Friday 14 October 2022

CHÍNH PHỦ VIỆT NAM CẦN NHẬN THỨC ĐÚNG về QUYỀN CON NGƯỜI khi CHÍNH THỨC LÀ THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN LHQ (RFA)

 



Chính phủ Việt Nam cần nhận thức đúng về quyền con người khi chính thức là thành viên HĐNQ

RFA
2022.10.14

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-urged-to-correctly-understand-human-rights-after-being-elected-in-human-rights-council-10142022074320.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-urged-to-correctly-understand-human-rights-after-being-elected-in-human-rights-council-10142022074320.html/@@images/74c5dd13-30d4-44e8-a687-d3f4df636928.jpeg

Phiên họp tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hôm 10/10/2022 (hình minh họa).  AFP

 

Giới hoạt động nói Việt Nam cần thay đổi nhận thức về nhân quyền để cải thiện hồ sơ nhân quyền của quốc gia và đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế trên cương vị là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc trong nhiệm kỳ 2023-2025.

 

Mặc dù có hồ sơ nhân quyền tồi tệ, Việt Nam hôm 11/10 vẫn được 145 trên tổng số 189 nước trong Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc bầu vào Hội đồng Nhân quyền trong hai năm tới.

 

 

Nhận thức nhân quyền của Việt Nam cách biệt so với thế giới

 

Một số nhà hoạt động nhân quyền, dân chủ ở trong nước cho rằng, hiện nay nhận thức về nhân quyền của Nhà nước Việt Nam khác xa so với các nước dân chủ phát triển.

 

Trong tin nhắn gửi tới Đài Á Châu Tự Do (RFA), một nhà hoạt động nhân quyền ở Hà Nội nói trong điều kiện ẩn danh:

 

“Điều quan trọng cần phải làm là thay đổi tư duy, quan điểm của giới cầm quyền Việt Nam về vấn đề nhân quyền. Họ phải coi nhân quyền là chìa khóa để giải quyết mâu thuẫn trong xã hội, khoan dung với nhau, xóa bỏ hận thù và phát triển đất nước.”

 

Đại sứ tại Liên Hiệp Quốc, ông Đặng Hoàng Giang khi nói về các khó khăn trong quá trình tranh cử cho rằng, cách tiếp cận về vấn đề quyền con người giữa các nước còn nhiều khác biệt và để đi tìm được mẫu số chung mà các nước có thể chấp nhận được và thấy Việt Nam có thể đóng góp được là một vấn đề khó khăn.

 

Trong cuộc trả lời phỏng vấn của Báo Quốc tế, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, Việt Nam “sẽ cùng các nước thành viên thúc đẩy các sáng kiến, giải pháp trong các lĩnh vực như quyền được sống trong hòa bình, quyền phát triển, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, bình đẳng giới, quyền tiếp cận y tế, giáo dục, việc làm, ứng phó với biến đổi khí hậu, dịch bệnh…”

 

Tuy nhiên, theo một số tổ chức nhân quyền quốc tế “quyền phát triển” và “quyền hòa bình” do chính quyền Hà Nội cổ suý là mơ hồ và được đặt lên trên các quyền con người phổ quát.

 

Ông Triệu Anh (đã đổi tên vì lý do an toàn), một người hoạt động khác ở Hà Nội, khẳng định Việt Nam cần phải tôn trọng luật và thực thi nó một cách ráo riết, bên cạnh việc thực thi nhiều biện pháp để cải thiện hồ sơ nhân quyền của quốc gia. Ông viết trong tin nhắn gửi tới RFA:

 

“Để cải thiện cần phải tạo khuôn khổ pháp lý, hay nói cách khác đơn giản là tôn trọng Hiến pháp để dân có thể thực hiện các quyền tự do ngôn luận theo khuôn khổ Hiến pháp hiện hành."

 

Hồi cuối tháng 3 năm nay, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị mà Chính phủ Hà Nội chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR) chu kỳ III.

 

Chính quyền Việt Nam từ chối thực hiện 50 khuyến nghị trên tổng cộng gần 300 khuyến nghị mà các nước đưa ra trong phiên điều trần UPR trước Liên Hiệp quốc hồi năm 2021.

 

Đáng chú ý có khuyến nghị của đại diện chính phủ Cộng hòa Séc, yêu cầu tạo điều kiện cho đa nguyên, đa đảng và đảm bảo bầu cử dân chủ, tuy nhiên lại bị từ chối và giải thích rằng "chưa phù hợp với chính sách, pháp luật và điều kiện thực tiễn" ở Việt Nam.

 

 

Cần có bầu cử tự do, chấm dứt "bịt miệng" giới bất đồng chính kiến

 

Khi được hỏi, Chính phủ phải làm gì để thực hiện trách nhiệm nêu gương khi đã chính thức là thành viên Hội đồng Nhân quyền, Tiến sỹ Nguyễn Phú Hải - Đại tá quân đội về hưu nói với RFA rằng, Đảng Cộng sản cần trả tự do cho tù nhân lương tâm, sửa đổi hay xóa bỏ các điều luật mơ hồ trong Bộ luật Hình sự dùng để đàn áp giới bất đồng chính kiến.

 

Cũng theo ông Hải, chính quyền cần cầu thị tiếp thu ý kiến phản biện của người dân, và phải thực sự tự do trong bầu cử chính quyền các cấp, cho phép người dân trực tiếp giám sát các cuộc bỏ phiếu chứ không thông qua Mặt trận Tổ quốc.

 

Còn theo ông Triệu Anh, trong nhiều năm gần đây, chính quyền liên tục giới hạn không gian dân sự và đàn áp nhân quyền, thực hiện nhiều vụ bắt bớ lan sang các tổ chức phi chính phủ có đăng ký hợp pháp và thậm chí cả dân thường. Ông nói:

 

“Việt Nam cần dừng ngay việc bắt bớ những người thực thi quyền tự do ngôn luận trên mạng và ngoài đời.

 Để cho xã hội dân sự tự do thành lập và hoạt động mà không cấm cản, cho báo chí tư nhân được thành lập để hoạt động chuyên nghiệp hơn.

 Không được cấm xuất cảnh đối với các nhà hoạt động khi họ muốn ra nước ngoài để học tập hay tham dự sự kiện.”

 

Hồi cuối tháng 9 vừa qua, luật sư Võ An Đôn bị cơ quan an ninh cấm xuất cảnh ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất khi ông cùng gia đình lên chuyến bay tới Hoa Kỳ để tị nạn chính trị.

Chính phủ Việt Nam khi phản hồi những báo cáo của các tổ chức nhân quyền quốc tế hay của chính phủ các nước tự do thường cho rằng, quốc gia này không có tù nhân lương tâm, họ chỉ bỏ tù những cá nhân vi phạm pháp luật.





No comments:

Post a Comment

View My Stats