Dân
CH Séc mua xe tăng cho Ukraina để “tặng lại” cho Putin
Chi Phương - RFI / ĐIỂM BÁO
Đăng
ngày: 08/10/2022 - 07:42
Người
dân CH Séc quyên tiền mua xe tăng cho Ukraina để tặng lại Putin. Phần Lan lên kế
hoạch xây rào chắn ở biên giới với Nga. Tại Hoa Kỳ, một báo cáo cho thấy nhiều
cầu thủ nữ bị quấy rối, lạm dụng tình dục. Nhiều thành phố lớn ở Pháp tẩy chay
World Cup 2022 ở Qatar vì tình trạng nhân quyền. Trên đây là những chủ đề chính
của tạp chí thế giới đó đây tuần này.
Xe
tăng T 72 của Nga diễu hành trong ngày Chiến Thắng ở Saint-Petersburg, Nga,
09/05/2022. AP - Dmitri Lovetsky
Chiến dịch mang
một cái tên châm biếm“Quà tặng cho
Putin”, nhằm gây quỹ cho chiến trường Ukraina, đã thu hút sự tham
gia của nhiều cá nhân cũng như tổ chức, doanh nghiệp. Hôm
03/10, số tiền quyên góp đã đủ để mua một chiếc xe tăng hiện đại loại
T73 Avenger, nhằm gửi cho quân Ukraina chống lại lực lượng của tổng thống Nga
Vladimir Putin. Cộng Hòa Séc, thành viên của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO
và Liên Hiệp Châu Âu, đã tích cực giúp đỡ Ukraina kể từ khi cuộc chiến bắt đầu.
Từ Praha, thông tín viên RFI Alexis
Rosenzweig cho biết thêm về chiến dịch này:
“Xe tăng
T-73 Avenger do Liên Xô sản xuất, nhưng đã được hiện đại hoá và được đặt tên là
“Tomas”. Loại xe này trở thành một trong những biểu tượng mới về tình đoàn kết
giữa CH Séc và Ukraina đang bị xâm lược.
Hơn một
triệu rưỡi euro đã được quyên góp từ trang mạng với tên gọi “Quà tặng
cho Putin – vũ khí cho Ukraina”. Trang mạng này cho phép gửi tiền vào thẳng tài
khoản của đại sứ Ukraina ở Praha. Lần này, dưới sự bảo trợ của bộ Quốc Phòng CH
Séc, các khoản quyên góp được nêu rõ là để mua xe tăng Tomas, có thiết bị quan
sát vào ban đêm và được trang bị đạn pháo và drone.
Vào mùa
xuân vừa qua, Praha đã gửi các xe tăng do Liên Xô sản xuất cho Ukraina. Còn xe
Tomas là quà tặng từ hơn 10 ngàn cá nhân và từ các công ty lớn của CH Séc. Xe
tăng sẽ được gửi đến Ukraina vào tháng sau. Đại sứ Ukraina ở Séc cho biết
đã nhận được tổng cộng 9 triệu euro nhằm để hỗ trợ các binh lính đang cố gắng
đẩy lùi quân xâm lược Nga.
Hôm
21/08, đông đảo người dân CH Séc đã quyên góp số tiền mang tính biểu tượng 1968
Koruna (khoảng 80 euro) để đánh dấu kỷ niệm cuộc cách mạng “Mùa xuân Praha” bị
đàn áp bởi các xe tăng do Matxcơva chỉ huy.”
Phần Lan muốn xây tường ở biên giới với
Nga
Sau khi
đóng cửa biên giới với du khách Nga có visa Schengen vào ngày 29/09 vừa qua, Phần
Lan tiếp tục đưa ra các biện pháp cứng rắn hơn với láng giềng có chung 1300 km
đường biên giới. Helsinki lên kế hoạch xây dựng tường ở biên giới với Nga tại
nhiều khu vực. Mặc dù vẫn chưa có báo cáo về việc người Nga vượt biên trái
phép, nhưng cuộc chiến ở sườn đông châu Âu khiến Phần Lan lo ngại phải đối mặt
với cuộc di cư ồ ạt từ Nga vào lãnh thổ nước mình.
Thông tín viên RFI tại Bắc Âu,
Carlotta Morteo tường trình :
“Dài 1300
km, đường biên giới vô hình xuyên qua rừng rậm băng giá và tuyết phủ gần như cả
năm phân định ranh giới giữa Phần Lan và Nga. Không thể và dường như
là vô ích nếu muốn dựng tường trên toàn bộ đường biên giới này. Do đó chỉ
có thể xây tường chắn trên 260 km. Nhà chức tránh Phần Lan cho rằng các
hàng rào gỗ hiện tại có quá nhiều lỗ nhỏ và sẽ thay thế chúng bằng các rào
chắn được giám sát tốt hơn và không thể leo qua dễ dàng.
Đề xuất
này do lực lượng biên phòng đưa ra. Thủ tướng Sanna Marin đã bật đèn
xanh hôm 03/10, nhưng cũng tuyên bố muốn có đồng thuận từ phía Quốc Hội, vì
công trình này có thể tốn kém và kéo dài nhiều năm. Thách thức của Phần Lan là
giảm thiểu nguy cơ an ninh do một cuộc di cư ồ ạt hoặc các phương
pháp chiến tranh hỗn hợp từ Nga. Các chuyên gia về quan hệ quốc tế ước tính rằng
quyết định này có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Phần Lan và Nga. Về phần
mình, thủ tướng Phần Lan đáp lại rằng “chiến tranh đang xảy ra ở châu Âu và
tình hình không thể căng thẳng hơn nữa”.
.
Phụ nữ Ý có nguy cơ bị tước quyền phá thai
Vẫn về thời
sự châu Âu, đảng cực hữu Huynh Đệ Ý ( Fratelli d’Italia), dưới sự lãnh đạo của
bà Giorgia Meloni, đã giành chiến thắng lịch sử trong cuộc bầu cử Quốc Hội vào
cuối tháng 9. Mặc dù loại bỏ quyền phá thai không nằm trong chương trình tranh
cử, nhưng chính trị gia cực hữu này đã nhiều lần tỏ thái độ phản đối việc phá
thai. Điều này có thể đe dọa quyền phá thai của phụ nữ ở Ý. Nhiều phụ nữ
có nguy cơ mất quyền quyết định có sinh con hay không và có thể phải ra nước
ngoài nếu muốn phá thai. Từ Roma, thông tín viên RFI Anne Treca giải thích thêm
:
“Theo đạo
luật 1978, Ý cho phép phá thai khi quá trình mang thai gây nguy hiểm cho thể chất
và tâm lý của người mẹ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là phụ nữ tự động
có quyền phá thai. Bác sĩ có quyền phản đối nếu thấy không đúng
lương tâm. Trên thực tế, khoảng 60 đến 70 % bác sĩ phụ khoa từ chối thực
hiện phá thai, trong khi nhiều bệnh viện không có các dịch vụ phù hợp.
Năm
1989, thuốc phá thai được phép sử dụng đối với phụ nữ bắt đầu mang thai đến tuần
thứ 7. Thế nhưng, một số vùng lại không phân phối loại thuốc này. Vì
những lý do này, tùy theo trường hợp, nhiều phụ nữ gặp khó khăn khi muốn
đi phá thai trong thời gian khuyến nghị. Họ thường phải đi đến những vùng khác
hoặc ra nước ngoài. Luật này đã không được thực thi đúng. Về phần mình, bà
Giorgia Meloni đã tuyên bố phản đối phá thai. Trong chương trình tranh cử, bà bảo
đảm sẽ không thay đổi luật, nhưng bà ủng hộ các biện pháp ngăn ngừa phá
thai, được quy định trong luật 1978.
Đối với
các tổ chức nhân quyền, đây giống như là bước đầu tiên đi đến lệnh cấm phá thai
hoặc cấm dưới một hình thức khác.
Ở Ý,
các dịch vụ y tế thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính địa phương.
Tại Liguria, gần với biên giới Pháp, đảng Fratelli d’Italia của bà
Giorgia Meloni vừa từ chối tham gia biểu quyết một luật của vùng nhằm
bảo đảm quyền phá thai. Tại Piemonte, đảng Fratelli d’Italia muốn hỗ
trợ tài chính cho các phong trào chống phá thai. Tại một vùng khác, một nghị
sĩ bảo thủ đã ngăn cản việc phân phối thuốc phá thai, đặc biệt là trong
các phòng khám tư. Như vậy phải chăng đảng hậu phát xít đã có một
chiến lược cấm phá thai?”
.
Pháp tẩy chay World Cup 2022
Trong tuần
vừa qua, một sự kiện đáng chú ý khác đó là nhiều thành phố lớn ở Pháp như
Paris, Lyon hay Marseille lần lượt thông báo không bố trí các khu vực dành cho
người hâm mộ xem trực tiếp các trận đấu World Cup 2022 như thường lệ. Giải đấu
bóng đá lớn nhất hành tinh năm nay do Qatar tổ chức đã vấp phải nhiều phản đối
và nhiều lời kêu gọi tẩy chay vì lý do nhân quyền từ năm 2021. Quốc gia vùng Vịnh
này bị cáo buộc không bảo đảm điều kiện an toàn lao động cho công nhân trên các
công trường xây dựng nhằm phục vụ sự kiện này.
Tại Paris,
trong các giải đấu lớn, khu vực dành cho người hâm mộ đến theo dõi trực tiếp
các trận đấu thường được tổ chức ở dưới chân tháp Eiffel, được bố trí các
màn hình TV khổng lồ. Phó thị trưởng thành phố Paris, Pierre Rabadan, phát biểu
trước báo chí hôm 04/10 :“Chúng tôi quan tâm đến điều kiện về xã hội và
môi trường đằng sau sự kiện này và Qatar không phải là một hình mẫu đại diện
cho những sự kiện lớn mà Paris muốn quảng bá.”
Tờ nhật
báo Anh The Guardian cho biết kể từ khi Qatar giành được quyền đăng cai World
Cup năm 2010, hơn 6.500 lao động nhập cư đã chết, hầu hết do điều kiện lao động
khắc nghiệt. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (OIT), chỉ riêng trong năm 2020, 50
người đã thiệt mạng và 500 người bị thương khi làm việc tại các công trình phục
vụ cho World Cup.
Trước đó,
vào năm 2021, đội tuyển bóng đá quốc gia Na Uy cũng đã lên tiếng tẩy chay Qatar
bằng cách thay áo đội bóng thành màu đen – màu để tang cho những lao động thiệt
mạng trên các công trường ở Qatar.
.
Nhiều nữ cầu thủ bóng đá ở Mỹ bị quấy rối, lạm
dụng tình dục
Nhìn sang
châu Mỹ, báo cáo do bộ Tư Pháp Hoa Kỳ và công ty luật King & Spalding thực
hiện trong vòng một năm được công bố vào ngày 03/10 đã làm rúng động làng thể
thao Hoa Kỳ. Báo cáo dài 172 trang, mô tả chi tiết tình trạng các huấn luyện
viên quấy rối, lạm dụng tình dục các nữ cầu thủ bóng đá, thuộc Liên đoàn bóng
đá nữ Bắc Mỹ. Báo cáo cũng chỉ ra rằng các lãnh đạo trong ngành phớt lờ và
không có hành động gì mặc dù đã có nhiều khiếu nại.
Từ Washington, thông tín viên
RFI Guillaume Naudin đưa thêm thông tin chi tiết về nội dung của báo
cáo:
“Cuộc điều
tra đưa ra những kết luận đau lòng, phẫn nộ và vô cùng đáng lo ngại”, theo lời
của chủ tích Liên đoàn bóng đá Mỹ Cindy Parlow. Bà cũng là người đã yêu cầu thực
hiện báo cáo này vào năm ngoái trong cuộc họp báo khi nhậm chức, sau khi người
tiền nhiệm của bà rời khỏi vị trí chủ tịch. Báo cáo này được giao cho một cựu
quan chức cấp cao của bộ Tư Pháp Hoa Kỳ, xác nhận các cáo buộc về các hành vi
sai trái, quấy rối và tấn công tình dục của nhiều huấn luyện viên đối với nhiều
nữ cầu thủ trong các câu lạc bộ, dù là trong các đội tuyển hàng đầu, hay các đội
bóng đá trẻ.
Báo cáo
đưa ra những tiết lộ mới và nhắm vào 3 huấn luyện viên cụ thể. Kể từ đó, 3 người
này đã bị tước bằng. Ngoài ra, báo cáo cũng khẳng định rằng các câu lạc bộ đã cố
tình cản trở điều tra. Báo cáo kết luận rằng các hành vi sai trái và hành hung
xảy ra khắp nơi và có hệ thống, ở cấp cao nhất của bóng đã nữ chuyên nghiệp.
Các cơ quan và các lãnh đạo của đội bóng đã nhiều lần bỏ qua các lời cảnh báo
hoặc trừng phạt các huấn luyện viên lạm dụng nữ cầu thủ. Cuối cùng, báo cáo đưa
ra các khuyến nghị cho tương lai. Từ nay, các lãnh đạo sẽ quyết định điều nào sẽ
được áp dụng.”
-------------------------------
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
THẢM
HỌA HẠT NHÂN - CHIẾN TRANH UKRAINA
Chiến
tranh Ukraina: Các kịch bản Nga sử dụng vũ khí hạt nhân
Sau
những thất bại liên tiếp tại Ukraina, quân đội Nga bị dồn vào chân tường
Chiến
tranh cường độ cao : Pháp có đủ sức chống chọi lâu dài ?
No comments:
Post a Comment