràng, ấm áp và rất vang. Với giọng nói và dáng người như thế, anh hay
làm em-xi ở các buổi sinh hoạt cộng đồng, từ tang lễ phủ cờ
cho các cựu chiến hữu cho đến ngày Tết, từ lễ thượng cờ chuẩn bị biểu tình ở
trước các cơ quan ngoại giao Hà Nội, cho đến các buổi tiệc gây quỹ cho những tổ
chức, hội đoàn của cộng đồng.
Với hoạt động
như vậy, cộng với chuyện anh cộng tác với một cơ quan truyền thông nọ, cũng hay
bị Hà Nội dán cho cái nhãn là “chống Cộng”, anh không chỉ là “nhân vật cộng đồng”,
mà còn là “nhân vật chống Cộng của cộng đồng” nữa.
Nhưng anh
vẫn còn bạn bè, người thân đang sống ở Việt Nam, anh cũng muốn về thăm họ. Thế
là chuyện gì tới phải tới. Trong một lần về Việt Nam, anh bị công an Việt Nam mời
… uống cà phê (có nghĩa là làm việc, hạch hỏi). Anh nói với họ rằng, anh làm những
công việc như truyền thông, chủ lễ (em xi), … cũng là để … kiếm sống thôi. Công
an Việt Nam sau đó cũng chẳng mời cà phê anh H. nữa.
Câu chuyện
đó, tôi nghe một người kể lại, chứ anh H. không nói với tôi. Anh H. rất ghét cộng
sản, anh nói với tôi như vậy. Mỗi lần trái gió trở trời, anh lại bị đau mình
đau mẩy, hậu quả của gần 10 năm bị cộng sản bỏ tù, trong cái gọi là trại cải tạo,
sau năm 1975.
Không rõ
những người như anh H có nhiều không? Nhưng theo quan sát chủ quan của tôi, thì
bây giờ đám công an Hà Nội cũng chẳng mấy để ý đến họ nữa, vì thực ra những hoạt
động của họ gọi là “chống Cộng” cho oai vậy thôi, chứ chẳng mảy may làm suy suyển
chế độ Hà Nội chút nào. Tiền bạc thì không có, người lại càng không, mà ngày
càng già đi, yếu đi, chỉ còn “chống Cộng trên mạng” là chủ yếu.
Hệ thống
công an trị của đảng Cộng sản Việt Nam kiểm soát rất chặt chẽ “cuộc đời thực” của
hơn 90 triệu người Việt Nam, họ biết rằng “các hoạt động chống Cộng” ấy tại hải
ngoại ngày càng yếu đi, có vẻ như chỉ còn là một “hoạt động văn hóa” nhiều màu
sắc vào các ngày lễ Tết, hay ngày 30/4, tại các khu tập trung đông người Việt,
không ảnh hưởng bao nhiêu tới người Việt Nam trong nước. Bởi thế, sau lần “cà
phê” với công an, anh H. cứ tự do thoải mái thăm bạn bè, thoải mái tiêu tiền
dollar.
Mà không
chỉ trong nước, ở hải ngoại, các viên chức ngoại giao Việt Nam cũng bắt đầu
không quan tâm mấy đến các “hoạt động chống Cộng”. Cách đây độ chục năm, một
viên chức ngoại giao Việt Nam mà tôi quen có càm ràm với tôi về một “sự cố” bị
cho là quá khích trước tòa đại sứ Hà Nội ở DC, khi một số người biểu tình tìm
cách kéo lá cờ đỏ xuống. Anh ta nói: “Chúng em (tôi) tôn trọng cờ của các
bác ấy, thì các bác ấy nên tôn trọng cờ của chúng em (tôi) chứ”. Sau đó ít
năm, tôi nghe một nhân viên khác nói một cách tự tin hơn: “Bộ ngoại giao
không đặt ra vấn đề cờ vàng hay cờ đỏ, bảo vệ cờ vàng được hay không là chuyện
của các anh”.
Thế nhưng
hoạt động “chống Cộng trên mạng” lại tạo ra một đánh giá cao quá mức so với thực
tế, vì người “chống Cộng trên mạng” rơi vào cái phòng đồng vọng (echo chamber),
trong những phạm vi bị bọc kín trên mạng xã hội, trong đó chỉ có “ta” và “ta” với
nhau, chứ không có “địch”, không có ý kiến và nhận xét ngược lại. Người ta rất
hào hứng khi một bài viết, một câu mắng mang tính “chống Cộng”, được tung hô,
nhưng không bao giờ đặt ra được câu hỏi, rằng nó tác động được đến bao nhiêu
người Việt trong nước? Chắc chắn không thể bằng VnExpress, hay VTV. Mà thậm chí
người Việt ở hải ngoại chưa chắc đã đọc các bài “chống cộng” nhiều bằng xem
VTV, hay … truyền hình Vĩnh Long.
***
Cách đây
vài năm, có xảy ra vụ bắt cóc ông Trương Duy Nhất ở Thái Lan, làm dấy lên những
chỉ trích là bàn tay lông lá của Hà Nội vươn ra ngoài đàn áp, tấn công những
người hoạt động chống cộng.
Thực ra vụ
ông Nhất có liên quan đến hoạt động “chống tham nhũng”, đả phá phe phái nội bộ
của Đảng CSVN, chứ chả liên quan gì đến chống Cộng. Mà ông Nhất, về nhiều tiêu
chuẩn, lại là một “Cộng” thì đúng hơn là chống Cộng.
Mới đây,
nhân việc thế giới vụ BBC Việt ngữ dự định đưa toàn bộ các bộ phận ngôn ngữ
khác tiếng Anh, ra khỏi nước Anh, trong đó ban Việt ngữ, có lẽ sẽ về Bangkok,
Thái Lan, có một nhà báo BBC Việt ngữ nói với báo Guardian rằng, việc đó
làm cho họ lo ngại về sự an toàn, nói rằng Hà Nội đã từng bắt cóc nhà báo
(Trương Duy Nhất) ở Bangkok. Tôi cho rằng nhà báo nào đó đã hơi tháu cáy, nhằm
mục đích không muốn đi Bangkok, chứ có cả gần chục người quốc tịch Việt Nam làm
việc cho BBC ở Bangkok mấy chục năm qua thì sao!
Giới chức
ngoại giao Việt Nam vẫn theo dõi hoạt động của các tổ chức tại hải ngoại, nhưng
chỉ là những tổ chức có cấu trúc khá chặt chẽ, có hoạt động khá bài bản … nhưng
cũng chỉ theo dõi qua loa thôi, vì không có tổ chức nào chặt chẽ như tổ chức “Đảng
CSVN”, có cả nguồn lực của một quốc gia đằng sau lưng. Họ theo dõi như chỉ là để
có cái mà báo cáo cho giới chức an ninh, chứ chẳng lẽ sa thải hàng ngàn nhân
viên an ninh. Bây giờ họ quan tâm đến … chuyến bay giải cứu, để thu
… tiền tươi thóc thật thôi!
No comments:
Post a Comment