Sáu
tháng chiến tranh Ukraine: Mới chỉ là giai đoạn đầu!
Hiếu Chân/Người Việt
August 23,
2022
https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/sau-thang-chien-tranh-ukraine-moi-chi-la-giai-doan-dau/
Ngày này
đúng sáu tháng trước, 24 Tháng Hai, quân đội Nga theo lệnh Tổng Thống Vladimir
Putin mở cuộc tấn công toàn tuyến biên giới Ukraine. Đã nửa năm qua, cuộc chiến
chưa có dấu hiệu hạ nhiệt mà càng lúc càng khốc liệt.
https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/08/BL-Sau-Thang-Chien-Tranh-Ukraine-1068x788.jpg
Tổng Thống Volodymyr Zelenskyy (phải) của
Ukraine và Tổng Thống Andrzej Duda của Ba Lan chụp hình tại Alley of Bravery
trước khi có cuộc họp báo chung hôm 23 Tháng Tám. (Hình minh họa: Dimitar
Dilkoff/AFP via Getty Images)
Cuộc chiến
Ukraine thống trị tin tức báo chí thế giới, và như Thủ Tướng Olaf Scholz của Đức
nhận xét, cuộc chiến này đánh dấu một “bước ngoặt trong lịch sử.”
Tham vọng của Putin
Lúc đầu,
nhiều người nghĩ cuộc chiến sẽ nhanh chóng kết thúc sau khi ông Putin đạt được
mục đích. Trong bài diễn văn ủy lạo quân sĩ trước giờ xuất trận hôm 23 Tháng
Hai, ông Putin lên án cái gọi là chế độ phát xít cầm quyền ở Ukraine, rằng Ukraine
không có tư cách quốc gia mà chỉ là một con tốt của phương Tây trên bàn cờ
chính trị quốc tế. Ông nổi giận trước sự mở rộng của Minh Ước Bắc Đại Tây Dương
(NATO) sang “vùng đất lịch sử của chúng ta.” Trong nỗi bất bình và khát vọng
khôi phục “đế chế Nga vĩ đại,” ông Putin nói cuộc tiến quân vào Ukraine không
phải là chiến tranh mà chỉ là thực hiện một “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm
cứu vãn bi kịch sự sụp đổ của Liên Xô, mà theo ông, đã phá vỡ “cán cân lực lượng
trên thế giới.”
Vì thế,
thay vì tấn công vào phía Đông Ukraine – nơi đang có cuộc xung đột giữa chính
phủ Ukraine với các lực lượng ly khai theo Nga từ năm 2014 đến nay – quân Nga
mượn đường qua Belarus, tấn công trực diện vào thủ đô Kiev. Ông Putin dự tính, và nhiều chiến
lược gia cũng nghĩ như ông, quân Nga sẽ “giải phóng” thủ đô Kiev của Ukraine
trong vòng 72 giờ, bắt giữ hoặc thủ tiêu bộ máy lãnh đạo nước này và dựng lên một
chính quyền bù nhìn thân Nga, biến nước này thành một chư hầu của Nga, một vùng
đệm an toàn che chắn giữa Nga với NATO và Liên Minh Châu Âu (EU).
Nhưng thực tế hoàn toàn khác
Nhưng ông
Putin không ngờ tới sự kiên cường của người Ukraine và sự đoàn kết của phương
Tây hỗ trợ Ukraine kháng chiến.
Tổng Thống
Volodymyr Zelenskyy của Ukraine cho phép thường dân trên 60 tuổi, phụ nữ và trẻ
em được di tản, còn tất cả nam giới trong độ tuổi cầm súng đều phải ở lại chiến
đấu trong các đơn vị nhân dân tự vệ. Trong sáu tháng chiến tranh, người Ukraine
không chỉ đẩy lùi được các cuộc tấn công vào Kiev và Kharkov, cầm cự được ở miền
Đông Nam, mà đang tính chuyện giành lại các vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng, kể
cả bán đảo Crimea bị Nga thâu tóm năm 2014.
Khía cạnh
đạo đức rõ ràng của cuộc chiến – cuộc xâm lược trơ trẽn, mang tính hủy diệt của
Nga vào một quốc gia có chủ quyền, và phản ứng can đảm của người Ukraine khiến
Châu Âu vỡ mộng mà từ bỏ chiến lược chung sống hòa bình với Moscow.
Khi không chịu cúi đầu trước tham vọng đế quốc của
ông Putin, người dân Ukraine nhận ra mình đang ở tuyến đầu của cuộc chiến toàn
cầu giữa dân chủ và chế độ chuyên quyền.
Đó là tầm nhìn được các nhà lãnh đạo phương Tây nhắc đi nhắc lại. Tổng Thống
Joe Biden của Mỹ tuyên bố vào Tháng Ba rằng Ukraine đang tiến hành một “trận
chiến lớn cho tự do… giữa tự do và đàn áp, giữa một trật tự dựa trên luật lệ và
một trật tự dựa vào vũ lực.”
Kết cục là
tuy Mỹ và NATO không trực tiếp tham chiến ở Ukraine, phương Tây đã viện trợ hào
phóng cho Ukraine. Thực tế,
sáu tháng qua, quân Nga phải đối đầu với quân dân Ukraine mang vũ khí phương
Tây. Những hỏa tiễn chống tăng Javelin, hỏa tiễn chống hạm Harpoon, pháo
phản lực M177, pháo hỏa tiễn bắn hàng loạt HIMARS, cùng vô số phi cơ không người
lái và vệ tinh trinh sát, gieo nỗi kinh hoàng lên hàng ngũ sĩ quan và binh lính
Nga.
Ý tưởng của
ông Putin đánh Ukraine để ngăn NATO mở rộng sang phía Đông hóa ra phản tác dụng.
Nhìn thực tế của Ukraine, hai nước láng giềng khác của Nga là Phần Lan và Thụy
Điển nhanh chóng quyết định nộp hồ sơ gia nhập NATO để tận dụng quy chế phòng
thủ chung. Ông Putin đã mời
quân đội NATO đến đóng căn cứ ngay trước cửa nước Nga – đúng là chạy trời không
khỏi nắng.
Không ai có lợi từ chiến tranh
Sau sáu
tháng chiến tranh nền kinh tế Nga ngày càng suy sụp: Một nửa dự trữ ngoại tệ của
nước này bị đóng băng, hàng trăm công ty đa quốc rút khỏi thị trường Nga, và
các mặt hàng xuất cảng dầu khí hiện chỉ bán được cho những nước thân cận như
Trung Quốc với giá rẻ. Các chuyên gia cho biết, sở dĩ kinh tế Nga chưa sụp đổ
hoàn toàn là nhờ giá dầu thế giới tăng cao, thu nhập từ dầu khí của Nga không bị
sụt giảm, nhưng đời sống của người dân đã hết sức khốn đốn. Các nhà phân tích
phương Tây tin rằng cỗ máy chiến tranh của Nga đang cạn kiệt, với 80,000 binh
sĩ có thể đã chết trong cuộc giao tranh theo ước tính của tình báo Mỹ trong khi
lượng vũ khí dự trữ sắp hết.
Một học giả
viết trên tạp chí Foreign Affairs rằng cuộc chiến Ukraine đã biến nước Nga
thành một chư hầu mới của Trung Quốc. Thật đau đớn cho khát vọng khôi phục đế
chế Nga vĩ đại của ông Putin!
Nhưng
Ukraine và phương Tây cũng bị thiệt hại nặng không kém.
Người
Ukraine phải trả một cái giá gần như không thể lường được để bảo vệ quyền tồn tại
của quốc gia mình. Sáu tháng chiến tranh làm hàng chục ngàn người thiệt mạng,
hàng triệu người rời bỏ nhà, hàng chục thành phố trở thành đống gạch vụn.
Ở Châu Âu,
mùa Đông lạnh giá sắp đến và chi phí năng lượng tăng vọt, kéo theo giá cả các
hàng hóa khác, đặt ra câu hỏi liệu phương Tây có thể duy trì quyết tâm hỗ trợ
Ukraine trong sáu tháng tới như trong nửa năm qua hay không.
Ở Hoa Kỳ,
tình trạng giá xăng dầu leo thang do ảnh hưởng của cuộc chiến Ukraine và biện
pháp cấm vận Nga làm cho người dân Mỹ thất vọng và chán nản. Hoa Kỳ vẫn là nước
đóng góp nhiều nhất, hiệu quả nhất cho cuộc kháng chiến của người Ukraine, vẫn
là trụ cột về an ninh của Âu Châu, nhưng người Mỹ hào phóng được bao lâu nữa là
điều chưa biết được trong hoàn cảnh chính trị nhiều biến động hiện nay.
Một tương lai đáng sợ
Cuộc chiến
nào cũng phải kết thúc trên bàn đàm phán. Đàm phán ngưng chiến giữa Nga và
Ukraine do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian bế tắc. Không bên nào chịu nhượng bộ, bên
nào cũng muốn chiến thắng.
Nhưng thế
nào là chiến thắng cuộc xung đột này? Ông Putin rõ ràng không thể đạt được mục
đích mà ông ta đề ra cho “chiến dịch quân sự đặc biệt” và đang cần một lối
thoát trong danh dự. Lối thoát đó chỉ có thể là giữ được quyền cai trị bán đảo
Crimea và giữ được hai “nước Cộng Hòa tự trị” Donetsk và Lugansk mà Nga lập ra ở
phía Đông Ukraine. Làm được như vậy, Nga sẽ đẩy được Ukraine khỏi biển Hắc Hải
và biển Azov. Một nước Ukraine bị khóa chặt trong nội địa (land-locked) sớm muộn
cũng sẽ sụp đổ.
Lúc đầu,
Ukraine chấp nhận ngưng chiến nếu quân Nga rút lui khỏi các vị trí họ chiếm từ
ngày 24 Tháng Hai. Nhưng bây giờ, khi có vẻ có ưu thế nhờ vũ khí tân tiến của Mỹ,
Kiev chỉ đồng ý đàm phán với điều kiện Nga phải rút khỏi toàn bộ các vùng chiếm
đóng, kể cả bán đảo Crimea. Đòi hỏi đó của Kiev vượt xa ngoài sức chịu đựng của
Moscow nên triển vọng ngừng bắn càng lúc càng xa vời.
Bây giờ
Ukraine chuẩn bị phản công, còn Nga thì dọa mở rộng chiến tranh sang Estonia, một
nước nhỏ vùng Baltic, do cáo buộc nước này chứa chấp một phụ nữ tình nghi đặt
bom ám sát hụt ông Alexander Dugin – một lý thuyết gia dân tộc chủ nghĩa cực
đoan, được coi là “bộ óc của Putin” hôm 20 Tháng Tám.
Estonia
tuy nhỏ nhưng là thành viên NATO, đụng vào đây là đụng ổ kiến lửa. Nếu Nga tấn
công Estonia thì cuộc chiến sẽ nhanh chóng bao trùm toàn bộ Châu Âu và không loại
trừ khả năng các bên sử dụng vũ khí nguyên tử. Tương lai thật là ảm đạm! Trên
nhật báo The Washington Post, nhà bình luận địa chính trị Bruno Macaes lo lắng:
“Sáu tháng dài của chiến tranh và chúng ta vẫn còn cảm giác đây mới chỉ là bước
mở đầu.” [đ.d.]
No comments:
Post a Comment