Friday 19 August 2022

THẾ GIỚI HÔM NAY : 18/08/2022 (The Economist)

 



THẾ GIỚI HÔM NAY : 18/08/2022

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

18/08/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/08/18/the-gioi-hom-nay-18-08-2022/

 

Ukraine ám chỉ chính họ đã tiến hành các vụ nổ hôm thứ Ba tại căn cứ quân sự của Nga ở Crimea, nơi vốn nằm cách xa chiến tuyến. Cố vấn tổng thống Mykhailo Podolyak dự đoán sẽ còn nhiều cuộc tấn công tương tự. Trong khi đó, nhà lãnh đạo tự xưng của khu vực ly khai Donetsk ra cam kết phát triển “hợp tác song phương bình đẳng cùng có lợi” trong thư gửi Triều Tiên, nước hồi tháng 7 đã trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới công nhận độc lập cho Donetsk.

 

Cựu phó tổng thống Mỹ Mike Pence yêu cầu đảng Cộng hòa ngừng chỉ trích các cơ quan thực thi pháp luật xoay quanh vụ đột kích của FBI vào Mar-a-Lago, nhà riêng của cựu tổng thống Donald Trump. Nhiều người trong đảng đã chỉ trích cuộc đột kích, với một số thậm chí kêu gọi “ngừng cấp ngân sách” cho FBI. Ông Pence nói luận điệu này “chẳng khác nào kêu gọi bãi bỏ cảnh sát.” Ngoài ra ông còn nói nếu được yêu cầu, ông sẽ cân nhắc hợp tác với ủy ban Hạ viện đang điều tra vai trò của ông Trump trong vụ bạo động 6 tháng 1.

 

IsraelThổ Nhĩ Kỳ đồng ý khôi phục quan hệ ngoại giao hoàn toàn, qua đó chấm dứt tình trạng bế tắc bấy lâu nay. Đại sứ hai bên sẽ được phục hồi chức vụ, lần đầu tiên kể từ khi họ bị trục xuất vào năm 2018 vì vụ Israel sát hại 60 người Palestine. Chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Tổng thống Israel, Isaac Herzog, hồi tháng 3 đã khởi đầu cho một chu kỳ tan băng quan hệ, theo sau đó là một cam kết khởi động lại đường bay thẳng của các hãng hàng không Israel.

 

Lạm phát tính theo năm ở Anh lên mức 10,1% trong tháng 7, mức cao nhất 40 năm qua. Dù chi phí sinh hoạt đang đè nặng lên các hộ gia đình, chính phủ vẫn không có ý định trợ giúp thanh toán hóa đơn cho đến khi Đảng Bảo thủ chọn được lãnh đạo mới vào ngày 5 tháng 9. Ngân hàng Trung ương Anh đã dự báo lạm phát có thể lên tới 13% trong mùa thu.

 

Hai cựu thẩm phán ở Pennsylvania bị yêu cầu bồi thường hơn 200 triệu đô la tiền bồi thường thiệt hại cho những người bị ảnh hưởng bởi vụ bê bối “đổi trẻ em lấy tiền mặt.” Mark Ciavarella và Michael Conahan đã nhận 2,8 triệu USD tiền lại quả từ đồng sở hữu và nhà thầu của hai trung tâm giáo dưỡng vì lợi nhuận dành cho trẻ vị thành niên, với điều kiện họ sẽ nghị án sao cho đảm bảo được nguồn cung trẻ em cho các trung tâm. Được biết cõ những trẻ em mới tám tuổi cũng đã bị bắt giam vì những tội nhỏ nhặt, chẳng hạn như băng qua đường tùy tiện.

 

Công ty năng lượng Uniper của Đức đã báo cáo khoản lỗ đáng kinh ngạc 12,4 tỷ euro (12,6 tỷ USD) trong nửa đầu năm 2022, qua đó cho thấy cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng của châu Âu. Uniper là nhà nhập khẩu khí đốt Nga lớn nhất của Đức. Họ cho biết một nửa khoản lỗ ròng đến từ dòng khí giảm, khiến công ty buộc phải bù đắp thiếu hụt trên thị trường giao ngay với giá cao hơn. Tháng trước Uniper đã được chính phủ Đức cứu trợ 15 tỷ euro.

 

Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết sẽ gửi quân đến Nga để tham dự Army Games. Hội thao quốc phòng này được tổ chức ở miền đông nước Nga, có sự tham dự của Belarus, Ấn Độ, Mông Cổ và Tajikistan. Bộ cho biết việc Trung Quốc tham gia “không liên quan đến tình hình quốc tế và khu vực hiện nay.”

 

Con số trong ngày: 400.000, là ước tính số ha đất ở Anh được dùng cho các khu vườn tư nhân.

 

.

TIÊU ĐIỂM

 

Erdogan thăm Ukraine

 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã tích cực can dự vào tình hình Ukraine trong vai trò hòa giải. Nhưng vào thứ Năm, Recep Tayyip Erdogan mới lần đầu tiên đến thăm Ukraine kể từ khi Nga xâm lược. Ông sẽ gặp người đồng cấp Volodymyr Zelensky ở Lviv, một thành phố nằm cách xa chiến tuyến. Ngoài ra tham dự cuộc họp còn có tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres.

 

Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ đã được nhiều người hoan nghênh cho các nỗ lực hòa giải của họ, vốn đưa đến thỏa thuận mở lại xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen giữa Ukraine và Nga. Máy bay không người lái Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất cũng đã giúp quân đội Ukraine đẩy lùi quân Nga. Nhưng ông Erdogan muốn cân bằng giữa hai bên. Hôm 5 tháng 8, ông đã gặp Vladimir Putin và ra chỉ dấu cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ chào đón doanh nghiệp Nga.

 

Về phần Zelensky, ông sẽ muốn thăm dò các vị khách của mình về khả năng mở rộng thỏa thuận ngũ cốc thành một cuộc đàm phán chấm dứt xung đột. Ông cũng sẽ thảo luận về giao tranh tại Zaporizhia, nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu, vốn đang làm dấy lên lo ngại về một thảm họa hạt nhân.

 

Serbia và Kosovo lại căng thẳng

 

Vào thứ Năm, tổng thống Serbia Aleksandar Vucic và thủ tướng Kosovo Albin Kurti sẽ gặp Josep Borrell, ủy viên chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu, tại Brussels. Đứng đầu chương trình thảo luận là một đề xuất gây tranh cãi mà nếu được thông qua có thể trao một số quyền tự trị cho các thành phố với đa số người Serbia bên trong Kosovo.

 

Căng thẳng lại một lần nữa gia tăng giữa Serbia và tỉnh cũ của nước này, Kosovo. Một trong những nguyên nhân là việc chính phủ Kosovo vào tháng trước quyết định bắt buộc công dân Serbia đến Kosovo phải nhận thẻ căn cước tạm thời thay cho hộ chiếu. Giới chức Serbia phản đối chính sách này và cuối cùng khiến nó bị hoãn — nhưng mạng xã hội đã nhanh chóng bùng nổ các tin đồn về một cuộc xâm lược của người Serbia.

 

Các binh sĩ NATO ở Kosovo có nhiệm vụ bảo vệ đất nước, khiến cho một cuộc xâm lược rất khó xảy ra. Nhưng tiến bộ chính trị cũng vậy. Hai ông Kurti và Vucic không ưa nhau, trong khi tiến trình đàm phán kéo dài 10 năm qua do EU bảo trợ đã không còn mang lại kết quả. Lần này có lẽ sẽ không khá hơn.

 

Xác định niên đại bằng đồng vị phóng xạ mất chính xác vì hoạt động của con người

 

Khi xác định niên đại bằng carbon được nghĩ ra vào năm 1946, nó đã tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành khảo cổ học. Nguyên tắc của kỹ thuật này đến từ việc các sinh vật hấp thụ carbon trong khí quyển, bao gồm carbon-14, một đồng vị phóng xạ. Khi một sinh vật chết đi, mức carbon-14 của nó sẽ giảm khi đồng vị phân hủy. Nhờ đó, lượng đồng vị còn lại – sau khi đã tính đến nồng độ trong khí quyển – sẽ giúp ta ước tính được thời gian đã trôi qua.

 

Nhưng hoạt động của con người đang làm cho phương pháp này trở nên vô dụng. Hiện ​​nồng độ carbon-14 trong khí quyển không còn ở mức cao đột biến như trong chiến tranh lạnh, sau khi các nước chấm dứt thử nghiệm vũ khí nguyên tử trên mặt đất. Đồng thời, lượng khí thải carbon-dioxide tăng cao làm loãng nồng độ của carbon-14, khiến cho các vật thể hiện đại mang cùng nồng độ so với các vật thể 100 năm trước. Điều này làm cho việc xác định niên đại khó khăn hơn, bất kể vật thể đó là xác người hay rượu whisky lâu năm. Các nhà khoa học cho rằng đến năm 2050 một món đồ hiện đại sẽ có dấu thời gian carbon ngang với một đồ vật của thời Trung cổ. Do đó, kỹ thuật đồng vị carbon sẽ sớm bị loại bỏ. Trước mắt, để thay thế nó người ta sẽ chỉ đơn giản là phỏng đoán.





No comments:

Post a Comment

View My Stats