Saturday 6 August 2022

NHỮNG CHỮ THƯỜNG BỊ HIỂU & DÙNG SAI (Đỗ Văn Phúc / VNTB)

 



Những Chữ thường bị Hiểu và Dùng Sai   
Đỗ Văn Phúc

06.08.2022 7:17

 https://vietnamthoibao.org/vntb-nhung-chu-thuong-bi-hieu-va-dung-sai/

 

Hương Khói và Hương Lửa


Trong một hồi ký Người Vợ Lính của tác giả LTA đang trong một tập đặc san, có trích một lá thư do người chồng gửi từ trong trại tù Cộng Sản, có đoạn như sau: “… nên nó có thể thay anh hương lửa cho giòng (sic) họ.” Câu này được lặp lại trong một đoạn kế theo đó: “Nó sẽ là người thay tôi hương lửa nếu chẳng may tôi chẳng có ngày về.” Một chữ được lập lại hai lần thì chắc không phải lỗi typo mà do chủ ý dùng chữ đó của tác giả mà ông cho là đúng.

 

Chúng tôi biết ý của tác giả là muốn các con thay ông ta lo việc hương khói cho ông bà; tức là các việc nhang đèn cúng giỗ, chạp mả. Trong tự điển Việt Nam còn có chữ “hương hoả” cũng có dịch như hương lửa, nhưng lại có ý khác. Đó là các di sản – thường là một mảnh ruộng tốt nhất – ông bà để lại cho con cháu để khai thác hay cho tá điền canh tác rồi dùng hoa lợi cho các công việc cúng gỗ trong đại gia đình. Tục lệ này xảy ra ở miền quê, nơi làng mạc gốc của dòng họ.

 

Còn hai chữ “hương lửa thì lại có nghĩa là tình cảm gắn bó nồng nàn giữa vợ chồng khi chung sống với nhau. Ca dao có câu: “Phải duyên hương lửa cùng nhau.”

 

Thật ra, ít người dùng lầm chữ “hương lửa,” nhưng chúng tôi phải nhắc đến vì biết đâu sẽ có các bạn trẻ đọc thấy trong truyện mà tưởng là dùng đúng cho tình nghĩa vợ chồng!


Cũng trong câu dẫn trên, tác giả đã dùng chữ “giòng” không có trong tự điển tiếng Việt, mà đúng ra phải là “dòng” như dòng nước, dòng sông, dòng dõi, dòng giống… Đã có nhiều tranh luận về hai chữ “dòng” và “giòng.” Nhưng tra hết các tự điển Việt Nam, chỉ thấy  chữ “dòng” mà thôi.

 

Chuyện vs. Truyện


Người miền Bắc thường phát âm hai phụ âm kép “TR” na ná như “CH.” Vì thế, có nhiều người tưởng rằng không có gì khác biệt giữa hai chữ Truyện cũng như Chuyện, mà chỉ do cách nói của người Bắc thôi.

 

Thật ra, hai chữ này có nghĩa khác nhau.

 

Chuyện (talk) là sự truyền đạt, bàn luận, thảo luận qua lời nói nói về những điều xảy ra, những vấn đề, lắt nhắt có thể không đầu không đuôi, có thể từ chuyện này dẫn qua chuyện kia. Những chương trình truyền hình có hai hay nhiều người nói gọi là talk show.

 

Các chữ liên quan: Chuyện trò, chuyện vãn, câu chuyện,

 

nói chuyện, chuyện vui, chuyện phiếm, chuyện tình…

 

Ví dụ: Chuyện hôn nhân hai cháu có tôi lo liệu. Chuyện mình thì quáng, chuyện người thì sáng. Đương chuyện nọ xọ chuyện kia. Người lắm mồm nhiều chuyện. Bà ấy là người nói chuyện duyên dáng…

 

Truyện (story) là sự tích đã xảy ra. Truyện là một diễn biến được ghi lại trên giấy, trong sách vở để kể về một điều gì, một nhân vật, một sự kiện có thể có thật, có thể do hư cấu. Truyện có một nội dung rõ ràng, có nhân vật, địa danh, hoàn cảnh câu kết với những tình tiết có lớp lang thứ tự. Ngày xưa, vì nhu cầu giáo dục, các truyện hư cấu đều có thủy có chung, có một hồi kết tốt đẹp. Người hiền lành sẽ được an bình, hạnh phúc; kẻ hung ác sẽ bị trừng trị. Người ta nói đó là chuyện có hậu. Nhưng dần dà, người viết truyện chạy theo xu hướng thực tế, nên có lúc truyện không cho cái hậu tốt đẹp; có khi để lửng lơ cho độc giả tự đoán lấy.

 

Các loại truyện: truyện ngắn, truyện dài, truyện  Tây Du, truyện Kiều, truyện Tấm Cám, truyện thánh, truyện trinh thám, truyện cổ tích…

 

Ví dụ: Em ơi, đừng khóc chị yêu, nín đi chị kể truyện Kiều em nghe. Chung trại tù với tôi có anh Hy là một người kể truyện rất hấp dẫn.


Thư vs. Thơ


Người Việt cũng thường lẫn lộn hai chữ Thư và Thơ.

 

Thư  trong Hán Ngữ là sách, truyện (books): Tứ Thư Ngũ Kinh, thư viện, thư khố, thư phòng, thư sinh, thư tịch, quản thư), là biên chép (thư pháp, thư ký, thư lại, thư phù…

 

Ví dụ: Thư trung hữu nữ nhan như ngọc (Trong sách có cô gái mặt đẹp như ngọc).

 

Thư tín (letter, mail) cũng là nội dung những lời ghi lên giấy để trao đổi về vấn đề nào đó, từ tình cảm đến việc làm ăn. Ngày nay, chúng ta dùng computer để gửi thư (email) thì không cần giấy mực và tem thư gửi qua bưu điện nữa.

 

Thơ do chữ Thi  nói lệch mà ra. Thơ là hình thức văn có vần, có điệu. Thơ ngũ ngôn, thơ Đường, Ngâm thơ, làm thơ.

 

Ví dụ: Xin chàng đọc sách ngâm thơ, Dầu hao thiếp rót, đèn mờ thiếp khêu.

 

Đa số người Việt cũng dùng chữ Thơ  khi nói về thư tín.

 

Ví dụ: Tôi đã gửi thơ cho anh rồi!

 

Và cũng lẫn lộn khi muốn nói nói về nạn hành chánh quan liêu, nặng về thủ tục, giấy tờ là “hệ thống thơ lại” (bureaucracy). Đúng ra phải là “hệ thống thư lại.”  theo nghĩa của thư là sách vở, giấy bút.

 


 

Tin Bài Liên Quan:

 

VNTB – Lại chuyện ngôn ngữ: ‘Giải mã’ hay ‘Giải thích/Giải độc’?

 

VNTB – Chia Sẻ hay Chia Xẻ: Những từ ngữ thường bị nhầm lẫn!

 

VNTB – Cải Cách Chữ Quốc Ngữ

 

VNTB – Chuyện Dài Chữ Nghĩa: Những Chữ Có Thể Bị Hiểu và Dùng Sai





No comments:

Post a Comment

View My Stats