1. Giờ, về Huế, thi thoảng, lác đác dọc
đường tôi vẫn thấy người ta đặt một mâm cúng nhỏ. Như nhà tôi, bao năm, vẫn đều
đặn cúng trái cây vào các ngày 30, rằm, mùng Một và chủ nhà đại diện ăn chay,
ai ăn theo được thì tốt!
Đến ngày
23.5 Âm lịch thì cúng lớn hơn một chút, nhà mình ngó qua nhà hàng xóm, cũng bày
biện đủ lễ. Là ngày giỗ chung của người Huế, tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ thất
thủ kinh đô. 137 năm tính từ đêm 22, rạng sáng ngày 23.5 Ất Dậu, nhằm ngày
5.7.1885, là cuộc nổi dậy của binh lính triều Nguyễn với quân đội Pháp, người
chết vô số kể. Đến năm 1894, vua Thành Thái cho lập đàn Âm Hồn ngay trước hoàng
cung, phía bên phải để thờ cúng đồng bào. Người dân thì tự quyên góp tiền xây
miếu Âm Hồn và ngày 23.5 Âm lịch là ngày trọng tang của Huế.
Dù là vì địch
họa, chính biến hay vì thiên tai dịch bệnh đã cướp đi hơn 2 vạn đồng bào của
thành phố này thì tôi nghĩ, họ nên được tưởng niệm hằng năm. Hơn thế, là người
còn sống cần được bày tỏ sự tưởng nhớ, cầu nguyện. Tháng 8 tang tóc vào năm
ngoái, thì nay đang trong những ngày tháng Bảy Âm lịch, lễ giỗ đầu của bao gia
đình có người thân mất vì Covid, cũng là lễ giỗ chung cho những đồng bào vắn số,
không may, tức tưởi… Không cần bày biện lễ lạt chi cho tốn kém, như tháng 11
năm rồi, chuông nhà thờ, nhà chùa, tiếng còi nơi bến cảng… cùng gióng lên từng
hồi tưởng niệm. Ít nhất, cả chính quyền lẫn người dân cùng hồi hướng cho đồng
bào đã khuất, một phút của một ngày trong một năm.
2. Nhà tôi
ở Huế nằm giữa chùa Phúc Kiến và Triều Châu - hai trong bốn ngôi chùa của người
Hoa di cư (gồm chùa Hải Nam, Quảng Đông) xây cất trên con phố cổ Gia Hội. Mùa
hè năm 1851, những người Hoa rủ nhau về lại cố hương thăm họ hàng kết hợp chở
hàng buôn bán. Bị quan quân tuần biển chặn lại, Chưởng vệ Phạm Xích dưới sự bảo
hộ của Lang trung Tôn Thất Thiều đã lệnh giết sạch, cướp hết của. Về triều,
chúng tâng công lên vua là đã trừ được đám giặc biển. Một tay lính trong đám ấy
lại có nhà ở Gia Hội, nhân dịp đi ăn nhậu đã đeo chiếc nhẫn cướp được, chủ quán
nhận ra đó là chiếc nhẫn của chồng mình, có khắc tên trên ấy. Bà đã vào thành
đánh trống kêu oan.
Năm Tự Đức
thứ 4 (1851) vua giao cho Tam Pháp ty tra xét. Án thành. Tôn Thất Thiều bị đổi
họ và cùng với Phạm Xích bị chém.
Là một phần
nhờ việc vua Minh Mạng khôi phục lại trống Đăng Văn (đánh lên để mọi người nghe
thấy) cùng với việc lập ra hệ thống xét xử Bộ Hình (Tư pháp), Đô sát viện (Viện
giám sát) và Đại Lý tự (tòa phá án) để tiếp nhận mọi khiếu nại của chúng dân.
Nay, cũng
may nhờ có “Đăng văn” trên mạng xã hội mà một án oan đã được giải. Tay sĩ quan
quân đội, tay giám đốc bệnh viện và bao nhiêu kẻ mưu toan núp bóng đằng sau,
chúng khác gì là Phạm Xích, Tôn Thất Thiều, giết người lại còn báo công; tính đổ
hết tội cho người đã chết. Một lời xin lỗi liệu có gột rửa được cái thứ “kết quả
xét nghiệm” bất lương và bất nhân kia không?
…
Nhìn người
xưa mà học, đọc người xưa mà tự thấy việc ngày nay nên làm là vậy.
Ảnh: Sắc
phong của vua Khải Định cho nhà thờ họ Lê tui ở Kim Luông.
https://www.facebook.com/photo/?fbid=450924390243334&set=a.113935840608859
.
No comments:
Post a Comment