Saturday, 27 August 2022

THẾ GIỚI HÔM NAY : 26/08/2022 (The Economist)

 



THẾ GIỚI HÔM NAY : 26/08/2022

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

26/08/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/08/26/the-gioi-hom-nay-26-08-2022/

 

Tổng thống Vladimir Putin ký sắc lệnh tăng quân số của các lực lượng vũ trang Nga lên 1,15 triệu người, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2023. Ước tính hiện tại cho thấy có khoảng 15.000 người Nga thiệt mạng và 45.000 người bị thương sau sáu tháng chiến sự ở Ukraine; với cuộc chiến giờ đây chuyển sang giai đoạn cầm cự xem bên nào hồi phục nhanh hơn. Trong một diễn biến khác, Mỹ và EU lên án vụ tấn công bằng tên lửa của Nga vào ga đường sắt ở miền đông Ukraine hôm thứ Tư khiến ít nhất 25 người thiệt mạng, trong đó có hai trẻ em. Bộ Quốc phòng Nga xác nhận vụ tấn công, nhưng tuyên bố chỉ nhắm vào các đoàn tàu quân sự.

 

Tổng thống Joe Biden công bố gói giảm nợ sinh viên đáng kể. Kế hoạch này sẽ xóa nợ lên đến 10.000 đô la cho những người kiếm được ít hơn 125.000 đô la một năm, và thậm chí giúp nhiều hơn cho những người có nhận trợ cấp liên bang trong quá trình học đại học. Nhiều nhà kinh tế lo ngại xóa nợ sẽ làm trầm trọng tình trạng lạm phát. Nhưng quyết định này có thể đem đến lợi ích chính trị cho đảng Dân chủ trước cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11.

 

Công ty truyền thông và thiết bị tập thể dục Peloton của Mỹ báo cáo khoản lỗ hoạt động 1,2 tỷ USD trong quý 4 vì doanh số bán dụng cụ tập thể dục tại nhà giảm. Cụ thể, doanh thu giảm 28% xuống còn 678,7 triệu đô la trong quý 4, thấp hơn dự đoán 718 triệu đô la của giới phân tích. Hôm thứ Tư, Peloton đã thông báo bán các sản phẩm của mình trên Amazon để thúc đẩy doanh số bán hàng tại Mỹ.

 

Thượng nghị sĩ Mỹ Marsha Blackburn đến thăm Đài Loan, đánh dấu chuyến thăm thứ ba của một quan chức Mỹ cấp cao chỉ trong tháng qua. Chuyến thăm của chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hồi đầu tháng đã khiến Trung Quốc tập trận quân sự với quy mô lớn nhất từ ​​trước đến nay xung quanh đảo Đài Loan. Đáp lại, chính phủ Đài Loan đề xuất chi hơn 19 tỷ USD cho quốc phòng trong năm tới, tăng 15% so với ngân sách hiện tại.

 

Trung Quốc công bố thêm 300 tỷ nhân dân tệ (44 tỷ USD) cho các ngân hàng chính sách nhằm tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng, trong nỗ lực chống suy thoái kinh tế đáng báo động. Tin này đến sau một khoản tiền tương tự được công bố hồi tháng Sáu. Nội các Trung Quốc cũng xác nhận các chính quyền địa phương sẽ phát hành thêm 500 tỷ nhân dân tệ trái phiếu “đặc biệt,” với điều khoản trả lại một phần nợ bằng doanh thu dự án.

 

Amazon thông báo đóng cửa dịch vụ y tế online mà họ cung cấp cho nhân viên, qua đó khép lại một nỗ lực cải cách mô hình chăm sóc sức khỏe ở Mỹ. Công ty cũng cho biết Amazon Care không đủ lớn để cung cấp dịch vụ cho các công ty khác. Dịch vụ này cho phép nhân viên truy cập video 24/7 với bác sĩ và y tá, bên cạnh một số địa điểm tiêm ngừa vắc-xin, xét nghiệm cũng như các thủ thuật y tế khác.

 

Giao tranh bùng nổ ở miền bắc Ethiopia giữa phiến quân Tigray và lực lượng chính phủ, chấm dứt lệnh ngừng bắn kéo dài 5 tháng qua và làm tiêu tan hy vọng đàm phán hòa bình. Xung đột giữa Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray, lực lượng kiểm soát vùng Tigray, và chính phủ của thủ tướng Abiy Ahmed đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hàng triệu người phải di dời kể từ năm 2020.

 

Con số trong ngày: 217,1 tỷ đô la, là số tiền mà chính quyền các bang của Mỹ tiết kiệm được trong năm 2021, vượt kỷ lục gần 100 tỷ đô la của năm 2019.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Viện trợ 3 tỷ đô cho thấy cam kết lâu dài của Mỹ với Ukraine

 

Mỹ đánh dấu ngày độc lập của Ukraine bằng cách công bố gói viện trợ quân sự lớn nhất từ trước đến nay, trị giá 3 tỷ USD. Kyiv có thể dùng số tiền này để mua mọi loại vũ khí, từ đạn pháo đến hệ thống phòng không, đánh dấu lần hiếm hoi Ukraine được tiếp cận vũ khí trực tiếp từ các công ty thay vì các kho hiện có. Song nhiều đơn đặt hàng sẽ không thể được giao cho tới ba năm nữa. Dĩ nhiên viện trợ sẽ không thể phá vỡ thế bế tắc trên chiến trường. Thay vào đó, động thái này cho thấy cam kết lâu dài của Mỹ đối với Ukraine, nhằm đánh bại hy vọng thắng thế của Nga.

 

Lo ngại chiến sự leo thang khiến Mỹ không nhanh chóng gửi vũ khí mạnh hơn đến Ukraine. Nhưng kéo dài ván cờ cũng có rủi ro. Các nước châu Âu có thể giảm ủng hộ khi tình trạng thiếu năng lượng trở nên nghiêm trọng trong mùa đông. Thậm chí ý chí của Mỹ cũng có thể suy yếu nếu những người với tôn chỉ nước Mỹ trên hết quay lại kiểm soát Quốc hội sau cuộc bầu cử giữa kỳ. Cuối cùng, chiến sự sẽ chỉ kéo dài nỗi thống khổ của người dân Ukraine.

 

Ý có thể sẽ bầu một chính phủ cực hữu

 

Thứ Sáu này là ngày khai mạc mùa tổng tuyển cử ở Ý: thời điểm các ứng viên được phép dán áp phích bầu cử khắp các thị trấn và thành phố. Bên cạnh truyền hình, mít tinh, và phương tiện truyền thông xã hội, áp phích là một phần quan trọng của văn hóa bầu cử ở Ý. Hiện thăm dò đang cho thấy một kết quả kịch tính: lần đầu tiên ở Tây Âu thời hậu chiến, một chính phủ cực hữu như trước Thế chiến II có thể sẽ được bầu.

 

Các cuộc khảo sát mới nhất cho thấy đảng Anh em nước Ý, những người thừa kế đảng Phong trào xã hội Ý tân phát xít, sẽ thắng khoảng 25% phiếu bầu. Các đồng minh của họ trong Liên đoàn phương Bắc cực hữu và đảng Forza Italia của Silvio Berlusconi sẽ thắng thêm 25% nữa, từ đó cấu thành đa số nghị viện. Hôm thứ Năm, thủ tướng sắp mãn nhiệm Mario Draghi đã cảnh báo những người kế nhiệm của ông rằng việc tách Ý khỏi EU sẽ làm suy yếu nền kinh tế và vị thế quốc tế của đất nước. Nhưng cử tri Ý dường như không nghĩ như vậy.

 

Liệu cựu thủ tướng Malaysia có được ân xá?

 

Najib Razak đã bắt đầu chấp hành bản án 12 năm tù vì tội tham nhũng, nhưng liệu ông có ngồi đủ bấy nhiêu đó năm hay không? Cho đến nay những người ủng hộ ông, vốn không bị ảnh hưởng gì bởi vai trò của cựu thủ tướng trong vụ biển thủ 4,5 tỷ đô la, đã tổ chức biểu tình yêu cầu hoàng gia ân xá cho ông Najib. Làm vậy sẽ cho phép ông Najib, một nhà chính trị lão luyện, quay lại quốc hội và tìm lấy sự ủng hộ của một số cử tri. Các đối thủ của ông, với mong muốn Malaysia bỏ lại phía sau sáu thập niên cầm quyền đầy tham nhũng của đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất của ông Najib, đang thu thập chữ ký để phản đối lệnh ân xá.

 

Mọi con mắt giờ đây đổ dồn vào Vua Abdullah, người sẽ trị vì 18 tháng tới trong chế độ quân chủ luân phiên của Malaysia (người đứng đầu mỗi bang luân phiên làm vua). Vua hiện tại là Sultan của Pahang, bang quê nhà của ông Najib, và hai người dường như thân thiện với nhau.

 

Giá năng lượng đè nặng lên các hộ gia đình Anh

 

Người Anh đứng trước một mùa đông ảm đạm phía trước khi hóa đơn năng lượng tăng cao. Vào thứ Sáu, Ofgem, một cơ quan quản lý, sẽ cập nhật mức trần giá điện và khí đốt cho hầu hết các hộ gia đình. Cuộc chiến ở Ukraine đã đẩy giá khí đốt bán buôn một lần nữa lên cao chóng mặt (sau khi giảm hồi đầu mùa hè). Hóa đơn năm của một hộ gia đình trung bình có khả năng tăng lên khoảng 3.600 bảng Anh (4.260 đô la) so với hồi tháng 10, cao gấp ba lần so với một năm trước.

 

Công đảng đối lập cho biết họ sẽ đóng băng hóa đơn năm trong sáu tháng ở mức 1.971 bảng Anh cho các hộ gia đình trung bình, với chính phủ chi phần còn lại. Ý tưởng này rất được ủng hộ, nhưng đắt đỏ – nhà nước phải trả tới 6 tỷ bảng Anh cho hóa đơn của nhóm 20% thu nhập cao nhất. Một giải pháp tốt hơn là giảm giá hoặc phát tiền mặt cho những người thu nhập thấp (mặc dù rất khó xác định ai đủ điều kiện). Nếu được thực hiện tốt, chính sách này khuyến khích mọi người tiết kiệm năng lượng, trong khi vẫn giúp được những người khó khăn nhất.

 

Đấu tranh pháp lý về quyền phá thai kéo dài ở Mỹ

 

Hai tháng sau khi Tòa án Tối cao Mỹ bác bỏ quyền phá thai, nhiều bang đang cấm thủ thuật này. Mười ba bang đã cài sẵn luật tự động cấm phá thai sau khi phán quyết Roe vs Wade bị tòa tối cao lật lại. Vào thứ Năm, Tennessee đã cấm phá thai không ngoại lệ cho cả hiếp dâm và loạn luân. Texas cũng tăng cường thực thi luật tương tự: các bác sĩ phải đối mặt khoản tiền phạt tối thiểu 100.000 đô la cho mỗi lần phá thai, bên cạnh nguy cơ ngồi tù.

 

Nhưng ở một số nơi luật cấm đang bị tranh cãi gay gắt. Hôm thứ Tư, một thẩm phán Idaho đã ra phán quyết áp đặt lệnh cấm gần như hoàn toàn của bang, sẽ có hiệu lực từ tuần này, vi phạm luật liên bang, theo đó yêu cầu các bệnh viện cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế khẩn cấp. Đấu tranh pháp lý đã dẫn đến tạm ngừng lệnh cấm phá thai ở Utah, Wyoming và North Dakota, nơi một luật như vậy được dự kiến có hiệu lực từ thứ Sáu. Tuy nhiên, danh sách các bang đang hoặc sắp sửa có lệnh cấm tiếp tục dài ra: cứ ba phụ nữ Mỹ trong độ tuổi sinh đẻ thì có một người sống ở một bang như vậy.





No comments:

Post a Comment

View My Stats