Wednesday, 3 August 2022

NHẬN XÉT VỀ THÔNG TIN HÓNG ĐƯỢC SAU NGÀY THỨ 158 & 159 CỦA CUỘC CHIẾN TRANH NGA – UKRAINE, 31/07 – 01/08/2022 (Phúc Lai)

 



Nhận xét về thông tin hóng được sau ngày thứ 158 và 159 của cuộc chiến tranh Nga-Ukraine,  31/07 – 01/08/2022  

Phúc Lai  

3-8-2022

https://thuymyrfi.blogspot.com/2022/08/phuc-lai-nhan-xet-ve-thong-tin-hong-uoc_3.html

 

1. Ngày hôm qua…

 

• Không đánh nhau mấy nên nhìn chung chẳng có gì để bình loạn cả, ngoài tin một đoàn tàu của Nga có đến 40 toa bị HIMARS quại lăn cu chiêng ở ga.

 

Bình loạn: Thấy bảo do cầu đường sắt bị phá hủy nên tàu phải đỗ ở ga trước khi sang sông để bốc dỡ hàng hóa xuống. Và thế là “bùm!” Rất là lạ nhớ: rõ ràng là Nova Kakhovka cũng ở bên tả ngạn sông Dnipro và đã bị bắn đi bắn lại mấy lần, coi như là hết sạch kho tàng ở đó rồi… Điều đó cũng có nghĩa là đã bắn được Nova Kakhovka thì cũng bắn được đầu cầu bên này của Antonovsky. Ấy thế mà vẫn cứ ngang nhiên kéo cả đoàn tàu đến.

 

Hồi “phase 1” của chiến tranh tui cùng mấy bác đã ít nhất vài lần sửng sốt vì… không hiểu sao những cái rất đương nhiên là sẽ bị tiêu diệt nếu làm như thế mà họ (Nga) vẫn cứ làm, ví dụ như kéo nghễu nghện cả một đoàn xe cứ như chỗ không người và bị họ phục kích diệt gọn. Cực kỳ phi lý – mình đang đi trên đất nước của người ta chứ có phải là nhà mình đâu mà ngang nhiên như vậy. Bây giờ đến chuyện đoàn tàu.

 

• Thật ra là vẫn có đánh nhau, ví dụ như ISW vẫn cho rằng Nga và ly khai, đặc biệt là lực lượng Wagner tham gia tấn công theo hướng Lysychansk tới Bakhmut và Siversk. Tình báo Anh thì bảo là tấn công không có kết quả. Các Mil-Blogger Nga cũng nói chẳng đạt được cái gì, cố đánh mạnh chỉ đem lại tổn thất cho cả hai bên.

 

Bình loạn: Đặc biệt trên hướng Bakhmut, do hỏa lực pháo binh của Nga và ly khai vẫn vượt trội nên có thể quân Ukraine bị thiệt hại nặng, nhưng quân Nga và ly khai vẫn không tiến được. Cá nhân tui thì cho rằng quân Ukraine vẫn đang kiên nhẫn chờ kết quả của những vụ bắn phá kho tàng từ tuần trước, chỉ trong một thời gian không dài sắp tới những dự trữ dã chiến ở gần sau tiền duyên cũng sẽ cạn. 

 

2. Đoán mò

 

Trên các diễn đàn Nga đã đến lúc người ta gọi tiếp giai đoạn 2 của “Chiến dịch quân sự đặc biệt” hay ta gọi là The Battle of Donbas là một thất bại. Lần 1, thất bại ở Kyiv, lần 2, thất bại ở Donbas.

 

Nếu các bác để ý, thì trong các bản tin của Bộ Tổng tham mưu Ukraine liệt kê rất nhiều điểm bắn phá của Nga. Cũng như mạng xã hội thì cho biết họ vẫn dùng tên lửa bắn “đại trà” vào nhiều nơi, ví dụ mới đây là thành phố Mykolaiv, cũng như nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh ở Kharkiv cũng bị bắn phá. Tuy nhiên phía Ukraine cáo buộc hầu hết các mục tiêu đó là mục tiêu dân sự.

 

Xin copy lại một đoạn tui viết 2 ngày trước: “Đáng tiếc là “cách đánh của người Ukraine quá “khó chịu”” hoàn toàn không tạo điều kiện cho quân đội Nga thực hiện nhiệm vụ này. Họ không có Sở chỉ huy nào ở tiền phương trong tầm pháo của Nga (trong khi Nga thì buộc phải có – điều này có nguyên nhân từ hệ thống thông tin liên lạc bệ rạc và lỗi thời thê thảm), họ không có kho đạn pháo nào trong tầm pháo Nga các hệ thống phóng pháo phản lực thì có mà trời mới tìm được…” Thông tin này là tui đọc trên diễn đàn do người Nga viết từ những than phiền của chính một sĩ quan Nga, người của họ từ tiền tuyến gửi về.

 

Đầu tiên, xin khẳng định là tui không chăm chăm đọc những thông tin của Ukraine, nhất là mạng xã hội, mà chủ yếu đọc bản tin chính thức của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine mà đã nhiều lần chúng ta khẳng định: thông tin của họ quá dè dặt. Đồng thời tui không bao giờ sa đà vào việc đưa các con số, đặc biệt là thiệt hại của Nga.

 

Ấy thế mà hôm trước trong một nhóm “Intellect” gì đó có một thành viên nói: “Chỉ đưa thiệt hại của Nga.” Thực chất, tui không nắm vấn đề thiệt hại của Nga, mà tui chỉ quan tâm nhiều đến khả năng huy động nguồn lực của họ để ngẫm xem bao giờ thì họ hết hơi. Thậm chí các con số tính toán của tui bao giờ cũng theo hướng có lợi cho đương sự, ví dụ chú dư luận viên nào bảo Nga sản xuất được 5.000 đạn pháo 1 ngày, tui tính hẳn cho 15.000 đi cho nó thoải mái.

 

Thứ hai, tui rất quan tâm đến những diễn đàn của Nga mà tui đã tham gia từ rất lâu rồi, trước cuộc chiến tranh này nhiều và những phàn nàn của họ, tui tin là có thật chứ không bịa ra.

 

Quay lại với những thông tin của phía Nga đưa ra, ví dụ như hạ được bao nhiêu giàn HIMARS, rồi bắn được bao nhiêu kho đạn của Ukraine… buồn cười nhất là 2 kho ở Siversk (cách Lysychansk có một tí) bị Nga dùng vũ khí chính xác phá hủy. Điều này chính người Nga họ còn cười giễu một cách đau khổ: người Ukraine người ta có kho đạn ở gần tiền tuyến đến như vậy giống chúng ta đâu mà bịa.

 

Việc Nga tiếp tục bắn lung tung, đặc biệt nhiều vào các mục tiêu dân sự cho thấy đã hoàn toàn bế tắc về quân sự. Càng ngày, hệ thống an ninh, phản gián của Ukraine càng thanh lọc sạch sẽ nội gián, Nga càng ít thông tin tình báo, vệ tinh máy bay do thám thì không có hoặc không hiệu quả…

 

Ngay cả các diễn đàn Nga người ta cũng nói: người Ukraine như ngồi trong nhà mình vậy, đơn vị nào cũng biết và thiệt hại như thế nào thì cứ như có người trong nhà mình báo cho họ. Trong khi đó mình (quân đội Nga) thì cứ như copy y xì các báo cáo của họ để thông báo lại.

 

Tinh thần bi quan lan tràn trong quân Nga trên khắp các mặt trận. 

 

Nga bước vào “phase 2” với 150 đến 170 nghìn quân với 30 nghìn lính ly khai, trong khi phía lúc đó đã có Ukraine có 280 nghìn với cấu trúc tổ chức hoàn toàn khác. Trong khi quân đội Nga với tổ chức khác hẳn, dựa chủ yếu trên các BTG dẫn đến không đủ quân số cầm súng trong các đơn vị chiến đấu trực tiếp: tính ra mỗi BTG chỉ có 2 đại đội, trong khi trước đây có 3 đại đội làm cho sườn của mũi tấn công của các BTG không được bảo vệ. Điểm yếu chết người này đã dẫn đến những tổn thất nghiêm trọng của quân đội Nga trước quân Ukraine.

 

Trong khi đó quân Ukraine không có thay đổi nhiều, chỉ tập trung vào giảm số sư đoàn và tăng cơ cấu biên chế tổ chức cấp lữ đoàn (thường là hai trung đoàn theo kiểu Xô-viết cũ). Tuy nhiên họ lại nâng cấp cách thức tổ chức chỉ huy của đơn vị hạt nhân cấp tiểu đội và nhất là huấn luyện người lính theo chuẩn NATO.

 

Đặc điểm này dẫn đến sự vượt trội về quân số của Ukraine so với Nga và ly khai. Trong khi quân Nga muốn đạt được quân số vượt trội phải tăng số lượng BTG lên một khu vực tấn công nhỏ, dẫn đến việc đạt ưu điểm là tăng được mật độ hỏa lực pháo binh hỗ trợ cho lực lượng tấn công đó, cùng với số lượng xe tăng, bọc thép rất cao. Ngược lại nhược điểm của nó là gây gánh nặng cho lực lượng hậu cần cũng như hệ thống hạ tầng bị tàn phá của Donbas cũng không cho phép cơ động một lực lượng xe tăng thiết giáp lớn như thế.

 

Tất nhiên lực lượng Ukraine cũng có những khó khăn tương tự, nhưng với đặc thù phòng thủ nên họ không sử dụng quá nhiều quân lên tuyến đầu, cũng như việc giảm được những gánh nặng về hậu cần. Hồi giữa hai “phase” của cuộc chiến tranh chúng ta đã nghe về những đoàn xe vận tải của người dân Ukraine tổ chức phục vụ quân đội, đi hàng nghìn cây số từ Kyiv xuống Dnipro rồi lại về, theo 2, 3 tuyến đường khác nhau.

 

https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEirEGS-bQf4e3U-MlxwR92ZAHUXW3aGG-Dg9fBVsofmLCED70oUJGr5ziTF9oYHTW6THgJ9fbH6izQ00-Xc6TPvbjijaPL2taG8lfL6r1X9ja9G1cvSp2_7tyWGzQXZJ5NTrOjDLXwrD_u2MjwQlYt8rbfcjdk_SqMF1X8HB8CGZ6z5Hy1RTttkMrGA2Q/w400-h225/pl_266.jpg
Ảnh: Ngày 2 tháng Tám, kỷ niệm “Ngày VDV Nga” (Lính dù Nga) Lữ đoàn cơ giới hóa độc lập số 72 mang tên “Người Zaporozhe đen” đang gửi tặng đạn pháo ở Donbas.

 

Việc Nga cải tổ quân đội tưởng hay mà hóa ra lại thua kém cả tổ chức kiểu cũ của Ukraine, cái kiểu mà họ vừa từ bỏ. Dốt đặc còn hơn hay chữ lỏng là thế.

 

Đến lúc này, khi mà cái từ “Химарс” đã trở nên là một từ trong tiếng Nga, thì chóp bu Nga bắt đầu cuống lên và bổn cũ lại soạn lại: đem những thứ vũ khí cổ lỗ trong kho ra vừa dọa, vừa dùng – mà dọa chủ yếu là trên báo chí Tây Phi. Trước đây đã có lần tên lửa Zircon được đem ra bắn đâu 1, 2 lần; còn bọn Nga trên các diễn đàn thì giễu: còn Granit P-700 đem ra mà bắn nốt. Vấn đề của tên lửa Nga không phải là tốc độ bao nhiêu, tầm bắn thế nào và khả năng sát thương ra sao, mà vấn đề của nó là bắn vào đâu – có biết mục tiêu ở chỗ nào đâu; và sau đó là dù có biết ở đâu rồi cũng không rõ làm sao bắn trúng được vào nó.

 

Thời điểm hiện tại, Nga và ly khai chỉ còn dựa vào vận tải bằng ô tô cho các tuyến công sự tiền duyên ở Donbas. Vì chỉ trong khoảng 10 ngày vừa qua phía Ukraine đã tăng cường tấn công các đầu mối đường sắt, đầu tiên là của vùng Donbas và mới vừa qua là của Kherson. Các chuyên gia phương Tây căn cứ trên báo cáo quan sát của Ukraine kết luận khả năng sử dụng hỏa lực của Nga chỉ còn đạt mức 10% so với trước đây. Nếu bắn như vậy thì họ có thể cà dầm cà dề còn lâu, lợi dụng sự nối liền của tiền duyên với hậu phương không quá khó khăn về hậu cần, sẽ tiếp tục chỗ thì tấn công, chỗ thì phòng ngự. Một dạng kịch bản kéo dài chiến tranh. 

 

Để thay đổi tình trạng này, bắt buộc quân Ukraine phải phản công – vấn đề là ở chỗ nào thôi. Việc quân Nga kéo lũ lượt một bộ phận quân số rất lớn từ Zaporizhzhia và Izyum về Kherson đã tạo điều kiện cho quân Ukraine phản công ở Barvinkove cách Izyum 40 km về phía tây nam. Barvinkove là thành phố tập trung một binh lực lớn của Nga, trong đó có ít nhất hai đơn vị xe tăng mạnh thuộc Sư đoàn xe tăng cận vệ số 4 Kantemirovskaya (thuộc quân khu miền Tây) và một sư đoàn nữa thuộc quân khu trung tâm. Cả hai đơn vị này đã bị đánh thiệt hại nặng và được rút về Belgorod phẩn lớn để phục hồi, nhưng vẫn để lại một quân số đáng kể. (Ảnh kèm theo: bản đồ khu vực Barvinkove ngày 29/06).

 

Trên hướng Kherson trong những ngày vừa qua quân Ukraine vẫn tiếp tục tấn công và được biết họ có thể được lấn được vài chục khu dân cư (làng, có nguồn cho biết con số lên đến 40 điểm dân cư). Rõ ràng chiến thuật của họ là lấn đất và triệt phá hậu cần.

 

Nguồn thông tin mạng xã hội (nguồn Ukraine) thì cho biết Nga đã rút bớt quân từ Kherson về Crimea. Hiện nay nếu để rút khí tài nhất là xe tăng, thiết giáp và các thứ cơ giới khác, Nga chỉ có đi theo đường P-47 qua con đập thủy điện Kakhovka, ngoài ra sẽ còn nỗ lực bắc cầu phao nữa.

 

Tui thì hiểu rằng nếu rút, chỉ có thể là rút bớt bộ binh nhân lực về, chứ nếu rút thiết bị khí tài, gây tắc đường tắc cầu tại các lối trên đây vừa liệt kê, chắc chắn sẽ có vụ đồ sát xe cộ của Nga bằng pháo binh.

 

Có vẻ như Bộ chỉ huy Nga đang sợ sự đổ vỡ mang tính dây chuyền, nếu quân Nga buộc phải rút từ Kherson về Crimea, thì đó sẽ là cú huých đầu tiên dẫn đến tan rã của chế độ chiếm đóng của Nga ở nhiều vùng, mà trước mắt có thể là Zaporizhzhia. Thực tế thì đến hôm nay đã nghe nhiều tin rằng chính quyền bù nhìn do Nga lập ra ở Kherson đã bắt đầu có những cá nhân… bỏ trốn.

 

Quá trình tan rã chắc chắn sẽ diễn ra như một hiệu ứng domino. Nhưng còn có một quân domino khác có thể sẽ đổ trong ván bài địa chính trị của Putox:

 

• Lực lượng vũ trang Azerbaijan bắt đầu hoạt động quân sự ở Nagorno-Karabakh theo hướng bắc và tây bắc. Theo cái gọi là “Bộ Quốc phòng của Artsakh” (hay Bộ Quốc phòng Nagorno-Karabakh), các nỗ lực này đã bị ngăn chặn. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông viết rằng đã có những trận chiến gần Gandzasar. Theo hướng này, Lực lượng vũ trang Azerbaijan đã đạt được một số bước tiến. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Armenia phủ nhận mọi thứ và tuyên bố kiểm soát hoàn toàn tình hình.

 

Được, cứ loạn nữa đi. Đã đến lúc Putox “tứ bề thọ địch” rồi.

 

Tin mới nhất, trên Mặt trận Kherson,  quân Ukraine đang từng bước mở rộng và củng cố đầu cầu đã chiếm được trong khu vực các làng Andriivka và Lozovoye.

 

PHÚC LAI 02.08.2022

Publié par Thụy My RFI à 02:56 





No comments:

Post a Comment

View My Stats