Friday 26 August 2022

XKLĐ MANG VỀ 'HÀNG TỶ USD' CHO VN và NHỮNG CÂU CHUYỆN BUỒN ĐẰNG SAU (Thành Lâm / BBC News Tiếng Việt)

 



XKLĐ mang về 'hàng tỷ USD' cho VN và những câu chuyện buồn đằng sau

Thành Lâm

BBC News Tiếng Việt

26 tháng 8 năm 2022

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-62675244

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/71F6/production/_126447192_gettyimages-1231319861.jpg.webp

Internet phát triển giúp người lao động ở nước ngoài giữ liên lạc thường xuyên hơn với gia đình

 

Lao động tại nước ngoài của Việt Nam tăng cả về số lượng người đi, thị trường lao động cho đến các công ty môi giới dịch vụ, theo đánh giá trong 10 năm qua.

 

Ngày 25/8, tại Ban Kinh tế Trung ương, Ban Chỉ đạo Trung ương tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 8/5/2012 của Ban Bí thư khóa XI "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài".

 

Báo cáo của hội nghị cho biết thị trường xuất khẩu lao động ngày càng mở rộng và phát triển, từ 9 thị trường năm 2013 đến nay đã mở rộng lên tới 25 thị trường.

 

Nhiều thị trường mới đã được mở ra như: Australia, New Zealand, Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Czech, Slovakia, Romania.

 

Cả nước hiện có 451 tổ chức, doanh nghiệp làm dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tăng gấp 2 lần so với thời điểm 2012.

 

Hội nghị cũng cho biết thêm trong 10 năm qua Việt Nam đã đưa được hơn 1 triệu lượt lao động và chuyên gia đi làm việc ở nước ngoài, tăng gần 40% so với bình quân giai đoạn trước, tạo việc làm cho khoảng 7-10% lực lượng lao động tăng thêm hàng năm.

 

Nhật phạt công ty môi giới vì một công nhân Việt Nam bị hành hung

400 lao động Việt Nam ở Serbia 'sống và làm việc như nô lệ'

Việt Nam học được gì từ thị trường lao động Nhật Bản?

 

Trả lời BBC News Tiếng Việt, bà Nguyễn Thị Xuân - trưởng phòng tuyển dụng của một công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Hà Nội nói rằng số lượng người Việt Nam đi xuất khẩu lao động những năm gần đây tăng mạnh.

 

Công ty của bà cung cấp lao động cho các thị trường châu Âu, Đài Loan và Nhật Bản, nhưng thế mạnh chính là thị trường Nhật.

 

Nhật Bản được đánh giá là chiếm tỷ trọng cao nhất trong tất cả các thị trường XKLĐ ở Việt Nam hiện nay.

 

"Thực tế bây giờ người dân họ cũng suy nghĩ thoáng hơn rồi, không nhất thiết phải học đại học," bà Xuân giải thích. Nên công ty của bà tuyển nhiều người trẻ học xong cấp 3 là đi XKLĐ luôn.

 

Tại hội nghị tổng kết, thông tin "bình quân mỗi năm người lao động và chuyên gia gửi về nước khoảng 10 tỷ USD", tăng 5 lần so với giai đoạn trước được nhiều tờ báo trong nước Việt Nam đưa tin cùng ngày 25/8, như Dân Trí, Thanh Niên và Lao Động.

 

Tuy nhiên, một bài báo khác trên VnEconomy ngày 20/8 lại nêu ra con số khác là "khoảng 3 tỷ USD" lượng kiều hối từ XKLĐ gửi về Việt Nam mỗi năm trong giai đoạn 2013 - 2021.

 

Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo cũng chỉ ra rằng "thu nhập người lao động làm việc ở nước ngoài tương đối ổn định, bình quân 200 triệu đồng người/năm, cao hơn nhiều so với làm việc trong nước cùng ngành nghề", theo thông tin từ các báo Việt Nam.

 

Anh Nguyễn Xuân Báu, một người đi lao động ở Đài Loan từ tháng 6/2019, hiện đã trở về Việt Nam, chia sẻ với BBC News Tiếng Việt mức lương cho công việc sơn cửa sắt trong công ty ở Đài Loan khi anh làm việc là 15 - 17 triệu VNĐ/tháng.

 

Việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài vẫn được coi là xu hướng tất yếu trong giai đoạn mới, theo đánh giá của hội nghị.

 

'Sau hội nghị, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục hoàn thiện đề án, để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét ban hành những chủ trương, chính sách về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phù hợp tình hình mới", Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị.

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/12D9E/production/_126441277_cd0e8d9d-e1c5-4825-898b-b381bf63b0a7.jpg.webp

Nhật Bản được đánh giá là thị trường XKLĐ lớn nhất của Việt Nam hiện nay

 

Nợ trước khi đi

 

Cuối tháng Bảy, một bài báo trên Nikkei Asia của Nhật cho biết khoảng 80% thực tập sinh kỹ năng Việt Nam đang làm việc ở nước này phải gánh khoản nợ trung bình là 540.000 yên (khoảng 3.950 USD).

 

Bài báo cho biết đây là khoản phí người Việt phải chi trả để được đến Nhật Bản làm việc.

80% thực tập sinh kỹ năng Việt đã phải vay tiền để trả khoản phí này, theo một khảo sát của Cơ quan Dịch vụ Nhập cư Nhật Bản trong năm 2022.

 

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt, bà Nguyễn Thị Xuân cũng cho rằng hầu như phí người lao động phải trả để đi sang Nhật là đi vay mượn, vì như công ty bà tuyển phần nhiều là người từ nông thôn ra đi.

 

Do đó, "họ thường phải gửi tiền [lương] về nhà ngay thời gian mới sang để trả nợ," bà Xuân nói.

 

Còn những người không phải vay mượn, họ sẽ để dành đến khi đồng yên lên giá cao thì họ mới gửi về.

 

"Những người như vậy thì không bị ảnh hưởng nhiều và có nhiều hy vọng hơn," bà Xuân nói thêm.

 

Trong khi đó một phụ nữ Việt xưng là V.A đang làm công việc hái hoa quả thời vụ ở Anh, cho BBC News Tiếng Việt biết, để sang Anh lao động 6 tháng, chị phải trả chi phí chừng 3.000 USD cho công ty môi giới XKLĐ ở Việt Nam.

 

Phí này gồm vé máy bay, tiền xin cấp thị thực, chi phí dịch tài liệu, một khóa học tiếng Anh 1 tuần và vài khoản phụ thu khác. Một số người đi các đợt sau chị còn phải trả nhiều hơn, chưa kể các khoản đặt cọc (lên tới vài ngàn USD) cho công ty môi giới.

 

V.A nói chị phải làm việc cật lực chừng hai tháng chỉ để trang trải khoản tiền bỏ ra.

 

Anh Nguyễn Xuân Báu (sinh năm 1997), ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương đi lao động ở Đài Loan theo hợp đồng 3 năm từ tháng 6/2019, cho biết khi đó đã phải trả 5.000 USD cho công ty môi giới ở Hà Nội.

 

"Mặc dù số tiền họ ghi trên giấy tờ chỉ là 3.500 USD," anh Báu cho biết thêm.

 

Ngoài ra, trong thời gian làm việc ở Đài Loan, hàng tháng anh đều phải đóng phí môi giới hơn 1 triệu VND, được công ty bên Đài Loan trừ trực tiếp từ tiền lương của anh.

 

Trốn ra ngoài làm hoặc ở lại - mặt trái của XKLĐ

 

Tình trạng người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài rồi trốn ra ngoài làm việc, hoặc hết hạn thị thực (visa) lao động nhưng vẫn tìm cách ở lại bất hợp pháp diễn ra từ nhiều năm nay.

 

Tại hội nghị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức ở Hà Nội ngày 29/6, Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: "Từ năm 2018 đến nay, chúng tôi đã phối hợp điều tra, xác minh và xử lý gần 800 vụ công dân Việt Nam phạm pháp theo yêu cầu của các nước liên quan, cũng như tiếp nhận hơn 25.000 trường hợp bị trục xuất."

 

"Người Việt ở nước ngoài trở thành đối tượng điều tra chủ yếu của cơ quan chức năng sở tại trong các chiến dịch truy quét người nước ngoài cư trú, lao động bất hợp pháp và thường xuyên bị phản ánh trên truyền thông, khiến hình ảnh lao động Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực", tướng Quang nói.

 

Mới đây, tháng 7/2022, Hàn Quốc đã dừng tuyển lao động Việt Nam đi làm việc tại nước này năm 2022 đối với 8 quận/huyện thuộc 4 tỉnh gồm: Hà Tĩnh (Nghi Xuân, Cẩm Xuyên); Hải Dương (TP. Chí Linh); Nghệ An (Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Thị xã Cửa Lò); Thanh Hóa (Đông Sơn, Hoằng Hóa).

 

Đây đều là những địa phương có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 70 người trở lên và tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước đúng thời hạn từ 27% trở lên, VnEconomy đưa tin.

 

Trước đó, trong năm 2021, Hàn Quốc cũng đã tạm dừng tuyển chọn lao động Việt ở 10 quận/huyện thuộc 5 tỉnh gồm: Thanh Hóa (Đông Sơn, Hoằng Hoá, TP. Thanh Hoá), Nghệ An (Nghi Lộc, Thị xã Cửa Lò, Nam Đàn), Hà Tĩnh (Nghi Xuân, Kỳ Anh), Thái Bình (Tiền Hải), Quảng Bình (Bố Trạch).

 

Trong số hàng trăm ngàn người Việt đang làm việc tại Nhật Bản, có hàng ngàn người hết hạn hợp đồng lao động vẫn ở lại Nhật sống và làm việc bất hợp pháp.

 

Năm 2021, có 7.167 trường hợp được báo cáo đã bỏ trốn để làm việc bất hợp pháp, hơn 60% trong số đó liên quan đến thực tập sinh từ Việt Nam, bài báo trên Nikkei Asia đưa ra con số.

 

Trốn ra ngoài làm vì lương cao hơn?

 

Anh Nguyễn Xuân Báu sau 2 năm làm việc cho công ty ở Đài Loan theo hợp đồng 3 năm đã trốn ra ngoài làm việc được 9 tháng, sau đó bị bắt và trục xuất về nước.

 

Anh Báu nói với BBC trong thời gian đại dịch Covid-19 công ty không có nhiều việc làm nên những người như anh không thể làm việc tăng ca để kiếm thêm thu nhập, vì vậy anh đã trốn ra ngoài làm kiếm thu nhập 40 - 45 triệu VNĐ/tháng, cao hơn mức lương 15 - 17 triệu VNĐ làm cho công ty trong hợp đồng.

 

Tuy nhiên, trong thời gian trốn ra ngoài làm việc, anh bị môi giới người Việt "lừa" lấy mất tháng lương đầu.

 

"Lúc mới ra ngoài sợ sệt nhiều thứ, có việc làm là đi kiếm tiền. Ai ngờ bị lừa như vậy," anh Báu buồn rầu kể lại.

 

'Tôi không muốn người Việt sang Đài Loan làm việc'

 

.

https://ichef.bbci.co.uk/news/722/cpsprodpb/915E/production/_126441273_thumbnail_img_7094.jpg.webp

Anh Báu cho biết bị môi giới người Việt lừa mất tháng lương đầu khi ra ngoài làm việc ở Đài Loan

 

Bài báo trên Nikkei Asia cho rằng tình trạng thực tập sinh Việt Nam phải gánh một khoản nợ lớn, được hiểu là chi phí để sang Nhật Bản làm việc, cũng được xem là nguyên nhân khiến nhiều người Việt trốn ra ngoài tìm công việc có lợi nhuận cao hơn.

 

Khảo sát của Cơ quan Dịch vụ Nhập cư Nhật Bản, thực hiện từ tháng 12/2021 đến 4/2022, chỉ ra rằng 21% người được khảo sát nói rằng mức lương của họ sau khi đến Nhật Bản thấp hơn mong đợi.

 

Kết quả khảo sát gợi ý rằng những thực tập sinh biến mất thường làm vậy để tìm công việc khác trả nợ.

 

Bà Nguyễn Thị Xuân cũng từng có thời gian lao động ở Nhật Bản trước khi trở về Việt Nam làm cho công ty XKLĐ. Với kinh nghiệm cá nhân khi làm việc ở Nhật, bà nói về việc "cũng có những bạn bỏ trốn vì đua đòi, cũng ko hẳn là vì lương thấp, vì ko chịu được khổ.

 

"Trốn xong rồi là sống kiểu tụ tập theo nhóm rồi làm việc phi pháp."

 

Trước đây, người Việt sang Nhật lao động thường phải đóng tiền cọc chống trốn hoặc cắm sổ đỏ cho công ty để ngăn chặn tình trạng phá hợp đồng.

 

Nhưng hiện nay quy định của hiệp định liên chính phủ giữa Nhật Bản và Việt Nam không cho phép các công ty môi giới làm như vậy nữa.

 

Công ty cũng chỉ có cách đào tạo định hướng và cố gắng tìm những đơn hàng tốt cho người XKLĐ, bà Xuân nói với BBC.

 

--------------------------------

TIN LIÊN QUAN

 

Nhật điều tra một công nhân Việt bị 'hành hung'

25 tháng 1 năm 2022

.

Nhật hỗ trợ lao động xuất khẩu Việt Nam khó khăn vì Covid-19

15 tháng 9 năm 2021

.

Việt Nam vẫn 'bắt buộc' phải xuất khẩu lao động và di dân

8 tháng 11 năm 2019

.

Lao động xuất khẩu VN vỡ mộng ở xứ người

30 tháng 10 năm 2019





No comments:

Post a Comment

View My Stats