Monday 8 August 2022

MỸ VÀ TRUNG QUỐC CÓ THỂ KHÔNG VƯỢT QUA ĐƯỢC CUỘC KHỦNG HOẢNG ĐÀI LOAN (Việt Linh / Cali Today)

 



MỸ VÀ TRUNG QUỐC CÓ THỂ KHÔNG VƯỢT QUA ĐƯỢC CUỘC KHỦNG HOẢNG ĐÀI LOAN

Việt Linh  -  Cali Today

August 8, 2022

https://www.baocalitoday.com/breaking-news/breaking-news-2/my-va-trung-quoc-co-the-khong-vuot-qua-duoc-cuoc-khung-hoang-dai-loan.html

 

Mối quan hệ Mỹ – Trung đã, đang và sẽ tiếp tục xấu đến mức sẽ không thể phục hồi như nguyên trạng cách đây 5 năm trở về trước, và đặc biệt nhất là từ sau chuyến thăm Đài Loan của Chủ tịch Hạ Viện Mỹ, Nancy Pelosi.

 

Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận với số lượng đông đảo và gần lãnh thổ Đài Loan nhiều nhất, chỗ gần nhất có vẻ cách đất liền khoảng 20km. Mặc dù vụ việc có thể chưa hay không dẫn đến chiến tranh toàn diện, nhưng đó được xem là một bước tiến xa hơn trong việc giải thể mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc – đồng thời là cơ hội thực tế mang lại cho quân đội Trung Quốc sự huấn luyện cần thiết để thực hiện cho các cuộc tấn công trong tương lai, thời điểm vẫn không biết là lúc nào.

 

Bà Pelosi là quan chức cấp cao nhất của Hoa Kỳ đến thăm Đài Loan kể từ khi cựu Chủ tịch Hạ Viện Newt Gingrich đã đến vào năm 1997. Trong 25 năm kể từ đó, Trung Quốc đã phát triển cả kinh tế và quân sự theo cấp số nhân. Cùng với đó là những cuộc tấn công kinh tế, ngăn trở ngoại giao của Trung Quốc đại lục nhằm đưa ra những yêu sách đối với Đài Loan.

 

Đài Loan, quốc gia tự quản độc lập trước sức ép của Bắc Kinh và dưới thời Tổng thống đương nhiệm Tsai Ing-wen, đã mạnh mẽ, không ngán sợ những đòn trừng phạt, cô lập kinh tế và ngoại giao của Trung Quốc.

 

Từ mấy thập niên qua, Mỹ đã hy vọng tránh được một cuộc khủng hoảng ngoại giao và có thể là quân sự với Trung Quốc. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai cường quốc đã nhanh chóng xấu đi trong những năm gần đây vì nhiều vấn đề như lạm dụng người thiểu số Duy Ngô Nhĩ ở khu tự trị Tân Cương, đàn áp các phong trào ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông, tăng cường phối hợp giữa Mỹ và Đài Loan và Mỹ lên tiếng cáo buộc Trung Quốc là gián điệp với các cuộc tấn công mạng.

 

Daniel Russel , phó chủ tịch phụ trách ngoại giao và an ninh quốc tế tại Viện Châu Á cho rằng: “Chính trị Mỹ-Trung đang thực sự trong một tình thế rất nguy hiểm, họ đã từng chỉ trích, cáo buộc nhau nhưng điều khác biệt là Trung Quốc đã phát triển khá nhanh về sức mạnh quân sự, trong thời điểm hiện tại, nếu nhận định một cách công bằng, rằng Trung Quốc không ngán sợ Mỹ như trước đây nữa, nhưng phía Mỹ có vẻ hơi chủ quan, tự cao cho rằng, Trung Quốc vẫn đang trong tư thế “chiếu dưới”, khó lòng theo đuổi kịp Mỹ, nhất là về lĩnh vực quân sự, nhưng nhận định này giờ đây không còn đúng nữa, và đây chính là sự “ngộ nhận nguy hiểm”.

 

Các chính quyền Mỹ trước đây đã thực hiện “sự mơ hồ chiến lược” – tìm cách trấn an Đài Loan mà không làm ảnh hưởng đến Trung Quốc. Vào tháng 5, TT Biden cam kết rằng Hoa Kỳ sẽ vượt lên trên và vượt ra ngoài sự hỗ trợ mà họ đã cung cấp cho Ukraine nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan, điều này đồng nghĩa là Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ Đài Loan tối đa, nhiều hơn mức hỗ trợ đang hỗ trợ cho Ukraine, cũng ngầm ra hiệu với Trung Quốc, rằng Mỹ sẽ không buông tay Đài Loan bằng bất cứ giá nào.

 

Mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc đại lục không phải là một cuộc tấn công và quản lý cả hòn đảo bằng quân sự, Trung Quốc chưa có đủ khả năng đó, mà chủ đích của họ là khiến Đài Loan phải quỳ phục trước Bắc Kinh, tâm phục khẩu phục, buộc giới lãnh đạo Đài Loan phải đầu hàng các điều khoản của đại lục để chấp nhận đàm phán chính trị.

 

Điều là Mỹ và cả thế giới này không mấy ngạc nhiên là sức mạnh quân sự của Trung Quốc đã phát triển đáng kể trong ba thập niên qua với tốc độ rất nhanh.

 

Trung Quốc đã trở nên hung hăng hơn trong việc bảo vệ những gì họ coi là lợi ích của mình trên một số lĩnh vực, bao gồm quân sự ở Biển Đông và với các cuộc đàn áp thù địch chống lại các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông – cả hai đều là mối đe dọa đối với hệ thống dân chủ của Đài Loan.

 

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông và một số đảo ở vùng lân cận, bao gồm cả Đài Loan, trong Luật Lãnh thổ năm 1992 . Tài liệu đó cũng nêu ra các điều kiện mà tàu quân sự và máy bay có thể đi vào lãnh thổ Trung Quốc. Bây giờ, 30 năm sau, Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân (PLAN) có phương tiện để thực thi chủ quyền, họ đã và đang làm như vậy với các hành động ngày càng khiêu khích trên biển bao gồm quân sự hóa các đảo ở Biển Đông.

 

Mặc dù Mỹ khẳng định rằng họ có lợi ích kinh tế và an ninh đáng kể trong khu vực và thường xuyên tiến hành tự do hàng hải và các cuộc tập trận khác ở đó, sử dụng sức mạnh quân sự trên biển và không quân để duy trì tự do hàng hải. Mỹ cũng bán các hệ thống vũ khí cho Đài Loan với mục đích phòng thủ theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan năm 1979, nhưng những khả năng đó không tương xứng với những gì quân đội Trung Quốc đã phát triển và sản xuất được chỉ trong 25 năm qua.

 

Hơn nữa, gần đây Hoa Kỳ bày tỏ lo ngại rằng quân đội Đài Loan có tinh thần chiến đấu và khả năng sẵn sàng thấp của quân dự bị và lính nghĩa vụ. Đó là một phần do thiếu kinh phí và tổ chức kém, cũng như việc nhiều người Đài Loan tin rằng Mỹ sẽ hỗ trợ quân đội của họ nếu xảy ra bất kỳ cuộc tấn công lớn nào, đây được xem là sự ỷ lại không đáng có của quân đội Đài Loan.

 

Tăng trưởng quân sự của Trung Quốc hiện dựa trên sự kết hợp dân sự-quân sự , bao gồm các khoản đầu tư lớn vào nghiên cứu và phát triển công nghệ và công nghệ mục đích kép nhằm tăng cường sức mạnh cả quân sự và kinh tế. Điều đó đã dẫn đến những phát triển hệ thống vũ khí đáng kể bao gồm cái gọi là hỏa tiễn “sát thủ Hàng không Mẫu hạm“, được cho là có thể tấn công các tàu lớn ngang với hàng không mẫu hạm Mỹ đương thời, do đó có khả năng ngăn chặn các tàu chiến của Mỹ hoạt động trong khu vực mà Trung Quốc coi là lãnh thổ của mình.

 

Tình hình hiện nay khác xa với cuộc khủng hoảng 1995-1996 ở eo biển Đài Loan, khi chuyến thăm của Lee Teng-Hui, người trở thành tổng thống được bầu cử dân chủ đầu tiên của Đài Loan vào năm 1996, đến trường học cũ của ông là Đại học Cornell, đã làm dấy lên căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc khi đó. Trung Quốc sau đó đã khai triển hỏa tiễn và tiến hành các cuộc tập trận quân sự ở các vùng lân cận của Đài Loan nhưng với khoảng cách xa hơn hiện nay, lúc đó Mỹ đã có thể chống lại những hành động khiêu khích đó bằng cách cử hai nhóm tác chiến tàu Hàng không Mẫu hạm quá cảnh qua eo biển Đài Loan, điều này được xem là sự dằn mặt lực lượng quân sự Trung Quốc, họ rút về đại lục ngay sau đó, nhưng thời điểm hiện nay, khác rất nhiều..

 

Kể từ khi phải chịu đựng sự sỉ nhục đó, chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy việc tạo ra một quân đội có khả năng đối mặt trực diện – và có thể đánh bại – Mỹ trong một cuộc đối đầu quân sự.

 

Điều mà Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc còn thiếu là kinh nghiệm trên thực chiến và họ đang ráo riết luyện tập.

 

Không giống như quân đội Hoa Kỳ, quân đội Trung Quốc đã không trải qua 50 năm chiến tranh, nhất là trên biển. Vì vậy, chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi là cái cớ hoàn hảo để quân đội, hải quân Trung Quốc có thêm được kinh nghiệm chiến trường trong bối cảnh lý tưởng.

 

Có giải pháp ngoại giao nào cho cuộc khủng hoảng không?

 

Không có lý do gì để tin rằng Trung Quốc sẽ tiến hành một cuộc tấn công đổ bộ toàn diện vào Đài Loan vào thời điểm này, nhưng điều đó không có nghĩa là hiện tại không có rủi ro nghiêm trọng.

 

Về việc giảm căng thẳng cũng đồng nghĩa là đừng bên nào làm bất cứ điều gì khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn, đó là quy tắc cần có trước khi chiến tranh có thể nổ ra.

 

Nhưng điều đó nói dễ hơn làm khi các mối quan hệ ngoại giao Mỹ-Trung vốn thường có vai trò xóa bỏ những căng thẳng nhưng lại trở nên căng thẳng như hiện nay.

 

Tòa Bạch Ốc đã triệu tập đại sứ Trung Quốc Qin Gang vào thứ Sáu để khiển trách ông về các cuộc tập trận; Hiện nay, các quan chức quân sự của Trung Quốc không phản ứng với các cuộc điện thoại của Ngũ Giác Đài, làm tăng khả năng xảy ra tai nạn và hiểu sai hay trả đũa ngoài tầm kiểm soát.

 

Một yếu tố phức tạp được xem là quan trọng nhất, đó là việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cần phải thể hiện sức mạnh để củng cố quyền lực của mình trước Đại hội Đảng lần thứ 20 của Trung Quốc vào cuối năm nay, nơi những thay đổi lớn về lãnh đạo sẽ được công bố.

 

Các cuộc tập trận của Trung Quốc ở eo biển Đài Loan trong 4 ngày qua sau chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi được xem là “một cuộc phô trương lực lượng nhằm củng cố quyền lực chính trị của ông Tập tại quê nhà và mở đường cho nhiệm kỳ thứ ba của ông được bầu cử lại.”

 

Giữa những giới hạn về sử dụng công nghệ, kiểm soát xã hội quá mức và các vấn đề kinh tế lớn như khủng hoảng nhà ở nghiêm trọng, người dân Trung Quốc đang chế nhạo các chính sách của chính phủ trên mạng xã hội Weibo – tạo cho ông Tập mọi lý do để gây sức ép lên Đài Loan và Mỹ.

 

Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ không tiếp tục đàm phán với các quan chức Mỹ về biến đổi khí hậu, một lĩnh vực mà Mỹ và Trung Quốc đã sẵn sàng hợp tác cho đến chuyến đi của bà Pelosi.

 

Mỗi khi có một sự kiện nào đó khiến căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh gia tăng, như chuyến thăm của bà Nancy Pelosi đã làm, là điều khiến mối quan hệ Mỹ-Trung cứ đong đưa, lúc căng lúc dịu lại, nhưng lần này, sau chuyến thăm lịch sử của bà Pelosi, mối quan hệ này không thể làm dịu lại như trước đây mà dường như căng hơn bao giờ hết, phải chăng đây là lúc mà Trung Quốc muốn chứng tỏ với Mỹ và thế giới thấy rằng, Trung Quốc giờ đã có đủ sức mạnh quân sự để đối đầu trực diện với Mỹ, không e dè, không ngán sợ như cách nay 30 năm.

 

Không chỉ là vấn đề Đài Loan mà những vấn đề quốc tế quan trọng khác, Trung Quốc đang muốn cho Hoa Kỳ thấy rằng, họ không quan tâm đến đàm phán như trước đây mà sẵn sàng giải quyết bằng cơ bắp, và điều này cho thấy Mỹ dường như hơi rụt rè, giật mình trước con rồng Châu Á vừa tỉnh giấc, đang nhe nanh múa vuốt.

 

Việt Linh 08.08.2022

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats