Wednesday, 10 August 2022

SÀI GÒN THIẾU TRƯỜNG HỌC TRẦM TRỌNG (Phạm Bá / Saigon Nhỏ)

 



Sài Gòn thiếu trường học trầm trọng

Phạm Bá  -  Saigon Nhỏ

10 tháng 8, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/sai-gon-thieu-truong-hoc-tram-trong/

 

Hình : https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/08/Tin-1-10.8.jpg

Nguồn: thanhnien.vn

 

Tại Sài Gòn, có phường dân số bằng một quận nhưng chỉ có một trường trung học cơ sở (THCS). Đây là một trong những khó khăn về trường lớp vào đầu năm học mới của thành phố.

 

Học sinh tiếp tục tăng

 

Trong nhiều năm qua, số học sinh (HS) tại Sài Gòn năm học sau luôn cao hơn năm học trước và thường tăng ở cấp tiểu học. Năm học 2022 – 2023, số HS tăng chủ yếu ở cấp THCS, THPT.

 

Năm nay, Sài Gòn có 1.7 triệu HS, dự kiến tăng 21.897 HS so với năm học trước, trong đó khối công lập tăng 15.328, khối ngoài công lập tăng 6,569. Cấp THCS tăng nhiều nhất với 13,674 HS, tiếp theo là THPT tăng 12.781 HS, mầm non tăng 6,608 trẻ. Năm nay cấp tiểu học không tăng, thậm chí ở một số quận huyện trước đây luôn“nóng” về dân nhập cư thì cấp học này cũng giảm.

 

Quận 12 là một trong những quận luôn gặp áp lực về sĩ số HS. Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.12, cho hay các trường mầm non, tiểu học, THCS đang trong giai đoạn tuyển sinh các lớp đầu cấp. Các cấp học khác số lượng HS đều tăng, riêng lớp 1 năm nay vào khoảng 11,000, tương đương với năm trước.

 

Tương tự, theo thống kê của Phòng GD-ĐT Q. Tân Phú, năm học này quận có khoảng 6.900 HS vào lớp 6, tăng hơn năm học trước, số HS vào lớp 1 tương đương năm ngoái với 6,800 em. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận này, cấp THCS đỡ áp lực về trường, lớp hơn cấp tiểu học do trường, lớp cấp tiểu học còn hạn chế, trong khi phải ưu tiên cho HS các lớp 1, 2, 3 học 2 buổi/ngày theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong khi đó năm học mới này không có trường học mới, chỉ sửa chữa và tăng thêm một ít phòng học.

 

Ông Ngô Văn Tuyên, Trưởng phòng GD-ĐT Q. Bình Tân, dự báo năm nay tăng khoảng 5,000 HS, trong đó tập trung chủ yếu ở bậc mầm non, THCS.

 

Còn theo đánh giá của lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM, những địa bàn như Q. 12, Bình Tân, Tân Phú, Gò Vấp… luôn gặp áp lực về tăng HS khi sĩ số HS/lớp vượt cao so với chuẩn. Ngoài ra, điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện… để HS tham gia các hoạt động ngoài giờ cũng bị hạn chế.

 

Gửi học sinh sang các phường lân cận

 

Do điều kiện cơ sở vật chất trường lớp chưa thể theo kịp với tốc độ tăng dân số cơ học nên lãnh đạo phòng GD-ĐT các quận, huyện đều cho rằng đến mùa tuyển sinh ai cũng “căng não” vì sắp xếp chỗ học, phân tuyến HS theo địa bàn sao cho phù hợp, thuận tiện nhất.

 

Chẳng hạn, ông Ngô Văn Tuyên chia sẻ hiện Q. Bình Tân có phường gặp khó khăn trong việc bố trí chỗ học do không đủ trường tiểu học và THCS. Trong đó P. Bình Trị Đông A có một trường tiểu học chỉ có khả năng tiếp nhận 108 HS nhưng lại có đến 757 trẻ trong độ tuổi vào lớp 1. Vì vậy ban tuyển sinh quận phải tính toán, sắp xếp, phân bổ HS đến học tại các trường tiểu học ở phường lân cận. Có những HS phải đi học ở trường cách nhà 4 km.

 

Khó khăn hơn nữa là trường hợp P. Bình Hưng Hòa A của Q.Bình Tân. Theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT quận này, phường có 120,000 dân và là phường có số dân đông nhất TP, thậm chí đông nhất cả nước, tương đương với số dân của một quận của Sài Gòn, trong khi chỉ có duy nhất Trường THCS Trần Quốc Toản. Vì vậy trường phải tìm mọi cách, tận dụng hết cơ sở vật chất phòng học để bảo đảm chỗ học cho HS. Sau đó, ban tuyển sinh quận sẽ điều phối và phân bổ HS học ở các trường thuộc các phường lân cận.

 

Dù có nhiều khó khăn, đồng thời phải thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhưng lãnh đạo các phòng GD-ĐT đều nhấn mạnh mục tiêu tiên quyết là phải bảo đảm chỗ học cho con dân. Một số hoạt động ngoài giờ lên lớp, trường nào có điều kiện tổ chức cho HS thì tốt chứ không thể bắt buộc. Theo lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.12, hiện quận chỉ có 27% HS tiểu học được học 2 buổi/ngày.

 

Lãnh đạo Phòng GD-ĐT Q.Bình Tân cho hay số HS tiểu học được học 2 buổi/ngày dưới 50%, tỷ lệ này ở cấp THCS khoảng 20%. Các trường ưu tiên sắp xếp bố trí thời gian học trong tuần từ thứ hai đến thứ sáu, trong đó một số ngày HS sẽ học 2 buổi để bảo đảm đủ số tiết của chương trình.

 

 

 



No comments:

Post a Comment

View My Stats