Monday 22 August 2022

'RỒI AI SẼ DẠY CON TÔI ĐÂY?' (Mai Phi Long / Người Việt)

 




‘Rồi ai sẽ dạy con tôi đây?’

Mai Phi Long/Người Việt (tổng hợp)

August 21, 2022

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/roi-ai-se-day-con-toi-day/

 

LOS ANGELES, California (NV) – Đại dịch COVID-19 và những hệ lụy chính trị liên quan đến việc chối bỏ sự hiện hữu toàn cầu của dịch bệnh này khiến tương lai nền giáo dục nước Mỹ càng lúc càng trở nên ảm đạm.


https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/08/TS-classroom-1068x712.jpg

Nhiều truờng phải bớt ngày học vì thiếu giáo viên. (Hình minh họa: Jon Cherry/Getty Images)

 

Ở đỉnh điểm đại dịch, nước Mỹ mỗi ngày có hơn 100,000 nguời nhiễm, và cho tới nay, cả nước có hơn 1 triệu người chết vì COVID-19 làm nhiều người quyết định nghỉ hưu sớm hơn trong mọi ngành nghề.

 

Tuy nhiên, tình trạng này còn trầm trọng hơn trong lãnh vực giáo dục khi các giáo chức trở thành nạn nhân có chủ ý của tệ nạn chính trị, với khẩu hiệu chối bỏ sự hiện hữu của đại dịch, thể hiện qua cảnh những phụ huynh mù quáng biểu tình, đe dọa bạo lực các giới chức học khu tại các cuộc họp đưa ra quy định phòng ngừa dịch.

 

Những nhà sư phạm ngày càng chán nản khi các giáo trình bị chính trị gia xen vào, cấm đoán từ chuyện giáo dục giới tính đến bôi xóa chủ đề về sự tồn tại chế độ nô lệ và phân biệt chủng tộc tại nước Mỹ. Thậm chí, giáo trình khoa học cũng bị ảnh hưởng, qua việc sách giáo khoa toán tại Florida bị hủy bỏ.

 

Sự cực đoan chính trị trên đưa đến tình trạng giáo viên bỏ nghề và không còn nhiều người hứng thú bước vào ngành sư phạm.

 

Tình trạng thiếu thốn nhà giáo gia tăng khắp nước Mỹ

 

Các học khu ở vùng nông thôn Texas mùa Thu này sẽ chuyển sang lịch chỉ học bốn ngày một tuần do thiếu giáo viên trầm trọng. Trong khi đó, tiểu bang Florida đang khuyến khích các cựu quân nhân, dù không có kinh nghiệm giảng dạy, cứ đến hỗ trợ cho các em học sinh. Còn tiểu bang Arizona thì để sinh viên làm thay nhiệm vụ của giáo viên.

 

Tình trạng thiếu giáo viên ở Mỹ lên đến mức khủng hoảng và giới chức các trường học khắp nơi đang nỗ lực tìm người dạy thế khi năm học mới bắt đầu, theo nhật báo The Washington Post.

 

“Tôi chưa bao giờ thấy tình trạng này lại nghiêm trọng đến như vậy,” ông Dan Domenech, tổng giám đốc Hiệp Hội Giám Đốc Các Trường Học, nói về tình trạng thiếu giáo viên. “Ngay bây giờ, đây là mối quan tâm số một đối với các trường học, và các học khu sẽ phải gấp rút tìm ra một số giải pháp.” 

 

Thật khó để biết chính xác có bao nhiêu lớp học ở Mỹ bị thiếu giáo viên trong niên khóa 2022-2023, do không có dữ liệu quốc gia nào theo dõi chính xác vấn đề này. Tuy nhiên, các báo cáo cấp tiểu bang và cấp địa hạt khắp đất nước cho biết lượng giáo viên còn thiếu đang ở mức hàng trăm đến hàng ngàn người, và tình trạng này vẫn tiếp diễn khi kỳ nghỉ Hè nhanh chóng kết thúc.

 

Hiệp Hội Giáo Dục Nevada ước tính hiện tiểu bang thiếu khoảng 3,000 giáo viên ở 17 học khu tính đến đầu Tháng Tám. Trong một báo cáo vào Tháng Giêng, Hiệp Hội Giám Đốc Các Trường Học Illinois phát hiện ra rằng 88% các học khu toàn tiểu bang đang gặp “tình trạng thiếu giáo viên,” khi 2,040 vị trí giáo viên bị trống hoặc sử dụng nhân lực có trình độ “dưới mức tiêu chuẩn.” Và trong khu vực Houston, năm học khu lớn nhất đều thiếu từ 200 đến 1,000 giáo viên.

 

Ông Carlton Jenkins, giám đốc Học Khu Madison Metropolitan, Wisconsin, cho biết giáo viên khan hiếm đến mức giới chức quản trị học khu toàn quốc đã phát triển một mạng lưới thông tin để cảnh báo nhau khi các giáo viên đến tiểu bang khác.

 

“Ở thời điểm hiện tại, nếu nơi nào có giáo viên trong tiểu bang muốn chuyển đến California, tôi sẽ gọi điện đến đó và đưa ra thông tin rất nhanh chóng,” ông cho biết. “Và nếu ai đó từ một nơi khác đến, ví dụ như Minnesota, giám đốc các học khu ở Minnesota sẽ gọi đến thông báo cho tôi.”

 

Tại sao các trường học Mỹ lại thiếu nhân sự? 

 

Các chuyên gia chỉ ra sự kết hợp của một loạt yếu tố bao gồm việc giáo viên kiệt sức do đại dịch, lương thấp, và một số giáo viên ý thức được rằng các chính trị gia, phụ huynh, và đôi khi là các thành viên hội đồng trường học, không tôn trọng nghề nghiệp của họ trong bối cảnh cuộc chiến văn hóa giáo dục leo thang. Ngoài ra, nhiều học khu và tiểu bang thông qua các chính sách và luật hạn chế giảng dạy về lịch sử Mỹ, vấn đề chủng tộc, phân biệt chủng tộc, giới tính và khuynh hướng tình dục, cũng như các vấn đề LGBTQ.

 

“Tình hình chính trị ở Mỹ, kết hợp với hậu quả COVID-19, gây ra sự thiếu hụt này,” ông Randi Weingarten, chủ tịch Liên Đoàn Giáo Viên Mỹ, cho biết. “Và vấn đề này đang tiếp diễn.”

 

Các giải pháp tích cực giải quyết việc thiếu nhân lực đang được các học khu đưa ra, như trả lương cao hơn để tăng số người đủ tiêu chuẩn giáo viên cho đến tăng sĩ số lớp học. 

 

Tuy nhiên, bà Dawn Etcheverry, chủ tịch Hiệp Hội Giáo Dục Nevada, dự đoán các phương pháp khắc phục tạm thời này có thể gây hại và giảm khả năng học tập của học sinh.

 

“Khi bắt đầu tăng gấp đôi sĩ số học sinh, giáo viên không thể giảng dạy trực tiếp với từng em và không còn đủ điều kiện để hiểu những gì học sinh cần, cả về mặt học tập lẫn giao tiếp xã hội,” bà Etcheverry nói.

 

Bà Danika Mills, cựu chuyên gia trị liệu trong trường học và giám đốc Unite Us, một công ty kết nối các nhà cung cấp dịch vụ xã hội và y tế, cho biết sự suy giảm phẩm chất giáo dục đang xảy ra vào thời điểm tồi tệ nhất. Bà cho biết học sinh Mỹ vẫn đang phải vật lộn để hồi phục sau đại dịch COVID-19 và những tháng ngày tàn khốc của việc học trực tuyến đã ảnh hưởng đến khả năng học tập, kỹ năng xã hội, và sức khỏe tâm thần của học sinh.

 

“Chúng tôi biết học sinh ở mọi lứa tuổi đều phải chịu sự sụt giảm nghiêm trọng về thành tích học tập trong thời kỳ đại dịch và bây giờ là lúc để sửa chữa những thay đổi đó,” bà Mills nói. “Thay vào đó, tôi lo sợ rằng chúng ta có thể phải đối mặt với sự sụt giảm giáo viên thậm chí còn lớn hơn nữa.”

 

Dù tăng lương, vẫn thiếu giáo viên

 

Học Khu Clark County ở Nevada, có 320,000 học sinh, là một trong nhiều hệ thống trường học áp dụng phương pháp tiếp cận phân tán đối với tình trạng thiếu giáo viên bằng cách thử nhiều giải pháp cùng một lúc. Với hy vọng lấp đầy 1,300 vị trí giáo viên còn trống, học khu đã tăng lương giáo viên khởi điểm lên $7,000 và cung cấp “tiền thưởng tái định cư” $4,000 cho các giáo viên từ tiểu bang khác hoặc xa hơn 100 dặm (161 km) mới chuyển đến. Trong một cuộc phỏng vấn, ông Jesus F. Jara, tổng quản trị học khu này, cho biết trường cũng đang cấp cho giáo viên một khoản “tiền thưởng duy trì công việc” lên đến $5,000 nếu ở lại làm việc.

 

Tuy nhiên, với việc năm học dự trù sẽ bắt đầu trong vòng một tuần, ông Jara cho biết học khu vẫn chỉ có 92% nhân viên. Và bất chấp những nỗ lực “ngày đêm” từ đội ngũ nhân sự, ông không tin rằng học khu sẽ kịp lấp đầy khoảng trống đó.

 

“Tôi vẫn lo lắng, mất ngủ hằng đêm và tôi sẽ không kịp lấp đầy 8% lượng giáo viên còn thiếu vào Thứ Hai,” ông Jara nói.

 

Vào ngày 8 Tháng Tám, học khu buộc phải triển khai các biện pháp tạm thời, ông Jara cho biết, trong đó có việc sử dụng các quản trị viên từ văn phòng trung tâm đến làm giáo viên thay thế và gộp nhiều lớp học lại với nhau trong những khu vực rộng như khán phòng hoặc phòng tập thể dục.

 

“Tôi nghĩ họ đang làm mọi thứ có thể để khắc phục tạm thời tình hình,” ông Jeff Horn, tổng giám đốc Hiệp Hội Quản Trị Viên Các Trường Học Clark County, cho biết. “Đây là một mớ hỗn độn.”

 

Biến “quân nhân” thành thầy giáo

 

Các địa hạt và tiểu bang khác đang cố gắng khắc phục tình hình một cách mới mẻ hơn.

Một luật mới ở Arizona được Thống Đốc Doug Ducey ký vào tháng trước, cho phép sinh viên đại học tham gia công tác giảng dạy.

 

Một luật tương tự, có hiệu lực ở Florida vào ngày 1 Tháng Bảy, cho phép các quân nhân thâm niên ít nhất bốn năm tham gia giảng dạy từ mẫu giáo tới lớp 12 (K-12). Các cựu quân nhân không cần bằng cử nhân nhưng phải đạt ít nhất 60 tín chỉ đại học trong khi duy trì điểm GPA trung bình ít nhất 2.5.

 

Ông Andrew Spar, chủ tịch Hiệp Hội Giáo Dục Florida, cho biết nhu cầu về giáo viên ở tiểu học là rất nghiêm trọng. Hiệp hội ước tính tiểu bang đang thiếu 8,000 giáo viên trong năm nay, gia tăng so với 5,000 vào năm trước. Nhưng ông Spar không tin rằng việc sử dụng các quân nhân “thực sự là một giải pháp tối ưu,” vì những cá nhân không đủ tiêu chuẩn không thể đứng lớp được.

 

“Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều trân trọng những gì mà các cựu quân nhân làm cho đất nước để bảo vệ các quyền tự do của chúng ta ở cả trong và ngoài nước,” ông Spar nói. “Nhưng hoàn tất các công tác trong quân đội không có nghĩa người đó là một giáo viên tuyệt vời.”

 

Đẩy học sinh học trực tuyến như thời kỳ “cách ly” vì đại dịch

 

Trong khi đó, hội đồng nhà trường và giám đốc tại Học Khu Tucson ở Arizona đang cân nhắc khắc phục tình trạng thiếu giáo viên toán bằng cách cho một số ít học sinh tham gia học trực tuyến trong ngày. Học khu đang thiếu 24 giáo viên toán, cùng với 102 giáo viên ở các môn học khác. Học khu có thể thuê giáo viên toán trực tuyến từ một công ty dạy học trực tuyến có trụ sở tại Chicago, theo Tucson Sentinel đưa tin. Tổng quản trị học khu không trả lời yêu cầu bình luận.

 

Giới chức Học Khu Độc Lập Mineral Wells và Học Khu Độc Lập Chico ở Texas phải giảm số ngày học trong tuần còn bốn ngày cho năm học sắp tới. Lãnh đạo hai học khu ở khu vực nông thôn này cho biết sự thay đổi này nhằm thu hút và giữ chân giáo viên trong bối cảnh tình trạng thiếu hụt đáng kể, tờ Texas Tribune đưa tin. Cả hai địa hạt đều không trả lời yêu cầu bình luận.

 

Đẩy “phụ giảng” thành giáo viên thực thụ

 

Ông Carlton Jenkins của Học Khu Madison ở Wisconsin cho biết các giới chức vẫn đang nỗ lực tuyển dụng 199 vị trí giáo viên và 124 vị trí không giảng dạy còn thiếu, trong bối cảnh sắp đến ngày khai giảng năm học, ngày 1 Tháng Chín.

 

Tuy nhiên, ông Jenkins cho biết không trường nào sẽ thiếu giáo viên giảng dạy vào mùa Thu tới bởi vì học khu đã tuyển được 269 phụ giảng, đủ tiêu chuẩn, bằng cách tăng mức lương để thay thế giáo viên thực thụ vào mùa Xuân này.

 

Kế tiếp, ông Jenkins hy vọng học khu có thể thuyết phục ít nhất một số phụ giảng khác làm giáo viên toàn thời gian cho trường.

 

Đẩy giới chức quản trị “đứng lớp”

 

Bà Michelle Reid, tổng quản trị hệ thống trường công ở Fairfax County, học khu lớn nhất Virginia, cho biết 97% vị trí giảng dạy được lấp đầy khoảng ba tuần trước khi học kỳ bắt đầu.

 

Bà Reid cho biết học khu, với gần 179,000 học sinh, đang dốc toàn lực để tuyển dụng người cho những vị trí đó.

 

“Chúng tôi đang tuyển dụng và giải quyết đơn xin việc suốt ngày đêm,” bà nói. “Mục đích của chúng tôi là tiếp tục tuyển dụng và thuê thêm giáo viên mỗi ngày khi năm học sắp bắt đầu.”

 

Tuy nhiên, bà Reid cũng cho biết học khu bắt đầu lên các kế hoạch dự phòng. Tuy chi tiết kế hoạch là khác nhau, tùy thuộc vào từng trường trong học khu, nhưng một chiến lược khả thi là đưa giới chức quản trị, có bằng sư phạm, “đứng lớp.” Tuy vậy, bà Reid hy vọng họ không phải dùng đến biện pháp này.

 

“Rồi ai sẽ dạy con tôi đây?” 

 

Đề cập đến việc giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ, người Việt hầu như ai cũng nhớ chuyện Quản Trọng, tướng quốc nhà Tề, để lại lời bất hủ: Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc; thập niên chi kế mạc như thụ mộc; chung thân chi kế mạc như thụ nhân,” được diễn nghĩa là: “Kế hoạch một năm không gì hơn trồng lúa; kế koạch 10 năm không gì hơn trồng cây; kế hoạch trọn đời (trăm năm) không gì bằng trồng người.”

 

Các nhà sư phạm, từ Đông sang Tây, có cùng mẫu số chung là yêu trẻ, là muốn giáo dục các em nên người trong tương lai, là muốn chuyện “trăm năm trồng cây.”

 

Nhiều chính trị gia chỉ thấy thêm vài năm nhiệm kỳ cho mình là “tối quan trọng” cũng là chuyện thường tình.

 

Tuy nhiên, điều đáng nói là nhiều phụ huynh, chỉ vì quan điểm chính trị của riêng mình, hoàn toàn không nhớ đến tương lai của chính con cái mình để mà đi biểu tình, trực tiếp đe doạ giáo chức hay bỏ phiếu ủng hộ cho những chính trị gia đòi xóa sổ sự thật lịch sử, tinh thần khoa học, và tính độc lập của ngành giáo dục.

 

Bà Leslie Houston, chủ tịch Hiệp Hội Giáo Dục Fairfax, cho biết bà chưa bao giờ thấy nhiều giáo viên bỏ việc vì cảm thấy không được tôn trọng đến như vậy, chủ yếu là bởi vì các chính trị gia và một số phụ huynh quấy nhiễu vì các vấn đề chính trị.

 

“Một số người chỉ trích và tỏ ra khó chịu về những gì các giáo viên chúng tôi đang làm và không chịu làm,” bà Houston lắc đầu nói. “Tôi không nghĩ những người này sớm nhận ra câu hỏi rằng: ‘Rồi ai sẽ dạy con tôi đây?’” [đ.d.]

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats