Thursday, 4 August 2022

VIỆT NAM TRONG BỐI CẢNH CHUYẾN THĂM ĐÀI LOAN CỦA BÀ PELOSI (Hoàng Trường)

 



Việt Nam trong bối cảnh chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi

Hoàng Trường

03/08/2022

https://www.voatiengviet.com/a/vi%E1%BB%87t-nam-trong-b%E1%BB%91i-c%E1%BA%A3nh-chuy%E1%BA%BFn-th%C4%83m-%C4%91%C3%A0i-loan-c%E1%BB%A7a-b%C3%A0-pelosi/6685410.html

 

https://gdb.voanews.com/80200000-c0a8-0242-900a-08da755a939a_w650_r1_s.jpg

Bà Pelosi (trái) và TT Đài Loan, Thái Anh Văn.

 

Việt Nam tỏ ra thận trọng trước và trong thời gian chuyến thăm Đài Loan của bà Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi. Hà Nội phần nào lượng định được mức độ căng thẳng của trò chơi “bên miệng hố chiến tranh”, nên tuy buộc phải hủy một vài chương trình với Mỹ...

 

                                                              *

 

Việt Nam tỏ ra thận trọng trước và trong thời gian chuyến thăm Đài Loan của bà Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi. Hà Nội phần nào lượng định được mức độ căng thẳng của trò chơi “bên miệng hố chiến tranh”, nên tuy buộc phải hủy một vài chương trình với Mỹ, nhưng Việt Nam vẫn có mặt tại “Hội nghị Tư lệnh quốc phòng” 26 nước (CHOD 2022) và tham gia trực tuyến cuộc họp họp 14 thành viên trong “Khuôn khổ Kinh tế của Indo-Pacific” (IPEF).

Hoàng Trường

 

                                                            *

 

“Chúng tôi thực hiện chuyến thăm vào thời điểm thế giới phải đối mặt với sự lựa chọn giữa chế độ chuyên chế và nền dân chủ. Khi Nga tiến hành cuộc chiến bất hợp pháp đã được tính toán trước chống lại đất nước Ukraine, giết chết hàng nghìn người vô tội – thậm chí cả trẻ em – thì điều cần thiết là Mỹ và các đồng minh của chúng tôi phải nói rõ rằng chúng tôi không bao giờ nhượng bộ những kẻ chuyên quyền”. Bà Pelosi nói tiếp: “Khi tôi dẫn đầu một phái đoàn quốc hội tới Kyiv vào Tháng Tư – chuyến thăm cấp cao nhất của Hoa Kỳ tới quốc gia bị bao vây – tôi đã chuyển lời tới Tổng thống Volodymyr Zelensky rằng chúng tôi ngưỡng mộ sự bảo vệ dân chủ của nhân dân ông, vì Ukraine và vì nền dân chủ trên toàn thế giới. Bằng cách đến Đài Loan, chúng tôi tôn trọng cam kết của mình đối với nền dân chủ: tái khẳng định rằng các quyền tự do của Đài Loan – và tất cả các nền dân chủ – phải được tôn trọng”.

 

Thấy rõ “bảng điểm” của mỗi bên

 

Trên đây là đoạn kết thúc bài phát biểu của bà Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi trước các nhà lập pháp Đài Loan vào sáng 3/8/2022. Không chỉ đoạn kết thúc, mà suốt cả bài phát biểu, bà Chủ tịch hầu như không nhắc gì đến Trung Quốc. Bà Pelosi cho biết bà muốn tăng cường trao đổi hoạt động quốc hội giữa Mỹ và Đài Loan. Bà Pelosi ca ngợi Đài Loan là “một trong những xã hội tự do nhất trên thế giới”. Bà cho biết một dự luật về chip máy tính của Mỹ - qua đó Mỹ sẽ đầu tư lớn vào sản xuất chất bán dẫn trong nước và nghiên cứu khoa học - là cơ hội tốt để hợp tác nhiều hơn với Đài Loan. Bà cũng đã gặp gỡ một số nhân vật xã hội dân sự và doanh nghiệp. Theo các hãng truyền thông, bà Pelosi gặp gỡ các nhà hoạt động dân chủ và nhân quyền nổi tiếng tại Công viên Nhân quyền của Đài Bắc. Bà cũng có cuộc gặp với Mark Liu, Chủ tịch tập đoàn sản xuất chất bán dẫn lớn nhất Đài Loan TSMC.

 

Qua chuyến thăm, bà Pelosi đã ghi ngay kết quả 1 – 0 đối với Bắc Kinh. Bà đã nhận được một “credit” khá cao. Tinh thần chống Trung Quốc của bà đạt đến “đỉnh điểm” qua chuyến thăm lần này. Mặc cho Trung Quốc cứ mười một phút, ra một tuyên bố đe dọa đối với cuộc hành trình của bà. Hơn 320 ngàn người “chen chúc nhau” trên website theo dõi các chuyến bay vào thời điểm chuyên cơ của bà Pelosi phải đi đường vòng, qua biển Thái Bình Dương rồi mới quặt về hướng Đài Loan (bỏ đường bay truyền thống qua Biển Đông). Trung Quốc tập trận xung quanh đảo, hàng chục máy bay tiêm kích bay gần với đường giáp ranh khu ADIZ. Mặc, quân đội hai nước vẫn giữ liên lạc liên tục trong 24 giờ qua, dường như cả hai bên đều không muốn xảy ra bất cứ sự cố nào. Chủ tịch Tập Cận Bình cho thấy ông hoàn toàn kiểm soát được tình hình Trung Quốc. Chủ tịch Tập từng nói thẳng với Tổng thống Biden qua điện thoại, không nên "đùa với lửa" khi nhắc tới vấn đề Đài Loan. Tuy nhiên, suốt thời gian bà Pelosi ở Đài Loan, ông Tập hoàn toàn “im hơi lặng tiếng”.

 

Truyền thông cập nhật liên tục

 

Khá nhiều cơ quan truyền thông tại Việt Nam theo dõi đưa tin và cập nhật liên tục chuyến thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi. Tuy nhiên, báo Nhân Dân dường như không có bài nào trên trang nhất. Còn kênh VTV trong bản tin tối 3/8 cũng bỏ qua tin nóng cả thế giới quan tâm này. Các cơ quan truyền thông của Đảng/Nhà nước “tôn trọng” Trung Quốc đến mức coi như không có chuyến thăm của bà Pelosi đến Đài Loan. Tuy nhiên, các tờ báo khác thì đăng khá nhiều và liên tục cập nhật. “Bà Pelosi rời Đài Loan, kết thúc chuyến thăm lịch sử”, báo Thanh Niên giật tít. “Tình hình Đài Loan: Việt Nam mong muốn các bên liên quan kiềm chế”, VietnamNet nói tránh đi, chỉ nói tình hình mà không nhắc đến chuyến thăm trên tít báo. “Dư luận trái chiều ở Mỹ về chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi”, Tuổi Trẻ làm như nước Mỹ bị chia rẽ. “Người Đài Loan tranh cãi về chuyến thăm của bà Pelosi”, VnExpress làm như dân Đài Loan cũng bị chia rẽ nốt. “Chuyến bay chở bà Pelosi tới Đài Loan lập kỷ lục”, Zingnews giật tít trung tính.

 

Theo BBC, Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi trước khi rời Đài Loan, kết thúc chuyến thăm kéo dài 24 giờ, đã có cuộc họp báo chung với Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Bà Nancy Pelosi cho biết: “Mục đích của chuyến đi là để thế giới thấy thành công của người dân Đài Loan. Sự dũng cảm thay đổi quốc gia của mình trở nên dân chủ hơn. Chúng tôi không muốn bất kỳ điều gì xảy đến với Đài Loan bằng vũ lực. Vì vậy sức mạnh, một trong những nguồn sức mạnh là nền dân chủ.” Đáp lại, bà Thái Anh Văn phát biểu: “Sự hiện diện của Chủ tịch Hạ viện Pelosi tại Đài Loan giúp tăng sự tự tin của công chúng, về sức mạnh của nền dân chủ như nền tảng trong mối quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ”.

 

Việt Nam dự họp CHOD 2022

 

Quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng trước chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi là lý do chủ yếu buộc Việt Nam phải hủy một số hoạt động song phương trong quan hệ với Hoa Kỳ như chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Antony Blinken hay việc ghé thăm Cảng Đà Nẵng của hàng không mẫu hạm Mỹ. Tuy nhiên, Trung tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn tham dự Hội nghị Tư lệnh Lực lượng Quốc phòng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương năm 2022 (CHOD 2022) tại Sydney, Australia từ ngày 25 đến 27/7, theo lời mời của Đô đốc John C. Aquilino, Tư lệnh Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Hoa Kỳ. Tham dự CHOD 2022 gồm lãnh đạo Quân đội các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ, một số nước ASEAN, Đông Timor, Bangladesh, Maldives, Nepal, Australia, New Zealand, Papua New Guinea, Tonga, Fiji, Anh, Mỹ, Canada, Chile, Colombia, Pháp và Peru. Đại tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, cho biết cuộc họp của các nhà lãnh đạo quân sự tại Sydney tập trung vào “toàn bộ tình hình với sự trỗi dậy của Trung Quốc trong một khu vực Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP).

 

Tướng Milley cho rằng, việc Trung Quốc ngăn cản máy bay của đồng minh và đối tác trong không phận quốc tế ở khu vực Thái Bình Dương đã tăng lên “gấp nhiều lần” trong 5 năm qua. Ông gọi hành vi của Bắc Kinh là “đối đầu hơn nhiều” so với 5-15 năm trước. Hoạt động của Trung Quốc “dường như ngụ ý rằng họ muốn bắt nạt hoặc thống trị, trái ngược với việc có một khu vực Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Mỹ cáo buộc Trung Quốc gia tăng “khiêu khích” chống lại các bên tranh chấp ở Biển Đông và cho rằng “hành vi gây hấn và vô trách nhiệm” của Bắc Kinh có thể dẫn đến khả năng xảy ra một sự cố hoặc tai nạn lớn. Phát biểu tại hội thảo Biển Đông thường niên do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) tổ chức ở thủ đô Washington hôm 26/7, bà Jung Pak, Phó trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á tại Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng có “xu hướng rõ ràng và gia tăng trong các hành động khiêu khích của Trung Quốc chống lại các bên tranh chấp ở Biển Đông và các quốc gia khác hoạt động hợp pháp trong khu vực”.

 

Tham gia trực tuyến về IPEF

 

Hôm 2/8, Hoa Kỳ đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến với các quan chức đại diện cho 14 quốc gia đã tham gia “Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” (IPEF). Cuộc họp cấp bộ trưởng do Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo chủ trì, văn phòng của họ thông báo trong một tuyên bố hôm Chủ nhật. Tổng thống Joe Biden, người đã khởi động IPEF vào tháng 5 trong chuyến công du đến Tokyo, muốn sử dụng nó như một cách để nâng cao các tiêu chuẩn về môi trường, lao động và các tiêu chuẩn khác trên toàn châu Á. Washington đã thiếu một trụ cột kinh tế trong sự hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump từ bỏ Hiệp định TPP đa quốc gia, để lại lĩnh vực này cho Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng. Ngoài Hoa Kỳ, các thành viên IPEF bao gồm: Úc, Brunei, Fiji, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Các chủ đề thảo luận tại cuộc họp trực tuyến bao gồm: thương mại, chuỗi cung ứng, năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng, thuế quan và chống tham nhũng, tuyên bố của Văn phòng đại diện Thương mại cho biết.

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats