Xóa tiền nợ học
cho dân Mỹ – một chính sách gây tranh cãi
Hiếu Chân/Người Việt
August 26,
2022
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/xoa-tien-no-hoc-cho-dan-my-mot-chinh-sach-gay-tranh-cai/
Theo một bản
tin trên nhật báo Người Việt, hôm Thứ Tư, 24 Tháng Tám, Tổng Thống Joe Biden
loan báo kế hoạch xóa nợ tiền vay để đi học cho hàng triệu người dân Mỹ. Có nhiều
người hoan nghênh, gọi đây là một chính sách nhân đạo chưa từng có nhưng cũng
có nhiều người phản đối, cho rằng nó không công bằng và làm gia tăng lạm phát,
có hại cho nền kinh tế Mỹ.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/08/BL-Sinh-Vien-Ung-Ho-Xoa-No-1068x712.jpg
Một số
sinh viên ủng hộ xóa nợ đứng trước Tòa Bạch Ốc cảm ơn Tổng Thống Joe Biden hôm
25 Tháng Tám. (Hình: Paul Morigi/Getty Images for We the 45m)
Kế hoạch của
ông Biden là xóa bớt $10,000 tiền nợ cho những người đã vay tiền từ chính quyền
liên bang để đi học đại học, hiện có mức thu nhập hằng năm ít hơn $125,000, hoặc
ít hơn $250,000 cho một gia đình. Những người mà khi đi học có hoàn cảnh tài
chính quá khó khăn, được nhận học bổng Pell Grant, thì được xóa thêm $10,000 nữa.
Cùng với việc xóa bớt nợ, ông Biden cũng quyết định gia hạn tạm ngừng trả nợ tiền
học cho tới cuối năm 2022, nhưng ông nói đây sẽ là lần sau cùng có sự gia hạn
này.
Và cũng
như mọi chính sách quản trị quốc gia khác, kế hoạch của ông Biden ngay lập tức
làm dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi, người ủng hộ kẻ phản đối. Những người
cấp tiến trong đảng Dân Chủ như bà Thượng Nghị Sĩ Elizabeth Warren
(Massachusetts) nói mức xóa nợ $10,000 là quá ít, còn những người Cộng Hòa thì
phản đối xóa nợ, dù chỉ một đồng.
Theo bản
tin trên nhật báo Người Việt, hiện có hơn 43 triệu người dân Mỹ
nợ tiền học của chính quyền liên bang, với món nợ trung bình là $37,667.
Có khoảng một phần ba trong số này nợ ít hơn $10,000, và khoảng một nửa nợ ít
hơn $20,000. Tòa Bạch Ốc ước tính kế hoạch của Tổng Thống Biden sẽ tiêu tốn
$300 tỷ, xóa hoàn toàn khoản nợ tiền học của khoảng 20 triệu người Mỹ.
Một phân
tích khác trên nhật báo The New York Times cho biết tổng số nợ tiền học của người
Mỹ hiện vào khoảng $1,600 tỷ, tương đương với tổng sản lượng GDP của Úc hoặc
Brazil. Bình quân một sinh viên tốt nghiệp đại học bốn năm gánh một khoản nợ
$25,000, theo dữ kiện của Bộ Giáo Dục. Nợ tiền học là khoản nợ lớn thứ hai, chỉ
xếp sau nợ vay mua nhà, cao hơn nợ vay mua xe hơi và do đó tạo thành gánh nặng
tài chính cho người vay nhất là trong những năm đầu sự nghiệp khi công việc làm
còn khó khăn và thu nhập chưa cao.
“Gánh nặng
[nợ tiền học] nặng tới mức ngay cả sau khi tốt nghiệp một người có thễ vẫn
không bước vào cuộc sống trung lưu mà có thời tấm bằng đại học cung cấp cho quý
vị,” Tổng Thống Biden nói.
Sao phải vay nợ để học?
Nợ tiền học
không ngẫu nhiên mà có mà bắt đầu từ sự thay đổi chính sách giáo dục của các
chính phủ tiền nhiệm: Giảm trợ cấp giáo dục đại học đồng thời mở rộng các
chương trình cho vay. Theo dữ liệu của Cục Thống Kê Hoa Kỳ, trợ cấp của các tiểu
bang và địa phương cho hệ thống đại học công lập giảm liên tục từ những năm
1970, hiện chỉ đáp ứng được chưa tới 60% chi tiêu của nhà trường, buộc nhà trường
phải tăng học phí để bù lại. Nếu như niên khóa 1975-76 một sinh viên phải đóng
trung bình khoảng $8,000 mỗi năm học thì đến niên khóa 2020-21, con số bình quân
đó đã lên tới $22,700, tính cả tỉ lệ lạm phát.
Đại học
UCLA ở Los Angeles – nơi các gia đình người Việt muốn con cái theo học – là một
ví dụ. UCLA vừa thông báo mức học phí niên khóa 2022-23 của sinh viên cư dân
California là $37,448, người ngoài tiểu bang là $68,474. Đây cũng là mức học
phí phổ biến của các trường thuộc University of California (UC) dù đây là hệ thống
giáo dục công lập. Các trường tư như Stanford University thì học phí cao hơn rất
nhiều.
Với
chi phí như vậy, để có được tấm bằng cử nhân, không có con đường nào khác hơn
là vay tiền đi học, nhất là các gia đình nghèo và người thiểu số. Thống kê của Ngân Hàng Dự Trữ Liên
Bang (Fed) cho thấy vào năm 2019 có 30% số gia đình người da đen nợ tiền học,
24% số gia đình gốc Châu Á, 20% gia đình da trắng, và 14% ở người Hispanic. Kế
hoạch xóa nợ tiền học, theo Tòa Bạch Ốc, sẽ cất bớt gánh nặng trên vai hàng triệu
gia đình nghèo, giúp thu hẹp khoảng cách giữa các sắc tộc.
Nỗi mất ăn
mất ngủ vì mối lo nợ tiền học từ lâu đã được các nhà lập pháp chú ý, nhưng biện
pháp giải quyết chỉ có tính nửa vời. Hồi Tháng Ba, 2020, do đại dịch COVID-19,
hàng triệu người mất việc làm và thu nhập, Tổng Thống Donald Trump ký sắc lệnh
tạm ngừng việc trả nợ tiền học và giảm tiền lời xuống mức 0%. Tổng Thống Joe
Biden tiếp tục thực thi biện pháp đó cho đến cuối năm nay, đồng thời tìm cách
xóa bớt nợ.
Khi kế hoạch
xóa nợ được công bố, đã có nhiều người vui mừng, kéo nhau tới trước Tòa Bạch Ốc
giương biểu ngữ “Cảm ơn tổng thống”
Nhưng có thật hợp lý?
Kế hoạch
xóa nợ tiền học đang gây phản ứng mạnh, không chỉ từ đảng Cộng Hòa.
Bà Betsy
DeVos, cựu bộ trưởng giáo dục trong chính quyền Trump, gọi kế hoạch đó là “phi
pháp.” Nhóm dân biểu Cộng Hòa trong Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đăng tweet: “Nếu đã
vay nợ thì phải trả nợ. Chấm hết,” hàm ý xóa nợ là chuyện không chấp nhận được.
Mối lo lớn
nhất của những người phản đối việc xóa nợ là nó có thể làm trầm trọng thêm nạn
lạm phát đang làm người dân Mỹ mất ăn mất ngủ. Người vay tiền được xóa nợ có thể
dùng số tiền “trên chính phủ rơi xuống” đó để chi tiêu, làm tăng nhu cầu và lượng
tiền lưu thông trên thị trường, thúc đẩy lạm phát.
Ông Jason
Furman, một nhà kinh tế học của đại học Harvard University, nguyên cố vấn kinh
tế của Tổng Thống Barack Obama thuộc đảng Dân Chủ, cho rằng kế hoạch “cung cấp
một cách không cần thiết hàng chục ngàn đô la cho nhiều gia đình thu nhập cao.”
Theo ông Furman, Tổng Thống Biden đang thực hiện lời hứa xóa nợ tiền học mà ông
cam kết khi tranh cử năm 2020, nhưng khi đó nền kinh tế có mức lạm phát thấp chứ
không cao nhất 40 năm như hiện nay.
Đi xa hơn,
nhiều người cho rằng việc xóa nợ tiền học là bất công với những người đã đi học
bằng chính tiền túi của mình hoặc gia đình mình, và cả với những người chưa từng
học đại học mà chỉ kiếm sống bằng sức lao động (blue-collar worker). Thượng Nghị
Sĩ Ben Sasse (Cộng Hòa – Nebraska) nói kế hoạch này “buộc những người lao động
tay chân phải trợ cấp cho những cử nhân cổ cồn trắng (white-collar). Thay vì
truy cứu trách nhiệm của khu vực đại học hoạt động kém, đẩy hàng ngàn người trẻ
vào chỗ nợ nần thì chính phủ lại đơn phương ‘rửa tội’ cho một hệ thống đã mục
nát.”
Nhiều nhà
kinh tế học cảnh báo kế hoạch xóa nợ cũng có thể tạo ra một tiền lệ xấu, gây hậu
quả tai hại cho sinh viên và người nộp thuế tương lai. Nó sẽ khuyến khích các
trường đại học tăng học phí, khuyến khích sinh viên vay mượn nhiều vì tin rằng
cuối cùng chính phủ sẽ ra tay xóa nợ.
Nghĩ cho kỹ,
việc chính phủ sử dụng tiền đóng thuế của toàn xã hội để xóa nợ cho một số người
có gì đó không thật hợp lý.
Lợi thế chính trị
Kế hoạch
xóa nợ của ông Biden vẫn chưa phải là giải pháp rốt ráo cho vấn đề nợ tiền học.
Thay vì xóa nợ, chính quyền cần có chính sách chặn đứng đà tăng học phí vô tội
vạ của hệ thống đại học công, kéo học phí công lập xuống mức phù hợp với thu nhập
bình quân của xã hội để giáo dục đại học trở thành cơ hội cho mọi thanh niên có
năng lực thay vì chỉ dành cho một thiểu số có tiền như hiện nay.
Nước Mỹ cần
một cơ chế miễn học phí giáo dục công lập từ mẫu giáo đến đại học như nhiều nước
Châu Âu thì mới có thể mang lại cơ hội bình đẳng về giáo dục và xóa bỏ tận gốc
chuyện đi học phải vay tiền.
Trước mắt,
việc xóa nợ tiền học đang mang lại lợi ích cho việc vực dậy uy tín của Tổng Thống
Joe Biden và giúp đảng Dân Chủ có thêm lợi thế trong cuộc bầu cử giữa kỳ sắp diễn
ra. Hơn 55% số cử tri trẻ đã bỏ phiếu cho ông Biden trong cuộc bầu cử tổng thống
2020, nhiều người thất vọng khi thấy ông không làm tròn những điều đã hứa,
trong đó có cam kết xóa nợ tiền học. Bây giờ, với kế hoạch xóa nợ mới, có thể đảng
Dân Chủ sẽ lấy lại được số phiếu của những người này.
Phải chăng
đây mới là ý nghĩa chính trị thật sự của kế hoạch xóa nợ mang tên Joe Biden?
[đ.d.]
No comments:
Post a Comment