Wednesday, 17 August 2022

HIỆU ỨNG TRÁI CẤM (Nguyễn Phương Mai)

 



HIỆU ỨNG TRÁI CẤM 

Nguyễn Phương Mai

17-08-2022  03:00    

https://www.facebook.com/CultureMove/posts/pfbid027KWP2rb4dGxXH8MxBUWusHU5CZHhvkdNDfUnwTFNyrjUVVSRXv12gJeQbTw2X4Jbl

 

Trên đời có rất nhiều thứ trở nên hấp dẫn hoặc khiến ta tò mò chỉ vì nó là thứ bị cấm đoán.

Ví dụ, nhiều người cho rằng dân Hà Lan hẳn suốt ngày lờ đờ như con nghiện vì đất nước này cho phép vào quán mua cần sa như thể mua một điếu thuốc. Tuy nhiên cũng như phố đèn đỏ và việc mua bán dâm được pháp luật công nhận, người Hà Lan không bị nghiện sex hay nghiện cần. Ngược lại, họ có phần lo lắng vì nhiều dân du lịch tới đây chỉ có mục đích thoả mãn trái cấm - thứ mà chính dân bản địa không quá mặn mà, đơn giản vì nó không hề bị cấm.

---

 

Những người có thẩm quyền kiểm duyệt văn hoá ở Việt Nam có lẽ nên cẩn trọng hơn với hiệu ứng trái cấm. Vài ví dụ gần đây cho thấy sự cấm cản đôi khi có tác dụng ngược.

 

- Khi một MV của Sơn Tùng bị tuýt còi vì khiến người xem liên tưởng đến tự tử, lượng view bỗng tăng đột biến.

 

- Khi show của Khánh Ly bị tuýt còi vì có bài Gia Tài Của Mẹ, rất nhiều bạn trẻ đã tìm kiếm một bài hát tưởng đã bị lãng quên.

 

- Khi bức tranh vẽ chiến sĩ phất cờ Điện Biên Phủ bị tuýt còi, bao người đã tìm cách chiêm ngưỡng bức tranh.

 

- Và giờ đây, khi 29 tác phẩm trừu tượng của hoạ sĩ Bùi Chát bị bắt tiêu huỷ, tên anh trở nên nổi tiếng.

 

Cá nhân tôi không cùng tần số âm nhạc với Sơn Tùng, không đặc biệt yêu thích bài Gia Tài Của Mẹ, không ưa bức Điện Biên Phủ, và cũng không rung cảm với những bức vẽ trừu tượng của Bùi Chát. Nhưng vì những lệnh cấm liên quan mà tôi cũng như nhiều người, đã dành khá nhiều thời gian để tìm hiểu.

 

Lệnh cấm nếu sử dụng tuỳ tiện sẽ chỉ khiến cho người ta chuyển sang super soi chính lệnh cấm, hoặc nghi ngờ và tin vào những lý do không liên quan đến nghệ thuật đằng sau lệnh cấm.

 

Ví dụ, vì Bùi Chát vốn có một số ý kiến trái chiều, nhiều người cho rằng đó là sự trừng phạt có động cơ chính trị. Lý do triển lãm không có giấy phép (mà trách nhiệm thuộc về nhà tổ chức) không hề tương quan với hình phạt bắt anh phải tiêu huỷ toàn bộ 29 sản phẩm nghệ thuật.

 

Tệ hơn, nó khiến người ta liên tưởng đến phương cách thống trị kiểu độc đoán thời xưa như đốt sách hay phá huỷ các công trình nghệ thuật (phi) vật thể để tận diệt một tư tưởng bị cho là trái chiều.

 

Chuyện nào ra chuyện nấy. Thật sự là không cần biến một quả táo trần tục thành trái cấm địa đàng khi nó có khi cũng chỉ là một quả táo.

 

Hình : https://www.facebook.com/CultureMove/photos/a.531877134399541/924549608465623/

 

.

65 BÌNH LUẬN   

 

.

Nguyen Phuong Mai

UBND TP HCM quyết định phạt họa sĩ Bùi Quang Viễn 25 triệu đồng, buộc tiêu hủy 29 bức tranh vì "triển lãm không phép".

https://vnexpress.net/hoa-si-bi-buoc-tieu-huy-tranh-vi...

VNEXPRESS.NET

Họa sĩ bị buộc tiêu hủy tranh vì 'triển lãm không phép'

Họa sĩ bị buộc tiêu hủy tranh vì 'triển lãm không phép'

 

 .

Trần Mạnh Kiên  · 

Việc yêu cầu anh họa sĩ triển lãm không phép "tiêu hủy tranh" là rất phản chính trị và phản văn hóa.

Phản văn hóa là vì nghe tới "tiêu hủy tranh" là người ta lại nhớ ngay những ví dụ kinh điển như "Phần thư, khanh Nho" đời Tần, nhà Minh tiêu hủy hết các tài liệu ở Việt Nam, Hitler đốt sách hay sau năm 75, ở Sài Gòn nhiều sách báo cũng bị tiêu hủy. Tuy nhiên, dù sao những vụ đó còn liên quan tới "chính trị" vì những tài liệu đó là "chữ viết", có thể gây ảnh hưởng không tốt tới chính trị nên nhà nước tiêu hủy còn có lý do "hợp lý" một chút. Còn đây là tranh trừu tượng, 99,99% mọi người nhìn sẽ thấy nó là những tờ giấy bôi màu nguệch ngoạc chứ không hiểu ý nghĩa hay ý tưởng của họa sĩ mà lại bắt người ta "tiêu hủy" thì quá vớ vẩn và không thể hiểu nổi. Người Việt Nam nghe đã phản cảm, người nước ngoài văn minh họ nghe được họ sẽ đánh giá Việt Nam thế kỷ 21 này như thế nào? Họ sẽ nghĩ là chỉ có những nơi rừng rú lắm mới làm chuyện như thế thôi.

Phản chính trị là bởi vì bất cứ 1 người nào có kiến thức bình thường cũng phải thấy việc "yêu cầu tiêu hủy" đó là rất bậy bạ. Vậy mà ông Đức, người ký văn bản đó lại là PGS.TS, từng là PGĐ Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh lại ký được thì đúng là không thể hiểu nổi. Nhắc lại là trước đó vài ngày thì chính ông cũng ký vào văn bản đề nghị Bộ Văn hóa xem xét lại việc 6 nghệ sĩ ở TP. Hồ Chí Minh "trượt" danh hiệu NSND (việc này thì cũng không hiểu nổi vì nhiều lý do).

Rất hi vọng là ông Đức quá bận nên không có thời gian đọc lại văn bản yêu cầu tiêu hủy tranh nên mới ký chứ nếu ông có đọc rồi, có cân nhắc rồi mà vẫn ký thì thua.

Nếu tôi là ông Đức thì tôi sẽ phải đề nghị kỷ luật người nào tham mưu ông ký văn bản đó. Rất có thể những kẻ đó đang cố tình "chơi" ông đó. Rất thâm hiểm nhé.





No comments:

Post a Comment

View My Stats