Thursday 4 August 2022

MÁY BAY C-40, BÍ MẬT MÀ KHÔNG BÍ MẬT! (P. Nguyễn Dũng / Saigon Nhỏ)

 



Máy bay C-40, bí mật mà không bí mật!

P. Nguyễn Dũng  -  Saigon Nhỏ

3 tháng 8, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/hoa-ky/may-bay-c-40-bi-mat-ma-khong-bi-mat/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/08/GettyImages-1412641335.jpg

Chiếc C-40 chở bà Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi trong chuyến công du châu Á (tạt qua Đài Loan) – ảnh: Annabelle Chih/Getty Images

 

Chiều ngày 2 Tháng Tám 2022, một chiếc máy bay của Không lực Mỹ, mang số hiệu chuyến bay SPAR19, bắt đầu cất cánh khỏi Sân bay Sultan Abdul Aziz Shah, thủ đô Malaysia bay về phía đảo Borneo ở hướng Đông, vòng lên phía Đông Philippines… rồi lại bay ngược lên mạn Đông của Đài Loan. Theo công cụ FlightRadar24, chuyến bay SPAR19 đã thu hút sự theo dõi của hơn 300,000 người…

 

Khi ấy, nó được cho là có chở một nữ hành khách Mỹ rất quan trọng 82 tuổi: Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi. Chuyến bay SPAR19 được hiện bởi một chiếc máy bay vận tải quân sự C-40C, một phiên bản đặc biệt của kiểu máy bay Boeing 737-700 New Generation. C-40C thường được sử dụng chở những vị khách đặc biệt, như các tướng chỉ huy, các nhà lập pháp của Hạ viện và Thượng Viện Mỹ. Chiếc C-40C chỉ khác máy bay dân dụng 737-700 ở chỗ nó có thêm winglet ở đầu hai cánh lớn.

 

Cabin máy bay có thiết kế không gian nghỉ ngơi dành cho phi hành đoàn; các vị khách quan trọng; hai gian bếp (galley) và các ghế rộng rãi, tiện nghi như ghế hạng thương gia trên máy bay thương mại. C-40C được trang bị đầy đủ để khách VVIP (very very important person) có “văn phòng làm việc trên cao”. Nó có thể chở từ 42 đến 110 hành khách, tầm hoạt động khoảng 9,260 km.

 

DÒNG MÁY BAY VẬN TẢI QUÂN SỰ C-40

 

Không được quan tâm nhiều như các chiếc Boeing 747 dùng vận chuyển tổng thống Mỹ hoặc các vận tải cơ quân sự khổng lồ như C-5A Galaxy (do Lockheed sản xuất), C-17 Globemaster (McDonnell-Douglas sản xuất)… nhưng C-40 do Boeing sản xuất cũng có nhiều đóng góp quan trọng cho không quân và chính quyền Mỹ. Hiện nay C-40 được xem là máy bay vận tải quân sự loại nhẹ nhưng hiệu quả nhất trong lịch sử thời hiện đại, được sử dụng bởi Không quân (USAF); Hải quân (US Navy) và cả Thủy quân lục chiến (USMC). Tính đến nay Boeing đã giao tổng cộng 28 chiếc dòng C-40 cho các lực lượng này.

 

Trong những năm Chiến tranh Lạnh, cả Boeing và McDonnell Douglas đã không ngừng cung ứng cho quân lực Mỹ những “văn phòng bay”, là những biến thể từ các loại máy bay dân sự. Cụ thể là US Navy từng sử dụng các chiếc DC-9 Skytrain II; trong khi Thủy quân lục chiến dùng chiếc C-9 Skytrain II.

 

Riêng USAF thì chọn kiểu C-137 có thân to hơn để làm văn phòng bay; và kiểu C-130 Hercules để vận chuyển binh lính, khí tài, tiếp viện lương thực, đạn được… Không quên nhắc đến hai chiếc C-137 từng được vinh dự dùng làm chuyên cơ VC-137 chở tổng thống Mỹ với biệt danh Air Force One. Ngoài ra, Hàng không Vệ binh quốc gia (Air National Guard) có ba chiếc C-22 là biến thể của kiểu máy bay dân sự Boeing 727-300.

 

Thời điểm cuối những năm 1990, tất cả máy bay này đều đã ở tuổi trên 30, chi phí bảo trì, bảo dưỡng quá tốn kém nên cần phải cho nghỉ hưu. Boeing lập tức tung ra các phiên bản thay thế. Tháng Tư 2000, Boeing bắt đầu bay thử nghiệm và đúng một năm sau, chiếc C-40 đầu tiên được bàn giao cho US Navy. Tháng Mười 2002, Air National Guard (USAF Reserve) thông báo mua vận tải cơ C-40C. Tháng Mười Hai 2002, chiếc C-40B đầu tiên được Boeing giao cho Không đoàn Không vận 89. Từ năm 2020, USMC bắt đầu sử dụng các chiếc C-40A.

 

Từ khi tung cánh bay lần đầu hồi tháng Tư 2001 đến nay, dòng C-40 luôn an toàn, không có tai nạn nào.





No comments:

Post a Comment

View My Stats