Tại
sao Trung Quốc quyết chiếm Đài Loan?
Thanh Hà - RFI
Đăng
ngày: 19/08/2022 - 14:34
Chuyên
gia Pháp về Trung Quốc cho rằng kế hoạch chinh phục Đài Loan của Bắc Kinh, kể cả
bằng vũ lực, bắt nguồn từ nhiều lý do, từ chính trị, lịch sử, cho đến kinh tế,
thương mại và đặc biệt nhất là chiến lược và địa chính trị.
Bộ
Quốc Phòng Đài Loan hôm 18/08/2022 lại cảnh báo về hoạt động của 6 chiến hạm và
hơn 50 phi cơ quân sự Trung Quốc xung quanh hòn đảo, trong đó có 25 chiếc đã vượt
qua đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan hoặc bay vào vùng nhận dạng phòng
không của hòn đảo. Sau đợt
tập trận được phô trương là rầm rộ chưa từng thấy xung quanh Đài Loan trong 4
ngày 04-07/08, Quân Đội Trung Quốc vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động hù
dọa và càng lúc càng lúc lộ rõ “quyết tâm” chiếm đóng hòn đảo, kể cả bằng võ lực.
Trong một bài phân tích đăng ngày 17/08 vừa qua,
nhật báo Pháp Le Monde cho rằng ý đồ đánh chiếm Đài Loan của Trung Quốc không
chỉ là sáp nhập hòn đảo này vào lãnh thổ của mình, mà còn là phá vỡ các liên
minh của Mỹ trong khu vực.
Theo các
chuyên gia Pháp về Trung Quốc được Le Monde trích dẫn, kế hoạch chinh phục Đài
Loan của Bắc Kinh, kể cả bằng vũ lực, bắt nguồn từ nhiều lý do, từ chính trị, lịch
sử, cho đến kinh tế, thương mại và đặc biệt nhất là chiến lược và địa chính trị.
Lập luận “thống nhất” Đài Loan không có cơ sở
Điều mà
nhiều chuyên gia Pháp ghi nhận đầu tiên là tính chất thiếu vững chắc của lâp luận
mà Bắc Kinh luôn đưa ra trên vấn đề Đài Loan, theo đó hòn đảo là một bộ phận
không thể tách rời khỏi Trung Quốc, do đó cần phải được sáp nhập và “thống nhất”
với Hoa Lục.
Theo
Stéphane Corcuff, một nhà Trung Hoa học thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Pháp về
Trung Quốc Đương Đại, trụ sở tại Đài Bắc, chế độ Cộng Sản Trung Quốc lên cầm
quyền tại Hoa Lục từ năm 1949 không bao giờ thừa nhận việc thực thể mang tên gọi
Trung Hoa Dân Quốc tiếp tục tồn tại một cách độc lập ở Đài Loan sau năm 1949.
Chuyên gia này nêu bật sự kiện là vào năm 1934, Mao Trạch Đông từng lên tiếng
đòi Đài Loan “độc lập”, nhưng đến năm 1949, ông lại đột nhiên muốn Đài Loan được
“giải phóng”.
Theo Le
Monde, đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hiện coi “vấn đề Đài Loan” là chuyện nội
bộ và không cho phép bất kỳ một sự can thiệp nào từ bên ngoài. Thế nhưng đó lại
là một vùng lãnh thổ mà họ chưa bao giờ kiểm soát.
Bà
Marianne Péron-Doise, giám đốc Đài Quan Sát Địa Chính Trị vùng Ấn Độ-Thái Bình
Dương tại Viện Quan Hệ Chiến Lược và Quốc Tế (IRIS) nhấn mạnh: “Trung Quốc
tuyên bố chủ quyền đối với Đài Loan bằng cách dùng từ 'thống nhất' trong khi
thuật ngữ này hoàn toàn không phù hợp, vì Đài Loan chưa bao giờ là lãnh thổ của
Trung Quốc”. Trên cơ sở đó, theo bà Péron-Doise, nếu Trung Quốc đánh chiếm Đài
Loan, thì đó không phải là một sự “thống nhất” mà là một hành vi “sáp nhập bằng
võ lực”.
Đài Loan
chỉ bị nhà Thanh chinh phục một phần vào cuối thế kỷ 17, nhưng nhà Thanh lại một
triều đại của người Mãn Châu, chứ không phải là một chế độ của người Hán. Đến
năm 1895, Đài Loan bị Nhật Bản sáp nhập và sau đó được tái hòa nhập vào nước
Trung Hoa Dân Quốc vào năm 1945, sau khi Nhật Bản đầu hàng.
Đối với
Stéphane Corcuff, tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh hiện nay trên Đối lập “không
nhằm mục đích 'thống nhất' Đài Loan và Trung Quốc mà là để sáp nhập một quốc
gia có chủ quyền” dựa trên các yếu tố lịch sử, dân tộc hoặc ngôn ngữ.
Phá vỡ các liên minh của Mỹ đang chi phối
“chuỗi đảo đầu tiên”
Theo Le
Monde, động cơ thúc đẩy Bắc Kinh quyết chiếm Đài Loan không chỉ là chính trị
như kể trên mà còn là địa chính trị và chiến lược, đặc biệt trong bối cảnh
Trung Quốc đang khẳng định mình như là một siêu cường và cạnh tranh với Hoa Kỳ.
Theo Le
Monde, đặc điểm địa lý của khu vực Biển Hoa Đông và Biển Đông cũng như liên
minh của các nước láng giềng đang ngăn cản tham vọng bá quyền của Bắc Kinh, với
14.000 km đường bờ biển của Trung Quốc phải đối mặt với cái được gọi là “chuỗi
đảo đầu tiên”.
Chuyên gia
Marc Julienne, phụ trách các nghiên cứu về Trung Quốc tại Trung Tâm Châu Á thuộc
Viện Quan Hệ Quốc tế Pháp (IFRI) phân tích: “Bắc Kinh trong một chừng mực nào
đó đang bị giới hạn trong các vùng biển của mình, không có quyền tiếp cận tự do
với Thái Bình Dương, vì họ phải đối mặt với chuỗi đảo thuộc các quốc gia có
quan hệ tương đối thù địch với Trung Quốc”.
Chuỗi đảo
đầu tiên này bao gồm bốn đồng minh của Hoa Kỳ: Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines
và Đài Loan. Ba nước đầu tiên đều có hiệp ước phòng thủ chung với Mỹ. Hàn Quốc
có hai căn cứ hải-không quân của Mỹ và Nhật Bản, sáu căn cứ. Kể từ năm 2014, một
thỏa thuận an ninh cũng đã cung cấp cho Không Quân Mỹ 5 điểm hỗ trợ tại
Philippines.
Chuỗi đảo
thứ hai bao gồm Quần Đảo Bắc Mariana (nơi có căn cứ hải quân lớn của Mỹ là
Guam), Palau (một vùng lãnh thổ trước đây do Hoa Kỳ quản lý) và quần đảo
Ogasawara của Nhật Bản.
Chiếm được
Đài Loan sẽ cho phép Trung Quốc làm suy yếu đáng kể sự hiện diện của Mỹ trong
khu vực và khẳng định sự thống trị của Trung Quốc.
Đối với
chuyên gia Marc Julienne, do vị trí trung tâm của mình, “Đài Loan là một loại
chốt chặn ngõ ra Thái Bình Dương của Trung Quốc”.
Chuyên gia
Pháp phân tích: “Trung Quốc tìm cách phá vỡ mạng lưới liên minh của Mỹ trong
khu vực. Mục đích là để quân đội Trung Quốc có thể ngăn cản Hoa Kỳ can thiệp
vào khu vực thông qua chiến thuật từ chối tiếp cận, điều này sẽ khiến người Mỹ
khó tiếp cận Trung Quốc và từ Đài Loan hơn nhiều. Và khi Hoa Kỳ không còn khả
năng bảo vệ Nhật Bản, liên minh sẽ không đứng vững.”
Một nguồn
thạo tin từ Bộ Quân Lực Pháp cho rằng việc Hoa Kỳ biến mất với tư cách là người
bảo đảm an ninh trong khu vực “sẽ là một bước ngoặt chiến lược”. Nguồn tin xin
giấu tên cho biết: “Có một nguy cơ thực sự mở đường cho việc phổ biến vũ khí hạt
nhân ở các nước như Hàn Quốc, và có thể là Nhật Bản. Nếu hai quốc gia này không
còn có thể dựa vào chiếc ô hạt nhân của Mỹ, họ có thể tìm cách phát triển biện
pháp răn đe của riêng mình để tự đảm bảo an ninh.”
Tuy nhiên,
bà Marianne Péron-Doise khá thận trọng: “Trung Quốc sẽ không thể phá vỡ các hiệp
ước an ninh” giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ, vì “không thể tưởng tượng rằng
Trung Quốc có thể thay vào chỗ những đảm bảo an ninh” của Mỹ.
Mở đường ra cho tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc
Một trong
những mục tiêu chiến lược khác của Bắc Kinh liên quan đến khả năng răn đe hạt
nhân và đặc biệt là khắc phục tình trạng khả năng cơ động của các tàu ngầm tên
lửa hạt nhân của Trung Quốc bị một số yếu tố địa lý hạn chế.
Màng lưới
theo dõi hiện tại đặt trên hai chuỗi đảo cho phép các đồng minh của Mỹ dễ dàng
phát hiện các tàu ngầm Trung Quốc muốn đi ra Thái Bình Dương.
Theo ông
Marc Julienne: “Người Nhật, người Mỹ và người Đài Loan có khả năng tác chiến chống
tàu ngầm rất tốt và có thể theo dõi loại tàu ngầm này.
Nhưng quan
trọng hơn cả là vùng Biển Hoa Đông và Biển Đông có lưu lượng tàu thương mại dày
đặc và thuộc diện biển nông. Ba phần tư Biển Hoa Đông sâu chưa đến hai trăm
mét, không đủ để tàu ngầm Trung Quốc lặn sâu và di chuyển một cách kín đáo,
không bị “nghe thấy”.
Nguồn tin
từ Bộ Quân Lực Pháp xác nhận: “Tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo SSBN bị khoanh lại
trong vùng biển xung quanh đảo Hải Nam trên Biển Đông. Với tầm bắn hạn chế, các
chiếc tàu này không thể vươn tới lục địa Hoa Kỳ. Trung Quốc do đó phải dựa vào
tên lửa đạn đạo trên bộ của họ, về bản chất dễ bị tấn công hơn so với tàu ngầm,
vốn có thể dễ dàng ẩn náu hơn”.
Ngược lại,
Đài Loan có lợi thế là có khả năng tiếp cận trực tiếp với đại dương sâu ở vùng
bờ biển phía đông của mình.
Theo Marc
Julienne, việc chiếm được Đài Loan “sẽ là cơ hội để Trung Quốc xây dựng một căn
cứ tàu ngầm SSBN mới và tiến gần hơn đến các bờ biển của Hoa Kỳ. Đối với Mỹ đó
sẽ là một đe dọa trực tiếp”.
Áp đặt các tuyên bố chủ quyền trên các vùng
biển khác
Việc chinh
phục Đài Loan sẽ phục vụ các mục đích khác của Bắc Kinh, chẳng hạn như áp đặt
các yêu sách về lãnh thổ và hàng hải của Trung Quốc.
Bà
Marianne Péron-Doise chỉ rõ: “Chúng ta phải lồng vấn đề eo biển Đài Loan trong
một tổng thể lớn hơn: Đó là sự bành trướng toàn cầu của sức mạnh hàng hải Trung
Quốc. Thông qua việc kiểm soát Đài Loan, Trung Quốc có thể mở rộng vùng đặc quyền
kinh tế của mình và áp đặt các hạn chế đối với quyền tự do hàng hải”.
Theo Le
Monde, nếu mối quan tâm trước mắt của Trung Quốc nhắm vào tàu quân sự nước
ngoài, thì việc mở rộng vùng chủ quyền cũng sẽ cho phép Bắc Kinh thực hiện quyền
kiểm soát đối với hoạt động vận chuyển dân sự - một đòn bẩy mạnh mẽ để gây áp lực
lên các nước láng giềng hoặc thúc đẩy các lợi ích của Trung Quốc.
Eo biển
Đài Loan là nằm trong các vùng biển mà Trung Quốc muốn kiểm soát toàn bộ, trong
bối cảnh một phần eo biển là vùng biển quốc tế mở cửa tự do cho hàng hải. Viễn
cảnh Bắc Kinh có thể kiểm soát tuyến đường thương mại chính giữa Biển Đông và
Biển Hoa Đông này khiến Hàn Quốc và Nhật Bản, những nước có nền kinh tế phụ thuộc
nhiều vào nhập khẩu, lo ngại.
Chiếm được
Đài Loan cũng sẽ hỗ trợ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi
Bắc Kinh đang cố gắng củng cố vị thế của mình, gây hại cho luật biển quốc tế và
các nước láng giềng. Các tranh chấp chủ yếu liên quan đến hai quần đảo: Hoàng
Sa, nằm trong vùng biển quốc tế phía nam Trung Quốc, và quần đảo Trường Sa, nằm
giữa Việt Nam, Malaysia và Philippines, mà Bắc Kinh kiên quyết tuyên bố chủ quyền,
bất chấp thực tế là vùng này rất xa Trung Quốc.
Việc chiếm
Đài Loan thậm chí có thể làm sống lại tranh chấp đối với quần đảo Senkaku, một
quần đảo không có người ở của Nhật Bản nằm không xa bờ biển phía đông của Đài
Loan. Theo chuyên gia Marc Julienne: “Không loại trừ việc Trung Quốc ép Nhật Bản
vào khuôn phép trong khu vực, điều này dường như đang khiến chính quyền Nhật Bản
hết sức lo ngại”.
-----------------------------
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
Đàm
phán mậu dịch với Đài Loan, Mỹ dùng đòn thương mại gây sức ép với Trung Quốc
Hoa
Kỳ sớm đàm phán một thỏa thuận thương mại với Đài Loan
Bất
chấp căng thẳng Mỹ-Trung, một phái đoàn nghị sĩ Hoa Kỳ công du Đài Loan
No comments:
Post a Comment