Bất
nhất về thời hiệu hồi tố kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm
RFA
2022.10.25
Lãnh đạo Bộ Nội vụ Việt Nam mới đây cho rằng ‘không
nên hồi tố thời hiệu kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức’. Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Phạm Thị Thanh Trà phát biểu như vừa nêu khi
cùng các đại biểu Quốc hội thảo luận về áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật đối với
cán bộ, công chức, viên chức hôm 24/10/2022.
https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/conflicting-statute-of-limitations-for-disciplining-violators-10252022123440.html/@@images/be5bd8b1-99b4-4c7e-9a13-d13d6024faca.jpeg
Ảnh minh họa: Phiên tòa xét xử
một số cán bộ nhà nước vi phạm pháp luật trước đây. AFP PHOTO
Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức năm
2019, quy định thời hiệu khiển trách với cán bộ vi phạm là hai năm và cảnh cáo
năm năm. Quy định này khác với kỷ luật Đảng: cán bộ đảng viên vi phạm sẽ bị kỷ
luật khiển trách trong thời hiệu năm năm, đối với phạt cảnh cáo thì thời hiệu
10 năm.
Khác biệt này đồng nghĩa với việc, về mặt
chính quyền, nếu hành vi vi phạm không bị phát hiện trong hai năm thì hết thời
gian này, công chức sẽ không bị xử lý kỷ luật nữa, dù về mặt Đảng vẫn bị xử
lý.
Cựu Trung tá quân đội Vũ Minh Trí nói với RFA về quan điểm của ông hôm 25/10:
“Theo tôi, xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức
theo Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức năm 2019, không hồi tố theo các
quy định của Đảng Cộng sản, là đúng. Hồi tố theo các quy định của Đảng Cộng sản
tức là đặt các quy định ấy cao hơn Luật Cán bộ, công chức và Luật viên chức năm
2019. Đó cũng chính là biểu hiện của xu hướng “đảng trị”, đặt Cương lĩnh của Đảng
cao hơn Hiến pháp, đặt các điều lệ, nghị quyết của Đảng cao hơn pháp luật. Nó
đi ngược lại mong muốn về một nhà nước pháp quyền.”
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia Việt Nam, khi trao đổi với RFA
tối 25/10 cũng cho rằng không nên hồi tố:
“Theo tôi phải có quy định, tức là kể từ ngày ban
hành văn bản có hiệu lực thì không nên hồi tố lại. Thời hiệu nên thống nhất giữa
chính quyền và của Đảng, mình không nên hồi tối bởi vì văn bản quy phạm pháp luật
đã được ban hành và kể từ ngày có hiệu lực cho nên không thể hồi tố.”
Cũng tại buổi thảo luận hôm 24/10, Đại biểu Quốc
hội Phạm Văn Hòa thuộc đoàn Đồng Tháp cho rằng quy định xử lý kỷ luật về mặt
hành chính thời gian qua còn bất cập. Theo ông Hòa, phía Đảng xử lý rất nghiêm,
nhưng bên chính quyền lại xử lý rất chậm. Vì quy định thời hiệu kỷ luật ngắn
nên không xử lý kỷ luật được vì đã hết thời hiệu.
Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường từ năm 2002 đến năm 2007,
khi trả lời RFA liên quan vấn đề này hôm 25/10 lại ủng hộ việc ‘hồi tố’:
“Tôi cho rằng thời hiệu kỷ luật thì phải nhất quán với
nhau. Tức là đã là cán bộ Nhà nước, dù cán bộ đảng hay cán bộ về phía chính quyền
có thành tích thì khen thưởng phải tương đương. Ngược lại khi vi phạm pháp luật
thì hình phạt và thời hạn của việc áp dụng hình phạt cũng phải tương đương. Nói
cách khác là nếu đã quy định chung thống nhất thì việc hồi tố là nên áp dụng.”
Đội ngũ tham gia phục
vụ Đại hội Đảng 13 ở Hà Nội hôm 29/1/2021 (minh họa). AFP
Khoản 1 Điều 78 Luật cán bộ, công chức 2019
quy định tuỳ thuộc theo tính chất, mức độ vi phạm quy định của Luật Cán bộ,
công chức và các quy định khác có liên quan thì cán bộ phải chịu một trong những
hình thức kỷ luật gồm: Khiển trách; Cảnh cáo; Cách chức…
Luật Cán bộ, Công chức 2019 cũng quy định việc
xử lý kỷ luật đối với cán bộ công chức phải đảm bảo được thực hiện đúng thời hạn
và đúng thời hiệu. Theo đó, thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm
có hành vi vi phạm, khi hết thời hiệu đó thì cán bộ, công chức có hành vi vi phạm
không bị xem xét xử lý kỷ luật.
Còn thời hạn xử lý kỷ luật đối với cán bộ,
công chức được quy định không quá hai tháng, là khoảng thời gian từ khi phát hiện
hành vi vi phạm kỷ luật của cán bộ, công chức đến khi có quyết định xử lý kỷ luật
của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Thời hiệu xử lý kỷ luật về Đảng là thời hạn mà
khi hết thời hạn đó thì đảng viên có hành vi vi phạm không bị xử lý kỷ luật. Cụ
thể, thời hiệu xử lý kỷ luật đảng là năm năm đối với những hành vi vi phạm đến
mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách. Và 10 năm đối với những hành vi vi
phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức.
Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, nên sửa đổi Luật Cán bộ, Công chức; Luật Viên chức hoặc sửa đổi quy định
bên phía Đảng để đồng bộ với nhau:
“Theo tôi nên sửa đổi để thống nhất giữa hai bên, bởi
vì về mặt chính quyền bên nào phát hiện trước thì bên đó xử lý. Khi xử lý về mặt
Đảng thì về mặt chính quyền cũng nên xử lý, nơi nào phát hiện sai phạm trước
thì nơi đó thụ lý giải quyết. Mình không nên có sự phân biệt giữa chính quyền
và Đảng, phải xử lý đồng bộ giữa hai bên. Trừ một số các trường hợp như là về
tài sản tham nhũng, nên quy định những tài sản nhà nước thì có hồi tố lại tài sản
sản chiếm đoạt, còn những trường hợp khác như về ý thức tổ chức thì tôi thấy
không nên hồi tố.”
Còn theo Giáo sư Đặng Hùng Võ thời hiệu
kỷ luật nên kéo dài và cần thiết là phải thống nhất. Ông giải thích thêm:
“Cán bộ của Đảng thì cũng là cán bộ Nhà nước, chính
quyền là hệ thống hành chính, bên Quốc hội cũng là cán bộ Nhà nước… thế thì
tính thống nhất trong việc xử lý khi có vi phạm pháp luật là phải thống nhất.
Đây là tư duy mang tính nhất quán, nếu áp dụng lệch nhau thì đâm ra có sự phân
biệt đối xử giữa khu vực này hay khu vực kia, khi cả hai khu vực đều là kênh
nhà nước, đều là những người phục vụ công. Theo như thế thì phải sửa đổi lại
sao cho tính công bằng được đảm bảo.”
Giáo sư Đặng Hùng Võ cho rằng, cải cách Luật
cán bộ, Công chức và quy định kỷ luật về phía Đảng cho giống nhau, cùng thời hiệu…
thì sẽ chỉ tốt hơn, chứ không có vấn đề gì xấu hơn phải lo ngại.
No comments:
Post a Comment