Monday, 8 August 2022

TRUNG QUỐC KHÔNG GẶT HÁI ĐƯỢC GÌ SAU VỤ TẬP TRẬN Ở ĐÀI LOAN (Phan Minh / RFI)

 



Trung Quốc không gặt hái được gì sau vụ tập trận ở Đài Loan

Phan Minh  -  RFI

Đăng ngày: 08/08/2022 - 16:29

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20220808-trung-qu%E1%BB%91c-kh%C3%B4ng-g%E1%BA%B7t-h%C3%A1i-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-g%C3%AC-sau-v%E1%BB%A5-t%E1%BA%ADp-tr%E1%BA%ADn-%E1%BB%9F-%C4%91%C3%A0i-loan

 

Căng thẳng Đài – Trung vẫn là chủ đề chính được các tờ báo Pháp ra hôm nay 08/08/2022 quan tâm. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/5f89d614-1726-11ed-8a0f-005056bfa79e/w:1024/p:16x9/AP22217073433218.webp

Quân đội Trung Quốc phóng tên lửa trong cuộc tập trận ngày 04/08/2022. Ảnh do Tân Hoa Xã công bố. AP - Lai Qiaoquan

 

Trung Quốc không gặt hái được gì đáng kể sau vụ tập trận ở Đài Loan 

 

Ngay sau khi chủ tịch Hạ Viện Mỹ, bà Nancy Pelosi kết thúc chuyến thăm Đài Loan, quân đội Trung Quốc đã tổ chức tập trận bắn đạn thật rầm rộ ở nhiều điểm sát với hòn đảo. Nhật báo kinh tế Les Echos dẫn lời chuyên gia Trung Quốc và Đông Nam Á Valérie Niquet với nhận định cuộc tập trận của Bắc Kinh xung quanh Đài Loan cũng không đem lại kết quả gì có lợi cho Trung Quốc. Trung Quốc có thực sự hưởng lợi trong việc phong tỏa eo biển Đài Loan hay không ? Bà Niquet nhận định, đây là một bức tranh hỗn hợp đối với Trung Quốc. Mặc dù điều này không nói gì thêm về khả năng xâm lược Đài Loan của Bắc Kinh, nhưng bà không nghĩ rằng Trung Quốc có thể kéo dài việc ngăn chặn sự lưu thông của các con tàu chở hàng qua eo biển, vì chính bản thân họ sẽ bị trừng phạt do hầu hết các con tàu này xuất phát từ các cảng lớn của Trung Quốc. Thêm vào đó là chi phí của các cuộc tập trận quân sự cộng với việc eo biển bị phong tỏa sẽ gây tác động không hề nhỏ đối với chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu. 

 

Đài Loan và một cuộc chiến "bất cân xứng" với Trung Quốc 

 

Vẫn về Đài Loan, nhật báo Le Monde có bài viết về việc hòn đảo quyết định tiến hành một cuộc chiến bất cân xứng với Trung Quốc khi quyết định phát triển quân sự. 

 

Khoảng cách đang gia tăng nhanh chóng giữa lực lượng ngày càng hùng mạnh của Trung Quốc và quân đội nhỏ bé của Đài Loan. "Chúng tôi đang cố gắng xem những bài học có thể rút ra từ cuộc chiến ở Ukraina để tự vệ", ngoại trưởng Đài Loan Ngô Chiêu Nhiếp nói như trên trong một cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình Mỹ CNN. Khả năng chống lại một đối thủ mạnh hơn giống như những gì Ukraina đã làm chắc chắn thuyết phục Đài Bắc về lợi thế của khái niệm chiến tranh "bất cân xứng". Do đó, Đài Loan đã đầu tư vào việc mua tên lửa hành trình chống hạm, tên lửa đất đối không và thủy lôi. 

 

Một số chuyên gia tin rằng mua vũ khí hạng nặng không phải là lựa chọn đúng đắn đối với Đài Loan, bởi ngân sách quân sự của hòn đảo chỉ có 11 tỷ đô la trong khi Trung Quốc dành 230 tỷ đô la đầu tư cho quân sự vào năm 2022. 

 

Cựu đô đốc và cựu tổng tham mưu trưởng quân đội Đài Loan Lý Hiển Anh cũng có cùng quan điểm với những chuyên gia nói trên, khi cho rằng với sự chênh lệch trong ngân sách quân sự giữa hai bên, Đài Loan không nên tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang mà cuối cùng hòn đảo vẫn sẽ thua cuộc. 

 

Bất chấp những lời chỉ trích của cựu đô đốc, chính phủ Đài Loan đã đánh giá được những nguy cơ chiến tranh từ phía Trung Quốc khi vào tháng 10 năm ngoái, bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan Khâu Quốc Chính đã dự đoán rằng quân đội Trung Quốc sẽ có "đầy đủ năng lực" để tấn công hòn đảo vào năm 2025. 

 

Nhật lo ngại hệ quả chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi

 

Nhật báo Công Giáo La Croix quan tâm đến việc Nhật Bản đang phải chịu áp lực từ căng thẳng Đài – Trung sau khi chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi tới hòn đảo hôm 02/08. "Hãy ngừng bắn tên lửa vào Nhật Bản" là lời kêu gọi được phát ra từ những chiếc loa phóng thanh được lắp trên những chiếc xe tải màu đen cắm quốc kỳ Nhật và những bông hoa cúc, biểu tượng của hoàng gia Nhật Bản. Vào hôm qua 07/08, đại diện của các nhóm chính trị cực hữu kêu gọi "xóa bỏ chủ nghĩa cộng sản", tiếp tục đưa ra những lời phê phán Trung Quốc trước cổng đại sứ quán nước này ở Tokyo. 

 

Sau cuộc diễn tập quân sự quyết liệt của Trung Quốc xung quanh Đài Loan dẫn tới việc 5 tên lửa đạn đạo rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ở phía tây nam đảo Hateruma, dư luận và chính phủ Nhật Bản cảm thấy lo lắng. Tokyo là một đồng minh thân cận của Washington, nhưng Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng nhất của xứ hoa anh đào. Điều đó khiến Nhật rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan trong căng thẳng Trung – Mỹ do hồ sơ Đài Loan. 

 

Thủ tướng Fumio Kishida nói rằng các cuộc tập trận và bắn tên lửa là "vấn đề nghiêm trọng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia", đồng thời khẳng định Tokyo và Washington "sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan". Hoa Kỳ có các căn cứ quân sự ở Nhật Bản, nơi 55.000 lính Mỹ vẫn đóng quân, chủ yếu ở tỉnh Okinawa ở miền nam và ở một số hòn đảo cách Đài Loan chưa đầy 100 km. 

 

Daniel Sneider, chuyên gia về Nhật Bản tại đại học Stanford, nói với báo New York Times rằng Trung Quốc muốn chứng tỏ là họ có khả năng phong tỏa Đài Loan. Bắc Kinh đồng thời cũng muốn gửi một thông điệp đe dọa những ai sẽ hỗ trợ Đài Loan, Hoa Kỳ và Nhật Bản. 

 

Trong bối cảnh căng thẳng ngày càng leo thang, Nhật Bản vẫn đang tiếp tục phát triển kho vũ khí quân sự của mình. Theo Hiến pháp chủ hòa có hiệu lực từ năm 1947, Nhật không được quyền có quân đội chính thức và các khoản đầu tư quân sự về mặt lý thuyết chỉ được giới hạn vào các phương tiện phòng thủ. 

 

La Croix nhắc lại rằng các nhà lãnh đạo của đảng cầm quyền Dân chủ Tự do (PLD) của Nhật lo lắng về cuộc chiến tranh ở Ukraina, đã ủng hộ việc tăng gấp đôi ngân sách quốc phòng lên đến 2% GDP đất nước. Nhiều nghị sĩ đảng bảo thủ đã liên tục kêu gọi phát triển khả năng tấn công và thậm chí lưu trữ vũ khí hạt nhân trong lãnh thổ. 

 

Putin thử thách sự đoàn kết của châu Âu 

 

Nhìn sang châu Âu, nhật báo thiên hữu Le Figaro có bài viết về việc Nga đang trắc nghiệm sự đoàn kết của châu Âu. Cuộc chiến ở Ukraina không chỉ diễn ra trên chiến trường mà còn diễn ra trong lĩnh vực kinh tế và chính trị. Nếu như quân đội Nga hồi đầu cuộc chiến phải vất vả trước sự chống trả quyết liệt của quân Ukraina, thì gần đây, điện Kremlin đang gặt hái được thành công ở những lĩnh vực khác. 

 

Dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, Nga và Ukraina đã quyết định ký kết thỏa thuận về việc thiết lập các hành lang hàng hải an toàn cho các tàu chở hàng của Ukraina hôm 23/07 vừa qua. Tuy nhiên, với việc bắn phá cảng Odessa chỉ vài tiếng sau khi hiệp định nói trên được ký, Nga dường như muốn nhắc nhở rằng họ vẫn bảo lưu khả năng xé bỏ thỏa thuận bất cứ lúc nào. Tổng thống Vladimir Putin rõ ràng đang có trong tay những vũ khí lợi hại để đối đầu với phương Tây, khi ông có thể ngừng cung cấp khí đốt cho Liên Âu (EU) và gây trở ngại trong việc Ukraina xuất khẩu ngũ cốc. Chủ nhân điện Kremlin đang trông chờ vào sự phụ thuộc kinh tế và nỗi sợ hãi của các nước châu Âu, trong bối cảnh hậu quả gián tiếp của cuộc chiến tranh đang đẩy giá cả lên cao và làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu năng lượng và suy thoái. Cựu quan chức ngoại giao Michel Duclos viết trên mạng xã hội Twitter rằng : "Cuộc chiến ở Ukraina cũng là một phép thử về sự bền bỉ giữa Nga và phương Tây, đặc biệt là châu Âu." 

 

Châu Âu đã thực sự đoàn kết vào thời điểm chiến tranh mới nổ ra. Nhưng sau 5 tháng xung đột, nỗi sợ hãi và sự mệt mỏi đang thử thách sự đoàn kết của Liên Âu. Sự thống nhất giữa các nước thành viên dường như không còn khi họ vấp phải hồ sơ năng lượng. Hungary đã đàm phán với Nga để được cung cấp thêm khí đốt. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha từ chối giảm mức tiêu thụ khí đốt của họ xuống 15% theo kế hoạch của Bruxelles. Tại Đức, liên minh cầm quyền đang có dấu hiệu mất đoàn kết bởi những ảnh hưởng về mặt kinh tế mà Berlin có thể sẽ phải hứng chịu nếu họ giảm nhập khẩu khí đốt của Nga. 

 

Kể từ đầu hè, tổng thống Putin cũng "dễ thở hơn" trên chính trường quốc tế với việc thủ tướng Anh Boris Johnson và đồng nhiệm Ý Mario Draghi, hai trong số những lãnh đạo châu Âu đả kích ông Putin nhiều nhất lần lượt từ chức. Đổi lại, thủ tướng Hungary Viktor Orban, đồng minh châu Âu quan trọng nhất của Matxcơva tỏ ra mạnh mẽ hơn sau khi tái đắc cử vào tháng 4 vừa rồi. Về phần Hoa Kỳ, quốc gia tích cực nhất trong việc viện trợ quân sự cho Ukraina, cũng đang có những mối bận tâm khác kể từ chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi. 

 

Pháp đối mặt với hạn hán nghiêm trọng 

 

Trong lĩnh vực môi trường, trang nhất và bài xã luận của tờ La Croix quan tâm đến việc thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đã thành lập một đơn vị liên bộ xử lý khủng hoảng để đối phó với tình trạng hạn hán hiện đang "nghiêm trọng hơn bao giờ hết" và có thể trở nên "đáng lo ngại hơn". Trên thực tế, hầu như tất cả các vùng ở Pháp đều bị ảnh hưởng bởi hạn hán và hơn một trăm thành phố không còn nước sạch. 

 

Theo các chuyên gia môi trường, tình trạng hạn hán sẽ còn kéo dài. Do đó, người dân sẽ phải học cách sống với việc tiêu thụ ít nước hơn trong một thời gian dài. Do vậy, việc "tuần hoàn" nước sẽ phải được quản lý tốt hơn, chặt chẽ hơn, từ việc duy trì các mạng lưới phân phối để giảm rò rỉ đến việc tái sử dụng nước thải, đồng thời cũng chọn các loại cây trồng và quy trình công nghiệp tiêu thụ ít nước hơn. 

 

Mathilde Panot, lãnh đạo khối nghị sĩ thuộc đảng cực tả Nước Pháp Bất Khuất (LFI) tại Hạ Viện còn đặt câu hỏi về việc có nên đưa "quyền sử dụng nước" vào Hiến pháp hay không, bởi nước trước tiên phải được sử dụng vào mục đích phục vụ trực tiếp cho cuộc sống chứ không phải là một công cụ để kiếm lợi nhuận. Điều này thúc đẩy chúng ta suy ngẫm về tính chất của nước, vốn không giống những thứ khác, bởi nước đơn giản là công cụ để duy trì sự sống. Đây là lý do tại sao loài người nên bắt đầu nghĩ đến việc tránh để nước bị ô nhiễm hoặc bị lãng phí. 

 

--------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

TRUNG QUỐC - HOA KỲ

Trung Quốc trừng phạt bà Pelosi, ngừng hợp tác với Mỹ về nhiều hồ sơ

ĐÀI LOAN - CHUỖI CUNG ỨNG

Đài Loan : Trung Quốc tập trận đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats