Monday, 15 August 2022

KREMLIN ÂM MƯU "CƯỚP CẠN" NHỮNG CÔNG TY ĐA QUỐC GIA CÓ Ý ĐỊNH RÚT KHỎI NGA (Việt Bình / Saigon Nhỏ)

 



Kremlin âm mưu “cướp cạn” những công ty đa quốc gia có ý định rút khỏi Nga

Việt Bình  -  Saigon Nhỏ

14 tháng 8, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/kremlin-am-muu-cuop-can-nhung-cong-ty-da-quoc-gia-co-y-dinh-rut-khoi-nga/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/08/GettyImages-1239052625.jpg

Một cây xăng BP tại Moscow – BP hiện vẫn còn làm ăn với Nga (ảnh: Oleg Nikishin/Getty Images)

 

Sáu tháng kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, khoảng 300 công ty toàn cầu đã rời khỏi thị trường Nga và 700 công ty khác đã tạm dừng các khoản đầu tư và dự án mới hoặc hạn chế hoạt động tại nước này. Danh sách các đại công ty phương Tây “nghỉ chơi” với Putin gồm hàng trăm công ty, trong đó có Citi, Goldman Sachs, Burberry, Adidas, IBM, Intel, Snap, Twitter, theo nghiên cứu từ Trường quản trị kinh thương Yale (Yale School of Management).

 

Cuộc tẩy chay quy mô lớn của các doanh nghiệp, cùng với loạt lệnh trừng phạt cứng rắn của phương Tây, đã tàn phá nền kinh tế Nga, làm đảo ngược nhiều thập niên đầu tư và hợp tác nước ngoài, bất chấp việc Kremlin tiếp tục vẫn có thể hốt bạc từ công nghiệp hóa dầu và khăng khăng rằng kinh tế Nga vẫn ổn. Hiện có khoảng 47 trong 200 công ty lớn nhất thế giới vẫn đang kinh doanh tại với Nga hoặc duy trì giao dịch làm ăn với Nga. Vấn đề ở chỗ, những công ty này có thể bị “cướp” sạch, khi gần đây Kremlin có những động thái mới về khả năng “quốc hữu hóa” tài sản doanh nghiệp nước ngoài trên đất Nga – Fortune cho biết.

 

Một số tập đoàn đã lường trước điều này và có giải pháp ứng phó – chẳng hạn Ngân hàng Pháp Société Générale, nơi đã khôn ngoan bán $3.2 tỷ cổ phần của họ trong Ngân hàng Nga Rosbank cũng như trong các công ty con của tỷ phú Vladimir Potanin (một trong những nhân vật bị phương Tây trừng phạt). Trong khi đó, một số công ty Nhật Bản và Trung Quốc vẫn còn hiện diện trên thị trường Nga. Hiện Nhật vẫn duy trì quan hệ đối tác dầu khí với Nga. Theo nghiên cứu của Yale, những công ty Mỹ vẫn chưa rút lui khỏi Nga gồm Match Group (chủ sở hữu của Tinder, công ty chuyên phát triển trò chơi điện tử), thương hiệu cao cấp Tom Ford…

 

Ngày 1 Tháng Bảy, Tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh cho phép chính phủ Nga thu giữ dự án dầu khí tự nhiên Sakhalin-2; với việc dựng lên một doanh nghiệp mới thuộc quản lý nhà nước và doanh nghiệp này hoàn toàn có thể tước quyền của các nhà đầu tư nước ngoài nếu muốn. Trong dự án Sakhalin-2, tập đoàn khổng lồ Shell của Anh và hai công ty Nhật Mitsui và Mitsubishi đều đang nắm cổ phần đáng kể. Vụ việc cho thấy, Putin không chỉ sẵn sàng chiếm đoạt tài sản nước ngoài mà còn công khai “tống tiền” bằng cách dọa dẫm rằng nếu công ty nào rời khỏi Nga thì coi chừng mất trắng!

 

Một số nhà quan sát tin rằng đây là điều mà Kremlin sẽ thực hiện, bằng lá bài “quốc hữu hóa”. Phần mình, cho đến thời điểm này, Kremlin bác bỏ khả năng trên. “Chúng tôi không quan tâm đến việc quốc hữu hóa các doanh nghiệp,” Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Nga Denis Manturov nói. Dự thảo luật cho phép chính phủ chính thức quốc hữu hóa tài sản công ty quốc tế nào rời khỏi Nga hiện tạm dừng, do chưa không được Quốc hội Nga thông qua. Tuy nhiên, các công ty phương Tây vẫn phải chịu áp lực đáng kể trong việc cắt đứt với Nga hoặc phải tuân theo những ý tưởng bất chợt của Kremlin.

 

Việc tạm dừng dự luật quốc hữu hóa trong thực tế không “làm mất đi định hướng dài hạn của Nga, khi họ luôn hướng tới sự kiểm soát của nhà nước nhiều hơn” – nhận xét của Steven Tian, ​​Giám đốc nghiên cứu tại Viện lãnh đạo điều hành Yale (Executive Leadership Institute). Steven Tian cho rằng việc tạm dừng dự luật là do đấu đá nội bộ giữa các quan chức chính phủ. Igor Sechin, nhà tài phiệt điều hành tập đoàn dầu mỏ khổng lồ Rosneft, kiên quyết ủng hộ chính sách dân tộc chủ nghĩa, trong khi một số người khác hướng tới giải pháp thị trường tự do. Theo Steven Tian, “lúc này, phe thứ hai không có ưu thế chiến thắng”.

 

Theo Cơ quan xếp hạng đạo đức (Moral Rating Agency), khoảng 47 trong 200 công ty toàn cầu lớn nhất thế giới đang hoạt động tại Nga hiện có nguy cơ cao bị chiếm đoạt hoặc bị quốc hữu hóa các khoản đầu tư của họ vào quốc gia này. Các nhà đầu tư châu Âu, Nhật và Trung Quốc với các dự án năng lượng là những người chiếm phần lớn trong danh sách, trong đó nổi bật là 19.75% cổ phần (trị giá $11.2 tỷ) của BP trong công ty dầu khí Rosneft, và các khoản đầu tư của TotalEnergies trị giá $13.7 tỷ. Các công ty hàng tiêu dùng phương Tây khác Nestlé (doanh thu 2% từ Nga) và Unilever (doanh thu gần 2% từ Nga).

 

Giáo sư Jeffrey Sonnenfeld cho biết, khả năng Kremlin quốc hữu hóa doanh nghiệp phương Tây cho thấy kinh tế Nga tiếp tục rơi vào tình trạng tồi tệ thật sự, rằng Nga đã trở thành một “quốc gia không thể đầu tư”. Một khi bị Nga quốc hữu hóa, các công ty sẽ mất “quyền kiểm soát hoạt động, kiểm soát nhân sự, kiểm soát thương hiệu và kiểm soát danh tiếng.”





No comments:

Post a Comment

View My Stats