Tuesday 2 August 2022

PELOSI ĐẾN ĐÀI LOAN 'DẰN MẶT NƯỚC LỚN BẮT NẠT LÁNG GIỀNG NHỎ' (Hiếu Chân / Người Việt)

 



 

Pelosi đến Đài Loan ‘dằn mặt nước lớn bắt nạt láng giềng nhỏ’

Hiếu Chân/Người Việt

August 2, 2022

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/pelosi-den-dai-loan-dan-mat-nuoc-lon-bat-nat-lang-gieng-nho/

 

Sau khi để cho thiên hạ đoán già đoán non, cuối cùng Dân Biểu Nancy Pelosi (Dân Chủ-California), chủ tịch Hạ Viện Mỹ, và phái đoàn dân biểu Hoa Kỳ đặt chân xuống phi trường Tùng Sơn ở thủ đô Đài Bắc, Đài Loan, lúc 10 giờ 43 phút tối Thứ Ba, 2 Tháng Tám (giờ địa phương), bắt đầu thăm đảo quốc này bất chấp những đe dọa của Trung Quốc.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/08/BL-Pelosi-Dai-Loan-Nuoc-Nho-1068x713.jpg

Một thực khách trong nhà hàng ở Đài Bắc, Đài Loan, nhìn màn hình TV theo dõi chuyến thăm của Dân Biểu Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện Mỹ, đến đảo quốc này hôm 2 Tháng Tám. (Hình minh họa: Annabelle Chih/Getty Images)

 

Có lẽ nhờ những lời cảnh cáo sắt máu của Bắc Kinh, kể cả dọa bắn rơi phi cơ của bà Pelosi, mà chuyến đi của bà thu hút sự chú ý của cả thế giới. Tối Thứ Ba, trang mạng chuyên theo dõi các chuyến bay toàn cầu, Flightradar24, bị nghẽn vì có quá nhiều người vào xem.

 

Ngay sau khi đến Đài Bắc, bà Pelosi lên mạng Twitter thông báo: “Chuyến thăm của phái đoàn chúng tôi đến Đài Loan tôn vinh cam kết không lay chuyển của Hoa Kỳ ủng hộ nền dân chủ sinh động của Đài Loan.”

 

Bà khẳng định, chính sách lâu đời của Hoa Kỳ đối với Đài Loan không thay đổi và chuyến đi “không mâu thuẫn với Đạo Luật Quan Hệ Đài Loan năm 1979 (Taiwan Relations Act 1979).”

 

Tất nhiên, Trung Quốc hết sức phẫn nộ khi lời đe dọa của họ không làm cho nữ chính trị gia 82 tuổi của Mỹ phải sợ hãi. Ngay trước khi phi cơ của bà Pelosi hạ cánh, Trung Quốc cử 21 phi cơ chiến đấu, trong đó có 11 chiến đấu cơ J-16 đời mới, bay ngang qua góc Tây Nam của Vùng Nhận Dạng Phòng Không (ADIZ) của Đài Loan để dằn mặt. Nhật báo South China Morning Post nói rằng đội chiến đấu cơ J-16, cải tiến từ Sukhoi-30 của Nga, là loại phi cơ “được phát triển chủ yếu để tấn công Đài Loan.”

 

Đáng ngại nhất là Chiến Khu Đông Bộ thuộc Bộ Quốc Phòng Trung Quốc thông báo sẽ thực hiện một loạt “các chiến dịch quân sự có mục tiêu” quanh đảo Đài Loan, gồm những cuộc tập trận Hải Quân và Không Quân kết hợp cùng với tập bắn đạn thật và hỏa tiễn tầm xa ở eo biển Đài Loan.

 

Tờ báo lá cải Global Times của Trung Quốc đăng lên Twitter cả bản đồ chỉ ra sáu khu vực mà quân đội Trung Quốc sẽ tập trận từ Thứ Năm đến Chủ Nhật (từ 4 đến 7 Tháng Tám), sau khi phái đoàn của bà Pelosi rời đảo quốc này. “Chiến dịch quân sự có mục tiêu” nghe quen quen, gợi nhớ cụm từ “chiến dịch quân sự đặc biệt” mà Tổng Thống Vladimir Putin của Nga dùng để khỏa lấp cuộc tấn công xâm lược Ukraine hơn năm tháng trước. Tuy nhiên, không rõ lần này Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc có che giấu một cuộc xâm lược Đài Loan hay không.

 

Về kinh tế, Bắc Kinh thông báo cấm nhập cảng nhiều mặt hàng thực phẩm Đài Loan, từ trái cây đến sữa cho em bé. Trang web của Phủ Tổng Thống Đài Loan bị tin tặc xâm nhập và chặn truy cập trong nửa giờ trước khi bà Pelosi đến.

 

Cho đến lúc này, phản ứng của Trung Quốc không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát. Nhưng mối lo nằm ở chỗ, áp lực của Bắc Kinh lên hòn đảo tự trị chắc chắn sẽ gia tăng đáng kể, thậm chí không loại trừ một cuộc xâm lược, sau khi bà chủ tịch Hạ Viện Mỹ ra về.

 

                                                         ***

Từ đó, một số chuyên gia cho rằng, chuyến ghé thăm Đài Loan của bà Pelosi là việc không nên làm, là “hoàn toàn bất cẩn, nguy hiểm và vô trách nhiệm” như nhận định của ông Thomas Friedman, bình luận gia ăn khách của nhật báo The New York Times.

 

Ông Friedman cho rằng, chuyến thăm của bà Pelosi chỉ có tính tượng trưng và Đài Loan sẽ không được gì, không giàu có hơn, không mạnh mẽ hơn mà ngược lại sẽ có nhiều chuyện tệ hại. Phản ứng của Trung Quốc với chuyến đi có thể lôi kéo Hoa Kỳ vào cuộc xung đột cùng lúc với hai cường quốc nguyên tử Nga và Trung Quốc – một chuyện rất nguy hiểm.

 

Hơn thế nữa, Tổng Thống Joe Biden đã yêu cầu chủ tịch Trung Quốc không nên can dự vào cuộc chiến tranh Ukraine, không cung cấp vũ khí cho Nga và ông Tập đã nghe lời, thế thì tại sao Hoa Kỳ vẫn gây hấn với Trung Quốc bằng chuyến đi tượng trưng của bà Pelosi.

 

Lập luận của ông Friedman là hợp lý nếu đứng trên lập trường… của Trung Quốc.

 

Có thể đặt câu hỏi ngược lại là vì sao Trung Quốc lại trở chứng, dùng những lời lẽ dao to búa lớn để đe dọa chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi – một việc đã có tiền lệ sau chuyến đi năm 1997 của ông Newt Gingrich, người giữ chức vụ giống bà Pelosi hiện nay?

 

Từ lúc nào Trung Quốc tự cho mình quyền “phủ quyết” hoạt động đối ngoại của Hoa Kỳ, cho đến thì đến, không cho thì không được đến? Từ sau khi cuộc nội chiến Quốc-Cộng Trung Hoa kết thúc năm 1949, Trung Quốc và đảng Cộng Sản cai trị ở Bắc Kinh chưa bao giờ chiếm được Đài Loan, chưa hề đặt được ách cai trị lên Đài Loan – và thực tế thì Đài Loan đã phát triển thành một nước độc lập, theo thể chế dân chủ khác hẳn với Hoa Lục – thì cớ gì Trung Quốc có quyền coi Đài Loan là một “tỉnh nổi loạn” mà Bắc Kinh sẽ thâu tóm “bằng vũ lực” nếu cần thiết và cấm các lãnh đạo Hoa Kỳ đến thăm?

 

Sự phản ứng quyết liệt của Bắc Kinh hiện nay chẳng qua chỉ vì ông Tập Cận Bình và đảng Cộng Sản nghĩ rằng, Trung Quốc đã đủ mạnh về quân sự và kinh tế để áp đặt những yêu sách chủ quyền ngang ngược của họ lên các nước láng giềng, lên Đài Loan, Biển Đông, và nhiều vùng lãnh thổ khác, mà không ai dám phản đối.

 

Vì quan hệ làm ăn với thị trường Trung Quốc, nhiều quốc gia đã cố lấy lòng họ Tập với niềm tin ngây thơ rằng khi Trung Quốc phát triển kinh tế theo thị trường tự do và hội nhập sâu rộng với thế giới bên ngoài thì Bắc Kinh sẽ thay đổi, tuân thủ luật lệ và trật tự quốc tế. Thực tế không diễn ra như vậy.

 

Khi ông Tập cùng ông Putin long trọng tuyên bố “hợp tác không có giới hạn” thì Nga và Trung Quốc đã hình thành một liên minh các chế độ chuyên chế. Sự kiện Nga xua quân vô cớ xâm lược Ukraine làm cho thế giới phải coi chừng một âm mưu tương tự của Trung Quốc ở Đài Loan và Biển Đông. Thế giới đã đoàn kết với người dân Ukraine kháng chiến thì không thể quay lưng với số phận của Đài Loan.

 

“Tình hữu nghị của Hoa Kỳ với Đài Loan ngày hôm nay quan trọng hơn bao giờ – không chỉ với 23 triệu người trên hòn đảo này mà cả với hàng triệu người bị Trung Quốc áp bức và đe dọa,” bà Pelosi khẳng định trong bài bình luận đang  trên báo The Washington Post trong cùng ngày bà đến Đài Loan.

 

Chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ tất nhiên chỉ có ý nghĩa tượng trưng, nhưng không phải không quan trọng. Nó có tác dụng nuôi dưỡng tinh thần phản kháng độc tài Trung Quốc và góp phần xua đi nỗi sợ hãi ở các nước nhỏ, như Đài Loan, Việt Nam, Lào, Miến Điện…mà số phận đã an bài ở một vị trí địa lý cận kề Trung Quốc.

 

Trung Quốc chèn ép Đài Loan về mọi phương diện là chuyện không mới, gia tăng mạnh nhất là từ lúc ông Tập Cận Bình làm lãnh đạo tối cao Trung Quốc năm 2012 và đảng Dân Tiến và bà Tổng Thống Thái Anh Văn (Tsai Ing Wen) lên cầm quyền sau cuộc bầu cử dân chủ năm 2014.

 

Chuyện Trung Quốc tập trận gần Đài Loan, cho phi cơ vào vùng ADIZ của đảo quốc này cũng không mới, không nhất thiết phải đợi đến lúc bà Pelosi đến thăm thì Bắc Kinh mới diễu võ giương oai.

 

Có thể nói rằng, chuyện Trung Quốc cố tình làm rùm beng chuyến thăm Đài Loan của bà chủ tịch Hạ Viện Mỹ là một trò tháu cáy, nếu bà Pelosi sợ quá mà hủy bỏ chuyến đi thì Bắc Kinh sẽ thu lợi lớn về mặt tuyên truyền. Ngược lại, như hiện nay, thì Trung Quốc chẳng mất gì, chỉ cần gia tăng sức ép quân sự để chứng tỏ sức mạnh nhưng sẽ cố tránh xung đột trực tiếp với Hoa Kỳ.

 

Chừng nào Trung Quốc vẫn quyết thâu tóm Đài Loan, chừng nào dân Đài Loan vẫn quyết giữ độc lập tự do và Hoa Kỳ vẫn ủng hộ Đài Loan theo Đạo Luật Quan Hệ Đài Loan 1979 thì nguy cơ xung đột vẫn nóng.

 

Câu hỏi không phải là có xung đột không mà là bao giờ nó sẽ xảy ra, cho dù bà Pelosi có hủy chuyến thăm Đài Loan cũng không làm thay đổi gì cả. [đ.d.]

 

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats