Saturday 27 August 2022

NẾU CON RỒNG LỚN TẤN CÔNG? (Trần Quốc Hùng)

 



Nếu con rồng lớn tấn công ?    

Trần Quốc Hùng

26 Tháng Tám, 2022

https://usvietnam.uoregon.edu/neu-con-rong-lon-tan-cong/

 

Nhà nghiên cứu Trần Quốc Hùng chia sẻ những suy luận của mình về khả năng Trung Quốc tấn công Đài Loan và những biến đổi của thế giới sau cuộc tấn công đó, nếu nó xảy ra.

 

                                                                *

 

Nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, họ sẽ tấn công bằng cách nào? Hỏa tiễn?  Đổ bộ?  Hay cả hai?

 

Trần Quốc Hùng

Trước tiên, cần nhớ là chiến lược tối ưu của Trung Quốc là dùng mọi thủ đoạn vùng xám để thống nhất Đài Loan mà không gây chiến tranh—đây là chính sách hiện nay của Trung Quốc.

 

Tuy nhiên Trung Quốc luôn luôn tuyên bố không loại trừ biện pháp quân sự. Và trong trường hợp này, Trung Quốc hoàn toàn chủ động trong quyết định tấn công: thời điểm tấn công, nguyên cớ được viện dẫn biện minh cho cuộc tấn công, chiến lược thao túng dư luận quốc tế khi tấn công, chiến lược và chiến thuật quân sự, và mục đích tối thiểu và mục đích tối đa mà họ muốn đạt được.

 

Ngược lại, Mỹ bị động và chỉ phản ứng sau khi Trung Quốc tấn công. Nói chung, nếu dư luận ở phương Tây cho là Trung Quốc không hoặc không dám gây chiến, thì có khả năng cao là họ sẽ bị bất ngờ khi cuộc tấn công xảy ra.

 

Tôi nghĩ chiến dịch tấn công của Trung Quốc, nếu xảy ra, sẽ có ba bước chính sau đây.

 

Trung Quốc có thể chủ động và uyển chuyển trong việc đi từ bước một sang các bước khác.

 

Bước 1: Phong tỏa hải phận Đài Loan (như đã tập trận) kiểm soát tàu bè ra vào. Họ có thể uyển chuyển leo thang, như cho tàu đưa thuốc men, lương thực vào nhưng cấm đưa vũ khí, xăng dầu… và không loại trừ biện pháp phong tỏa cả nhu yếu phẩm ở thời điểm thích hợp. Đài Loan có dự trữ xăng chiến lược đủ dùng trong khoảng 4 tháng nhưng khí đốt (để phát điện) chỉ có 8 ngày.

 

Họ có thể leo thang và phong tỏa không phận để cấm không vận (như cầu không vận Berlin chống Liên Xô phong tỏa trước đây). Mục đích của bước 1 là gây khủng hoảng kinh tế, xã hội và chính trị ép buộc Chính phủ Đài Loan nhượng bộ, chấp nhận đề nghị đàm phán thống nhất của Trung Quốc (như trong Sách Trắng vừa công bố).

 

Bước 2: Nếu không có kết quả, sẽ dùng hoả tiễn và oanh tạc từ tàu chiến và máy bay đánh bom vào các địa điểm chiến lược (đầu não chỉ huy, trung tâm thông tin, phi trường và hải cảng, các căn cứ quân sự và phòng thủ nhất là ở ven biển phía Tây  Đài Loan). Mục đích là huỷ diệt khả năng (và ý chí) kháng cự của  Đài Loan, buộc phải nhượng bộ.

 

Bước 3: Sau cùng là đổ bộ để chiếm các vị trí chiến lược và phần lớn lãnh thổ. Mục đích là chiếm đóng và sáp nhập  Đài Loan bằng vũ lực.

 

Trung Quốc có thể leo thang hay xuống thang sau mỗi bước — xuống thang nếu bị Mỹ phản công gây thiệt hại quá lớn (và sẽ tuyên bố chiến thắng, đã dạy Mỹ và  Đài Loan một bài học, như từng làm ở Việt Nam 1979!).

 

                                                         *

Nếu Trung Quốc tấn công, họ sẽ kết thúc cuộc chiến như thế nào? Dựa trên lý do gì?

 

Trần Quốc Hùng

Cuộc chiến chấm dứt khi Trung Quốc đạt mục đích của bước 1 hay 2 hay 3.

 

Không loại trừ kịch bản Mỹ dốc toàn lực đánh Trung Quốc và đe dọa gây thiệt hại vật chất rất lớn cho Trung Quốc, buộc Trung Quốc phải xuống thang và đàm phán để chấm dứt chiến tranh. Nhưng xác suất kịch bản này rất thấp, vì đối với đại đa số dân chúng Mỹ, Đài Loan không phải là quyền lợi cốt lõi của Mỹ…

 

Trung Quốc với sự hỗ trợ của Nga sẽ dùng vũ khí hạt nhân để đe dọa Mỹ, ngăn Mỹ không tham chiến (như ở Ukraine) hoặc tham chiến thì chỉ có mức độ.

 

                                                            *

Trung Quốc và thế giới sẽ như thế nào sau một cuộc chiến như vậy?

 

Trần Quốc Hùng

Trong và sau chiến tranh, Trung Quốc sẽ bị phương Tây cấm vận, tối đa là như trường hợp Nga xâm lăng Ukraine. Nhưng lần này có sự khác biệt với cuộc cấm vận Nga: với vai trò trung tâm của Trung Quốc trong kinh tế thế giới, Mỹ và Châu Âu sẽ bị tổn hại không kém gì tổn hại gây cho Trung Quốc (và sẽ làm cho dân chúng ở Âu Mỹ mệt mỏi không ủng hộ cấm vận Trung Quốc).

 

Trong khi đó Trung Quốc buôn bán với phần thế giới còn lại, nhất là các nước đang phát triển, lớn hơn là với Âu Mỹ nên sẽ tiếp tục phát triển quan hệ kinh tế với các nước này. Những nước này, kể cả Đông Nam Á, cũng phải tiếp tục và cũng muốn buôn bán với Trung Quốc để phát triển kinh tế.

 

Mặc dù sức mạnh quân sự của Mỹ lớn hơn Trung Quốc, nhưng do các yếu tố kinh tế chính trị quốc tế và trong nội bộ từng nước, nếu Trung Quốc đánh, khả năng sáp nhập Đài Loan thành một tỉnh của Trung Quốc là cao.

 

Nói chung suất tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm (gây thiệt hại cho toàn thế giới) và hình thành hai vùng kinh tế, thương mại xoay quanh Trung Quốc và Mỹ/ Châu Âu. “Một thế giới, hai hệ thống” ra đời!

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats