Sunday, 23 October 2022

ĐẤT NƯỚC KHỦNG HOẢNG, AI LẠI MONG LÀM THỦ TƯỚNG NƯỚC ANH? (Laura Kuenssberg / BBC)

 



NỘI DUNG :

 

Đất nước khủng hoảng, ai lại mong làm Thủ tướng Anh?

Laura Kuenssberg,  BBC

.

Bà đầm ‘tép’ và nước Anh tứ bề bất ổn

Nguyễn Hùng

 

======================================================

.

.

Đất nước khủng hoảng, ai lại mong làm Thủ tướng Anh?

Laura Kuenssberg

BBC

23 tháng 10 2022, 02:08 +07

https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c194we9lnw3o

 

Tại sao còn có ai - đặc biệt là những người đang tìm cách lãnh đạo Đảng Bảo thủ - lại muốn trở thành thủ tướng Anh? 

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/facd/live/2aa7f880-523c-11ed-ac87-630245663c6a.jpg.webp

Hình chụp bên ngoài văn phòng Thủ tướng Anh, số 10 Phố Downing, London ngày 21/10

 

Chà, bạn sẽ có một ngôi nhà sang trọng ở trung tâm London, hàng trăm nhân viên, phương tiện đi lại riêng và được trò chuyện với Nhà vua hàng tuần. 

 

Bạn thậm chí có cơ hội để làm một số điều tốt và cải thiện cuộc sống của mọi người. Và dù bất cứ điều gì xảy ra, bạn sẽ có một vị trí trong lịch sử. 

 

Nhưng tại sao, ngay bây giờ, có ai lại muốn trải qua một cuộc bầu cử lãnh đạo đảng Bảo thủ để họ có thể lên đỉnh cao chính trường? 

 

Khi tôi hỏi câu hỏi này với một cựu nhân viên văn phòng thủ tướng có kinh nghiệm, câu trả lời là: "Thực lòng tôi không thể trả lời được."

 

Đứng đầu danh sách các vấn đề khủng khiếp đang chờ đợi vị thủ tướng tiếp theo là việc nền kinh tế Vương quốc Anh đang gặp khó khăn. 

 

Đất nước đang trở nên nghèo hơn và công chúng đang cảm thấy điều đó - hay như một bộ trưởng nội các nói: "Chúng ta có tất cả các vấn đề giống như trước đây và lại còn có một cuộc khủng hoảng kinh tế."

 

Sự lộn xộn được tạo ra bởi chính quyền Liz Truss tồn tại trong thời gian ngắn đã đưa phe Bảo thủ vào rắc rối. Các quyết định của bà và rồi từ bỏ quyết định sau đó đã khiến Vương quốc Anh bị thị trường tài chính coi thường.

 

Các gia đình và công ty có thể gặp khó khăn hơn trong việc kiếm sống và nhiều người trong số họ sẽ đổ lỗi cho đảng Bảo thủ về những khó khăn. 

 

Và bất kỳ ai đi vào văn phòng Thủ tướng sẽ có ít tiền hơn trên thực tế để phân bổ cho các dịch vụ công.

 

Y tế công đang tổn thương nghiêm trọng, cũng như các dịch vụ dành cho người lớn tuổi và những người khuyết tật. Giáo dục đang vật lộn để bắt kịp sau Covid.

 

Giao thông công cộng đang khó khăn và có những vấn đề khó trong việc xây dựng nhà cửa, cũng như những thách thức của biến đổi khí hậu và cung cấp năng lượng.

 

Ở ngoại quốc, dĩ nhiên Vương quốc Anh ủng hộ Ukraine - nhưng vẫn chưa có câu trả lời về việc cuộc chiến sẽ diễn ra trong bao lâu hoặc kết thúc như thế nào. 

 

Anh và các đồng minh nên đối phó với Trung Quốc như thế nào?

 

Trên lý thuyết, thủ tướng mới sẽ có khả năng chính trị để bắt đầu giải quyết những vấn đề đó bởi vì đảng Bảo thủ đang chiếm đa số rất lớn trong Quốc hội. 

 

Nhưng đang có những cuộc tranh cãi nội bộ trong đảng, thành ra tỉ lệ đa số ấy chỉ là trên giấy.

 

Lúc này, tính cách cá nhân của các ứng cử viên tranh chức thủ tướng trở thành yếu tố nổi trội.

 

Một trong những nhân vật lớn nhất chính là Boris Johnson – mới bị các bằng hữu trong đảng buộc thôi việc vào mùa hè này.

 

Một cựu bộ trưởng lo lắng: "Một nửa đảng sẽ khó chịu và 90% đất nước sẽ thất vọng." 

 

Một nghị sĩ khác nói: "Tôi cứ nghĩ rằng mình đang ở trong một cơn ác mộng không bao giờ kết thúc, sau đó tôi nhận ra rằng thực sự là vậy chứ còn chi nữa. Tôi tiếp tục hỏi các đồng nghiệp của mình xem họ có bị mất trí nhớ không."

 

Boris Johnson rõ ràng là chính trị gia nổi tiếng nhất hiện nay. 

 

Nhưng nhiều đồng nghiệp của ông ấy tin rằng bây giờ đó là sự ô nhục chứ không phải sự ngưỡng mộ.

 

Lần trước ông ta không thể duy trì đoàn kết dưới sự lãnh đạo của mình, vậy tại sao bây giờ lại có cơ hội?  

 

Nhưng cũng có một rủi ro tương đương đối với cựu bộ trưởng tài chính Rishi Sunak - người có khả năng trở thành ứng cử viên yêu thích của các nghị sĩ. 

 

Một số người đổ lỗi cho ông vì sự ra đi của ông Johnson và có thể không bao giờ hoàn toàn chấp nhận ông làm lãnh đạo nếu ông thắng.

 

Vì thế những người ủng hộ Penny Mordaunt tin rằng bà ấy có thể giành chiến thắng.

 

Nhưng không bị ai ghét thì cũng chưa chắc có nghĩa là bạn sẽ được ưa thích.

 

Vậy tại sao có ai lại muốn làm Thủ tướng? 

 

Đó là chính trị. Sự pha trộn giữa lời kêu gọi thánh thiện về sự phục vụ và lòng ham muốn thấp kém của tham vọng. 

 

Hay như một cựu bộ trưởng cấp cao nói: "Luôn có ai đó trong đảng Bảo thủ tin rằng họ là người có thể dẫn dắt mọi người đến miền đất hứa."

 

-----------------------------

TIN LIÊN QUAN

 

Người Anh chờ đợi liệu ông Boris Johnson có tranh chức Thủ tướng

22 tháng 10 năm 2022

.

Liz Truss: Tóm lược sự nghiệp chính trị của thủ tướng Anh tại vị ngắn nhất

22 tháng 10 năm 2022

.

Thủ tướng Anh: Ai có thể thay thế Liz Truss?

21 tháng 10 năm 2022

.

Thủ tướng Anh, bà Liz Truss 'từ chức sau 45 ngày tại vị', đồng bảng lên giá

20 tháng 10 năm 2022

.

 

================================================

.

.

Bà đầm ‘tép’ và nước Anh tứ bề bất ổn

Nguyễn Hùng

22/10/2022

https://www.voatiengviet.com/a/ba-dam-tep-va-nuoc-anh-tu-be-bat-on/6801079.html

 

Với sự từ chức của bà Truss hôm 20/10, nước Anh chuẩn bị đón thủ tướng thứ năm trong vòng sáu năm.

 

https://gdb.voanews.com/80470000-c0a8-0242-912f-08dab388747c_w1023_r1_s.jpg

Bước vào phủ thủ tướng với tham vọng trở thành bà đầm thép thứ hai của nước Anh sau Margaret Thatcher nhưng cuối cùng Thủ tướng Liz Truss chẳng khác gì bà đầm tép diu.

 

Bước vào phủ thủ tướng với tham vọng trở thành bà đầm thép thứ hai của nước Anh sau Margaret Thatcher nhưng cuối cùng Thủ tướng Liz Truss chẳng khác gì bà đầm tép diu.

 

Bà tại vị chỉ có 45 ngày và trở thành thủ tướng tại vị ngắn ngày nhất ở Anh Quốc trong vài trăm năm qua. Nhiệm kỳ của bà ngắn tới mức lãnh đạo các đảng đối lập đang kêu gọi bà từ chối phụ cấp lên tới trên 115.000 bảng mỗi năm dành cho các cựu thủ tướng.

 

Với sự từ chức của bà Truss hôm 20/10, nước Anh chuẩn bị đón thủ tướng thứ năm trong vòng sáu năm. Đây quả là kỷ lục của sự bất ổn nếu so với chuyện Thủ tướng Tony Blair của Anh tại vị tới 10 năm, từ năm 2007-2017.

 

Điều kỳ lạ là tất cả bốn thủ tướng bị buộc phải từ chức gần đây nhất của Anh đều tự gây hoạ vào thân.

 

Thủ tướng David Cameron tổ chức trưng cầu dân ý hồi năm 2016 và khuyến cáo người dân ở lại EU nhưng đa số không nghe và ông từ chức. Ông không nhất thiết phải tổ chức trưng cầu dân ý nhưng có vẻ muốn làm vậy để giải quyết những bất đồng trong chính Đảng Bảo thủ của ông về chuyện rời hay ở lại EU.

 

Người kế nhiệm ông Cameron, Bà Theresa May, ngay lập tức tổ chức bầu cử sớm trong năm 2017 với mục tiêu tăng đa số trong Nghị viện. Nhưng thực tế cho thấy bà lạc quan tếu và đa số của bà bị giảm chứ không tăng. Kết quả là bà cũng chật vật trong nhiệm kỳ thủ tướng khi không có được đa số ủng hộ kế hoạch rời EU của bà và cuối cùng bà cũng từ chức.

 

Thủ tướng Boris Johnson, người lên thay bà May, rất may mắn khi thắng cử vang dội hồi năm 2019, nhưng ông bị cáo buộc nói dối như cuội bên cạnh việc bổ nhiệm người từng sàm sỡ nam giới vào một vị trí quan trọng. Ông Johnson từ chức hồi giữa năm nay.

 

Thủ tướng mới nhất, Liz Truss, ngay trong quá trình vận động đảng viên Bảo thủ bỏ phiếu cho bà hồi mùa hè đã bị tố cáo sống trong thế giới cổ tích về kinh tế. Nhưng bà quá ngạo mạn và muốn chứng tỏ kế hoạch giảm thuế của bà không viển vông như đối thủ của bà tố cáo.

 

Cuối cùng bà đã “chết” dưới tay thị trường khi các tay buôn vội vã bán đi trái phiếu chính phủ và cổ phiếu của các công ty Anh vì kinh hãi trước chính sách đi vay để giảm thuế của thủ tướng tay mơ.

 

Ngoại trừ trường hợp Đảng Bảo thủ bỏ qua được các khác biệt cá nhân để ủng hộ người hiểu biết về kinh tế bậc nhất trong đảng, cựu Bộ trưởng Tài chính gốc Ấn Rishi Sunak, trở thành thủ tướng, khó biết được những bất ổn kinh tế hiện nay, trong đó có lạm phát và lãi suất tiền vay mua nhà đều đang ở mức cao, sẽ kéo dài bao lâu.

 

Đảng Bảo thủ ở Anh cầm quyền trong 12 năm qua và nếu bầu cử diễn ra vào lúc này, khả năng họ thất cử gần như chắc chắn.

 

Người dân còn chưa quên những buổi tiệc mà quan chức chính phủ tổ chức giữa đại dịch trong lúc bắt họ phải cách ly thì đã lại phải chịu mức tiền nhà lên cao và đồng tiền mất giá thêm chỉ vì chính sách kinh tế xa rời thực tiễn của thủ tướng mới.

 

Dân chẳng bao giờ quên và người ta có thể đoán trước số ngày cầm quyền còn lại của Đảng Bảo thủ, dù nó vẫn có thể tính bằng năm vì họ sẽ không buộc phải tổ chức bầu cử cho tới tháng 1/2025.

 

Nước Anh vẫn đang định hình lại quan hệ với thế giới và EU sau Brexit, Scotland đang muốn độc lập và Anh cũng đang bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến Nga-Ukraine. Cộng thêm với những vết thương tự gây ra cho bản thân, Anh cần một thủ tướng xuất chúng. Hiện không có nhân vật nào trong chính trường có tầm vóc như thế nhưng thời thế cũng có lúc tạo anh hùng.

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats