Friday, 19 August 2022

KHỦNG HOẢNG ĐÀI LOAN PHỦ BÓNG LÊN KHU VỰC ĐÔNG NAM Á (Huỳnh Tâm Sáng)

 



Khủng hoảng Đài Loan phủ bóng lên khu vực Đông Nam Á

Huỳnh Tâm Sáng

20/08/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/08/20/khung-hoang-dai-loan-phu-bong-len-khu-vuc-dong-nam-a/

 

Cạnh tranh Mỹ – Trung gia tăng và căng thẳng leo thang trong quan hệ Trung – Đài đang đẩy các quốc gia Đông Nam Á vào thế khó.

 

Chuyến thăm gây tranh cãi của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Loan vào đầu tháng 8 đã khép lại. Tuy vậy, ảnh hưởng của hoạt động này vẫn làm dậy sóng khu vực eo biển, thổi bùng bất đồng trong quan hệ vốn căng thẳng giữa Trung Quốc, Đài Loan và Mỹ. Việc bà Pelosi – chính khách cao cấp thứ ba của Washington – lựa chọn Đài Loan là một trong những điểm đến trong chuyến công du châu Á vừa qua góp phần củng cố quan hệ Mỹ – Đài, tái khẳng định sự công nhận của Washington dành cho vị thế chính trị của Đài Bắc. Động thái nói trên phản ánh thái độ cứng rắn và sức mạnh của Mỹ trước sức ép từ Bắc Kinh, yếu tố có thể làm lan toả các tác động địa chính trị đối với các quốc gia Đông Nam Á.

 

Về mặt lý thuyết, các quốc gia ASEAN có động lực thúc đẩy quan hệ bền chặt hơn với Đài Loan trong thời điểm Mỹ, Nhật Bản, Australiacác quốc gia G7 đồng loạt phản đối thái độ hung hăng của Trung Quốc đối với chuyến công du của bà Pelosi, trong khi Hàn QuốcLiên minh châu Âu (EU) kêu gọi các bên kiềm chế. Khi đó, Chính sách Hướng Nam mới (New Southbound Policy) của Đài Loan – một trụ cột trong chính sách đối ngoại của chính phủ Thái Anh Văn – có thể tạo lập khuôn khổ hợp tác khả dĩ cho hai bên. Các nước Đông Nam Á cũng có cơ hội đẩy mạnh nhập khẩu hàng hoá và giải quyết khó khăn trước mắt cho Đài Bắc, trong thời điểm Trung Quốc ban hành lệnh cấm nhập khẩu để phản đối chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ.

 

Dù vậy, ASEAN vẫn cần một quyết tâm mạnh mẽ và tầm nhìn dài hạn hơn để hiện thực hoá mục tiêu nói trên. Trong tuyên bố gần đây về căng thẳng ở khu vực eo biển, ASEAN không đề cập đến Đài Loan, Trung Quốc hay Mỹ. Thay vì ủng hộ hay chỉ trích các bên, ASEAN bày tỏ quan ngại “về tình hình biến động ở quốc tế và khu vực”, kêu gọi “kiềm chế tối đa”, đồng thời thể hiện thiện chí “đóng vai trò xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các bên đối thoại hòa bình, bao gồm việc sử dụng các cơ chế do ASEAN dẫn dắt”.

 

Có thể thấy, lập trường chính thức của ASEAN phản ánh quyết tâm duy trì vị thế cân bằng trong căng thẳng Mỹ – Trung, đồng thời thể hiện nỗ lực củng cố vai trò trung tâm của tổ chức thông qua việc đề xuất một vai trò hỗ trợ tích cực. Tuy vậy, khả năng cân bằng trong quan hệ với các nước lớn của ASEAN sẽ chịu nhiều thách thức. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 tổ chức ở Phnom Penh vào đầu tháng 8, đại diện của Trung Quốc và Mỹ đã có màn “ăn miếng trả miếng” liên quan đến chuyến thăm của bà Pelosi. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gọi phản ứng của Trung Quốc là “động thái leo thang nghiêm trọng”, khẳng định Bắc Kinh “không nên dùng chuyến thăm làm cái cớ phát động chiến tranh, leo thang căng thẳng hay tiến hành các hành động khiêu khích”. Ngược lại, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị chỉ trích Mỹ đã dùng “những thủ đoạn xấu xa nhằm xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc đằng sau chiêu bài ‘dân chủ’”.

 

Bên cạnh đó, các hoạt động quân sự gần đây cũng khiến căng thẳng trong khu vực gia tăng đáng kể. Việc Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận ở quanh đảo Đài Loan nhằm phản đối chuyến thăm của bà Pelosi đã kéo theo động thái Mỹ triển khai một nhóm tấn công tàu sân bay cùng hai tàu đổ bộ khác đến vùng biển phía đông của hòn đảo. Trên thực tế, dù tàu chiến Mỹ trên Thái Bình Dương có thể “tiếp cận Đài Loan chỉ trong một ngày nếu cần thiết”, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ nhân cơ hội này để gia tăng cấp độ hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan, nâng cao năng lực răn đe đối với hòn đảo trước những hành động mà Bắc Kinh cho là “khiêu khích”. Thậm chí, trong cuộc gặp với những người đồng cấp Đông Nam Á mới đây, ông Vương Nghị đã gọi chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi là “kích động, vô trách nhiệm và phi lý”.

 

Cục diện hiện tại ở eo biển Đài Loan không chỉ làm phức tạp thêm căng thẳng Mỹ – Trung cũng như cam kết của Washington đối với “Chính sách một Trung Quốc”, mà còn gây tổn hại đến an ninh và gia tăng bất ổn ở khu vực, trong đó có Biển Đông. Ngay trước chuyến thăm của bà Pelosi, Trung Quốc tuyên bố tiến hành tập trận ngay trên vùng biển tranh chấp từ ngày 2 đến ngày 6/8. Giữa thời điểm Trung Quốc tăng cường hành vi cưỡng ép, nhất là với thái độ hung hăng mà Bắc Kinh thể hiện xuyên suốt cuộc khủng hoảng, lãnh đạo nước này có thể tiếp tục triển khai đồng thời các cuộc tập trận quy mô lớn trên một số vùng biển tranh chấp, khẳng định ý chí không lay chuyển của Bắc Kinh và tranh thủ sự ủng hộ từ công luận trong nước. Toan tính của Trung Quốc có thể đe dọa trực tiếp các quốc gia ASEAN có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với cường quốc này, bao gồm Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines, đồng thời khoét sâu trạng thái bất cân xứng trong tương quan quyền lực giữa Trung Quốc và các quốc gia vừa và nhỏ này.

 

Với các quốc gia ASEAN, tình hình Đài Loan có thể được nhìn nhận như một tiền lệ giàu tính tham khảo. Về cơ bản, với những chuyển biến liên tục trong quan hệ ba bên giữa Bắc Kinh, Đài Bắc và Washington, Trung Quốc – với quyền lực gia tăng – có thể xác lập một tiền lệ thông qua hạn chế sự ủng hộ từ bên ngoài đối với các quốc gia nhỏ và yếu hơn, thông qua nỗ lực triển khai chiến lược từ chối tiếp cận khu vực (anti-access area denial – A2AD).

 

Nhưng khi sự phân cực giữa Đài Loan và Trung Quốc ngày càng gia tăng, giới hoạch định chính sách Đông Nam Á có thể buộc phải “nghiêng” về Bắc Kinh để tránh bị trả đũa thương mại. Như vậy, căng thẳng Trung – Đài leo thang đẩy các nước ASEAN vào một lựa chọn khó khăn, trong đó giải pháp an toàn về kinh tế là đứng về phía Trung Quốc. Khi quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan càng trở nên bất ổn, các quốc gia Đông Nam Á càng ít khả năng ủng hộ hòn đảo dân chủ bởi quan ngại về nguy cơ rạn nứt quan hệ với Bắc Kinh.

 

Ngoài ra, cách phản ứng của các quốc gia ASEAN đối với những vi phạm nhân quyền hiện nay ở Myanmar sẽ phần nào thể hiện quan điểm của tổ chức trước một Trung Quốc ngày càng hung hăng. Sau khi chính quyền quân sự Myanmar hành quyết bốn nhà hoạt động dân chủ trong nước, chỉ trích đổ dồn về ASEAN vì tổ chức đã không mạnh mẽ lên án các quyết định của chính quyền quân sự Myanmar, đồng thời thất bại trong việc phối hợp hoạt động nhằm kiểm soát cuộc khủng hoảng nhân đạo ở nước này.

 

Tuy nhiên, cứng rắn hơn với Myanmar đồng nghĩa ASEAN lựa chọn ưu tiên về vấn đề nhân quyền, và cách tiếp cận như vậy sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến quan hệ ASEAN – Trung Quốc, vì Bắc Kinh vẫn đối mặt với các chỉ trích của cộng đồng quốc tế liên quan đến cáo buộc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ. Tình thế hiện tại của Myanmar và Trung Quốc là rất khác, và ASEAN không phụ thuộc về kinh tế vào Myanmar nhiều như Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh có thể phải cảnh giác trước những hậu quả tiềm tàng một khi nước này gây ra một cuộc khủng hoảng nhân quyền tương tự ở Đài Loan. Trong bối cảnh đó, càng gần gũi với Đài Loan thông qua các nỗ lực hợp tác về ​​xã hội, công nghệ, văn hóa và kinh tế, các quốc gia ASEAN càng có khả năng phản đối hành động của Trung Quốc nhằm khuất phục chính phủ và nhân dân hòn đảo này. Giữa những bất ổn địa chính trị kéo dài, mọi khả năng nảy sinh từ những điều chỉnh của ASEAN trong hoạt động đối ngoại vẫn cần được quan tâm đúng mức, bất kể mức độ hay phạm vi.

 

Việc đối mặt cùng lúc với ba thách thức chủ yếu là cạnh tranh Mỹ – Trung, tranh chấp Biển Đông và khủng hoảng nhân đạo ở Myanmar là thử thách thực sự đối với các quốc gia ASEAN, đặc biệt là khi khu vực này vừa trải qua giai đoạn khó khăn do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, với ASEAN, quyết tâm củng cố vai trò trung tâm và duy trì vị thế trung lập trong cạnh tranh nước lớn đòi hỏi tổ chức phải tăng cường đoàn kết và thống nhất nội khối, tập trung phục hồi kinh tế sau đại dịch, tăng cường gắn kết giữa các thành viên nhằm giảm thiểu các tác động từ bên ngoài, mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ của ASEAN với các đối tác quan trọng như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ và EU. Với những yếu tố kể trên, ASEAN đang đánh dấu cột mốc kỷ niệm lần thứ 55 thành lập (1967-2022) giữa thời điểm mà nhiều cơ hội và thách thức đan xen nhau.

 

 

Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được đăng trên The Diplomat.

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats