Friday, 5 August 2022

VIỆT NAM MUỐN BÁN BÁNH BISCUIT hay CHIP ĐIỆN TỬ? (Jackhammer Nguyễn)

 



Việt Nam muốn bán bánh biscuit hay chip điện tử?

Jackhammer Nguyễn

05/08/2022

https://baotiengdan.com/2022/08/05/viet-nam-muon-ban-banh-biscuit-hay-chip-dien-tu/

 

Biscuit và chip điện tử

Có thể ai đó sẽ nói rằng, câu hỏi mà tôi lấy làm tựa đề ở trên là câu hỏi huề vốn, ai lại đi so sánh bánh với chip điện tử bao giờ? Bánh thì lời lóm bao nhiêu, trong khi chip điện tử thì rõ rồi, bao nhiêu là giá trị thặng dư, chưa kể nó còn là… cách mạng bốn chấm không nữa (câu nói đầu môi lâu nay từ ông Nguyễn Xuân Phúc, cho tới ông bí thư chi bộ xã mà ít ai hiểu nó là cái gì).

 

Nhưng sở dĩ tôi đặt câu hỏi ấy là tôi quan sát có hai vấn đề liên quan tới câu hỏi đó quanh chuyến thăm Đài Loan gây náo động cả thế giới của bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ.

 

Thứ nhất là, sau khi bà Pelosi đáp xuống Đài Bắc, Bắc Kinh bèn cấm người Đài Loan bán bánh biscuit vào Hoa Lục.

 

Thứ hai là, cho dù chương trình thăm Đài Loan chưa tới 24 tiếng đồng hồ, bà Pelosi đã bỏ thời giờ ra để gặp người đứng đầu một công ty sản xuất chip điện tử hàng đầu thế giới của Đài Loan. Trước đó vài ngày, Quốc hội Mỹ thông qua ngân sách hơn 50 tỷ Mỹ kim dành cho phát triển kỹ nghệ sản xuất chip điện tử ở Mỹ.

 

Hổ giấy hay rồng giấy?

 

Chuyện ồn ào về bà Pelosi làm tôi nhớ đến lời phát biểu xanh rờn của “người cầm lái vĩ đại” của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là ông Mao Trạch Đông. Ông Mao từng nói rằng, đế quốc Mỹ chỉ là “con hổ giấy”!

 

Trước khi bà Pelosi khởi hành, giới chức hành pháp Mỹ lên tiếng nói rằng, bà không nên đi Đài Loan vào lúc này, làm gia tăng căng thẳng không cần thiết.

 

Có lẽ nghe được mấy câu có vẻ chết nhát như thế của “con hổ giấy”, chính giới Trung Quốc lên tiếng vô cùng mạnh mẽ, trong đó dữ tợn nhất là ông Hồ Tích Tiến của tờ Hoàn Cầu Thời báo, rằng máy bay Trung Quốc sẽ bay kèm máy bay của bà Pelosi vào không phận Đài Loan. Ghê rợn hơn, ông Hồ còn bảo rằng, có thể sẽ bắn hạ luôn bà Pelosi!

 

Hoàn Cầu Thời báo là một phiên bản dân tộc chủ nghĩa của đảng Cộng sản Trung Quốc, tương tự như các trang mạng xã hội tiếng Việt như là Cờ Đỏ, hay trang Đấu tranh chống diễn biến hòa bình,… của đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, người cộng sản Trung Quốc nhiều tiền của hơn, có thế hơn, nên họ ra hẳn một trang báo, gọi là tự do ngôn luận, không phải tiếng nói chính thức của nhà nước Bắc Kinh. Người cộng sản Việt Nam thì co ro khép nép hơn, chỉ dừng lại ở mức mạng xã hội, hay đôi khi đưa các viên “tướng” như Lê Thế Mẫu chẳng hạn, lên sân khấu bênh ông Putin, làm ra vẻ rất dữ dằn.

 

Cuối cùng thì “con hổ giấy” Pelosi cứ tà tà đáp Đài Loan, mà chẳng thấy không quân của Bát Lộ quân xuất kích gì cả.

 

Mạng xã hội ái quốc của Hoa Lục tẽn tò vô cùng, tẽn tò và tức giận, tới mức có đảng viên dọa bỏ đảng.

 

Dĩ nhiên, phản ứng này sẽ lần lượt được tuyên giáo Trung Nam Hải kiểm soát thôi, và ngay sau khi bà Pelosi bay đi Hàn Quốc, Bắc Kinh tiến hành tập trận.

 

Có tới năm, sáu khu vực tập trận bao vây đảo Đài Loan, và các nhà bình luận ái quốc của đảng lại lên tiếng, đại ý như: Thấy chưa, chúng ta nói là chúng ta làm, chúng ta mạnh như thế đấy!

 

Nhưng điều rất rõ là kế hoạch tập trận quy mô như thế đâu phải được soạn thảo chỉ có vài ngày, từ khi “con hổ giấy” Pelosi lên tiếng, mà nó phải được hình thành có bài bản cả năm rồi. Thế là cả thế giới chứng kiến những toan tính của Trung Nam Hải một cách nhãn tiền.

Lợi hay hại? Lợi cho ai? Hại cho ai?

 

Không rõ các nhà hoạch định chiến lược của Bắc Kinh thấy thế nào, nhưng đối với phương Tây, thì quả vô cùng có lợi, vì chuyện tập trận này làm rõ hơn cái mà họ phỏng đoán bấy lâu nay. Máy bay, hỏa tiễn, tàu chiến của người Trung Quốc đang chạy trước các cặp mắt cú vọ của phương Tây.

 

Đu dây giữa bánh biscuit và chip điện tử

 

Chuyến đi của bà Pelosi, ngoài chuyện làm cho Bắc Kinh phô diễn cơ bắp, nó còn chứng minh một điều khác là “con hổ giấy Hoa Kỳ” còn lâu mới về hưu. Họ có thể căng sức mạnh của mình ở cả hai đầu thế giới. Một bên họ phải điều phối hàng tỷ Mỹ kim quân cụ ở châu Âu cho Ukraine, cộng với hoạt động thám báo. Bên kia, đội tác chiến của hàng không mẫu hạm Ronald Reagan hoạt động ngay phía Nam Đài Loan, canh chừng cho chuyến bay của bà Pelosi. Đó là chưa kể cách đó vài tiếng đồng hộ, hỏa tiễn Mỹ hạ sát trùm khủng bố Al-Qaeda ở Afghanistan.

 

Nói cho công bằng thì mấy chục năm nay, Đài Bắc cũng đu dây giữa Bắc Kinh và Hoa Thịnh Đốn chứ không phải là không, một bên là thị trường khổng lồ ở Hoa lục, bên kia là cách sống dân chủ giống nhau.

 

Nhưng sự lựa chọn của Đài Bắc khi họ tiếp bà Pelosi, cho thấy rằng cái dây họ đu nghiêng về một bên, bên chip điện tử chứ không phải bên … bánh quy bơ. Vài trăm công nhân làm bánh của Đài Loan có thể khốn đốn đôi chút, nhưng cái lợi lộc về chip điện tử dư sức bù đắp.

 

Vậy Việt Nam chọn cái nào, bánh quy bơ hay chip điện tử?

 

Sợi dây của Hà Nội mỏng mảnh hơn, họ muốn chọn chip điện tử lắm, nhưng chọn thế nào đây? 36 năm sau cái gọi là đổi mới, một thế hệ người Việt sinh ra và già đi, nhưng Việt Nam vẫn không thể có được một lực lượng nhân sự có khả năng bảo đảm nền kinh tế dựa trên khoa học và kỹ thuật cao, mặc cho các quan chức cứ nhai đi nhai lại bốn chấm không và không chấm bốn.

 

Hệ thống đại học, và giáo dục của Việt Nam bị cái bóng của Đảng thống trị, với hàng chục, hàng trăm ngàn viên chức chỉ biết có đấu tranh giai cấp, ngày càng tệ hại. Các quan chức đại học thì lo cầm… vương trượng để biểu diễn, còn dân chúng Việt Nam thì muốn bỏ chạy càng sớm càng tốt, dù có phải chết cứng trong thùng xe đông lạnh ở nước Anh.

________

 

Ghi chú: Bánh biscuit được nhiều người Việt gọi là bánh tây (vì xuất phát từ người Tây người Pháp mà ra), sau năm 1975, một số người miền Bắc vào Nam, đọc là bánh quy bơ.





No comments:

Post a Comment

View My Stats