Friday, 21 October 2022

ĐẠI HỘI 20 ĐẢNG CỘNG SẢN TRUNG QUỐC và ẢNH HƯỞNG NHẤT ĐỊNH ĐẾN VIỆT NAM (Nguyễn Việt Trung, RFA)

 



Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc và ảnh hưởng nhất định đến Việt Nam

Bình luận của Nguyễn Việt Trung
2022.10.21

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/chinese-communist-party-congress-and-its-effects-on-vn-10212022124141.html

 

Khái niệm “nhất định” ở đây có ý nghĩa “kép”. Một sự kiện lớn như thế “sát nách” Việt Nam, nhất định (surely) là có ảnh hưởng rồi. Nhưng ảnh hưởng ấy quy mô cỡ nào thì ngay bây giờ khó có câu trả lời chuẩn xác. Cũng đành “wait and see” và trong trường hợp tối ưu, bài viết chỉ có thể đề cập đến những khả năng “nhất định” (certain) nào đó, chứ chưa thể kết luận một cách rốt ráo được.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/chinese-communist-party-congress-and-its-effects-on-vn-10212022124141.html/@@images/59456ee2-e58f-4be1-bd0e-ef14f57e178c.jpeg

Người dân Trung Quốc đứng xem Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại Đại hội lần thứ 20 Đảng CS Trung Quốc qua màn hình lớn ở đường phố Thượng Hải hôm 16/10/2022.   AFP

 

Đưa “gene đỏ” vào máu và tim

 

Đường hướng trị quốc của ba thế hệ tiền bối trước ông Tập Cận Bình (Đặng – Giang – Hồ) dường như đều xem nhẹ chủ thuyết Mác – Lê mà coi trọng vai trò thị trường trong kinh tế và theo đuổi một chính sách đối ngoại tối ưu hóa việc Trung Quốc tham gia vào trật tự kinh tế thế giới do các nước văn minh cầm đầu. Từ khi lên cầm quyền năm 2012, Tập Cận Bình đột ngột chấm dứt kỷ nguyên quản trị thực dụng mà ông cho là phi lý luận ấy. Thay vào đó, ông Tập cho phát triển một hình thức mới của chủ nghĩa dân tộc theo tư tưởng mác-xít, định hình cách thức thể hiện bản chất của một nền chính trị, kinh tế và chính sách đối ngoại đặc thù Trung Quốc. Họ Tập đẩy nội trị, đặc biệt xây dựng kinh tế theo hướng khuynh tả của chủ nghĩa Marx – Lenin và đối ngoại theo cánh hữu của chủ nghĩa dân tộc. Đại hội 20 Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tái khẳng định đường hướng này, nhấn mạnh tính kế tục chứ không đề cập đến bất cứ thay đổi lớn nào về đường lối. (1)

 

Đại hội 20 vừa qua là cơ hội để Tập Cận Bình tái thực thi tham vọng phục hưng Trung Hoa. Tuy nhiên, các diễn biến gần đây, các bài học của chiến tranh Ukraine, cũng như suy giảm kinh tế của Trung Quốc sau đại dịch, chắc chắn sẽ khiến ban lãnh đạo mới phải tính lại chính sách để đối phó với rủi ro và thách thức trong một thế giới biến động khôn lường. Suốt hơn hai thiên niên kỷ, các hoàng đế của Trung Hoa là tâm điểm của nhà nước và sự tôn kính của công chúng và là nhân vật trung tâm trong hệ thống đối ngoại. Khi “đế chế Trung Hoa” trỗi dậy trở lại, thì một vị hoàng đế mới cũng xuất hiện. Đó chính là tầm vóc Tập Cận Bình đã giành được tại Đại hội Đảng vừa kết thúc ở Bắc Kinh. Các cuộc họp chính trị này tiết lộ với quốc gia và thế giới về những người chiến thắng trong cuộc giành giật ở hậu trường. Lần này, ông Tập, Tổng bí thư ĐCSTQ từ 2012 và là Chủ tịch nước từ năm 2013 đã đi chệch khỏi tiền lệ hiện đại, với yêu cầu tái nhiệm lần thứ ba. Điều này khiến ông nắm quyền cho đến năm 2027, và rất có thể ông Tập sẽ cầm quyền vô thời hạn. Vì vậy, Đại hội 20 giống như một “lễ đăng quang” hơn là Đại hội của ĐCSTQ. (2)

 

Trong diễn văn dài 104 phút, Tập Cận Bình hoàn toàn tin tưởng vào địa vị lãnh đạo vững chắc của mình và địa vị của Trung Quốc với sản lượng kinh tế $17.7 ngàn tỷ mỹ kim và giao thương với 120 quốc gia khác, trên con đường làm bá chủ thế giới. Chỉ có một dấu hiệu bất ổn: Bản báo cáo kinh tế đáng lẽ được đưa ra trong kỳ đại hội này đã bị hoãn lại, không nêu lý do. World Bank tiên đoán kinh tế Trung Quốc năm nay sẽ chỉ gia tăng được 2.9%, thấp hơn tỷ số 5.9% trong năm 2021. Sau 10 năm cầm quyền, Tập Cận Bình làm cho Trung Quốc giảm bớt cơ hội tiến xa hơn. Bất cứ một chế độ độc tài nào cũng rơi vào thứ cạm bẫy như vậy, tự đẩy mình vào chân tường, vì không chấp nhận các ý kiến khác biệt. Tuy vậy, Tập Cận Bình chưa yên tâm, tiếp tục dùng chiến dịch chống tham nhũng để loại trừ các đối thủ. Theo “Wall Street Journal”, trong số 281 thành viên Thường vụ Tỉnh ủy, hiện nay tất cả đều là tay chân của Tập, trừ bảy người! Năm ngoái, trong khi “đóng cửa” cả nước để ngăn bệnh dịch COVID, Tập Cận Bình vẫn thanh trừng 627,000 đảng viên, nhiều gấp bốn lần con số bị bắt năm 2012 khi Tập mới lên nắm quyền. (3)

 

Đối với ông Tập, ĐCSTQ là Chúa trời. Cựu thủ tướng Úc Kevin Rudd khẳng định từ cuối nhiệm kỳ đầu tiên, ông Tập rõ ràng đã biến ĐCSTQ thành một thứ Giáo hội cao cấp của một đức tin thế tục được hồi sinh. Cuối năm 2019, ông Tập mở một chiến dịch giáo dục toàn đảng có tiêu đề “Đừng quên mục đích ban đầu của Đảng, hãy ghi nhớ sứ mệnh”. Theo một tài liệu chính thức được công bố, mục tiêu của sáng kiến này là nhằm để các đảng viên được mài dũa lý luận và “được rửa tội về hệ tư tưởng và chính trị”. Truyền thông quốc tế đã nghiên cứu các trang “Nhân dân Nhật báo” (People's Daily) để nhận diện một số thuật ngữ phổ biến định hình thời đại của Tập. “Nhà lãnh đạo cốt lõi” liên quan đến ông Tập xuất hiện từ năm 2016. ĐCSTQ hướng tới nền lãnh đạo được cá nhân hóa hơn và quay trở lại việc sùng bái cá nhân. Tập Cận Bình thường xuyên kêu gọi nam phụ lão ấu đất nước “đưa gene đỏ vào máu và trái tim” để “quốc gia đỏ này” có thể được truyền đi qua các thế hệ. (4)

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/chinese-communist-party-congress-and-its-effects-on-vn-10212022124141.html/2022-10-17t230041z_312372063_rc222x9113tj_rtrmadp_3_china-congress-gender.jpg/@@images/c65f747a-5cd9-463b-9826-cc18e46f3ee6.jpeg

Chủ tịch Tập Cận Bình tại lễ khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 ở Bắc Kinh hôm 16/10/2022. Reuters

 

Các cú “đánh úp” tiếp theo sẽ là gì?

 

Như đã thấy qua Đại hội 20, ông Tập cho lấp đầy đội ngũ lãnh đạo của Đảng bằng những người trung thành với mình, và ông vẫn là một “Hoàng đế” không có người kế vị. Tới đây sẽ là thời kỳ tranh chấp bất ổn, vì nhiều quan chức sẽ ganh đua để kế vị Tập. Các chính sách vi mô ngày càng khó lường, vì mỗi lời “Hoàng đế” nói ra sẽ là “luật lệ”. Với ngôi vị “Thiên tử”, Tập sẽ theo đuổi một trật tự khu vực mà các nước láng giềng, bất kể gần hay xa, đều trở thành chư hầu. Việt Nam trong con mắt của Trung Quốc cũng bị nhìn nhận như thế, không thể nào thoát được. Thời gian qua, Việt Nam và Trung Quốc đã nhất trí chuẩn bị cho các chuyến thăm cấp cao ngay sau Đại hội 20 của ĐCSTQ, với việc Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường mời Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính sang thăm Bắc Kinh. Lời mời này được ông Cường đưa ra khi điện đàm với ông Chính hôm 19/9/2022. (5) Theo một nguồn tin không muốn để lộ danh tính, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng có kế hoạch sang Bắc Kinh sau Đại hội để chúc mừng ĐCSTQ nếu điều kiện sức khỏe cho phép. Hai chuyến thăm này sẽ được gộp lại hay tách riêng ra thì chưa rõ thông tin.

 

Nếu ông Chính hay ông Trọng hoặc cả hai cùng sang Trung Quốc thì các ông sẽ mang gì về cho dân tộc Việt Nam? Hy vọng, hai ông sẽ đủ cảnh giác để không bị “buộc vào cổ” thỏa thuận về “Cộng đồng chung vận mệnh” là động lực thúc đẩy chính sách đối ngoại hiện nay và tương lai của Trung Quốc! Bức điện của ĐCSVN gửi Đại hội 20, truyền đi cam kết: Việt Nam nguyện “trước sau như một coi trọng” mối quan hệ với Bắc Kinh. Sau Đại hội 20, liệu Việt Nam có tái cam kết với kế hoạch “Vành đai và con đường” (BRI) gây tranh cãi? Dự án luật về ba đặc khu Vân Đồn, Văn Phong và Phú Quốc năm nào phản ánh chính sách phát triển công nghiệp “không chiến lược” của Việt Nam. (6) Khi COVID-19 vừa tạm lắng, Chính phủ bất ngờ công bố thành lập Ban Quản lý khu kinh tế Vân Đồn. Đây là đòn “đánh úp” đối với toàn xã hội. Chính phủ đưa vào vận hành khu kinh tế này khi Trung Quốc tăng sức ép trên Biển Đông, đang gây bức xúc cho cả giới chuyên gia lẫn người dân. (7)

 

Sau cú “đánh úp” thứ nhất ấy, dư luận vừa bức xúc, vừa nóng lòng, chờ xem các cú “đánh úp” tiếp theo sẽ là gì, dưới tác động không mấy lạc quan của Đại hội 20? Đầu tháng 10, RFA vừa cho đăng loạt bài về “Cải cách ruộng đất: Ảnh hưởng của Cố vấn Trung Quốc”. Mô phỏng kinh nghiệm bên Tàu, CCRĐ do Việt Nam thực hiện giai đoạn 1953 – 1956 có lẽ là chính sách đối nội quan trọng nhất của ĐCSVN lúc đó. Trong một thước phim thời sự, thấy Hồ Chí Minh lấy khăn mùi-soa lau nước mắt trong cuộc mít-tinh nói là để sửa sai sau CCRĐ, có thể đoán được ông Hồ đã đau xót như thế nào khi phải làm theo lệnh Bắc Kinh. (8)

 

Vụ va đập tiếp theo về ảnh hưởng của Trung Quốc đến Việt Nam là những năm Cách mạnh văn hóa bên Tàu. Chiến lược Việt Nam lúc bấy giờ là làm sao thống nhất đất nước bằng cách phải thắng cuộc chiến tranh, còn định hướng của Trung Quốc là lợi dụng cuộc chiến Việt Nam để thúc đẩy “cách mạng liên tục” ra thế giới. (9)Tức là bang giao những lúc “môi hở răng lạnh” mà cũng toàn là ảnh hưởng tiêu cực, chứ chưa nói tới những kinh nghiệm đầy máu và nước mắt những lúc hai nước “choảng nhau” trên biên giới hay ngoài hải đảo.

 

_______

 

Tham khảo:

 

1. https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-ti%C3%AAu-%C4%91i%E1%BB%83m/20221013-tap-can-binh-su-tro-ve-chu-nghia-marx-lenin

 

2. https://www.theatlantic.com/international/archive/2022/10/xi-jinping-china-national-party-congress/671718/

 

3. https://www.voatiengviet.com/a/tap-can-binh-tu-day-vao-chan-tuong/6798018.html

4. https://www.bbc.com/vietnamese/articles/c84gel0nge7o

 

5. https://www.voatiengviet.com/a/vietnam-tin-trung-quoc-se-thanh-cuong-quoc-xhcn-vao-giua-the-ky-21/6792972.html

 

6. http://viet-studies.net/kinhte/VuQuangViet_DuLuatDacKhu.html

 

7. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-52749462

 

8. https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/ReadersOpinions/land-reform-how-chinese-expert-influence-vn-decision-part-1-10072022101622.html

 

9. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/05/160513_china_vn_cultural_revolution

 

--------------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do





No comments:

Post a Comment

View My Stats