KÝ
SỰ MÙA HÈ 2022 / KỲ 3 : ANH VŨ THƯ HIÊN
Anh Vũ
Thư Hiên lại sang Cologne chơi, lần thứ hai trong hè này. Nhà tôi đã trở
nên gần gũi với anh. Anh bảo: Nhớ Thọ, anh lại sang em.
Anh Hiên hơn tôi 18 tuổi,
nhưng chúng tôi có nhiều điều gắn bó. Nhà anh ở số 5 Hai Bà Trưng, góc phố Phan
Chu Trinh. Nhà tôi ở 14 Lý Thường Kiệt, cũng góc phố Phan Chu Trinh, cách nhà
anh chỉ vài phút đi bộ. Tôi học cấp một, cấp hai với em gái anh, với em rể anh.
Trong những năm 1970 phường Phan Chu Trinh vẫn hay phổ biến rằng nhà anh là một
„trọng điểm an ninh“, vì cụ Vũ Đình Huỳnh và anh là các phần tử nguy hiểm.
Điều gắn bó hai anh em với
nhau lại ở chỗ khác. Anh bảo anh viết không phải vì là nhà văn, mà vì anh muốn
trả lại món nợ đời. Anh đã từng làm trong ngành văn hóa tư tưởng và đã góp phần
truyền bá nhiều điều dối trá. Giờ phải là lúc viết cho đồng bào hiểu rõ về sự
thật, về lịch sử đất nước. Tôi tuy chỉ là tay thợ điện tử làm việc cho VTV như
một cái đinh vít trong cỗ máy tuyên truyền đó, nhưng tôi chưa bao giờ tự hào rằng
mình từng làm ở đó. Tôi chỉ viết để kể lại những gì mình chứng kiến, ở Việt Nam
cũng như ở Đức.
Bạn đọc của tôi không bằng
một góc của anh Hiên, cuộc đời phẳng lặng của tôi không thể nào so với những
đau khổ mà anh từng trải. Nhưng cách viết và cách sống đã gắn bó hai chúng tôi.
Cứ mỗi lần gặp anh, tôi lại
thấy anh yếu đi. Đôi chân 89 tuổi đã không còn nhanh nhẹn. Anh Hiên nói anh tức
nhất là mình càng ngày càng bất lực với cơ thể và càng „ngu đi“. Tuy trí nhớ bị
giảm sút, nhưng hai chúng tôi vẫn nhớ đến nhiều nhân vật trong các chuyện kể của
anh. Và anh thích nói chuyện với tôi, vì tôi biết đến nhiều nhân vật và sự kiện
trong các bài viết của anh, dù kém anh gần một thế hệ.
Các bạn bè tôi đã tổ chức
gặp gỡ anh. Họ đều là độc giả của anh nên mang các tác phẩm của anh đến để hỏi
anh. Có người coi anh như một chính khách quan trọng, hỏi anh cả về tương lai
Việt nam về chiến tranh Ucraine, về Trung Quốc. Nhưng anh chỉ khiêm tốn nói về
những gì anh biết
Anh Hiên vẫn sống rất hồn
nhiên. Anh thích sống như đứa trẻ, trong trắng, thích gì thì làm, thì nói. Mọi
loại rươụ ngon anh đều uống, không kiêng them bất cứ món ăn gì. Bà xã tôi luôn
chiều các sở thích của anh, những món ăn Hà Nội cũ. Thỉnh thoảng anh ra vườn
nhà tôi ngồi hút điếu thuốc lá thơm. Tôi khuyên anh bớt rượu, thuốc, bớt ăn đường,
mỡ để bảo vệ sức khỏe. Anh bảo anh thích hưởng phần còn lại của cuộc đời và vui
vẻ đón nhận cái kết của nó:
- Thọ biết không, khi bác
sỹ mổ ung thư cho anh năm 2013, họ bảo anh chỉ sống được 5 năm nữa. Giờ đây anh
đã trải qua 2 lần mổ và sống thêm gần chục năm thì anh không còn tiếc gì nữa. Sống
khỏe nhất là khi mình được thư thái.
Anh khuyên tôi viết thêm
vài cuốn sách nữa. Em cứ viết như kiểu em kể chuyện, không cần sáng tạo, hư cấu.
Chân thật là sức mạnh – Anh nói.
Tôi biết anh nhớ Việt
Nam, nhớ gia đình, bạn bè. Nỗi nhớ da diết đó thể hiện trong từng câu chữ của
anh. Tôi khuyên anh nếu có thể được, hãy tìm cách về thăm quê hương. 30 năm qua
Việt Nam đã thay đổi khá nhiều.
Tôi mong anh Hiên được
nhìn lại quê hương.
Hình :
https://www.facebook.com/photo/?fbid=8280776881940312&set=pcb.8280787775272556
Hai anh em thăm nhà thờ Cologne cuối tháng 7.2022
https://www.facebook.com/photo?fbid=8280776961940304&set=pcb.8280787775272556
Hai anh em trong vườn, 18.08.2022
https://www.facebook.com/photo?fbid=8280776895273644&set=pcb.8280787775272556
Hai anh em tại nhà ga Cologne.
https://www.facebook.com/photo?fbid=8280786708605996&set=pcb.8280787775272556
Bạn bè tổ chức gặp gỡ anh Hiên tại Wuppertal, cuối tháng 7.2022.
Cung
Tran,TheThanh
Nguyen
.
.
==========================================
.
.
KÝ
SỰ MÙA HÈ 2022 / KỲ 2 : ĐẠI TIỀU PHU WISSKIRCHEN
https://www.facebook.com/tho.nguyen.9231/posts/pfbid0A9mBRPfXj2gjKdhE6XXrc3UzonD4Ayrosv97VYtjwjn7PML1omqo2Q3onj9L71Gdl
Năm 1994 tôi bắt đầu lập
nghiệp ở Cologne mà không có ô-tô. Cô bạn ở Brandenburg có chiếc xe Nissan
Cherry cũ định bán đồng nát, biết tôi cần nên bảo tôi sang lấy về dùng tạm. Khi
tôi sang nhìn thấy cái xe đã hơn 200.000km trên công tơ mét thì xũi lơ. Nó không
những thảm hại về hình thức mà máy nổ cũng không được êm. Nhưng lấy đâu ra tiền
kiếm xe ngon hơn lúc đó.
Việc đầu tiên là phải làm
cho động cơ chạy êm thì mới mong tha được con ngựa già vượt 600km đường cao tốc
về Cologne. Là dân cơ điện nên tôi phát hiện ngay một trong 4 xy lanh không chạy.
Bu-gi đen xì và ướt nhèm xăng. Lỗi ở bộ chia điện khắc phục được ngay. May là
xe ô tô thời đó chỉ có cơ khí và điện, kiểu gì người có tay nghề cũng chữa được,
kể cả nếu phải thay trục vi sai ở hai bánh trước. Xe ngày nay toàn điện tử và
software thì chỉ có bó tay.
Cứ thế tôi duy trì cái xe
cũ để hàng ngày chạy mua hàng thực phẩm cho vợ bán cửa hàng Á Châu và giao hàng
kỹ thuật cho các hãng điện tử truyền hình.
Gần một năm sau, mối lo mới
lại ập đến. Chiếc Nissan sắp đến kỳ đăng kiểm để được lưu hành tiếp. Xe nào
cũng phải đạt kiểm tra chất lượng định kỳ về khí thải (ASU) và độ an toàn của
xe (TÜV) thì mới đươc đóng dấu vào biển và giấy tờ xe. Khí thải thì không sợ lắm
vì tôi đã chỉnh cái động cơ chạy rất ngon. Nhưng TÜV thì khó quá. Mấy xưởng gần
nhà bảo tôi là cái xe này phải sửa hết vài ngàn D-Mark thì mới mong đạt được
TÜV. Đúng là chó cắn áo rách!
Một hôm tôi chở đầy xe
rau quả châu Á, đậu phụ, nước mắm, tôm đông lạnh… lên Harpstedt bán cho bà con
người Việt ở đó. Khi biết xe tôi sắp hết hạn lưu hành mà chưa có tiền sửa và
đăng kiểm, họ dẫn tôi đến nhà ông Peter Wisskirchen. Ông ở cách đó vài cây số,
trong một khuôn viên bao quanh là rừng.
Tôi thấy bà Wisskirchen
đang lúi húi giúp mấy cô gái Việt làm giấy tờ gì đó. Còn ông đang cùng mấy cậu
choai sắp xếp máy móc trong Garage. Tôi tưởng là đang ở một trung tâm hướng
nghiệp dành cho người Việt.
Ông bà ở trong một căn
nhà cổ 285 năm tuổi, rất rộng, tường gạch nung, xà bằng gỗ sồi bản rộng
50x30cm. Mái nhà dày 40cm được lợp bằng cây sậy.
Peter xem xét kỹ cái xe của
tôi và chỉ rõ những vấn đề phải xử lý để đăng kiểm được. Tay công nhân điện cảm
thấy người đứng trước mặt mình đúng là một ông thầy cơ khí như hắn đã gặp thời
học nghề bên Đông Đức.
Peter là một tay đua Công
Thức 3 (Formula 3) lão luyện. Ông sinh năm 1941 mà cho đến 1987, vào tuổi 46,
cái tên Wisskirchen vẫn còn ghi trong danh sách đội đua F3 của Đức [1]. Trong
nhà ông có rất nhiều cup vàng, bạc của các giải đua xe. Dân đua xe F1 hay F3,
ngoài năng lực lái xe thường rất giỏi về kỹ thuật xe hơi. Sau 1990 ông giải nghệ
và làm đại diện cho DEKRA ở địa phương. DEKRA là cơ quan kiểm định kỹ thuật lớn
nhất nước Đức, mỗi năm doanh số 3,5 tỷ EUR.[2]
Biết tôi đang túng thiếu,
Peter chỉ bảo cặn kẽ cách tự thay lốp, thay má phanh, cách chỉnh vô-lăng cho khỏi
bị „rơ“ v.v. Rồi ông nói: Mày phải làm thật chuẩn, vì chính đây là tính mạng của
mày và những người xung quanh. Khi nào xong lên đây!
Vốn là thằng kỹ thuật từ
trong máu nên tôi ghi chép cẩn thận những chỉ dẫn đó. Về nhà tôi kích xe lên
làm mọi việc đúng như ông dặn. Tháng sau tôi lại mang đồ ăn châu Á lên
Harpstedt bán và sẵn nhờ ông đóng dấu đăng kiểm cho. Ông xem kỹ rồi bảo:
- Lỗi liên quan đến an
toàn giao thông đã hết, nhưng còn một số lỗi nhỏ liên quan đến hình thức, tao
cho qua! Khi nào làm ra tiền thì nên đưa thợ hàn lại mấy chỗ vỏ xe bị rỉ đi.
Tiền lệ phí 100 DM ông
không lấy.
Tôi mừng hết lớn, lấy
trong cốp xe ra hai hộp tôm đông lạnh 26/30[3] biếu. Peter cười ngất, bảo tôi
đưa cho mấy đệ tử Việt Nam đang ở đó.
Sau 28 năm và 6 đời xe,
tôi vẫn mong được gặp lại Peter. Minh
Hai Bui (Minh Hải) báo cho ông biết là tôi lên chơi và mời ông tối đến nhà
ăn cơm. Ông đến sớm, hồi hộp ngồi chờ vì chẳng thể nhớ nổi thằng cha căng chú
kiết nào đó trong số hàng trăm gã Việt Nam đã từng được ông giúp đỡ.
Tôi không bao giờ quên ân
nhân nên khi vào nhà Hải là nhận ra ông ngay, dù Hải nói là hai năm cách ly
Covid đã làm ông già đi rất nhiều. Tay bắt mặt mừng kể lại chuyện cũ. Không biết
ông có thật sự nhận ra tôi không? Nhưng điều đó không còn quan trọng nữa.
Từ khi giải nghệ xe đua,
ông làm rất nhiều việc công ích cho địa phương. Rồi người Việt tỵ nạn kéo về
Harpstedt khiến ông quan tâm. Ông bà bỏ khá nhiều tiền bạc, thời gian ra giúp họ
và Việt Nam bỗng trở nên gần gũi với ông bà. Nhà ông bà cứ như trung tâm Việt
Nam nên tôi nghĩ là vậy. Nhiều người Việt không thể đi về Việt Nam vì giấy tờ lởm
khởm. Ông bà nhận đem quà của họ về cho gia đình. Thế là không biết bao lần ông
bà mang quà Đức đem về tận các làng xã xa xôi của cả hai miền Nam-Bắc Việt Nam.
Peter thích nghe nhạc Việt
Nam, uống trà Thái Nguyên. Hằng, vợ Hải kể là lần đầu gặp nhau, họ mời ông bà
nước chè ta bằng cốc nhựa. Hôm sau bà mang đến tặng gia đình một bộ ấm chén uống
trà bằng sứ mới toanh.
Ông có lối sống của quý tộc
Đức, mọi việc chính xác đến mức tinh vi. Trà phải uống bằng đúng chén trà. Rượu
vang loại nào, uống loại cốc đó và đặc biệt là ông chỉ uống rượu vang để lạnh
theo đúng nhiệt độ. Đến nhà Hải, ông luôn đươc chiều bằng vang ủ đúng nhiệt độ.
Một thói xấu của nhiều
người Việt là bạc tình và hay lợi dụng. Peter thương người, đã vấp không ít hơn
một lần. Cuộc đời ông không chỉ có vinh quang của các cúp vàng Formular 3 hay vị
ngọt của cuộc hội ngộ ở Việt Nam. Ông có những nỗi đau mà tôi không thể nói ra.
Nhưng điều đó cũng không quan trọng.
- Quan trọng nhất là tao
có những thằng bạn như Hải, như mày. Thế thôi.
Với tôi, quan trọng nhất
là bất chấp mọi thăng trầm, Peter vẫn đầy nghị lực sống. Ông rất yêu thiên
nhiên. Không có loại cây cỏ dại nào không có quyền sống trong khu vườn và những
cánh rừng của ông. Mỗi khi nói về con ngựa bị mất là ông lại rơm rớm nước mắt.
Từ 3 năm nay, cây sồi 400 năm tuổi, to ba người ôm trước cửa nhà ông bị bão quật
đổ, giờ vẫn nằm đó. Ông chỉ cắt hết cành và ngọn để khỏi vướng đường đi, còn
cái thân dài 4 mét ông vẫn để đổ nghiêng như vậy. Ông hy vọng chút rễ còn lại sẽ
duy trì sự sống của nó.
Ngôi nhà rộng của ông
không cần lò sưởi. Mấy hecta rừng của ông thừa gỗ từ các cành cây đổ, cây già
cho ông sưởi. Mỗi mùa hè ông tự nhặt củi về, cưa và dùng rìu bổ 10 mét khối gỗ,
để 5 năm sau mới đốt sưởi. So với 2 m³ củi, phơi khô 2 năm của thằng tiều phu
Cologne thì Peter xứng đáng là đại tiều phu.
Chúng tôi không chỉ tâm đắc
về củi lửa mà có thể nói chuyện với nhau hàng giờ về đua xe Công thức 1, Công thức
3, về công nghệ xe điện, về bảo vệ rừng nguyên sinh, về Việt Nam, về nước Nga của
„Sông Đông Êm Đềm“…
Khi ôn lại về chiếc
Nissan Cherry, tôi nói:
- Đó là „Một nắm lúc đói
bằng một gói lúc no“.
Peter khoái thành ngữ này
lắm. Ông hỏi về số phận của chiếc xe.
-Nó đã cõng tôi thoát qua
thời bĩ cực nhất.
Hai năm sau, trước khi phải
đăng kiểm lại lần nữa thì nó được một chàng châu Phi tiếp quản để xuất khẩu về
quê. Công tơ mét lúc đó đã gần 400.000 km.
Thế đó, của bền tại người.
Tình bền cũng tại người.
....
[1]https://www.formel3guide.com/.../starter/1987-starter-dm.pdf
[2] https://en.wikipedia.org/wiki/Dekra
[3]Đơn vị quốc tế xác định
cỡ tôm xuất khẩu. Ví dụ 9/11 là loại tôm lớn, 1Kg chỉ gồm từ 9/11 con. 26/30 là
26-30 con tôm trong 1kg.
.
Hình :
https://www.facebook.com/photo/?fbid=8207796532571681&set=pcb.8207833512567983
Tiểu tiều phu yết kiến đại tiều phu. Phía sau
là Minh
Hai Bui
https://www.facebook.com/photo?fbid=8207796612571673&set=pcb.8207833512567983
Chụp trước ngôi nhà 285 năm tuổi, mái sậy dày
40cm. Người chụp Minh Hai Bui
https://www.facebook.com/photo?fbid=8207796572571677&set=pcb.8207833512567983
Các loại cúp đua xe Công thức 3 và DTM trong nhà
Peter
https://www.facebook.com/photo?fbid=8228051790546155&set=pcb.8207833512567983
Peter Wisskirchen
.
.
================================================
.
.
KÝ
SỰ MÙA HÈ 2022 / KỲ 1 : NHÀ SỐ 3 ”PHỐ ĐÈN” (Lampenstrsse 3)
Hè năm nay vợ chồng tôi
muốn đi thăm vài người bạn và ân nhân cũ.
Chúng tôi khởi hành từ
Cologne đi Harpstedt, một làng nhỏ ở gần Bremen, nơi mà tôi đã tá túc mấy tuần
đầu tiên trên đất Đức mùa xuân 1991.
Tháng 4-1991, tôi dẫn cậu
con trai nhỏ đi Đức tìm vận hội mới cho cuộc đời. Vợ chồng cô em họ đang ở
Harpstedt rủ tôi đến đó chơi. Đây là một xã nhỏ với hơn 3000 dân. Người Đức hay
sử dụng các căn nhà vô chủ để làm nhà xã hội cho người vô gia cư hay người tỵ nạn.
Nhiều người già qua đời mà không có ai thừa kế. Nếu có tìm được họ hàng ở đâu
đó thì người nọ chỉ nhận số tiền còn lại trong ngân khoản. Còn những căn nhà ở
những nơi hẻo lánh thì họ hiến cho địa phương, vì bán thì khó mà quản lý nó và
đóng các loại thuế còn khó hơn.
Ngôi nhà nhỏ số 3 Phố Đèn
(Lampenstrasse 3) là một căn nhà như vậy. Sở xã hội xếp khoảng chục cái giường
vào mấy căn phòng, lắp một cái bếp có đủ trang thiết bị và một nhà tắm cho cả bọn
dùng chung. Họ còn cấp cho phòng khách một cái TV khoảng 23“. Phía sau là một mảnh
vườn nhỏ để hoang đã lâu. Trong nhà còn có hai phòng nhỏ, chỉ đủ một cái giường
đơn, chắc dành cho phụ nữ. Vợ chồng cô em ngủ trong một phòng đó. Khoảng 7-8 cậu
thanh niên Việt còn lại là dân chạy từ Đông Âu sang Đức, chẳng ai biết tiếng Đức.
Khi tôi đến đây thì cả bọn rất mừng vì có ông anh thông thạo tiếng Đức „từ trên
trời rơi xuống“ đó.
Lúc đầu tôi chỉ định ghé
thăm hai vợ chồng cô em vài hôm rồi lại quay về Cologne lo kiếm việc làm.
Cologne là thủ đô truyền thông của Đức lúc bấy giờ, có đến 6 đài truyền hình và
2 đài phát thanh, có tổng hành dinh của Sony Europe nên cơ hội kiếm việc làm
cho thằng thợ điện tử truyền hình khá nhiều.
Nhưng cả bọn nhà số 3 đều
muốn tôi ở lại Harpstedt. Họ dành cho bố con tôi một căn phòng nhỏ còn lại. Lúc
đó trong nhà chưa có internet, nhưng có telefone nên việc liên lạc cũng dễ
dàng. Tiền điện thoại thì xài chùa, sở xã hội trả. Tôi vẫn có thể từ đó liên hệ
với bạn bè khắp nước Đức và gửi thư từ hồ sơ để xin việc. Vậy nên tôi ở lại
Harpstedt vài tuần.
Phố Đèn rất ngắn, chỉ có
6 ngôi nhà ở cùng một phía, đối diện là đất hoang. Vì thế nên số nhà đi từ 1 đến
6 ở cùng một bên, không phân chia chẵn lẽ. Nhà số 3 và số 4 dựa lưng vào nhau
nên thỉnh thoảng tôi mới gặp ông bà hàng xóm khi ra đường. Nhưng nhà số 2 và số
3 thì chỉ cách nhau một hàng rào thấp khoảng 30 phân, gồm mấy bụi cây hoa đồng
cỏ. Mỗi khi tôi ra làm vườn hay gặp ông bà hàng xóm và nói chuyện với họ. Ông
bà Uhlhorn rất vui vì tôi biết tiếng Đức và hễ có chuyện gì cần trao đổi, ông
bà đều chờ lúc tôi ra sau làm vườn để nói. Họ ngại sang bấm chuông vì sợ làm
phiền.
Làn sóng tỵ nạn kéo vào Đức
sau ngày bức tường Berlin xóa bỏ đầu những năm 1990 đã tạo ra một làn sóng kỳ
thị người nước ngoài trên toàn quốc. Nhưng tôi không hề cảm thấy điều đó ở những
người dân Phố Đèn. Ai cũng vui vẻ với đám thanh niên Việt.
Đám thanh niên hay nhờ
tôi lên xã gặp Würdemann, người phụ trách trợ cấp xã hội ở đây để xin khoản
này, trợ cấp kia. Würdemann tuy còn trẻ hơn tôi, nhưng béo ục ịch và luôn thở
phì phò mệt mỏi. Cuối mùa xuân, nắng mới lên mà cái áo sơ mi của gã béo lúc nào
cũng ướt ở nách, mùi hôi nách nồng nặc. Würdemann hay thò những „cái gậy“ ra để
mắng tụi VIệt Nam. Gã biết là đám này vẫn trốn đi làm chui ở quán ông „Sáu Mập“
tận Oldenburg mà không khai báo. Thế nhưng mà nói đi nói lại thì cuối cùng thế
nào cũng moi được „củ cà rốt“ của gã. Gần trụ sở xã có một cái bể bơi, giá vé
vào bơi vài D-Mark (lúc đó chưa có EUR). Bọn ở chùa, đi làm chui mà có lúc cũng
vòi Würdemann được mấy tấm vé vào bể bơi miễn phí.
Trợ giúp không chỉ đến từ
sở xã hội, mà còn từ các tổ chức từ thiện. Ông linh mục Schumacher ở Stuhr hay
ghé thăm đám trẻ. Chúng vòi ông cấp cho cái máy VHS để xem phim. Tôi bận viết
lách và dịch hộ bà con nhiều thứ giấy tờ, lại có con nhỏ nên buổi tối hay chui
vào căn phòng nhỏ ngủ sớm. Có lần cu cậu kể là đêm qua dậy đi tè, thấy các chú
xem phim gì mà có „chú mổ bụng cô“, kinh quá!
Té ra là phim “heo” các
chú đi thuê ở tiệm băng trong làng khiến đứa bé tưởng là mổ bụng nhau.
Con tôi lúc đó mới hơn 4
tuổi, không biết một từ tiếng Đức. Nhưng cu cậu theo bố ra vườn thấy con bé
cùng tuổi Bettina, cháu ông bà Uhlhorn thì tìm cách bắt chuyện. Thế là hai đứa
tha thẩn chơi với nhau. Trẻ em có thế giới riêng của chúng. Cái hàng rào thưa bằng
các bụi hoa dại thường bị chúng bỏ qua vào ban ngày. Bà Uhlhorn vẫn mang đồ ăn
ra vườn cho cả hai đứa.
Một buổi tối, cu cậu nhớ
cô bạn gái nên lẻn đi cổng trước, bấm chuông nhà bà. Bà Uhlhorn mở cửa cho cậu
vào chơi. Một lúc sau tôi phát hiện ra là con trai biến mất, hết hồn. Đoán là
cu cậu sang nhà bên chơi nên lại phải bấm bụng để bấm chuông hỏi bà. Bà dắt cu
cậu ra đưa cho tôi, còn nhét vào tay nó một gói gì đó nho nhỏ.
Vài hôm sau bà mang tặng
bố con tôi bức ảnh cu cậu. Ngày đó chụp ảnh xong phải mang phim đi tráng rồi mới
in thành ảnh, không dễ dàng như ngày nay.
Bức ảnh có chữ lưu niệm của
bà vẫn để trong phòng khách nhà tôi suốt 31 năm nay.
Những cư dân của nhà số 3
Phố Đèn hôm nay đều đã hội nhập vào xã hội Đức. Bản thân tôi sau vài tuần ở đó
thì về Cologne và tạo dựng cuộc đời như đã kể trong sách „HAI QUÊ HƯƠNG“.
Một độc giả là Minh
Hai Bui (Bùi Minh Hải) đã kết bạn với tôi qua mạng. Tuy không phải là cư
dân Phố Đèn, vì vợ chồng Hải ở huyện lỵ Wildeshausen cách đó vài cây số, nhưng
anh quen nhiều cư dân của nhà số 3. Biết tôi sẽ về thăm Harpstedt, Hải mời tôi
ghé nhà anh trước rồi anh sẽ dẫn về xã thăm Phố Đèn.
Tôi rất mừng khi chứng kiến
cơ ngơi của gia đình Hải trong một khu dân cư mới ở Wildeshausen. Ngôi nhà theo
đúng tiêu chuẩn xây dựng mới nhất của Đức, đảm bảo tiết kiệm năng lượng tối đa,
nằm trong một khuôn viên yên tĩnh thơ mộng mà dân đô thị như tôi chỉ có mơ. Cả
gia đình Hải đã hội nhập vào đây. Chồng làm cho một hãng cơ khí có truyền thống
ở địa phương, vợ là nhân viên một xí nghiệp giặt là, hai con trai đều đã và
đang học đại học. Hải kể rằng trong hãng có vài chục người Việt làm, kể cả mấy
cư dân của Phố Đèn khi xưa.
Đáng tiếc là tôi đến
Harpstedt vào sáng thứ bảy nên các gia đình đều đi chợ hết. Hải bấm chuông vài
nơi đều không có ai ở nhà.
Tôi không còn nhận ra
ngôi nhà số 3 Phố Đèn, vì mặt tiền đã được chủ nhà mới cải tạo khá nhiều. Thấy
có người lạ đứng chụp ảnh, một số cặp mắt tò mò hiện ra ở các cửa sổ. Nhà số 2
kế đó mở cửa và một ông già đi ra sân. Tôi tiến lại chào ông và nhận ra đó là
ông Uhlhorn khi xưa. Hai chúng tôi rất mừng khi ôn lại các kỷ niệm xưa. Bà vẫn
mạnh khỏe, còn Bettina vẫn ở với ông bà như xưa. Ông Uhlhorn còn kể là
Würdemann mới về hưu, được xã tiễn biệt rất cảm động.
Vì ông già 82 tuổi không
dùng internet nên tôi hứa sẽ gửi lại ông mấy tấm ảnh qua bưu điện.
PS: Tôi định gửi ông bà
Uhlhorn 1 bản copy bức ảnh con tôi do bà chụp năm 1991. Nhưng thật không ngờ là
mấy dòng chữ bà viết tặng bằng mực bút bi ở mặt sau nay bỗng biến mất. Tôi chỉ
đọc đươc mờ mờ các vết hằn trên giấy ảnh. Bạn nào có bí quyết phục hồi chữ viết
bị phai thì inbox cho biết. Xin cảm ơn nhiều.
Hình :
https://www.facebook.com/photo/?fbid=8198541456830522&set=pcb.8198568980161103
Gặp lại ông Uhlhorn (82) hôm 30.07.22, sau hơn 31
năm. Ảnh do Minh
Hai Bui chụp.
https://www.facebook.com/photo?fbid=8198540343497300&set=pcb.8198568980161103
Bồi hồi trước ngôi nhà số 3 Phố Đèn
https://www.facebook.com/photo?fbid=8198545780163423&set=pcb.8198568980161103
Bức ảnh bà Uhlhorn chụp cậu út hồi tháng 4.1991 luôn
được để ở một chỗ trân trọng trong phòng khách của gia đình tôi. Đáng tiếc là
tôi chỉ chụp được mặt trước. Mấy dòng chữ mặt sau bà Uhlhorn viết tặng con tôi
nay đã phai mờ hết. Cố gắng lắm mới đọc được vết hằn của bút bi trên giấy ảnh.
Ai biết cách khôi phục chữ bị phai xin chỉ bảo.
.
No comments:
Post a Comment