Tuesday 16 August 2022

PHÁT TRIỂN và DÂN CHỦ : CHÂU Á (Trần Giao Thủy)

 



Phát Triển và Dân Chủ : Châu Á

Trần Giao Thủy

POSTED ON AUGUST 16, 2022   

https://dcvonline.net/2022/08/16/phat-trien-va-dan-chu-chau-a/

 

Mười bẩy năm trước Bruce Bueno de Mesquita & George W. Downs đã đăng khảo luận “Phát triển và Dân chủ” trên tạp chí Đối ngoại, số Tháng 9 / Tháng 10 năm 2005 – Tập 84 Số 5, trang 77-86  do Hội đồng Quan hệ Đối ngoại xuất bản.

 

https://cdn-live.foreignaffairs.com/sites/default/files/styles/_webp_large_2x/public/public-assets/taxonomy-images/topic-economics.jpg.webp?itok=gGd92MGy

Reuters

 

Bruce Bueno de Mesquita (1946 – ) là một chuyên gia về xung đột quốc tế, chính sách ngoại giao và diễn tiến hoà bình. Ông đang nghiên cứu về các tương liên giữa các thể chế chính trị, tăng trưởng kinh tế và ổn định chính trị. George W. Downs (1946-2015) dạy chính trị và là Chủ nhiệm khoa Khoa Học Xã Hội tại Đai học New York chú trọng nghiên cứu về hợp tác quốc tế, kinh tế chính trị và các thể chế chính trị.

 

Luận văn “Phát triển và Dân chủ” của Bruce Bueno de Mesquita và George W. Downs bắt nguồn từ công trình nghiên cứu của hai tác giả về trường hợp 150 quốc gia từ năm 1970 đến năm 1999 để hiểu tại sao khi đó vẫn còn nhiều chế độ độc tài hiện hữu cùng lúc với sự phát triển kinh tế. Điều này dường như mâu thuẫn với khái niệm kinh tế tạo ra tầng lớp trung lưu lớn, ảnh hưởng trực tiếp của khối trung lưu sẽ đưa đến một xã hội dân chủ.

 

Hai tác giả đã công bố bốn khám phá mới của nghiên cứu về tương liên giữa phát triển và dân chủ ở 150 quốc gia từ năm 1970 đến năm 1999 là:

 

1.    Bóp nghẽn quyền kết hợp là một chiến lược sinh tồn có hiệu quả cao của những chế độ độc tài;

 

2.    Chính thể chuyên chế thủy chung và kiên định giới hạn quyền kết hợp hơn tất cả mọi quyền dân sự khác;

 

3.    Mực đàn áp quyền kết hợp càng nhiều thì khoảng cách từ thời phát triển kinh tế đến khi dân chủ xuất hiện càng lớn;

 

4.    Nếu giữ được kinh tế phồn thịnh và vẫn đàn áp quyền kết hợp thì khả năng trường tồn của chế độ độc tài gia tăng và viễn cảnh dân chủ lại giảm đi (ít nhất từ năm đến mười năm).

 

Những điểm kể trên, đặc biệt là khám phá thứ 4, có thể giải thích cho việc tại sao giới lập chính sách trong chính phủ Mỹ lúc đó (George W. Bush) và các quốc gia dân chủ giầu mạnh khác – đang thất vọng với nhịp thay đổi quá chậm tại các quốc gia đang phát triển. Hai tác giả  de Mesquita và Downs tặng cho họ ba bài học:

 

1.    Các quốc gia dân chủ giàu mạnh cần ý thức rằng cổ xúy phát triển kinh tế tại các quốc gia đang phát triển không phải là một kế sách nuôi dưỡng dân chủ có hiệu quả như đã tưởng.

 

2.    Mở rộng điều kiện cho vay hay viện trợ phát triển kể cả những bảo đảm quyền kết hợp cho công dân, như những quyền tự do dân sự cơ bản, nhân quyền, tự do báo chí.

 

3.    Bài học Trung Đông – hãy đo lường tiến bộ dân chủ trong khu vực bằng mực độ sẵn có của các quyền kết hợp ở đó; thí dụ, giới truyền thông bị kiểm soát chặt chẽ đến cỡ nào, hay an toàn tổ chức biểu tình chống chính phủ khó ra sao.

 

Một nhận định khác của tạp chí Kinh tế (The Economist) trong số 19 tháng 12, 2009 tựa đề, Nỗ lực dân chủ hóa Đảng Cộng sản Trung Hoa một lần nữa đã thất bại

 

https://www.economist.com/img/b/1280/720/90/sites/default/files/images/articles/migrated/D5109AS1.jpg

Nỗ lực dân chủ hóa Đảng Cộng sản Trung Hoa một lần nữa đã thất bại. Nguồn: The Economist

 

Những thí nghiệm thận trọng để đổi mới trong nội bộ đảng CSTH của Hồ Cẩm Đào đã thất bại. Tài liệu ĐCSTH cho thấy những đổi mới của họ Hồ thường dẫn đến những cuộc họp vô nghĩa, gây hoang mang và vỡ mộng. Sự đình trệ của những thí nghiệm đổi mới ở hạ tầng của Đảng không phải là điềm báo tốt cho nền dân chủ trong đảng. Sau cuộc biểu tình ngày 4 tháng 6 tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, hơn một nửa số khu vực được chọn làm thí điểm đã hủy bỏ những cuộc thí nghiệm. Nền dân chủ làng xã đã sa lầy trong các cuộc tranh chấp về vai trò của các những người lãnh đạo được bầu chọn.

 

Hệ thống nhiệm kỳ lãnh đạo không mở rộng hơn nữa ở hơn 2.800 quận của Trung Hoa. Hệ thống này, như Mao cho là sẽ thiết lập “quốc hội trong đảng”. Nhiều cán bộ cao cấp trong ĐCSTH đã  phản đối hệ thống này và những đại biểu đã thận trọng né tránh đụng độ. Đa số đại biểu vẫn là những viên chức cao cấp trong chính phủ, và những điều lệ đảng dùng để giữ tỷ lệ viên chức chính phủ cao cấp trong số đại biểu ở mức khoảng 55%. Phe chỉ trích hệ thống nhiệm kỳ nói rằng những cuộc họp đại hội đảng thường niên của những người trung thành với đảng thường chỉ lặp lại công việc của quốc hội.

 

Mao Trạch Đông đã có một thời gian ngắn muốn thử áp dụng việc trao cho đại biểu quyền giám sát những viên chức của đảng. Hệ thống này đã được viết vào hiến pháp của đảng năm 1956, trong chiến dịch “trăm hoa đua nở”. Nhưng rồi Mao cũng hết hứng thú với những thí nghiệm như vậy và đã nghiền nát những thành phần bất đồng quan điểm ngày càng tăng. Hệ thống “quốc hội trong đảng” đã bị gỡ bỏ một lần nữa vào năm 1969 trong cuộc Cách mạng Văn hóa.

 

Sau khi Mao chết, giới lãnh đạo  ĐCSTH có hàng chục lĩnh vực để thí nghiệm. Sau cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989, nhiệt tình đổi mới lại suy giảm. Dưới thời Giang Trạch Dân, hơn một nửa số khu vực được chọn đã hủy bỏ những cuộc thí  nghiệm. Dưới thời Hồ Cẩm Đào, hệ thống nhiệm kỳ lãnh đạo được mở rộng thêm một chút.

 

Những người theo chủ nghĩa tự do cho rằng đổi mới sẽ không có hiệu quả trừ khi việc bắt buộc đảng viên tuân theo những quyết định của đảng mà không được bất đồng quan điểm thay đổi. Vào cuối tháng 11,  giới lãnh đạo mới của đảng đã được bổ nhiệm ở năm tỉnh, dường như là bước đầu cho những thay đổi sắp tới. Cả Hu Chunhua (Hồ Xuân Hoa) và Sun Zhengcai (Tôn Chính Tài) lúc đó đều là những người trẻ, 46 tuổi.  Hồ Xuân Hoa, nay đã 59 tuổi, hiện là Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện. Hồ từng là Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông nhiệm kỳ 2012 đến năm 2017. Tôn Chính Tài cùng với Hồ Xuân Hoa là 2 thành viên trẻ nhất của Bộ Chính trị lần thứ 18 của Đảng Cộng sản Trung Hoa. Họ Tôn cũng đã từng được coi là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí lãnh đạo hàng đầu trong “thế hệ thứ sáu của ban lãnh đạo Trung Hoa”. Tuy nhiên, vào ngày 15 tháng 7 năm 2017, Tôn đã bị bãi chức bí thư thành ủy Trùng Khánh, thay bằng Trần Mẫn Nhĩ từ tỉnh Quý Châu, và Tôn Chính Tài cũng là ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm thứ tư bị khai trừ khỏi đảng kể từ năm 1990.

 

Và đến nay, 2022, ai là đối thủ của Tập Cận Bình?

 

Có lẽ nhóm quan trọng và đáng chú ý nhất đối với Tập và đồng minh là Đoàn Phái, nhóm cán bộ đảng đã thành lập Phe Liên đoàn Thanh niên bắt nguồn từ Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Hoa, dưới thời cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng sắp mãn nhiệm Lý Khắc Cường, trong đó có cả Hồ Xuân Hoa. Nhưng ảnh hưởng của Đoàn Phái đã suy yếu đáng kể trong hai nhiệm kỳ đầu của Tập, và một số thành viên đang lên của Đoàn Phái gần đây đã bị loại khỏi chính trường.

 

Một là Chen Quanguo (Trần Toàn Quốc), nổi tiếng quốc tế với tư cách bí thư Tân Cương. Sau sáu tháng gián đoạn bất thường kể từ khi rời chức vụ đó, việc họ Trần đã được bổ nhiệm làm Phó trưởng Nhóm Công tác Nông thôn Trung ương vào tháng Sáu dưới quyền Hồ Xuân Hoa, cho thấy ông có thể sẽ sớm ra khỏi Bộ Chính trị. Một ngôi sao đang tắt khác là Lu Hao (Lục Hạo), trước đây là Bộ trưởng Tài nguyên Thiên nhiên, bị hạ tầng công tác thành nhân vật đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Quốc vụ viện.  Năm 2008, Lục Hạo được bổ nhiệm làm Bí thư thứ nhất của Đoàn Thanh niên Cộng sản Trung Hoa. Họ Lục cũng từng là cựu chủ tịch của Học viện Chính trị Thanh niên. Trước Lục Hạo, nhiều chính khách nổi tiếng khác, kể cả hai cựu Tổng bí thư Hồ Diệu Bang, Hồ Cẩm Đào, và Thủ tướng Lý Khắc Cường, đã ở vị trí này. Bốn mươi tuổi Lục Hạo trở thành tỉnh trưởng trẻ nhất nước.

 

Ngoài những thay đổi nhân sự này, đáng chú ý hơn là những lời khen ngợi, suy tôn mà Tập nhận được từ giới lãnh đạo địa phương, từ cả hai phía đồng minh và đối thủ trong mùa đại hội đảng ở địa phương. Li Hongzhong (Lý Hồng Trung), bí thư thành ủy Thiên Tân và là thành viên của phe cựu Chủ tịch Giang Trạch Dân, đã ra chỉ thị cho cán bộ chính phủ “tỏ lòng yêu” họ Tập. Chính Lý Hồng Trung đã bày tỏ “lòng biết ơn vĩnh cửu” đối với Tập Cận Bình hơn 10 lần khi trở thành phó thống đốc Quảng Đông. Và Yuan Jiajun (Viên Gia Quân), bí thư tỉnh Chiết Giang, cũng có những hành động tương tự để công kênh và suy tôn lãnh tụ khi đã buộc cán bộ chính phủ bày tỏ “lòng biết ơn, tình yêu và kính trọng” đối với Tập Cận Bình.

 

Luận văn và những nhận định về phát triển và dân chủ của de Mesquita và Downs cũng như những thay đổi đang diễn ra từ 17 năm qua cho thấy lộ trình từ phát triển đến dân chủ không phải là đường biểu diễn hàm số bậc nhất, như nhận định của The Economist,  đã nêu lên từ 11 năm trước, về trường hợp của Trung Hoa. Hiện nay là cường quốc kinh tế thứ nhì trên thế giới, những thay đổi hệ thống để “dân chủ hóa” nội bộ đảng Cộng sản ở Hoa lục — chưa nói đến dân chủ hóa đất nước — từ thời Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào đã tiến đến đâu hay chỉ mới đến bước chuẩn bị gắn vương miện lần thứ ba cho Tập Cận Bình trong đại hội đảng sắp tới? Nói cách khác hiệu quả của phát triển kinh tế đối với nền dân chủ ở Trung Hoa khác gì đem muối bỏ biển, hay như hỏa tiễn mà Tập Cận Bình đã ra lệnh bắn xuống biển phía đông Hoa lục, và chiến hạm với máy bay vờn quanh đảo quốc Đài Loan gần một tuần ngay sau chuyến viếng thăm của chủ tịch Hạ viện Mỹ, Nancy Pelosi.

 

Phát triển và dân chủ là một chủ đề giới hàn lâm không ngừng nghiên cứu

 

Nhà xuất bản Đại học Princeton vừa xuất bản cuốn, “From Development to Democracy: The Transformations of Modern Asia”, Từ Phát triển đến Dân chủ: Sự biến đổi của Châu Á hiện đại của hai tác giả Dan Slater và Joseph Wong. Dan Slater là Giám đốc Trung tâm Weiser về những nền Dân chủ Mới nổi tại Đại học Michigan. Giáo sư khoa Khoa học Chính trị Đại học Michigan. Joseph Wong là Hiệu phó Đại học Toronto về Quốc tế vụ, Giáo sư về Đổi mới, Trường Munk về Các vấn đề Toàn cầu & Chính sách Công. Giáo sư, Khoa Khoa học Chính trị  Đại học Toronto.

 

https://pbs.twimg.com/media/FaMpxAdXkAAcuWO?format=jpg&name=small

“Từ Phát triển đến Dân chủ: Sự biến đổi của Châu Á hiện đại”  Dan Slater | Joseph Wong. Nhà xuất bản Đại học Princeton

 

Cuốn “Từ Dân chủ đến Phát triển” giải đáp tại sao một số chế độ độc tài ở châu Á đã dân chủ hóa khi họ trở nên giàu có hơn ― và tại sao những chế độ khác lại không.

 

Phát triển đến Dân chủ

 

Dan Slater cho biết tựa đề ban đầu cho đến phút cuối của cuốn sách là “Dân chủ bằng Sức mạnh”. Và đó là lập luận chính của hai tác giả, và vẫn là tưạ đề của chương lý thuyết.

 

https://pbs.twimg.com/media/FaMqEjGX0AA1hhE?format=jpg&name=small

From Development to Democracy: The Transformations of Modern Asia. Nhà xuất bản Đại học Princeton

 

Trong thế kỷ qua, châu Á đã chuyển đổi nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế, kỹ nghệ hóa và đô thị hóa — một kỷ lục phát triển ngoạn mục đã biến một trong những khu vực nghèo nhất  trở thành một trong những khu vực giàu có nhất thế giới. Tuy nhiên, thành tích dân chủ hóa của châu Á không đồng đều, bất chấp mối tương quan toàn cầu giữa phát triển và dân chủ. Tại sao một số quốc gia châu Á đã dân chủ hơn khi giàu có hơn, trong khi những quốc gia khác, đặc biệt là Trung Hoa, thì không? Từ phát triển đến dân chủ của Dan Slater và Joseph Wong đưa ra những câu trả lời sâu sắc và độc đáo cho câu hỏi quan trọng này.

 

Hai tác giả đã chứng minh rằng châu Á không tuân theo quan điểm và quy ước cho rằng những chế độ độc tài chỉ coi dân chủ hóa là biện pháp cuối cùng, khi chế độ suy yếu.

Nói một cách đơn giản nhất, Slater cho rằng “dân chủ đã không phát sinh ở khu vực mà tác giả gọi là “Châu Á phát triển” vì những chế độ độc tài yếu đã sụp đổ, mà chính vì những chế độ độc tài mạnh đã nhượng bộ.”

 

Lý luận này dựa trên một luận văn nghiên cứu mà đồng tác giả đã đăng trên Perspectives on Politics , Tập 11 , Số 3 , September 2013 , trang 717 – 733, tựa đề  là  “Sức mạnh để nhượng bộ”, The Strength to Concede: Ruling Parties and Democratization in Developmental Asia, chú trọng vào Taiwan (Đài Loan), Nam Hàn và Indonesia (Nam Dương)

 

Và nó cũng phản ảnh chặt chẽ lập luận mà đồng tác giả đã đưa ra vào năm 2020 cùng với Rachel Beatty Riedl và Daniel Ziblatt trong bài “Dân chủ hóa do độc tài lãnh đạo” (Authoritarian-Led Democratization) đăng trên Annual Review of Political Science, Tập 23:315-332 (May 2020)

 

Trong đó tất cả tác giả đều đồng ý rằng “dân chủ bằng sức mạnh” là một hiện tượng lặp đi lặp lại trên toàn cầu và xuyên lịch sử, mặc dù “dân chủ vì yếu kém” được lý thuyết hóa phổ biến hơn nhiều.

 

Về mặt lý thuyết, tác giả nhấn mạnh việc phát triển có thể đem lại cho các chế độ độc tài một thành tích  và đạt được mục tiêu xóa đói giảm nghèo và tính chính danh, cho phép họ nhượng bộ chuyển đổi sang dân chủ mà không chấp nhận thất bại.

 

Tác giả đặt tầm quan trọng về Phát triển cũng như về Dân chủ ngang nhau trong cuốn From Development to Democracy: The Transformations of Modern Asia.

 

Về mặt lý thuyết, Slater và Wong nhấn mạnh việc phát triển có thể đem lại cho những chế độ độc tài những thành tích và đạt được mục tiêu xóa đói giảm nghèo và theo đó là tính chính danh, cho phép họ nhượng bộ chuyển đổi sang dân chủ mà không chấp nhận thất bại.

 

Trọng tâm của vấn đề là “niềm tin chiến thắng” và “niềm tin ổn định”. Khi những chế độ độc tài có hai niềm tin đó, “dân chủ bằng sức mạnh” trở thành một lựa chọn khả dụng.

 

https://pbs.twimg.com/media/FaMq3lwWIAE5WEY?format=jpg&name=small

From Development to Democracy: The Transformations of Modern Asia. Nhà xuất bản Đại học Princeton

 

Nhưng dù lập luận tổng quát về mặt lý thuyết, nhưng đây thực sự là một cuốn sách về châu Á. Tác phẩm này xét lại sự phát triển của châu Á, tiến trình dân chủ hóa ở châu Á và chúng liên kết với nhau như thế nào.

 

Tác giả chia  “Châu Á phát triển” thành 12 trường hợp gồm 4 cụm, mỗi cụm 3 quốc gia (trường hợp):

 

1.    Nhà nước phát triển, một hệ thống chính trị trong đó nhà nước có quyền kiểm soát tập trung về cơ bản đối với các vấn đề kinh tế và xã hội (Nhật Bản, Taiwan, Nam Hàn)

2.    Phát triển kiểu Britannia (Singapore, Malaysia, Hong Kong)

3.    Phát triển trong chủ nghĩa quân phiệt (Indonesia, Thái Lan, Myanmar)

4.    Phát triển trong chủ nghĩa xã hội (Trung Hoa, Việt Nam và Cambodia).

 

Điểm quan trọng là những cụm phát triển này tương quan một cách hoàn hảo với những cụm dân chủ. Những nước phát triển kiểu nhà nước có quyền kiểm soát tập trung về kinh tế và xã hội và Phát triển trong chủ nghĩa quân phiệt đều bắt đầu thí nghiệm dân chủ trong những khoảnh khắc mà họ vẫn có “niềm tin chiến thắng” và “niềm tin về sự ổn định”.

 

Hai cụm khác, Phát triển kiểu Britannia và Phát triển trong chủ nghĩa xã hội, đã hoàn toàn tránh không nhượng bộ để chuyển đổi sang dân chủ.

 

https://pbs.twimg.com/media/FaMre3RXgAAKK1C?format=jpg&name=small

From Development to Democracy: The Transformations of Modern Asia. Nhà xuất bản Đại học Princeton

 

Dù nhận rằng không có lý thuyết đơn giản nào có thể giải thích tại sao các cụm phát triển lại tương liên chặt chẽ với những cụm dân chủ, nhưng tác giả đã trình bày một số yếu tố có ảnh hưởng quan trọng, kể cả địa chính trị.

 

Tác giả trình bày tiến trình đó  ở chương lịch sử, thực nghiệm: Nhật Bản, Taiwan, Nam Hàn, Trung Hoa, Indonesia và Malaysia được chú ý nhiều nhất, nhưng cả 12 nước hợp đều được phân tích.

 

Trường hợp của Trung Hoa được phân tích trong 2 chương.

 

Phần đầu, tác giả phân tích tại sao ĐCSTH không nhượng bộ chuyển đổi dân chủ vào cuối những năm 1980 như Taiwan và Nam Hàn. Và họ cho rằng ĐCSTH quá yếu để có thể nhượng bộ và phát triển mạnh vào năm 1989, chứ không phải quá mạnh nên không sụp đổ.

 

Trong phần sau, Slater và Wong phân tích  Trung Hoa cùng với các “nước khác” khác như Singapore và Việt Nam, ở đó đảng cầm quyền đủ mạnh để nhượng bộ chuyển đổi sang dân chủ mà không phải chấp nhận thất bại, nhưng không tiến hành — hay ít nhất là chưa.

 

Một lần nữa, không có lý thuyết nào giải thích được một cách đơn giản tại sao chỉ có một số chế độ độc tài mạnh mẽ chuyển đổi “từ phát triển sang dân chủ” trong khi những chế độ độc tài khác lại không thay đổi.

 

Trong phần kết luận hai tác giả nghĩ rộng hơn về dân chủ như một giá trị toàn cầu, chứ không phải một giá trị của phương Tây. Nhưng vì dân chủ không phải là giá trị cuối cùng, nên nó luôn dễ bị tấn công ở mọi nơi trừ khi dân chủ có thể giải quyết hết những vấn đề về ổn định và phát triển.

 

Tóm lại, những người lãnh đạo độc tài ở châu Á đã theo đuổi việc chuyển sang chế độ dân chủ như một chiến lược chủ động để hồi sinh quyền lực của họ từ vị thế của kẻ mạnh. Điều quan trọng nhất là liệu những kẻ độc tài có tự tin về chiến thắng và sự ổn định hay không. Ở Nhật Bản, Nam Hàn và Đài Loan, những yếu tố này đã thúc đẩy nền dân chủ bằng sức mạnh, trong khi những thí nghiệm dân chủ ở Indonesia, Thái Lan và Myanmar ít thành công hơn và dễ đảo ngược hơn. Đồng thời, sự phản kháng đối với những chuyển đổi dân chủ đã được chứng minh là khó uốn nắn được ở Singapore, Malaysia, Hong Kong, Trung Hoa, Việt Nam và Campuchia. Nhìn lại cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989 của Trung Hoa, Slater và Wong cho rằng đó là hành động của một chế độ quá yếu để nhượng bộ, chứ không vì quá mạnh nên không sụp đổ, và họ giải thích tại sao Trung Hoa có thể dân chủ hóa mà không gây bất ổn.

 

Kết quả là một lịch sử khu vực toàn diện cung cấp những kiến thức mới quan trọng về thời điểm và cách thức những cuộc chuyển đổi dân chủ diễn ra ― và tương lai của châu Á có thể ra sao

 

Tác giả hy vọng cuốn sách khiến mọi người suy nghĩ về một xác xuất thường có vẻ như là không thể xẩy ra. Tác phẩm của Slater và Wong có thể khơi mào cho những cuộc thảo luận, tranh luận và chắc chắn là có rất nhiều ý kiến bất đồng!

 

Những kết quả nghiên cứu về Phát triển và Dân chủ của Bruce Bueno de Mesquita & George W. Downs 17 năm trước hay tác phẩm của Dan Slater và Josep Wong hôm nay đều có thể là những đóng góp tốt cho tập thể người Việt trong nước đang vận động và đấu tranh cho một nước Việt Nam dân chủ (và cả những tổ chức hay cá nhân đang làm công tác từ thiện, xã hội hay khoa học, giáo dục, chuyển giao kỹ thuật) và ngay cả đảng Cộng sản Việt Nam độc tài đang cầm quyền – một số dữ kiện mới, một số lý luận mới, một số dấu đường và lộ trình khá rõ ràng và dễ hiểu ngõ hầu giúp cho việc thiết lập và áp dụng những phương án tối ưu và thích hợp nhất nhằm rút ngắn khoảng cách giữa phát triển kinh tế và tiến trình dân chủ hoá tại Việt Nam.

 

----

Tác giả cuốn “From Development to Democracy: The Transformations of Modern Asia

 

https://pbs.twimg.com/profile_images/1285564684226236416/OxLM7ndu_400x400.jpg

Dan Slater | Giám đốc Trung tâm Weiser về những nền Dân chủ Mới nổi tại Đại học Michigan. Giáo sư khoa Khoa học Chính trị Đại học Michigan


Director Weiser Center for Emerging Democracies at the University of Michigan. Promoting scholarship to better understand authoritarian and democratic regimes; University of Michigan  poli sci Prof; nonresident fellow Foreign and Defense Policy Studies, American Enterprise Institute; recently Asia scholar Carnegie Endowment  & Director University of Michigan CISSR advances empirical international research across the social sciences that informs and transforms debates on global issues within the academy and beyond.

 

https://pbs.twimg.com/profile_images/1332416663556329473/F6RD7aSD_400x400.jpg

Joseph Wong | Hiệu phó Đại học Toronto về Quốc tế vụ, Giáo sư về Đổi mới, Trường Munk về Các vấn đề Toàn cầu & Chính sách Công. Giáo sư, Khoa Khoa học Chính trị  Đại học Toronto.
University Of Toronto’S Vice-President, International Roz And Ralph Halbert Professor Of Innovation, Munk School Of Global Affairs & Public Policy. Professor, Department Of Political Science

 

 

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


 

Nguồn: DCVOnline minh họa.

 

Đọc thêm:

 

– Phát triển và Dân chủ, Trần Giao Thủy, DCVOnline, tháng 10, 2005.


– Đọc Phát triển và Dân chủ của Bruce Bueno de Mesquita và George W. Downs, Trần Giao Thủy ,DCVOnline 31/10/2005

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats