NGƯỜI
ĐỒNG TÍNH “ĐÒI” QUYỀN GÌ?
Lúc nãy có một bạn comment cho mình kiểu “nói
nửa chừng” như sau: “Đồng tính thì OK, nhưng cứ hô hào đòi quyền thì…”
Mình đã quyết định làm “kẻ dại” bằng cách phản
hồi lại rất dài, và bạn reply tiếp đại ý “sống bình thường, có ai kì thị đâu,
pháp luật cũng đối xử bình đẳng như nhau”, tiếc là đang soạn reply lại thì có lẽ
khiến bạn cảm thấy phiền và đã xoá comment.
Nếu bạn đọc được những dòng này thì mình khẳng
định mình không tấn công bạn, mình chỉ tấn công quan điểm của bạn. Mình không
có ý định ”cãi thắng” bạn, cái mình muốn là “cãi thắng” một triệu người, 10 triệu
người: thứ chỉ có thể đạt được bằng đối thoại, trên cơ sở tranh luận khoa học,
bằng chứng. Và tận đáy lòng mình không hề ghét những người vì chưa nghe hết, thấy
hết mà có những quan điểm đơn sơ một chiều.
Mình xin edit lại hai reply của mình thành bài
dưới đây.
***
“Đòi quyền”, vốn là một từ cũng không có vấn đề
gì, nhưng hay được gắn với ý nghĩa tiêu cực “lợi dụng cái này để làm cái kia” của
những nhóm thiểu số. Những quyền mà người đồng tính vận động có phải là quyền mới,
quyền thêm vào, hay quyền lấy từ ai khác không? Hoàn toàn không, đó là quyền GIỐNG
NHƯ những người khác: được gia đình chấp nhận, bảo vệ khỏi sự kì thị trong trường
học, công bằng trong việc làm, sống với người mình yêu và được pháp luật thừa
nhận.
Nói “tôi không kì thị nhưng tôi không thích họ
vận động đòi hỏi này nọ” chính là bảo “hãy cứ im lặng và chấp nhận với những gì
đang có”. Nếu là người khuyết tật và đòi vỉa hè phải có lối tiếp cận để họ cũng
có thể đi GIỐNG NHƯ bạn, liệu bạn có nói họ đang “đòi quyền”? Hãy thấy may mắn
vì bạn không phải vận động để có thứ ai cũng đã có vì bạn không thuộc nhóm thiểu
số.
Bảo “cứ chung sống bình thường, bình đẳng
không vấn đề gì” thì đó là nhãn quan của nhóm đa số. Hai người cùng giới sống
chung với nhau tạo dựng tài sản, một người mất không có di chúc, người kia hưởng
cái gì? Lấy người nước ngoài cần bảo lãnh người kia, pháp luật có công nhận một
cặp cùng giới? Một người qua đời ai quyết định được thân thể của người kia? Một
người trong tình trạng khẩn cấp y tế cần người nhà quyết định, ai là người hiểu
người đang nằm bất tỉnh ở kia nhất, hoặc nếu không bất tỉnh và họ chỉ vào người
đang đứng ở ngoài “bạn tôi sẽ quyết định trong lúc tôi không còn ý thức” và nhận
được câu trả lời của bác sĩ “chúng tôi cần NGƯỜI NHÀ của anh/chị” thì nỗi đau
tinh thần đó ai có thể cảm nhận? Đó không chỉ là quyền pháp lý, mà còn là quyền
than khóc, quyền được liên quan (“right to relate”).
Thuế, bảo hiểm, hộ gia đình, con cái, tới cả
năm ngoái dịch bệnh cũng thấy ý nghĩa thực tế, thiết thân của “quyền được là
người thân” là như thế nào trước khi những thứ hệ trọng kia xảy ra. Bao nhiêu
thứ chứ đâu chỉ một câu “cứ sống bình thường” là xong? Hồi 2013, mình thống kê
trong Luật Hôn nhân và gia đình rằng việc trở thành vợ chồng hợp pháp khiến hai
người trong mối quan hệ hôn nhân tự động phát sinh 237 quyền và nghĩa vụ với
nhau. Hai người cùng giới sống với nhau, pháp luật coi họ khác gì hai người bạn
cùng phòng?
Hiến pháp quy định mọi người bình đẳng, nhưng
để làm được thì cần có luật, có kế hoạch. Một vài thứ cần quy định chung là được,
nhưng vài thứ khác lại cần quy định riêng, đấy không phải vì “ưu ái” hay “đặc
quyền”. Nếu ai cũng bình đẳng rồi thì cần gì Luật Người khuyết tật, cần gì Luật
Bình đẳng giới, cần gì luật Trẻ em, cần gì Luật Người cao tuổi… bởi vì nó cần
được thực thi, cần chế tài, và vượt qua ngoài những điều luật trên giấy là cần
sự nâng cao nhận thức của số đông với các vấn đề của số ít.
Lời kết có lẽ vẫn cần nhắc lại nhiều lần hơn nữa,
mà mình từng viết trong mục Góc nhìn của VnExpress: “Trong mắt nhiều người, họ
là kẻ gây rắc rối, cố gắng thách thức số đông, đòi hỏi quyền lợi dành riêng cho
mình, thậm chí đang làm xói mòn giá trị truyền thống Việt Nam.
“Những vấn đề mà người LGBT đang mong muốn được
thừa nhận trong pháp luật, thật ra nó không “ăn lẹm” một chút nào vào cái tự do
mà những người còn lại đang có. Không ai mất gì hay phải làm thêm gì, nếu có
chăng là những bất tiện nhỏ khi bạn định nói một điều gì đó định kiến, hay phải
chậm lại một chút khi định có một hành động kỳ thị. Nó trao thêm tự do mà những
người LGBT chưa có: được sống là chính mình, yêu người mình yêu, và vì vậy cái
tổng tự do của toàn xã hội tăng lên. Thứ tự do duy nhất sẽ mất đi đó là tự do
phân biệt đối xử, tự do thù ghét.”
.
.
Tựa
và nội dung chỉ nói về người đồng tính vì đang trong một phản hồi cụ thể về đồng
tính, nhưng mình tin vấn đề cũng tương tự với người chuyển giới hay bất kì nhóm
thiểu số nào khác.
.
Lương
Thế Huy. Cộng đồng LGBT cảm ơn bạn rất nhiều về tất cả những gì bạn đã
đấu tranh ko mệt mỏi để đòi quyền bình đẳng cho LGBT trong cả nước từ những
ngày đầu tiên cho đến bây giờ, mang lại nhiều thành công cho cộng đồng. Chúc bạn
và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và
ko ngừng tiếp tục đấu tranh cùng cộng đồng LGBT cho tới ngày hôn nhân đồng giới
được hợp pháp hóa trên khắp Việt Nam. Chúc cho ước mơ của chúng ta sớm trở
thành hiện thực.
No comments:
Post a Comment