Friday 19 August 2022

MÁC & MA   (Trần Trung Đạo)

 


MÁC & MA   

Trần Trung Đạo

19-08-2022  00:12  

https://www.facebook.com/ChinhLuanTranTrungDao/posts/pfbid0Yxd8TWddBaA2b4EKmjMvbXaQCMt3xARJS6byAZxN6j895x9agztvBhCwCv9iT7RJl

 

Hai phương pháp tuyên truyền căn bản dưới chế độ CS: (1) làm cho người dân nghe và (2) làm cho người dân ngu. Nói cho đúng theo thực tế ngày nay, nếu không làm cho người dân tin vào Mác thì để người dân tin vào Ma.

 

Trước hết là tin vào Mác.

 

Một câu nói của Lenin về thiếu nhi được trích dẫn quen thuộc: “Cho tôi bốn năm để dạy dỗ trẻ thơ và hạt giống tôi gieo sẽ không bao giờ bị nhổ bật gốc.” (Give me four years to teach the children and the seed I have sown will never be uprooted). Vài nguồn cho rằng Lenin nói “Cho tôi năm năm đầu của một trẻ thơ…” chứ không phải bốn năm. Dù cách nói khác nhau cũng cùng một ý là với kỹ thuật tuyên truyền CS chỉ cần bốn hay năm năm một đứa trẻ sẽ được cải hóa thành một người CS mãi mãi.

 

Lenin chủ trương cải hóa con người bằng cách nào?

 

Nước Nga chúng ta nghe trước đây là quê hương của những nhà văn, nhà thơ lớn như Leo Tolstoy, Alexander Pushkin, Fyodor Dostoevsky v.v.. . Nhưng trên thực tế là một nước có tỉ lệ mù chữ rất cao. Đầu thế kỷ 20, chỉ một phần ba dân số Nga biết chữ. Sau khi nắm lấy quyền lực tại Nga, mục tiêu hàng đầu của Lenin là làm cho người dân biết đọc và biết viết. Lenin biết nếu không xây dựng được một lực lượng sản xuất gồm những người biết viết biết đọc trung thành, quyền lực CS sẽ sớm tiêu vong. Mục đích thoạt nghe rất cao quý nhưng thâm ý lại rất ác độc.

 

Thành phần mù chữ đem lại cho đảng CS một lợi thế là những gì được đảng trồng cấy vào nhận thức họ sẽ là những kiến thức hoàn toàn mới. Nhận thức của họ và nhận thức của trẻ thơ là những tờ giấy trắng, đảng viết chữ gì sẽ in đậm chữ đó. Một trong những chữ đầu tiên là chữ Mác.

 

Chiến dịch chống mù chữ, được biết theo tiếng Nga là Likbez, được phát động khắp nước Nga và khắp Liên Bang Xô Viết từ 1922. Likbez là một trong những cơ quan tuyên truyền của đảng. Likbez ra chỉ tiêu cho người dân phải biết đọc, biết viết và biết đọc sách, đặc biệt là trong thế hệ trẻ.

 

Nhưng đọc sách gì?

 

Đương nhiên là sách có nội dung tuyên truyền do ban tuyên huấn trung ương đảng soạn thảo. Học trình của Likbez được nâng cấp theo thời gian. Đến khoảng năm 1926, một người được xem như thoát nạn mù chữ cũng là người đã sở hữu một nhận thức chính trị Mác-Lê căn bản đủ để trung thành với đảng CS. Sự thành công của chiến dịch xóa nạn mù chữ là tuyên truyền tư tưởng CS và động viên dân chúng để phục vụ cho mục đích của đảng (Peter Kenez, The Birth Of The Propaganda State, Cambridge University Press, 1985)

 

Dưới chế độ CS tại Việt Nam, chính sách tuyên truyền “trồng người” đó được rập khuôn một cách chi tiết. Các tác phẩm tuyên truyền của Liên Xô được dịch và phổ biến rộng rãi tại miền Bắc Việt Nam và những năm đầu sau khi chiếm được miền Nam Việt Nam.

 

Nhà Xuất Bản Chính Trị Quốc Gia Sự Thật không chỉ thừa nhận mà còn hãnh diện về điều này: “Về phát hành, qua mạng lưới các hiệu sách nhân dân (phát triển tới huyện, thị) sách đã về tới tận cơ sở theo phương châm “bốn đúng” (đúng nhiệm vụ, đúng yêu cầu, đúng đối tượng, đúng thời gian) và thực hiện vừa phát hành vừa phổ biến sách đến bạn đọc. Nói tới phát hành không thể không nói tới việc xuất nhập khẩu sách báo. Công ty Xuất nhập khẩu sách báo Việt Nam XUNHASABA được thành lập từ năm 1957 đã góp phần không nhỏ vào việc tuyên truyền sách Việt Nam ra quốc tế và tiếp nhận vào Việt Nam những tác phẩm có giá trị của các nước, nhất là các nước xã hội chủ nghĩa.” (Quá trình ra đời và phát triển của nền xuất bản cách mạng Việt Nam (P3: Thời kỳ 1954-1975), Nhà Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011)

 

Thật vậy, đọc nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” của Nguyễn Văn Thạc, nếu để ý sẽ thấy suốt nhật ký anh không trích dẫn hay nhắc tới một tác phẩm nào khác ngoài Thép Đã Tôi Thế Đấy và các diễn văn của Lê Duẩn.

 

Lenin nói một cách chắc chắn và tự tin như vậy nhưng tại sao Liên Xô lại sụp đổ?

 

Liên Xô sụp đổ do con người.

 

Dù giải thích theo một quan điểm tôn giáo nào, con người luôn ẩn chứa một phẩm chất thiêng liêng nhằm chống lại các độc tố phi nhân từ bên ngoài xâm nhập. Phẩm chất thiêng liêng đó có thể nhất thời bị đè nén, trấn áp, che khuất nhưng không mất hẳn đi. Nếu có cơ hội dù một giây, một phút phẩm chất thiêng liêng cũng vươn lên chống lại xích xiêng áp bức.

 

Tại Bắc Hàn, dù bị cai trị bởi ba đời dòng họ Kim khắc nghiệt không có một kẻ hở, mỗi năm hàng ngàn người vẫn tìm mọi cách thoát ra. Năm 2019 có 1047 người Bắc Hàn đã vượt thoát được vào Nam Hàn. Con số nhiều lần hơn thế đã bị bắt lại và đày ải trong trại tù ác độc ngoài tưởng tượng như Trại 14, Trại 22, bị chết đuối trên sông, trên biển vì vượt thoát không thành. Dù chịu đựng bao nhiêu, niềm khao khát tự do vẫn là một đặc tính bẩm sinh có trong mỗi con người từ lúc mới ra đời. Người dân Bắc Hàn tiếp tục tìm mọi cách ra đi.

Một câu hỏi thường được đặt ra, trong hàng loạt các biến cố làm sụp đổ chế độ CS Liên Xô, biến cố nào có tác dụng trực tiếp nhất?

 

Chiến lược chạy đua vũ trang của TT Ronald Reagan? Có nhưng không trực tiếp. Mọi yếu tố từ bên ngoài không thể nhanh chóng làm tan vỡ các cơ cấu bên trong, nhất là một chế độ đã được củng cố bằng tuyên truyền và bạo lực suốt 70 năm. Không ai cho rằng chính sách của TT Reagan là sai nhưng chỉ là buộc giới lãnh đạo LX phải lùi vào thế thủ qua các chính sách kế hoạch hóa nền kinh tế quốc gia nhằm đương đầu với Mỹ chứ chưa sụp đổ.

 

Chính sách cởi mở kinh tế và văn hóa của Mikhail Gorbachev? Cũng không phải. Hai chính sách “đổi mới” của Gorbachev đem lại một không khí mới trong nhiều lãnh vực nhưng chỉ mới bắt đầu từ tháng 2, 1986 và đã chứng tỏ rất ít thành công. Hai năm trước khi sụp đổ, Gorbachev đưa ra chính sách “tư hữu hóa” các doanh nghiệp nhưng cũng mới bắt đầu từ giới tiểu thương như nhà hàng, cửa tiệm. Những thay đổi của Gorbachev còn quá nhỏ chưa phải là yếu tố thúc đẩy sự sụp đổ của LX một cách nhanh chóng.

 

Sự xuất hiện của nhân vật Boris Yeltsin, ủy viên Bộ Chính Trị đảng CSLX và sau đó từ bỏ đảng? Quan trọng nhưng không phải là yếu tố quyết định. Như người viết đã trình bày trong bài Sáu Lý Do Giúp Chế Độ CS Tồn Tại, việc dọa từ chức của Boris Yeltsin làm Mikhail Gorbachev sửng sốt. Theo lời Gorbachev, ông gọi về Moscow và ra lịnh cho các phụ tá đến khẩn thiết với Yeltsin đừng tiết lộ nội dung lá thư ra ngoài vì quần chúng và thế giới sẽ biết sự rạn nứt trong nội bộ đảng CSLX. Hơn một tháng sau đó, trong phiên họp của ban chấp hành trung ương đảng CSLX, Boris Yeltsin mới chính thức từ chức nhưng sự từ chức của ông ta không tạo ra một lỗ hổng hay xáo trộn quyền lực đáng kể.

 

Vậy biến cố nào và yếu tố nào có tác động trực tiếp dẫn tới ngày tàn của LX?

 

Câu trả lời đúng là sức mạnh của người dân trong 15 nước gọi là “Cộng hòa Xã Hội Chủ Nghĩa” thuộc Liên Bang Xô Viết. Năm 1991, con người tại các quốc gia này không còn mê muội như thế hệ cha mẹ, ông bà họ vào thời 1917. Một khi người dân từ chối chế độ, không sợ hãi đứng lên chống lại giới lãnh đạo bảo thủ, ngoan cố, cứng đầu, chế độ đó phải sụp đổ. Các yếu tố Reagan, Boris Yeltsin, dầu hỏa, suy thoái kinh tế v.v.. chỉ giúp cho tiến trình xảy ra nhanh hơn nhưng không phải quyết định. Sự chuyển hóa nhận thức trong con người mới là yếu tố quyết định.

 

Lấy một biến cố để chứng minh lý luận này: Biến cố tháng 8, 1991.

 

Hôm đó là ngày 19 tháng 8, 1991. Người dân thủ đô Moscow thức dậy nhìn ra đường thấy cả đoàn xe tăng đang chạy trước nhà. Mở radio và TV mới biết một chính phủ mới dưới danh nghĩa “Ủy Ban Khẩn Cấp Nhà Nước” vừa ra đời thay cho Mikhail Gorbachev “phải nghỉ việc vì lý do sức khỏe”.

 

Danh sách tám lãnh đạo CS nổi loạn đọc lên nghe lạnh người vì họ đang nắm quyền sinh sát của 287 triệu người dân thuộc 15 nước trong khối LX. Trong số họ có cả giám đốc KGB, Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc Phòng. Các tư lịnh quân đội báo cho các bệnh viện để chuẩn bị phương tiện cứu cấp vì sẽ có nhiều thương vong trong những ngày tới. Ba sư đoàn Hồng Quân đang được điều vào thủ đô để thực thi lệnh thiết quân luật.

 

Nhưng đó cũng là lúc nhiều ngàn người dân Moscow hưởng ứng lời kêu gọi của Boris Yeltsin xuống đường phản đối “Ủy Ban Khẩn Cấp Nhà Nước”. Khác với các cuộc biểu tình bạo động đã từng diễn ra ở Prague 1968 hay trước đó ở Budapest 1956, biểu tình tháng 8 ở Moscow 1991 tương đối ít đổ máu. Nhiều đơn vị tăng đã đứng về phía Cộng Hòa Nga. Trong cùng ngày, các cuộc biểu tình lớn đã diễn ra tại các thành phố lớn và các nước Cộng Hòa thuộc Liên Bang Xô Viết. Khoảng 200,000 người đã biểu tình tại Leningrad và 400,000 biểu tình tại thủ đô Moldavia. Tại thủ đô Moscow, khoảng 200,000 người làm thành một hàng rào nhiều lớp chung quanh trụ sở quốc hội Nga để bảo vệ tổng thống vừa được bầu Boris Yeltsin.

 

Cuộc phiến loạn do “nhóm 8 người” chủ trương cuối cùng đã thất bại. Mikhail Gorbachev bay về Moscow ngày 22 tháng 8 nhưng chỉ để chứng kiến quyền lực của ông đang mờ dần khi ngôi sao Boris Yeltsin tỏa sáng hơn bao giờ hết. Chế độ CSLX sụp nhanh hơn sự tiên đoán của mọi người.

 

Người dân Liên Xô đã ý thức được rằng tính chính danh của một lãnh đạo được quyết định bằng lá phiếu chứ không phải bằng xe tăng.

 

Người dân Nga không sống chết vì cá nhân Boris Yeltsin mà sống chết vì quyền và trách nhiệm thiêng liêng của một công dân nước Cộng Hòa Liên Bang Nga vừa ra đời chỉ hơn hai tháng trước đó.

 

Khó tiên đoán và khó hình dung, nếu không có sức mạnh của những người dân bình thường tháng 8, 1991, cục diện thế giới ngày nay sẽ ra sao.

 

Tại Trung Cộng, sức mạnh của người dân Liên Xô qua biến cố tháng 8, 1991 và cuộc biểu tình Thiên An Môn là hai mối lo luôn ám ảnh Tập Cận Bình. Để tìm lối thoát, họ Tập chủ trương nhanh chóng “Hán hóa tôn giáo”.

 

Dưới thời kỳ Tập Cận Bình, ĐCSTQ đã thúc đẩy việc Hán hóa tôn giáo, hoặc hướng dẫn tất cả các tôn giáo hoạt động phù hợp với học thuyết của đảng vô thần. Các quy định mới có hiệu lực vào đầu năm 2020 yêu cầu các tôn giáo phải chấp nhận và truyền bá tư tưởng Mác và giá trị của ĐCSTQ. Các tổ chức tín ngưỡng hiện phải được văn phòng phụ trách tôn giáo của chính phủ chấp thuận trước khi tiến hành bất kỳ hoạt động nào. (Religion in China, Council on Foreign Relations, September 25, 2020)

 

Tại Việt Nam, ngoài Mác còn có Ma.

 

Ngoài việc đưa lý luận Mác-Lê vào giáo trình tôn giáo, CSVN còn đi xa hơn Trung Cộng một bước khi khuyến khích hay bao che những hành động ngu dân như cách làm tiền bẩn thỉu vừa qua của doanh nhân đội lốt tu sĩ Phật Giáo Trúc Thái Minh ở chùa Ba Vàng.

 

Các “doanh nhân” đội lốt tu sĩ Phật Giáo khai thác sự mê muội của quần chúng để thu hàng trăm tỷ đồng qua các chương trình “thỉnh vong giải nghiệp”. Họ lý giải rằng “Mọi bệnh tật và xui xẻo trong cuộc sống đều được lý giải là bởi oan hồn gây ra. Muốn thoát nạn thì buộc phải “trả nợ” cho vong từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng thông qua hình thức công đức vào nhà chùa. Đáng nói, hoạt động này đã công khai diễn ra từ nhiều năm nay tại chùa Ba Vàng, một cơ sở thờ tự lớn và rất nổi tiếng ở phía Bắc.” (Xác minh chùa Ba Vàng ‘thỉnh vong báo oán, giải nghiệp’ thu tiền tỷ, Tuổi Trẻ, 20/03/2019)

 

Các sự kiện lợi dụng tôn giáo như thế không chỉ mới diễn ra mà đã diễn ra từ nhiều năm và ngày thêm trầm trọng. Tuy nhiên, nhà nước CS im lặng. Đoàn thể tôn giáo trực thuộc đảng gọi là “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam” im lặng. Sự im lặng của đảng và “Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam” cho thấy không chỉ các doanh nhân đội lốt tu sĩ Phật Giáo mà chính đảng CS cũng chủ trương mê muội hóa người dân.

 

Dân chúng càng mê muội, đảng còn sống lâu. Lịch sử các đảng CS trên thế giới chứng minh đảng CS chỉ thành công tại các quốc gia lạc hậu, mê muội và đảng khai thác sự lạc hậu và mê muội để duy trì quyền lực.

 

Không một nước CS nào, kể cả Nga, trở thành CS theo tiến trình năm hình thái kinh tế xã hội như chủ nghĩa Mác Lê ngụy biện. Bộ máy tuyên truyền CS đề cao Nga như là một nước tư bản tiên tiến chín muồi cho cách mạng xã hội chủ nghĩa. Thật ra, cho tới năm 1917 Nga vẫn là nước nghèo nhất Châu Âu và một quốc gia nặng về nông nghiệp có tỉ lệ 70 phần trăm dân số mù chữ. Giới quý tộc và học thức tập trung tại các thành phố lớn. Nga thua Nhật cả trên biển lẫn trên bộ mười hai năm trước đó. Lenin và phe Bolsheviks chỉ là những kẻ cơ hội, lợi dụng các bất ổn sau Cách Mạng Tháng Hai 1917 do Aleksandr Kerensky lãnh đạo lật đổ chế độ Nga Hoàng, để cướp chính quyền. Không có hay chỉ có rất nhỏ các phong trào công nhân đứng lên làm cách mạng trong biến cố gọi là “Cách Mạng tháng Mười” (Tháng 11 theo Dương Lịch). Tháng 8, 1917 Lenin còn trốn ở Phần Lan.

 

Nếu đảng CSVN thật sự muốn cấm hay Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam được phép cấm thì một trăm ông Trúc Thái Minh cũng không dám móc túi những người người buôn gánh bán bưng nghèo khó và các hiện tượng phản đạo đức và đi ngược với tinh thần Phật Giáo kia nếu chưa chấm dứt hẳn cũng giảm đi nhiều.

 

Nhìn cảnh những bà cụ già quỳ dâng ông Trúc Thái Minh những đồng tiền mà họ phải tần tảo suốt ngày mới kiếm được, một người còn chút lương tâm không khỏi đau lòng. Ăn cướp nào cũng đáng tội nhưng ăn cướp từ những người sống trong tuyệt vọng, trông chờ vào phép lạ không bao giờ đến là một đại tội giết người gián tiếp.

 

Trước 1975, lễ phóng sinh là một lễ mang tính biểu tượng. Những ngày Rằm tháng Bảy, Rằm tháng Giêng các chùa thường có lễ phóng sinh, thường là một con vài con bồ câu, một hay vài con cá. Các thầy, cái ni sư không đặt trọng tâm ở phóng sinh nhưng chỉ dùng cơ hội đó để giảng về tình thương, tha thứ, bao dung, quyền được sống của người và vật trong đạo Phật.

 

Ngày nay, “phóng sinh” trở thành một nghề kinh doanh kiếm tiền. Nhìn cảnh hàng trăm con chim bị cột thành những chùm chờ được thả ra và bắt lại ai cũng cảm thấy xót xa. Con người dưới chế độ độc tài cũng giống như chim, đang sống hôm nay nhưng có thể bị bắt nhốt ngày mai. Có người gọi hiện tượng chùa Ba Vàng là hình ảnh đạo Phật “thời mạt pháp”. Không phải. Họ không đại diện cho “pháp” để gọi là “mạt” mà chỉ có những tên cướp cạn mặc áo vàng.

 

Sau khi thành đạo, Đức Bổn Sư đi bộ hàng trăm cây số từ Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya) đến bờ sông Hằng, thành phố Varanasi, thuộc xứ Benares. Từ đó ngài đi bộ tiếp hơn mười cây số nữa đến một nơi được gọi là Vườn Nai tức Vườn Lộc Uyển (Sarnath) xứ Isipatana. Tại thánh địa này, Đức Phật giảng kinh đầu tiên Chuyển Pháp Luân. Từ đêm huyền diệu đó, dòng suối từ bi bắt đầu chảy và hơn 2600 năm đã chảy qua bao nhiêu chặng đường, bao nhiêu rừng núi, bao nhiêu đất nước, bao nhiêu lục địa để đến hôm nay, Tứ Diệu ĐếBát Chánh Đạo là liều thuốc tinh thần giúp làm thay đổi nhân sinh quan và vũ trụ quan của nhiều trăm triệu con người. Một vài vết nhơ trần thế chẳng thể làm mờ ánh đạo vàng.

 

Thế giới đang đổi thay từng giờ. Biên cương văn hóa giữa các quốc gia dần dần bị xóa bỏ. Con người dù khác màu da, quốc tịch vẫn có cơ hội đến gần nhau. Ánh sáng văn minh soi rọi vào những nơi trước đây hoàn toàn chìm trong tăm tối. Một điều các chế độ độc tài rất sợ nhưng không tránh được là sớm hay muộn người dân cũng sẽ ý thức được quyền sống và đứng lên đòi quyền sống của mình, và tại Việt Nam ngày đó sẽ không xa.

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats