Vụ
hộ chiếu mới của Việt Nam: Tin đồn và sự thật
Bình luận của Hoàng Ngọc Hiền
2022.08.08
Chưa ai
biết theo Luật Việt Nam, cấp nào có thẩm quyền thay đổi hộ chiếu và thay đổi trong
hoàn cảnh nào? Chỉ biết người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu Bộ trưởng Công an
có giải pháp để khắc phục bê bối nhằm tránh bất lợi trong bối cảnh mở cửa. Tuy
nhiên, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Bộ Công An vẫn nói “không có vướng mắc gì”
liên quan đến hộ chiếu mới nên Cục vẫn cấp đổi như bình thường.
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên tiếng
Lần đầu
tiên Thủ tướng Phạm Minh Chính lên tiếng về hộ chiếu “tím than”. Người đứng đầu
Chính phủ đã yêu cầu Bộ trưởng Công an Tô Lâm có giải pháp về các vấn đề vướng
mắc liên quan. Theo truyền thông trong nước, ngày 10/8 tới đây, Bộ trưởng Bộ
Công an Tô Lâm và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng sẽ
trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (1). Những lộn xộn chung quanh cuốn hộ chiếu (mẫu mới) do Bộ
Công an Việt Nam phát ra càng lúc càng rối nhưng chưa thấy ai phải chịu trách
nhiệm. Đã có ít nhất năm quốc gia châu Âu (Đức, Tây Ban Nha, Czech, Bồ Đào Nha
và Hungary) từ chối cấp thị thực cho công dân Việt Nam dùng hộ chiếu mới. Điều
này đồng nghĩa với việc cánh cửa vào khu vực Schengen 26 nước của người Việt có
thể bị khép dần lại, nếu các nước khác theo dõi và có thể có hành động từ chối
tương tự. Các công ty du lịch, lữ hành đang phải đình hoãn hoặc hủy bỏ nhiều
đoàn du khách đi châu Âu, thiệt hại lớn nhưng không biết kêu kiện vào đâu.
Trong khi
đó, Cục Quản lý Xuất Nhập cảnh Bộ Công an vẫn cho rằng cuốn hộ chiếu mới này
“được cấp theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và đạt tiêu chuẩn ICAO” (Tổ
chức Hàng không Dân dụng Quốc tế). Cho đến bây giờ, Bộ Công an vẫn chưa thông
tin cho người dân biết lý do tại sao phải đổi cuốn hộ chiếu bìa màu xanh lá cây
hiện hành sang mẫu mới màu tím than, chi phí cho việc đổi tấm Passport này là
bao nhiêu, tác động như thế nào đến các hoạt động kinh tế-xã hội và quan hệ quốc
tế. Và cũng không rõ ai là người chịu trách nhiệm. Nhưng mọi con mắt hẳn nhiên
đều đổ dồn vào Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Nhà báo Trân Văn trên VOA xác quyết
“ông Tô Lâm chính là người trực tiếp chỉ đạo việc thay đổi mẫu hộ chiếu cho phù
hợp với xu thế của “cuộc cách mạng công nghệ 4.0” và ý tưởng đổi mẫu passport
đã được ông Tô Lâm trình bày trước Quốc hội Việt Nam từ tháng 5/2019. Nhưng thực
tế cho thấy, thay vì “phù hợp với xu thế công nghệ”, vụ đổi passport thể hiện sự
kém cỏi không ngờ của các quan chức Công an mà xã hội đang phải trả giá khá đắt.
(2)
Lẽ ra với một
sai sót tầm cỡ toàn cầu như phát hành hàng triệu cuốn hộ chiếu mới mà trong đó
không ghi nơi sinh của chủ nhân làm quốc tế phản ứng, thì Bộ Công an và ông Tô
Lâm nói riêng phải bị xử phạt bằng một hình thức nào đó. Nhưng theo báo chí
trong nước, tại cuộc họp thường kỳ của Chính phủ hôm 3/8, Thủ tướng Phạm Minh
Chính chỉ mới dám “khều nhẹ” ông Tô Lâm mà chưa đặt vấn đề phải xem xét để quy
kết trách nhiệm: “Đề nghị Bộ Công An nghiên cứu và có giải pháp về vấn đề liên
quan tới mẫu sổ thông hành mới, tránh những tác động bất lợi trong bối cảnh mở
cửa, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội,” ông Phạm Minh Chính nói, theo
trích dẫn của báo Tuổi Trẻ. Ông Chính chỉ “đề nghị” mà ông Tô Lâm cũng không trả
lời có chấp nhận đề nghị ấy hay không. (3)
Nhiều thuyết âm mưu xuất hiện
Ngày 4/8
các báo chí trong nước đều đưa tin, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp Đại sứ
Cuba và Đại sứ Liên bang Nga. Nhân hoạt động lễ tân này, Giáo sư Trần Hữu Dũng
(trang mạng Viet-studies) đã lại đưa ra một bình luận thật dí dỏm nhưng sâu
cay: “Vương Đình Huệ thường đi đó đi đây, lăng xăng chuyện này chuyện nọ...
nhưng những người tinh mắt hẳn đã để ý là ông ta im lặng về chuyện... Hộ chiếu!”
GS. Dũng nhắc lại một truyện trinh thám nổi tiếng của Conan Doyle về ý nghĩa của
“con chó không sủa”: Suy ra từ việc con chó không sủa khi ngựa bị mất trộm,
thám tử Sherlock Holmes biết tên trộm là ai (4).
Chuyện này khiến người đọc liên tưởng đến luồng thông tin xã hội hiện nay nói rằng,
vụ passport cho thấy bên trong Việt Nam có một thế lực nào đó đã “gài bẫy” để
làm mất uy tín Bộ trưởng Tô Lâm. Thế lực này muốn cản đường ông Lâm leo lên chiếc
ghế Chủ tịch nước, một khi ông Nguyễn Xuân Phúc vì những lùm xùm liên quan đến
vụ Việt Á, có thể “đứt gánh giữa đường”. Trang mạng “thoibao.de” của người Việt
ở Đức còn nói rõ, người ngáng chân ông Tô Lâm không ai khác là ông Trần Quốc Tỏ,
đương kim Thứ trưởng Bộ Công an và là em ông Chủ tịch nước quá cố Trần Đại
Quang. (5)
Một luồng
dư luận thứ hai cho rằng trong thể chế chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, vị
thế của Bộ trưởng Công an ngang ngửa, thậm chí có phần lấn lướt cả Thủ tướng.
Không phải đợi đến vụ mẫu hộ chiếu mới này, Bộ trưởng Tô Lâm trước đây từng có
những sai lầm trầm trọng hơn nhiều, như vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay giữa
thủ đô Berlin của nước Đức hay “đớp” thịt bò dát vàng ở thủ đô London nước Anh,
mà ông ta vẫn bình an vô sự. Các đối thủ chính trị của Tô Lâm cũng đã từng tung
công văn “Tối Mật” số 418/BCA-TCAN do chính tay ông ký ngày 9/3/2015 lên mạng
xã hội. Đây là bằng chứng xác thực tố cáo Tô Lâm đã đóng vai trò quan trọng
trong vụ chuyển nhượng cổ phần giữa AVG và MobiFone. Trong chiến dịch “đốt lò”
hiện nay, hàng chục tướng lãnh Bộ Công an đã nối nhau vào tù vì tham nhũng,
nhưng ông Bộ trưởng vẫn bình chân như vại, không phải liên đới trách nhiệm gì cả. (6)
Kinh doanh du lịch bị xáo trộn
Một tuần
nay, nhiều công ty du lịch bị xáo trộn trong kinh doanh do thông tin một số nước
châu Âu từ chối cấp visa cho hộ chiếu mẫu mới trong khi hiện đang là cao điểm của
mùa du lịch. Nhiều công ty bị mất khách do khách đã đặt cọc mua tour nhưng hộ
chiếu hết hạn và khi được cấp mới thì không xin được visa. Nếu thời điểm khởi
hành cận với thời gian visa bị từ chối thì các hãng lữ hành không thể hỗ trợ
khách hoàn huỷ chuyến du lịch. Bà Vũ Đỗ Quyên, Giám đốc công ty TTS Travel kể với
BBC News Tiếng Việt: “Với điểm đến như Đức, lượng khách du lịch không nhiều
nhưng năm nay khách thăm thân nhiều hơn mọi năm mà đa số đối tượng này phải đổi
hộ chiếu mới. Việc xin cấp visa đang khiến công ty của chúng tôi phải chạy theo
các thông báo mới hàng ngày… Khách mua tour du lịch Tây Âu thường chọn tuyến
Pháp - Bỉ - Hà Lan - Đức, khi có khách du lịch trong đoàn sử dụng hộ chiếu mới,
công ty phải họp toàn đoàn thống nhất bỏ Đức khỏi hành trình. Nếu sát ngày khởi
hành, khách hàng vẫn phải chịu mất tiền cho chặng ở Đức. Vì vậy, công ty chúng
tôi hiện đang cố hướng khách sang hành trình khác để tránh việc bị từ chối nhập
cảnh”. (7)
Mặc dù
theo thông báo chính thức tới thời điểm hiện tại, mới chỉ có ba nước EU không cấp
visa cho người dùng hộ chiếu mới không có mục nơi sinh, nhưng những người làm
trong ngành lữ hành không nhận thấy chỉ có vậy. Theo ông Đặng Việt Anh,
Giám đốc một công ty chuyên cung cấp dịch vụ làm thị thực chia sẻ với truyền
thông quốc tế, “hiện nay có thêm cả Bồ Đào Nha và Hungary cũng không cấp visa
cho hộ chiếu mới của Việt Nam... Vì Bồ Đào Nha chưa có Đại sứ quán tại Việt Nam
nên tất cả hồ sơ xin visa đi Bồ Đào Nha đều phải thông qua Đại sứ quán Đức xét
duyệt. Trong khi Đức từ chối cấp visa cho hộ chiếu mẫu mới thì theo đó họ
từ chối cấp cả visa vào Bồ Đào Nha. Trường hợp ở Đại sứ quán Hungary tại Hà Nội,
chúng tôi cũng bị từ chối với lí do chưa tiếp nhận hồ sơ trong giai đoạn này,
chờ thông tin cập nhật”. Trước tình hình này, Sứ Quán Việt Nam tại các nước nêu
trên có thêm việc để làm theo kiểu “chữa cháy.” Theo VietNamPlus, Đại Sứ Quán
Việt Nam sẽ cấp Hồ chiếu mẫu mới và ghi bị chú “nơi sinh” vào trang
bốn của hộ chiếu. (8)
____________________
Tham
khảo:
2.
https://www.youtube.com/watch?v=lU2j7k-BoyI&ab_channel=Nh%C3%A2nVi%E1%BB%87tTV
4.
http://www.viet-studies.net/kinhte/kinhte.htm
7.
https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cz7preyr440o
--------------------
*
Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
No comments:
Post a Comment