Friday, 5 August 2022

TẬP TRẬN BAO VÂY ĐÀI LOAN, TRUNG QUỐC PHÁ VỠ NGUYÊN TRẠNG (Thu Hằng / RFI)

 



Tập trận bao vây Đài Loan, Trung Quốc phá vỡ nguyên trạng

Thu Hằng  -  RFI

Đăng ngày: 05/08/2022 - 14:49Sửa đổi ngày: 05/08/2022 - 14:50

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20220805-t%E1%BA%ADp-tr%E1%BA%ADn-bao-v%C3%A2y-%C4%91%C3%A0i-loan-trung-qu%E1%BB%91c-ph%C3%A1-v%E1%BB%A1-nguy%C3%AAn-tr%E1%BA%A1ng

 

Tên lửa của Trung Quốc bay trên bầu trời Đài Loan. Máy bay và chiến hạm Trung Quốc vượt đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan. Năm tên lửa của Trung Quốc rơi vào vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Chỉ trong ngày đầu tập trận, Bắc Kinh đã liên tục phá vỡ nguyên trạng trong khu vực và làm « gia tăng nghiêm trọng » căng thẳng, theo cáo buộc ngày 05/08 của ngoại trưởng Mỹ, ở khu vực vẫn được coi là một thùng thuốc súng.

 

https://s.rfi.fr/media/display/e9e9f8c0-13d4-11ed-bd8d-005056a90284/w:1024/p:16x9/2022-08-04T053639Z_1245205938_RC2HPV9PMZPE_RTRMADP_3_ASIA-PELOSI.webp

Màn ảnh truyền hình chiếu cảnh quân đội Trung Quốc tập trận ở vùng eo biển Đài Loan ngày 04/08/2022. REUTERS - TYRONE SIU

 

Nhà nghiên cứu Pháp Valérie Niquet, khi trả lời đài RFI ngày 05/08, cho rằng Bắc Kinh đã thổi phồng chuyến công du Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi để dằn mặt Đài Bắc. Ngoài việc kích động tinh thần dân tộc trong nước trước thềm đại hội đảng Cộng sản, Bắc Kinh mượn cớ « can thiệp chuyện nội bộ »« xâm phạm chủ quyền quốc gia » để danh chính ngôn thuận tập trận bắn đạn thật quy mô lớn chưa từng có ở eo biển Đài Loan kể từ năm 1995-1996, khi Trung Quốc bắn tên lửa đáp trả chuyến thăm Hoa Kỳ của tổng thống Đài Loan Lý Đăng Huy (Lee Teng Hui).

 

Trung Quốc: « Một mũi tên nhắm hai đích ».

 

Đài Loan trên thực tế bị phong tỏa ít nhất cho đến Chủ Nhật 07/08, vì chiến đấu cơ, chiến hạm Trung Quốc cùng lúc tập trận ở sáu địa điểm vây quanh hòn đảo, trong đó có nhiều khu vực lấn đường trung tuyến ở eo biển Đài Loan và khu vực gần nhất chỉ cách hòn đảo khoảng 16,5 km. Theo chuyên gia Ran Yiqiao, được Courrier International trích dẫn ngày 05/08, cuộc tập trận của Trung Quốc là « một mũi tên nhắm hai đích ». Thứ nhất là ý đồ biến eo biển Đài Loan thành chuyện nội bộ, trong khi Hoa Kỳ luôn coi eo biển Đài Loan là « tuyến đường biển quốc tế » và liên tục tiến hành các cuộc tuần tra vì tự do lưu thông hàng hải. Thứ hai là thách thức trực tiếp trật tự hàng hải ở châu Á-Thái Bình Dương, do Mỹ đứng đầu.

 

Bắc Kinh luôn khẳng định Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời và « việc Đài Loan trở về với đất mẹ là điều không thể chối cãi về mặt lịch sử », theo Tân Hoa Xã phiên bản tiếng Pháp ngày 04/08. Trên thực địa, chiến đấu cơ Trung Quốc liên tục thâm nhập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan (rộng hơn không phận), tầu chiến cũng vượt qua đường trung tuyến, nhưng thường dừng lại trước vùng nội thủy Đài Loan. Viện cớ đáp trả chuyến công du Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Mỹ, « các cuộc tập trận của Trung Quốc đang biến lời nói của Trung Quốc thành hành động », theo nhận định của chuyên gia Ran Yiqiao.

 

Tiền đề để đưa Đài Loan về với đất mẹ

 

Ba ngày phong tỏa Đài Loan là sự kiện chưa từng có và cho thấy Trung Quốc đã thay đổi nguyên trạng ở eo biển. Theo giáo sư Li Minjiang, trường Quan hệ Quốc tế Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang tại Singapore, « kiểu phong tỏa này có thể sẽ được lặp lại trong tương lai ». Ông cảnh báo đây là « bước đi đầu tiên của Bắc Kinh hướng đến việc thống nhất bằng vũ lực ». Trước đó, báo cáo thường niên 2021 của bộ Quốc Phòng Mỹ nêu lên khả năng này. Câu hỏi đặt ra là vào lúc nào.

 

Cuộc tập trận quy mô lớn, đồng loạt quanh Đài Loan còn là cơ hội để quân đội Trung Quốc trắc nghiệm thực lực trong điều kiện như một cuộc tấn công thực, theo nhận định của AP. Cuộc tập trận này cũng cho thấy tầm mức của lực lượng mà Bắc Kinh có thể triển khai khi quyết định kiểm soát hòn đảo, kể cả bằng vũ lực. Cần phải nhắc lại rằng Trung Quốc hiện là cường quốc thứ hai thế giới về quân sự, được trang bị phương tiện hiện đại về hàng hải, không quân và hải quân.

 

Cuối cùng, ngoài việc kích động tinh thần dân tộc trong nước, cuộc tập trận cũng được cho là nhằm trắc nghiệm phản ứng của quốc tế và tinh thần đoàn kết của các nước đồng minh với Đài Loan. Theo nhà nghiên cứu Valérie Niquet, Bắc Kinh cũng « tìm cách gây sức ép với những nước có thể tiếp tục duy trì mối quan hệ quá thân mật với Đài Bắc ».

 

Tuy nhiên, theo bà Niquet, cần phải tiếp tục heo dõi để xem Trung Quốc có thật sự tiến sát đến bờ biển và có thâm nhập không phận Đài Loan hay không. Đó là những dấu hiệu cho thấy tính chất nguy hiểm thực sự của cuộc tập trận quy mô lớn lần này. Washington khẳng định không thay đổi lập trường « một nước Trung Hoa duy nhất », nhưng tuyên bố sẵn sàng bảo vệ Đài Loan trong trường hợp hòn đảo bị Trung Quốc tấn công. Việc Đài Loan bị tấn công có nguy cơ kéo theo một cuộc can thiệp quốc tế.

 

Kể cả trong trường hợp đổ bộ lên hòn đảo, nhiều chuyên gia cho rằng quân Trung Quốc sẽ phải đối phó với chiến tranh đô thị dai dẳng và như vậy cuộc tấn công sẽ trở thành rủi ro lớn về chính trị và quân sự cho chủ tịch Tập Cận Bình, đang tìm cách tiếp tục nhiệm kỳ tổng bí thư đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ ba trong kỳ Đại hội tới.

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

TRUNG QUỐC - ĐÀI LOAN-QUÂN SỰ

Hải quân Trung Quốc tập trận áp sát khu vực 12 hải lý của Đài Loan

ĐIỂM BÁO

Trung Quốc phát động « chiến tranh tổng hợp » chống Đài Loan ?

TRUNG QUỐC - ĐÀI LOAN - TẬP TRẬN

Trung Quốc tổ chức trập trận lớn "chưa từng có" xung quanh Đài Loan

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats