Tuesday, 2 August 2022

THỪA NƯỚC, THIẾU NƯỚC NHƯNG HỌA KHÔNG TỪ NƯỚC (Trân Văn)

 



Thừa nước, thiếu nước nhưng họa không từ nước

Trân Văn

01/08/2022

https://www.voatiengviet.com/a/th%E1%BB%ABa-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-thi%E1%BA%BFu-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-nh%C6%B0ng-h%E1%BB%8Da-kh%C3%B4ng-t%E1%BB%AB-n%C6%B0%E1%BB%9Bc/6681974.html

 

Một viên chức hữu trách trong lĩnh vực cấp nước tiết lộ: Theo kế hoạch, cụm ba hồ chứa nước thô từ sông Sài Gòn đã ngốn hơn một tỉ Mỹ kim và nếu thực hiện phải mất khoảng 30 năm.

 

Nghịch lý trong hai vấn nạn mà TP.HCM đang đối diện: Vừa thừa nước, vừa thiếu nước, phơi bày khả năng quản trị - điều hành không chỉ liên quan đến hiện tại cũng như tương lai của một đại đô thị.

 

Khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền chỉ lựa chọn – bổ nhiệm những cá nhân hội đủ điều kiện về... “lý luận chính trị”, bất kể kiến thức, kinh nghiệm ra sao thì nghịch lý về hai vấn nạn ở TP.HCM chính là ví dụ minh họa về quản trị - điều hành vĩ mô...

 

                                                              ***

Hôm 26/7/2022, một số cơ quan truyền thông chính thức nêu ra hai vấn nạn vốn thuộc loại nan giải ở TP.HCM nhưng ngược chiều: Nguy cơ thiếu nước để duy trì sự sống, sinh hoạt và nguy cơ thừa nước nên khó thoát khỏi tình trạng dễ ngập, ngập sâu, ngập lâu.

 

Chẳng hạn trên VnExpress có “Nỗi lo thiếu nước của Sài Gòn” (1), còn trên Tuổi Trẻ có “Thống nhất phương án thanh toán cho dự án chống ngập 10.000 tỉ” vốn đã kéo dài bảy năm với ba lần tạm dừng (2).

 

Nỗi lo thiếu nước của Sài Gòn” cảnh báo: Nếu việc cung cấp nước bị trục trặc, TP.HCM chỉ có thể cầm cự trong vòng chưa đầy một ngày vì không đủ lượng nước dự phòng cho những tình huống khẩn cấp xảy ra đột ngột.

 

Hiện có khoảng mười triệu người cư trú ở TP.HCM và theo thống kê, sau mỗi năm năm, dân số ở TP.HCM tăng thêm một triệu người. Mỗi ngày một người cần khoảng 200 lít nước cho sinh hoạt cá nhân nên vào lúc này, chỉ tính riêng lượng nước cần thiết để cư dân TP.HCM dùng trong sinh hoạt hàng ngày đã khoảng hai triệu m3, đó là chưa kể lượng nước phải có để đáp ứng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài nguồn nước ngầm vốn khiêm tốn (115.000 m3/ngày), nguồn chính để khai thác – lọc – cung cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh ở TP.HCM là sông nhưng sông càng ngày càng hẹp do bị lấn chiếm, chất lượng nước sông càng ngày càng kém do ô nhiễm và nguy cơ nước mặn xâm nhập càng ngày càng cao.

 

Nếu biến cố nào đó xảy ra và phải tạm ngưng khai thác nước từ sông để lọc, cung cấp cho cư dân TP.HCM sinh hoạt, duy trì sản xuất, kinh doanh thì nước từ các nguồn dự phòng chỉ đủ để phân phối trong vòng chưa dầy 24 giờ là cạn.

 

Theo VnExpress, các chuyên gia đã cảnh báo về tình thế nguy hiểm ấy từ lâu nhưng giới hữu trách dự trù đến... 2050 mới có thể hoàn tất kế hoạch xây dựng sáu hồ chứa nước thô và trạm bơm trung gian để giúp TP.HCM cầm cự trong vòng từ bảy đến mười ngày nếu buộc phải tạm ngưng khai thác nước sông. Trong bối cảnh như hiện nay, khi hệ thống công quyền không thể kiểm soát hữu hiệu việc gây ô nhiễm cho nguồn nước, khi khí hậu biến đổi theo hướng không thể dự đoán, rõ ràng, thảm họa thiếu nước cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh ở TP.HCM có thể xảy ra bất kỳ lúc nào. Cần nói thêm việc xây dựng sáu hồ chứa nước và trạm bơm trung gian chỉ mới có... kế hoạch, chưa biết lúc nào thực thi do chưa... chọn được địa điểm và không rõ lúc nào có... tiền.

 

Một viên chức hữu trách trong lĩnh vực cấp nước tiết lộ: Theo kế hoạch, cụm ba hồ chứa nước thô từ sông Sài Gòn đã ngốn hơn một tỉ Mỹ kim và nếu thực hiện phải mất khoảng 30 năm. Đáng lưu ý là công quỹ không chi cho kế hoạch này, giới hữu trách muốn... “kêu gọi đầu tư” vào việc xây dựng các hồ dự trữ nước nhưng “chưa thu hút được sự quan tâm vì chi phí cao mà lợi nhuận không đáng bao nhiêu”. Tiến sĩ Đào Nguyên Khôi – Trưởng Khoa Môi trường của Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM - nhận xét: TP.HCM không thiếu nước vật lý nhưng có nguy cơ thiếu nước kinh tế. Thiếu nước vật lý do vị trí địa lý của khu vực đó không đủ nước ngọt để cung cấp. Còn thiếu nước kinh tế phát xuất từ quản lý yếu kém khiến nguồn nước đáng lẽ đủ nhưng không bảo đảm nhu cầu...

 

Còn Tiến sĩ Trần Lê Lựu - Điều phối viên Chương trình Thạc sĩ về Công nghệ, Tái sử dụng và quản lý nước của Đại học Việt Đức – lưu ý: Không thể mãi chạy đua với thiên nhiên. Giải pháp bền vững cho đô thị mười triệu dân là tái sử dụng nguồn nước và hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Cả chính quyền lẫn dân chúng phải thấy được sự nguy cấp về an ninh nguồn nước và hành động sớm. Nếu chậm triển khai một công trình đô thị trong vài chục năm thì điều tệ nhất chỉ là thiệt hại về kinh tế còn muộn màng trong thực hiện những dự án bảo vệ an toàn nguồn nước thì có thể dẫn đến tương lai thiếu nước. Ông Lựu khuyên chính quyền TP.HCM nên xem việc bảo vệ an ninh nguồn nước là ưu tiên số một trong phát triển bền vững nhưng bao nhiêu viên chức hữu trách muốn nghe?

 

                                                       ***

Ngược với VnExpress, tờ Tuổi Trẻ loan báo, nhóm đại diện cho chính quyền TP.HCM vừa đạt được thỏa thuận thanh toán chi phí với Công ty Trung Nam - chủ đầu tư kiêm nhà thầu dự án “Giải quyết ngập do thủy triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - Giai đoạn 1” vốn vẫn được ví von là... “siêu dự án chống ngập”. Chi phí cho “siêu dự án chống ngập” là 10.000 tỉ, lẽ ra phải hoàn thành vào năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa xong vì đủ thứ lý do và được hi vọng sẽ hoàn thành vào... mùa khô năm tới.

 

Cho tới nay, TP.HCM đã chi cả trăm ngàn tỉ đồng cho chống ngập. Tiền chi cho chống ngập không chỉ rút từ ngân sách, bán đất, bán công trái mà còn gồm tiền viện trợ, tiền vay từ đủ thứ tổ chức tài chính quốc tế, chính phủ nhiều quốc gia. Từ 2004 đến 2014, chính quyền TP.HCM đã dùng hết 24.300 tỉ để chống ngập, trong đó có 15.000 tỉ vay ngoại quốc và riêng khoản này, mỗi năm phải trả 4.250 tỉ cho cả nợ gốc lẫn lãi (3). Năm 2014, được phép của chính phủ, chính quyền TP.HCM quyết định đem “đổi” ba khu đất ở quận 7 và quận 9 lấy các công trình chống ngập theo quy hoạch cũ trị giá 68.000 tỉ đồng (4). Sau đó thì có thêm “siêu dự án chống ngập” mà theo thỏa thuận mới nhất là ngoài tiền còn thanh toán bằng năm khu đất, với tổng giá trị khoảng 1.600 tỉ.

 

Đến 2018, Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước của chính quyền TP.HCM, loan báo, thành phố này có ít nhất hai… Quy hoạch chống ngập (752 và 1547) cần thực hiện, hoàn tất cả hai thì về…. cơ bản sẽ hết ngập nhưng từ đó đến 2020 phải kiếm cho ra 73.379 tỉ nữa (5). Đầu tháng này, Sở Xây dựng TP.HCM loan báo, muốn hoàn thành chín dự án chống ngập, nước thải và dứt điểm 18 tuyến đường ngập nước trong giai đoạn 2021-2025, phải có khoảng 101.000 tỉ đồng (6)...

 

Đã có nhiều người giải thích vì sao TP.HCM nói riêng và nhiều thành phố, thị xã khác nói chung ngập lụt nặng nề, cũng đã có nhiều người, đặc biệt là các chuyên gia đưa ra nhiều khuyến cáo nhằm giải quyết tận gốc tình trạng ngập lụt càng ngày càng tồi tệ nhưng thay vì tổ chức khảo sát - nghiên cứu kỹ lưỡng để có kế hoạch chống ngập căn cơ, hợp lý hơn, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương thi nhau ra nghị quyết, phê duyệt đủ loại qui hoạch đô thị rồi qui hoạch... chống ngập.

 

---------------

Chú thích

 

(1) https://vnexpress.net/noi-lo-thieu-nuoc-cua-sai-gon-4491856.html

 

(2) https://tuoitre.vn/thong-nhat-phuong-an-thanh-toan-cho-du-an-chong-ngap-10-000-ti-20220726102630564.htm

 

(3) http://plo.vn/thoi-su/lang-phi-chong-ngapbai-1-chi-hon-ti-do-van-so-ngap-661163.html

 

(4) https://www.thesaigontimes.vn/138209/TPHCM-doi-3-khu-dat-lay-du-an-chong-ngap.html

 

(5) https://nld.com.vn/thoi-su/xai-het-5-ti-usd-tp-hcm-se-het-ngap-20180522231511312.htm

 

(6) https://tuoitre.vn/tp-hcm-can-hon-101-000-ti-de-chong-ngap-20220707100329699.htm





No comments:

Post a Comment

View My Stats