Friday, 19 August 2022

MỘT TRUNG QUỐC ĐÃ THẤM MỆT (PHẦN 2) - GIẤC MƠ TRUNG HOA (Nguyễn Tuấn)

 



Một Trung Quốc đã thấm mệt (Phần 2) – Giấc mơ Trung Hoa

Nguyễn Tuấn 

19/08/2022

https://baotiengdan.com/2022/08/19/mot-trung-quoc-da-tham-met-phan-2-giac-mo-trung-hoa/

 

Nguyễn Thọ: Xin được giới thiệu với độc giả bài viết đồ sộ về Trung Quốc của tác giả Nguyễn Tuấn, một doanh nhân đã nhiều năm lăn lộn ở Mỹ, Trung Quốc, Đài Loan… Bài được chia thành hai phần để độc giả tiện theo dõi.

 

                                                                  *

 

Khi ông Tập trở thành lãnh tụ vào 2012 với ông Vương là quân sư, TQ bước vào một giai đoạn mới. Xã hội TQ đã là một xã hội tiêu thụ, chủ nghĩa cá nhân đã thấm sâu vào giới trẻ, nhiều thập kỷ của tích lũy tư bản hoang dã đã xói mòn niềm tin giữa người và người. Bất bình đẳng xã hội ngày càng lớn.

 

Ông Tập và quân sư không thể nằm yên nhẫn nhục như ông Đặng vì nếu không sẽ muộn. Ông Tập và Vương phải cứu ĐCS TQ trước lúc những đổi thay của xã hội có khả năng vượt tầm kiểm soát. Đạp phanh cho sự xâm nhập của chủ nghĩa cá nhân kiểu Mỹ thông qua toàn cầu hoá trở thành cấp bách.

 

Việc đầu tiên ông Tập làm là chính sách “Đả hổ diệt ruồi”, một cách để loại trừ đối thủ chính trị và giảm bớt nạn tham nhũng trầm kha. Nhiều quan tham từ cao tới thấp xộ khám. Nhiều cựu ủy viên bộ chính trị hay trung ương từng hét ra lửa nhận tù chung thân. Nhiều cán bộ tầm trung ra pháp trường. Người Hoa có dịp hả hê nhìn những kẻ ngã ngựa.

 

Tin tưởng với lý thuyết của mình, giấc mơ Trung Hoa được nhắc đi nhắc lại và ông Tập chính thức đối đầu Mỹ khi đưa ra chính sách 2025 sẽ đuổi kịp Mỹ và 2050 TQ sẽ trở thành một nước tiên tiến. Theo lịch trình, chủ nghĩa Khổng Tử cũng như Marx được tôn sùng hoá.

Trong một xã hội mà Quân Sư Phụ rạch ròi thì chủ nghĩa tự do cá nhân phải xuống hạng thứ yếu. Trên bảo dưới phải nghe, thiên tử giữ mệnh trời cai quản thiên hạ là lý thuyết của bao triều đại của nền văn minh Trung Hoa.

 

Có thể thấy được cái gì ông Tập và ông Vương đã làm để TQ không đi vào những con đường của Mỹ.

 

– Sờ gáy những đại công ty đang ngấp nghé chia xẻ cạnh tranh ảnh hưởng tới xã hội với đảng cầm quyền. Khi Jack Ma, chủ tịch tập đoàn Alibaba lên tiếng phê bình các ngân hàng nhà nước yếu kém thì sau đó không những phải về vườn mà của cải sau mấy tháng chỉ còn một nữa. Jack Ma vừa rồi viết một bức thư thống thiết xin dành phần đời còn lại của mình giúp đỡ cho nền giáo dục ở nông thôn. Baidu và Tencent cũng khạc ra mấy chục tỉ đô làm từ thiện và phủ phục cho chính phủ quản lý. Các CEO đều tự nguyện xuống lương và những người sáng lập các đại công ty dù còn trẻ vẫn về hưu. Về vấn đề lương bổng, CEO ở TQ nhận lương từ 10-20 lần lương trung bình người làm trong công ty mà còn bị xuống lương. Trong khi ở Mỹ lương CEO lớn hơn lương trung bình từ 200-700 lần và còn tiếp tục cao hơn. Qua đó ông Tập lấy lòng nhiều người lao động bình thường.

 

– Các thần tượng điện ảnh, âm nhạc lần lượt bị hạ bệ, ra đi không dấu vết. Tự do tôn sùng thần tượng xem như chấm hết. Âm nhạc điện ảnh tập trung xây dựng anh hùng “hảo hán”, lính bác Mao đánh lính Nhật Mỹ chạy toé khói. Lịch sử được viết lại. Ai kiếm soát được quá khứ thì kiểm soát tương lai, ai kiếm soát hiện tại thì kiếm soát quá khứ. Ông Tập kiểm soát được hết cả hai. Từ nay Hồng quân là lực lượng giải phóng TQ từ quân phiệt Nhật chứ chẳng phải Quốc Dân Đảng vốn là lực lượng hy sinh và có công nhiều nhất trong chiến tranh Trung Nhật.

 

– Internet vốn đem lại một khối lượng khổng lồ tin tức cho giới trẻ giờ bị tường lửa càng nặng nề. TQ xem như bế quan tỏa cảng. Chỉ còn CNN truy cập được nhưng cũng có lúc chập chờn. Tin nào không có lợi là bị cắt xén ngay.

 

– Một dân tộc, một chữ viết, một tiếng nói. Người Ngô Duy Nhĩ, người Tạng, người Mông và ngay cả người Quảng Đông, Quảng Tây cũng phải dùng tiếng quan thoại. Từ nay tiếng nói thiểu số không còn được dạy trong nhà trường. Các nhóm thiểu số phải phục tùng đa số, tự chọn bị đồng hoá. Sự trừng phạt người Ngô Duy Nhĩ ở Tân Cương để đồng hoá họ là một sự nhức nhối về nhân quyền cho thế giới. 91% cư dân TQ tự nhận họ là người Hán mặc dù có rất nhiều sắc dân lớn như người Thanh không có nhiều huyết thống với người Hán. Không thể nào có một Martin Luther King cho Trung Hoa. Nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba được giải Nobel hoà bình nhưng chết trong lãng quên.

 

– TQ khuyến khích sinh đẻ, luật phá thai được xiết chặt. Các thành phố phải dành 20% số nhà xây dựng cho những gia đình thu nhập thấp. Chu cấp cho trẻ em được nâng lên. Ông Tập cấm dạy thêm học thêm sau giờ học ở trường. Điều đó làm nhiều cha mẹ tiết kiệm một số tiền lớn, hy vọng họ chịu khó đẻ nhiều hơn. Trẻ em chỉ được chơi game dưới 3 tiếng một tuần. Mục đích: số dân phải tăng. Các trường đại học minh bạch hoá việc tuyển chọn sinh viên, không có chuyện lý lịch (cái này thì những trường hàng đầu của Mỹ chắc không ưa, một số sinh viên của Ivy league của Mỹ được nhận vì thành phần gia đình hơn là học lực)

 

– Xã hội TQ trở thành số hoá cao độ, hầu như sự dịch chuyển cũng như hoạt động mỗi cá nhân đều có thể kiểm soát chặt bởi nhà nước. Camera nhận diện đấy đường. Nhân đại dịch COVID, nhà nước qua công nghệ AI (trí khôn nhân tạo) càng xiết chặt hơn nữa luật lệ. Thông tin cá nhân không còn quan trọng trong mục đích chống dịch tập thể. Một người vì mọi người.

 

– Áp đặt luật Anh Ninh Quốc Gia ở Hồng Kông, đưa vào tù những sinh viên trẻ măng. Tự do cá nhân ở Hồng Kông xem như không còn được bảo vệ bởi hiến pháp Hồng Kông được Anh và TQ đồng ý khi trao trả Hồng Kông về cho lục địa.

 

– Các phong trào như LBGT, #Metoo, nữ quyền bị dẹp bỏ. Hệ thống mạng xã hội cho những phong trào này chấm dứt không lời từ giã. Vừa rồi bà Bành Soái một cây quần vợt nổi tiếng thế giới tố cáo bà bị ép tình bởi cựu phó thủ tướng TQ, bà biến mất một tháng và sau đó như không có gì xảy ra, trên mạng các tin liên quan dĩ nhiên cũng biến.

 

– Năm 79, quân đội TQ trầy trật không dạy cho Việt Nam được một bài học thì dưới thời ông Tập, quân đội được hiện đại hoá, hải quân sắp có hàng không mẫu hạm thứ 3. Chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa được khơi dậy đến tối đa. Từ giáo dục cho đến phim ảnh, người Hoa xấu xí của Lỗ Tấn không còn, ngược lại những chiến binh chó sói (wolf warrior) tài năng vô hạn là một biểu tượng mới của Trung Hoa. Chuyện gì xấu ở Mỹ cũng được báo chí mổ xẻ cho toàn dân biết. Chuyện TQ chống dịch COVID thành công được xem như là một ưu việt của xã hội khi tự do cá nhân được hy sinh cho quyền lợi tập thể. Chính sách zero COVID đang làm điêu đứng mọi người nhưng chẳng ai dám lên tiếng. Giới tinh hoa TQ đang ngậm miệng như thóc.

 

Việc hai ông Tập và Vương đưa chủ thuyết “Giấc Mộng Trung Hoa” như một lộ trình cho sự trỗi dậy trong những thập kỉ tới đã biến sự cạnh tranh Mỹ Trung trở thành một sự cạnh tranh về ý thức hệ (ideology). Như thế một cuộc chiến tranh lạnh đương nhiên phải xảy ra như sự đối đầu Mỹ Xô của thế kỉ 20.

 

Mỹ là một quốc gia với một chế độ chưa bao giờ hoàn hảo. Vương Hồ Ninh đã đúng khi chỉ ra những khuyết điểm có tính hệ thống của xã hội Mỹ, nhưng những giải pháp ông Tập và Vương đưa ra cho TQ có thể là một thí nghiệm chẳng mấy sáng sủa gì cho một phần năm nhân loại. Cạnh tranh ý thức hệ có thể dẫn tới chiến tranh khi trật tự toàn cầu bị đảo lộn, khi một siêu cường được quyết định bởi một người. Cứ nhìn Putin quyết định xâm lăng Ukraine thì thấy sự nguy hiểm của nhà nước toàn trị.

 

Người Hoa cũng như tất cả mọi người đều có quyền mưu cầu hạnh phúc. Trong thế kỉ 19 và nửa đầu thế kỷ 20, Trung Hoa bị các cường quốc Tây Phương xâu xé, từ chiến tranh nha phiến tới thảm sát Nam Kinh, rồi những trận đói kinh hoàng trong Cách mạng văn hoá, bao số phận con người chấm dứt trong bi thảm. Trong bối cảnh đó nhiều người Hoa phải tha hương cầu thực. Ở Mỹ đạo luật kỳ thị Chinese Exclusion Act từ 1883 cho tới 1943 không cho di dân người Hoa ở Mỹ được các quyền công dân buộc họ phải sống trong những Chinatown để tồn tại. Chỉ 40 năm qua, TQ không có những biến động và với những chính sách cho phép quyền sở hữu, cả một tỷ người làm việc ngày đêm mới có cơ ngơi hôm nay. Công lao phải kể đến những cải cách triệt để của Đặng Tiểu Bình và cộng sự của ông ở những thành phố lớn và đặc khu. Người Hoa giàu lên thì tự do cá nhân cũng được rộng rãi hơn. Đọc những tiểu thuyết của Mạc Ngôn, nhà văn được giải Nobel văn học thì cũng biết giới lãnh đạo TQ có chấp nhận một số lời nghịch nhĩ. Nhưng tới thời ông Tập thì không còn.

 

Tham vọng của ông Tập đưa TQ lên hàng đầu thế giới dựa trên một mô hình ý thức hệ chứa đầy rủi ro.

 

Ông Tập và Vương đều là những người uyên thâm về lịch sử kinh tế. Sự sụp đổ của Liên Xô đơn giản là vì mô hình tập trung kinh tế của Liên Xô không thể sản xuất ra của cải dồi dào như mô hình Mỹ. Loại trừ sự khát vọng của cá nhân về quyền sở hữu dẫn đến chẳng ai còn hứng thú trong công việc, không làm giàu được thì làm chăm chỉ làm gì. Ông Đặng mở ra cánh cửa tiền bạc và khát vọng tư hữu, người Hoa nào không biết phi thương bất phú và câu chuyện mèo trắng mèo đen?

 

Ông Tập khuyến khích những đầu tư do nhà nước quản lý ai cũng biết hiệu quả thấp hơn nhiều so với đầu tư tư nhân. Việc ông đem những công ty tư nhân năng động nhất phải chịu sự bảo hộ của Đảng CS TQ sẽ làm mất đi tính năng động rất cần trong thương trường. Jack Ma bị trừng phạt chỉ vì phê phán vài câu và muốn cạnh tranh với hệ thống tài chính nhà nước. Sau đó tất cả các tình hoa kinh tế phải cùng hoà bản đồng ca suy tôn lãnh tụ. Cuối cùng mô hình TQ có làm ra được nhiều của cải hơn Mỹ hay không? Sự tăng trưởng về năng xuất cá nhân sẽ quyết định ai thắng ai trong cuộc đua tranh lần này.

 

Những tiến bộ kỹ thuật người Hoa tận dụng để thay đổi TQ như tàu cao tốc, e-pay, Internet, 5G, chip bán dẫn, pin mặt trời, điện thoại thông minh không có cái nào được phát minh ở TQ. TQ học được từ sự chuyển giao công nghệ từ Mỹ và Tây Âu trong cơn sốt toàn cầu hoá và sự tham lam của tư bản tài chính Tây Phương không nghĩ đến đường dài. Vốn thông minh, người Hoa sao chép và có thể làm tốt hơn ở nhiều điểm cũng như chẳng tôn trọng tác quyền trí tuệ và một nguồn nhân lực dồi dào giúp giá thành rẻ hơn. 40 năm nay TQ chỉ được một giải Nobel về Y học về thuốc chống sốt rét được nghiên cứu trong những năm 70. Vài chục năm nữa chưa chắc có giải khác vì cung cách đầu tư cho khoa học không phải để đi đến tận cùng của học thuật. Các đại học TQ không có độc lập về học thuật cũng như tài chính. Giáo sư do nhà nước bổ nhiệm và không lựa lời mà phát biểu thì mất nồi gạo như chơi. Với một môi trường như thế thì rất khó cho những đột phá tư duy.

 

Giới làm ăn TQ chờ Mỹ có gì thì sẽ kiếm một phiên bản sao chép. Có Uber thì có Didi, có Google thì có Baidu, có Amazon thì có Alibaba… Lúc Mỹ và Tây Phương hiểu ra và đối phó thì TQ ngấm đòn. Sự cấm vận về kỹ thuật cao của Mỹ gây rất nhiều trở ngại khó vượt qua. Thí dụ điển hình là hãng Huawei đang hùng hổ đòi lắp đặt hệ thống mạng 5G cho toàn thế giới và vượt Apple trong điện thoại thông minh. Hơn một năm sau khi Mỹ cấm bán chip cao cấp Huawei phải bán phần làm điện thoại cho hãng khác vì không có chip 5G và phần mạng 5G cũng mất bao khách hàng. Thương vụ của Huawei mất hơn 70 tỉ đô một năm. Trước lúc Mỹ cấm vận thì Huawei khẳng định lúc nào họ cũng có chip thay thế Made in China. Ông Tập và ông Vương không biết rằng để làm những cái chip đứng đầu thế giới, bao nhiêu sáng tạo từ những cá nhân người Mỹ và thế giới đã bỏ vào. Sự sáng tạo lúc nào cũng đi đôi với tự do cá nhân, phải làm khác, nghĩ khác, không vào đường mòn người khác đã đi và nhất quyết không có hô khẩu hiệu suy tôn lãnh tụ.

 

Tự do cá nhân là một phần của đời sống Mỹ, tạo ra bản sắc của xã hội Mỹ dù tích cực hay tiêu cực. Có thể sau những khủng hoảng này, người Mỹ mọi màu da có thể tìm được một khế ước để chung sống mà vẫn giữ được tự do cá nhân tương đối cho mình. Hệ thống giáo dục của Mỹ trong vài thế hệ tới sẽ góp phần xóa nhòa ranh giới về sự khác biệt chủng tộc, xây dựng một đồng thuận tương đối mà mỗi cá nhân có thể giữ được bản sắc riêng. Trong các trường đại học hàng đầu của Mỹ số sinh viên da màu đã xấp xỉ gần một nửa, bằng sinh viên da trắng. Giải pháp đó chẳng phải nhân bản hơn là sự áp đặt chuyên chính triệt tiêu tự do cá nhân như cách của Vương. Trong xã hội ông Tập, trăng Trung Hoa tròn hơn trăng nước Mỹ, đồng hồ Trung Hoa tốt hơn đồng hồ Thuỵ sĩ. Không ai dám nói khác để bị đánh hội đồng. Người Hoa, qua những thăng trầm của lịch sử, biết cách giữ mình, họ ngoài mặt đồng tình với ông Tập mà chắc gì trong lòng đã ưa.

 

Huyền thoại về một “Mô hình tư bản mang bản sắc TQ chẳng bao giờ khủng hoảng” thật ra nằm trong sự tư hữu đất đai bởi nhà nước. Theo hiến pháp toàn bộ đất đai ở TQ thuộc về toàn dân do nhà nước quản lý. Mỗi năm chính phủ cho thuê đất để xây nhà có thể thu về hơn 1.500 tỉ đô, hơn 10% tổng sản lượng nội địa. Ngoài ra ngân hàng nhà nước và các công ty xây dựng nhà nước sở hữu một số nợ khổng lồ từ người mua nhà. Với thặng dư mậu dịch và nguồn nội tệ dồi dào, các nguy cơ khủng hoảng đều được giải quyết bởi các gói kích cầu khổng lồ. Những xa lộ ngang dọc TQ nhiều lúc vắng hoe hoặc những kiến trúc khủng đến từ những nguồn tiền đó.

 

Nhưng đất đai không phải vô tận, số người mua nhà cũng giảm dần vì dân số giảm đi. Số nhà tồn kho có thể ở hơn 70 triệu người. Huyền thoại không khủng hoảng cũng có thể chấm dứt. Số nợ của các chính phủ địa phương đã lên tới 45% tổng sản lượng nội địa. Có thể thấy vì sao các thành phố TQ bây giờ đều hoành tráng, tất cả đều từ nợ công địa phương. Các công ty TQ cũng nợ như chúa chổm hơn 160% tổng sản lượng nội địa. Sở dĩ chưa dẫn tới khủng hoảng vì đa số nợ thanh khoản bằng tiền nhân dân tệ. Sự chạy nợ của công ty địa ốc lớn nhất Evergrande cho thấy: Đất bắt đầu chuyển dưới chân.

 

Từ mấy tháng vừa rồi, ủy ban điều tra trung ương tuyên bố điều tra 5, 6 lãnh đạo cao cấp nhất của ngành bán dẫn (semiconductor). Sau khi bơm hàng trăm tỉ Mỹ kim để đưa ngành này trở nên đối thủ của Đài Loan và Mỹ, ông Tập phải cay đắng chấp nhận mấy con chip của TQ vẫn lẹt đẹt thua xa người anh em cứng đầu Đài Loan, còn lâu mới kịp chip của Qualcomm, Intel. Chính phủ TQ vừa rồi phải bỏ thêm hàng chục tỉ đô cứu tập đoàn chip Thanh Hoa, nhiều cái đầu sẽ rơi trong thời gian tới.

 

Sau 10 năm cai trị của ông Tập, thất nghiệp của những người trẻ ở TQ bây giờ rất cao. Đến 20% người tuổi từ 20-24 không có việc làm. Lạm phát phi mã nhất là các thành phố lớn. Tăng trưởng kinh tế cho năm 2022 sẽ khoảng 5%, thấp nhất trong 40 năm. TQ nhập cảng đến 60% năng lượng và một lượng lớn lương thực. Với một GDP còn thua Mỹ, lượng khí thải nhà kính lại gần gấp đôi Mỹ. Điều đó nói lên sự bất tối ưu trong sản xuất.

 

Năm 2022, ông Tập sẽ chấp chính nhiệm kì thứ 3 trở thành lãnh tụ tối cao vĩnh viễn. Ông Vương với vị trí quân sư sẽ tiếp tục đường lối trấn áp tự do cá nhân, chuẩn bị tinh thần cho người Hoa vượt Mỹ.

 

Nhưng ở 2022, một nước Trung Hoa cũng đã thấm mệt!





No comments:

Post a Comment

View My Stats