18 Tháng Tám, 2022
http://vanviet.info/nghien-cuu-phe-binh/ke-t-dao-ke-cuong-tn/
http://vanviet.info/wp-content/uploads/2022/08/clip_image0027.jpg
Nhà văn
Salman Rushdie
Nhà văn
Anh gốc Ấn Độ Salman Rushdie, trong lúc đang chuẩn bị diễn thuyết tại học viện
Chautauqua, bang New York, hôm 12/8/2022 vừa qua, đã bị một kẻ lạ xông lên sân
khấu đâm nhiều nhát dao chí tử. Ông được trực thăng bốc vào bệnh viện cấp cứu,
và hai hôm sau báo chí loan tin là mạng sống của ông không đến nỗi bị đe dọa
nhưng chắc chắn ông sẽ mất một con mắt. Bản tin lan đi nhanh chóng khắp nơi
trên thế giới như ngọn lửa bốc trên đám rạ khô.
Kẻ tà đạo
Sự việc
trên khiến tôi nhớ lại cách đây dễ thường gần 30 năm nhà văn Salman Rushdie viết
cuốn Những vần thơ quỷ và Ayatollah Khomeini của xứ Iran đã
làm náo động cả thế giới – nhất là nước Anh bởi ông nhà văn này mang quốc tịch
Anh – khi hạ chiếu chỉ fatwa công khai cho người đi tìm ông xử
tử, bởi vì, theo họ, cuốn tiểu thuyết chứa đựng những tư tưởng báng bổ đạo Hồi
và Thánh Muhammad.
Để chứng tỏ
đấy không phải lời đe dọa suông, họ cho người đánh bom khách sạn nơi ông nhà
văn cư ngụ, ngay trung tâm đô thành London. Khá may, chỉ có một người thiệt mạng
trong vụ đánh bom, còn ông nhà văn thì chẳng hề hấn gì. Tình hình căng thẳng đến
nỗi Anh quốc và Iran cắt đứt quan hệ ngoại giao và Salman Rushdie đã phải lẩn
tránh vào bóng tối.
Không, đừng
hiểu lầm người Hồi giáo, đấy chỉ là quan điểm cuồng tín và hành động cực đoan của
một thiểu số người đạo Hồi, những người diễn giải cuốn thánh kinh Qur’an dưới
lăng kính thiển cận, cực đoan và sai lầm. Đa phần người ta đều nghĩ như thế. Xa
hơn chút nữa, người ta xem những hành vi ấy có lẽ bắt nguồn từ sự thù ghét sâu
sắc đối với thế giới Tây phương bởi quá khứ không mấy tốt đẹp từ những thế kỷ
trước do chính sách thực dân áp đặt lên người Hồi giáo. Và đừng quên thời Trung
cổ, các dân tộc Hồi đã từng có một nền văn minh rực rỡ và đất nước cường thịnh,
lúc đó họ làm bá chủ cả một dải đất mênh mông trải dài từ Âu sang Á. Những hình
ảnh này của quá khứ vẫn rơi rớt lùa về, thổi bụi bặm nhức nhối vào tâm khảm nhiều
người Hồi giáo đến tận ngày nay. Hồi giáo, cũng như tất cả các tôn giáo khác,
chủ trương hòa bình, lên án bạo động cũng như bất kỳ hành vi khủng bố nào. Ai
cũng biết thế và mọi người ai nấy cảm thấy yên ổn, bình tâm với lời tuyên bố
chung chung, vô thưởng vô phạt, đại loại như: “Chúng tôi lên án fatwa của
Khomeini, nhưng chúng tôi cũng lên án mọi hình thức tấn công vào tôn giáo bởi
điều đó xúc phạm nặng nề đến linh hồn những con người thành kính mộ đạo.”
Vâng, chẳng
gì vô đạo lý hơn tấn công tôn giáo. Đúng. “Tấn công vào tôn giáo” là “xúc phạm
nặng nề đến linh hồn những con người thành kính mộ đạo.”
Nhưng có
thật Salman Rushdie đã tấn công tôn giáo không? Hay, bên dưới những tranh biện
có tính phiến diện, thậm chí đạo đức giả ấy, có sự hiểu sai khá nghiêm trọng về
bản thể tiểu thuyết?
Kỳ thực,
đây không phải lần đầu tiên trong lịch sử tiểu thuyết gia bị săn đuổi, bị treo
án tử hình vì những điều mình viết trong tác phẩm, gây khó chịu cho giai cấp thống
trị. Chính Giáo hội Công giáo Roma – cách đây bốn, năm trăm năm – đã có chính
sách đối xử vô cùng khắc nghiệt đối với những kẻ tà đạo như thế. Văn hào Pháp
François Rabelais, nếu không có sự che chở hết lòng của Hoàng đế François I, của
Đức Hồng Y Jean du Bellay, thì đã phải chịu chung số phận với không biết bao
nhiêu người khác chết uất ức, oan khiên trên giàn hỏa thiêu khốc liệt của tòa
án xử dị giáo – Inquisition! Và, ngay trong thế kỷ XX vừa qua,
khi cái-gọi-là Hiện thực Xã hội chủ nghĩa chiết tỏa lên các xã hội cộng sản, nào
ai biết có bao nhiêu nhà văn, viết theo lương tâm mình, đã chết lần mòn trong
các trại tập trung, trại cải tạo? Các chế độ cực hữu cũng không khá hơn chút
nào. Lenin của cộng sản Nga giết Gumilev thì Franco của Phát-xít Tây Ban Nha
cũng không tha chết cho Lorca. Giáo hội Công giáo Roma thế kỷ XVI, các chế độ cực
tả, cực hữu, các thể chế thần quyền Hồi giáo ngày nay đều có chung một tâm thức
như thế. Đối với họ, nhà văn là kẻ tà đạo nếu hắn không chịu uốn cong ngòi bút
viết theo chỉ thị hay giáo điều của Trung ương, của Giáo hội. Bên cạnh lý do
chính trị cần khai trừ những kẻ đi ngược lại đường lối, lý thuyết, chủ thuyết,
giáo lý… của đảng phái, tôn giáo mình, những kẻ cầm quyền độc tài còn có một
sai lầm cơ bản và tai hại hơn, đó là, họ hiểu sai tiểu thuyết là gì.
Trở lại với
cuốn Những vần thơ quỷ của Salman Rushdie, những ai đọc kỹ cuốn
tiểu thuyết này đều không nhận thấy tính cách báng bổ thánh thần của nó. Ngược
lại là đằng khác. Phần lớn cuốn tiểu thuyết (độ bảy phần mười) tinh tế mổ xẻ đời
sống những con người bị giằng co giữa hai xã hội: một bên là Tây phương mới mẻ,
sinh động, phù phiếm, hướng ngoại và một bên là Đông phương cổ xưa, êm đềm, sâu
lắng, hướng nội. Chủ đề ấy tái hiện thường xuyên trong các cuốn tiểu thuyết
khác của Rushdie sau này.
Điều ấy dễ
hiểu. Ông sinh ra tại Ấn Độ trong một gia đình Hồi giáo truyền thống, nhưng khi
trưởng thành, ông là công dân Anh và sinh sống phần lớn thời gian tại châu Âu.
Những đoạn bị xem là có tính cách báng bổ tôn giáo nằm trong phần hai cuốn sách
dưới dạng thức một giấc mơ của nhân vật chính diện, Gibreel Farishta, và giấc
mơ biến thành hiện thực khi anh chàng đem nó ra dựng thành phim, một cuốn phim
thật tồi, do chính anh chàng thủ vai tổng lãnh thiên thần. Có người gọi đấy là
văn chương “hiện thực huyền ảo”, một cụm từ có tính kinh viện, “one size
fits all.”
Đúng hơn,
ta nên xem nó là cái khả lý mà Franz Kafka đã giới thiệu tường tận từ đầu thế kỷ
XX. Nếu nhìn được như thế thì tất cả những gì bị xem là “báng bổ thánh thần” của
Rushdie trở nên thi vị hết sức. Nhờ Rushdie, Hồi giáo trở nên có tính thơ.
Rushdie không hề ca ngợi văn hóa đại chúng Tây phương, chẳng những thế ông còn
nghiêm khắc phê phán tính phù phiếm của nó. Rushdie là một trong những nhà văn
hàng đầu của nền văn học tiếng Anh đương đại. Năm 2007 ông được Nữ hoàng Anh
Elizabeth II phong tước Hiệp sĩ – Sir Salman Rushdie! Ngày nay chúng ta phải gọi
ông như thế – vì “những đóng góp to tát của ông vào nền văn học Anh Quốc.” Sẽ
hiểu sai ông biết bao nếu chỉ dựa vào tầng trên cùng của văn bản, và như thế quả
là bất công cho ông.
Không phải
ai cũng nhìn vấn đề như thế. Và trong lúc chờ đợi Godot, các “kẻ tà đạo” đành
chấp nhận thái độ thù nghịch đầy bất công của những người không hiểu hay không
chịu hiểu mình.
Kẻ cuồng tín
Người cố
sát nhà văn Rushdie là một thanh niên 24 tuổi tên Hadi Matar, một cư dân của
thành phố Fairview, bang New Jersey. Khi vụ fatwa xảy ra, anh
chưa ra đời, nhưng sự việc anh đâm (cho chết) nhà văn Rushdie khiến ai nấy đều
nghĩ anh là kẻ cuồng tín, và nghi ngờ anh phải có chỉ thị từ chính quyền Hồi
giáo xứ Iran. Tất cả còn trong vòng điều tra, nhưng gọi anh là kẻ cuồng tín thì
không ai bào chữa hay bênh vực cho anh.
Nhưng cuồng
tín là gì?
Bệnh cuồng
tín (tiếng Anh có nhiều từ chỉ căn bệnh này: fanatics, ideologues, absolutists)
là một trong những thuộc tính ghê sợ nhất của con người. Vì nó mà có chiến
tranh hủy diệt, bởi những kẻ như vậy thường tự tin một cách chắc nịch rằng chỉ
có họ mới sở hữu con đường độc nhất đi vào chân lý, một chân lý tuyệt hảo đến nỗi
họ phải truyền đạt nó lên tất cả mọi người khác. Chân lý tuyệt đối này có thể
là ý thức hệ tôn giáo hay chính trị, cánh hữu hay cánh tả, Thiên Chúa giáo hay
Hồi giáo, tự do hay cộng sản. Nói cách khác, không phải điều họ tin tưởng, mà
là cách họ tin tưởng, rằng phán quyết về chân lý sau cùng là của họ, chẳng cần
tìm kiếm đâu xa, chẳng cần minh chứng, chẳng bao giờ phải nghi hoặc.
Bệnh cuồng
tín giống như á phiện hay ma túy. Kẻ có căn bệnh này say sưa với ý tưởng mình
có trong đầu, hắn mất hết mọi khả năng phán đoán thông thường, và chỉ đạo cho mọi
hành vi của hắn là một xung lực không thể kềm chế, thường dẫn đến những hậu quả
tai hại cho chính bản thân hắn và những người xung quanh. Nếu là kẻ nắm quyền lực
trong tay (quyền lực khiến người ta dễ biến thành cuồng tín) thì hậu quả sẽ khủng
khiếp khôn lường, như kẻ có tên là Vladimir Putin hiện nay, và trong quá khứ,
thế giới từng đổ nát không ít vì những kẻ như thế. Lịch sử mấy nghìn năm của
loài người, từ thời cổ đại cho đến ngày nay, không thiếu những kẻ cuồng tín nắm
quyền lực tuyệt đối trong tay. Nhưng rất may, nhân loại biết cách loại trừ những
kẻ như vậy, nếu không trái đất này chắc đã nổ tung.
Còn lại phần
nhiều là những kẻ cuồng tín không có quyền lực. Không có quyền lực nhưng cái miệng
thì rất to. Và sớm muộn chúng ta đều bị những kẻ ấy phá quấy ít nhất đôi ba lần
trong cuộc sống.
Kẻ cuồng
tín là kẻ không biết Logos là gì. Theo triết học Hy Lạp cổ đại
thì Logos là một lý tính toàn nguyên và phổ quát. Nó là nền tảng
cho trật tự cùng trí tuệ, trí năng, trí khôn con người để từ đó mọi khả năng lý
luận, mọi nhận thức về lẽ phải, lẽ công bình, nghĩa lý, đạo lý, luân lý, lý do,
lý lẽ, sự biết điều, sự phải chăng, duyên do, duyên cớ, nguyên nhân, nguyên lý,
vân vân, cấu thành con người. Thiếu nó con người biến thành con thú, sống hoàn
toàn dựa vào bản năng sinh tồn, vô nhân cách. Ý nghĩa nguyên thủy của từ Logos theo
thời gian biến thái dần, nhưng tựu trung nó là món quà độc nhất vô
nhị Thượng Đế ban cho con người để con người lần mò tìm tòi ra cách sống chung
với nhau trong thế gian này.
Kẻ cuồng
tín cũng có trí năng, nhưng đó là một trí năng chập mạch, bởi họ lý luận rằng
“Cái tôi cho là đúng, phải đúng, và đúng tuyệt đối, không ai có quyền ngăn cản
tôi nghĩ như thế.” Quả thật, ta chẳng thể nào đối thoại một cách nghiêm chỉnh,
ôn hòa, có tính cách xây dựng với một kẻ cuồng tín. Bạn dùng dữ kiện để biện
minh cho sự thật ư? Vô ích. Bạn đưa ra quan điểm chung của đa số ư? Vô ích. Bạn
vạch ra sự sai trái của hắn ư? Vô ích. Bạn chẳng thể nào lay chuyển, hòa giải
những ý tưởng cực đoan bên trong não bộ hắn. Cho hắn cơ hội phát biểu, bạn chỉ
“nối giáo cho giặc” phá tan cái etiquette hài hòa của xã hội.
Đó là quan
điểm của giáo sư Benjamin De Motte viết trong một bài nghị luận đăng trên tờ Nation năm
1996.
Nhưng mặt
khác, một giáo sư khác, ông Stephen L. Carter, thuộc đại học Luật khoa Yale,
trong cuốn sách xuất bản năm 1998 nhan đề Civility, thì cho rằng,
phương cách duy nhất để đối đầu với chủ nghĩa cuồng tín là lòng thương yêu.
Trong cuốn sách đó, ông khuyên khi đối thoại với kẻ cuồng tín, ta nên lắng nghe
họ với tất cả sự chân thành, mặc dù trong lòng ta thấy kinh tởm những điều họ
thốt ra khỏi miệng. Nếu ta để tình cảm thông thường chi phối, lấy sự phẫn nộ
kình chống lại sự phẫn nộ của kẻ đối thoại, ta chỉ chuốc vào bản thân sự đau khổ
vì cảm giác cay đắng sau đó, và nung nấu trong lòng ý đồ trả thù. Như thế, nhìn
ở bất cứ khía cạnh nào, bạn cũng sẽ biến thành một con người tồi tệ hơn cái bạn
đang là.
Còn nếu bạn
tỏ vẻ tôn trọng và lắng nghe quan điểm của hắn, bạn sẽ tránh được những tình cảm
đen tối, và thay thế nó bằng một tình cảm êm đẹp hơn. Bằng cách lắng nghe, bạn
sẽ dạy cho thế giới biết đôi điều về bạn. Thậm chí bạn có thể học hỏi thêm, bởi
không phải cứ cùng quan điểm với mình mới cho mình hiểu biết thêm về cuộc sống.
Tiếp cận một
kẻ cuồng tín với sự lắng nghe chân thành và bao dung, bạn sẽ giúp hắn nhiều lắm.
Thời nay phần nhiều bọn họ đều là những kẻ buồn bã và cô đơn. Họ cuồng tín vì
tâm hồn, tự ái họ bị thương tổn, sâu thẳm trong tâm khảm họ là cảm giác bị bỏ
rơi, không ai đoái hoài. Nếu bạn vượt qua được ngưỡng cửa cực kỳ khó khăn của sự
va chạm quan điểm, khiến người kia có cảm giác như mình đang được lắng nghe, có
lẽ ở bình diện nhỏ nhoi đơn giản nào đó, bạn chạm vào đáy sự việc, tại sao từ một
con người hiền lành dễ mến, hắn trở nên hung bạo sẵn sàng ăn thua đủ với bất cứ
ai suy nghĩ ngược chiều, và quan trọng hơn, bạn tạo cơ hội để chiếc mặt nạ hung
tợn rớt xuống, để hắn trở lại con người bình thường trước kia.
Giáo sư De
Motte đúng hay giáo sư Carter đúng, vẫn là một tranh cãi (hy vọng là giữa những
người không cuồng tín).
*
Trở lại với
nhà văn Salman Rushdie, có lẽ ông sẽ sống sót sau vụ mưu sát ghê rợn này. Sống
sót với câu hỏi được đặt ra: Sau khi ra khỏi giường bệnh, ông sẽ là con người
khác không? Cận kề với cái chết có làm ông thay đổi cách suy nghĩ? Tôi nghĩ là
không. Tôi tin một nhà văn chân chính như ông sẽ vẫn bám chặt một cách không
khoan nhượng vào xác tín nhà văn là kẻ dám nói sự thật, bởi sự thật muôn đời vẫn
là ngọn đuốc soi sáng cho con người biết lối mà sống như một con người.
No comments:
Post a Comment