Friday, 12 August 2022

HAI NGƯỜI VIỆT TỊ NẠN CHÍNH TRỊ TRONG TRẠI GIAM CỦA SỞ DI TRÚ THÁI LAN LO LẮNG VỀ TÍNH MẠNG (RFA)

 



Hai người Việt tị nạn chính trị trong trại giam của Sở Di trú Thái Lan lo lắng về tính mạng

RFA

2022.08.12

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/two-vietnamese-political-refugees-concerned-about-safety-while-being-held-in-idc-in-thailand-08122022080609.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/two-vietnamese-political-refugees-concerned-about-safety-while-being-held-in-idc-in-thailand-08122022080609.html/@@images/image

Bà Nguyễn Thị Thuỳ trong một lần livestream trên Facebook hôm 1/8/2021. Facebook Thuỳ Uyên

 

Người tị nạn Việt Nam kêu cứu từ Trung tâm Giam giữ Người Nhập cư Trái phép ở Bangkok, Thái Lan sau khi gặp nhân viên Đại sứ quán Việt Nam đến khuyên về nước. 

 

Bà Nguyễn Thị Thùy và ông Hồ Nhựt Hùng thuộc nhóm Hiến Pháp, một nhóm cổ suý cho quyền tự do hội họp và lập hội, hiện đang tị nạn tại Thái Lan, cho Đài Á Châu Tự Do biết về tình trạng của họ trong trại giam giữ ở Thái Lan mới đây.

 

Sáu người trong nhóm Hiến Pháp đã bị bắt và kết án về tội danh "phá rối an ninh" trong phiên tòa hồi tháng 7/2020, riêng bà Thùy và ông Hùng lánh nạn sang Thái Lan vào tháng 9 năm 2018 sau các cuộc biểu tình chống dự luật Đặc khu và luật An ninh mạng.

 

Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phát lệnh truy nã bà Thùy vào tháng 11/2018 vì lý do "sử dụng Facebook cá nhân để phát trực tiếp các nội dung vu khống, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, kích động biểu tình trái phép,..."

 

Bị bắt giữ trong đêm

 

Cảnh sát hoàng gia Thái Lan bắt giữ hai người vào đêm 24/7 khi đang ở một căn phòng trọ tại tỉnh Pathum Thani, phía bắc thủ đô Bangkok.

 

Theo bà Thuỳ thuật lại thì lý do họ bị cảnh sát bắt là cư trú bất hợp pháp và thẻ tị nạn của họ bị hết hạn.

 

Hai người phải ra một tòa án địa phương và bị kết tội "nhập cư và cư trú bất hợp pháp," sau đó bị đưa vào Trung tâm Giam giữ Người Nhập cư Trái phép (IDC) ở thủ đô Bangkok.

 

Hồi tháng 2/2019 bà Thuỳ và ông Hùng được Cao ủy về Người tị nạn của Liên Hiệp quốc (UNHCR) cấp thẻ tị nạn cùng với mã số, tuy nhiên thẻ này hết hạn hồi năm ngoái và bà chưa có điều kiện để được đổi.

 

Do đại dịch COVID-19, bà Thùy chỉ có thể gọi cho số của Văn phòng Cao ủy và được cho biết là thẻ tị nạn đã được gia hạn trên hệ thống và "khi nào sắp xếp xong chúng tôi sẽ thông báo cho chị đến đổi thẻ,". Tuy nhiên cho đến khi bị bắt bà vẫn dùng thẻ cũ.

 

Đến đầu tháng 8, một nhân viên của Đại Sứ quán Việt Nam ở Bangkok đến nhà tù và gặp cả hai người để thuyết phục họ trở về nước. Bà kể với phóng viên Đài Á Châu Tự Do về cuộc gặp này như sau:

 

Nhân viên Đại Sứ quán Việt Nam đã đến đây. Điều ngạc nhiên là họ biết số phòng và số thẻ tù của tôi. Họ nói rằng họ sẽ tạo điều kiện tốt nhất để đưa chúng tôi về nước. Nếu như mà tôi không đồng ý và chờ UN (Liên hiệp quốc) thì họ nói chúng tôi sẽ gặp nhiều việc không tốt.”

 

Tuy nhiên, bà và ông Hùng từ chối lời đề nghị của phía Đại Sứ quán Việt Nam.

 

Chúng tôi trả lời Đại Sứ quán rằng chúng tôi không sử dụng passport (hộ chiếu) Việt Nam mà dùng thẻ của UN. Dù chúng tôi có chết ở đây thì chúng tôi vẫn đợi UN.”

 

Bà khóc qua điện thoại và bày tỏ lo lắng cho tính mạng của mình cùng ông Hùng. Bà nói mình vẫn còn ba người con ở quê nhà, một cháu bị tim bẩm sinh đã xỉu nhiều lần khi biết mẹ bị giam giữ ở Thái Lan.

 

Phóng viên gọi điện và gửi email tới Đại Sứ quán Việt Nam tại Bangkok để hỏi về trường hợp này nhưng không nhận được phản hồi.

 

Sinh hoạt khó khăn

 

Bà Thuỳ cho biết. 60 người phụ nữ bị nhốt trong một căn phòng khoảng 50 mét vuông trong thời tiết nóng bức. Bà Thùy cho hay nước sinh hoạt khi có khi không khiến cuộc sống ở đây hết sức khó khăn, ăn uống cũng không được đủ chất.

 

Tuy nhiên vài ngày gần đây dễ thở hơn khi căn phòng chỉ còn khoảng 30 người do những người cũ đã bị chuyển đi.

 

Hai người bị buộc đóng tiền phạt 8.000 baht (tiền Thái Lan) vì nhập cảnh trái phép, và 100.000 baht tiền bảo lãnh để được tại ngoại cùng 6.000 baht tiền xét nghiệm COVID.

 

Một số người hoạt động xã hội ở Thái Lan đã kêu gọi quyên góp từ nhiều nguồn, trong đó có người Việt hải ngoại, và đã đóng số tiền trên để hai người có thể được trả tự do.

 

Tuy nhiên, đã quá hai tuần mà cả hai vẫn bị giam ở IDC và không rõ bao giờ thì được phóng thích. Bà Thuỳ gọi điện cho Văn phòng UNHCR để tìm sự trợ giúp nhưng không nhận được phản hồi.

 

Một nhân viên trong Văn phòng UNHCR ở Bangkok trả lời điện thoại của phóng viên chúng tôi và ghi nhận về trường hợp của bà Thùy cùng ông Hùng, hứa sẽ chuyển vụ việc tới viên chức cấp cao hơn.

 

Ông Nguyễn Hoàng Ân, một người tị nạn và cũng là một nhà hoạt động xã hội hay trợ giúp người tị nạn ở Thái Lan nói với RFA biết rằng theo thông lệ, người tị nạn sẽ được trả tự do trong ngày sau khi đã đóng tiền bảo lãnh.

 

Ông Ân cũng cho biết khi một người Việt bị đưa vào IDC thì phía Thái Lan thông báo cho Đại Sứ quán Việt Nam ở Bangkok biết và phía Việt Nam sẽ cử nhân viên đến trại giam để thuyết phục người đó quay về cố quốc.

 

Tuy nhiên, họ không làm được gì nếu người bị đưa vào IDC không đồng ý với đề nghị của phía Đại Sứ quán, vẫn theo lời ông Ân.

 

Về vấn đề an ninh của người tị nạn ở Thái Lan, ông Nguyễn Hoàng Ân cảnh báo rằng gần đây có chuyện cảnh sát di trú vào tận phòng trọ để bắt giữ người, trong khi trước kia cảnh sát Thái chỉ khám xét tư gia khi có lệnh khám.

 

Tuy nhiên, khi lập biên bản thì phía cảnh sát lại nói rằng việc bắt giữ được tiến hành ở ngoài đường, và vì do không biết tiếng Thái nên nhiều người ký vào biên bản mà không nhận thức được hậu quả sau này.

 

Ông nói ở một quốc gia chưa ký Công ước quốc tế về tị nạn như Thái Lan, người tị nạn dựa vào các cơ quan như Văn phòng UNHCR và các văn phòng luật sư bảo vệ pháp lý cho người tị nạn khi gặp rắc rối với cảnh sát Thái.

 

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, khi người tị nạn hoặc người thân gọi điện đến các cơ quan này để tìm sự hỗ trợ thì không được bắt máy, hoặc không xử lý hoặc xử lý rất chậm trễ. Ông kêu gọi:

 

Chúng tôi kêu gọi sự quan tâm của các cộng đồng, các cơ quan truyền thông, và đặc biệt là các cơ quan có chức trách bảo vệ sự an toàn cho người tị nạn. Mong rằng họ mau chóng can thiệp trong trường hợp người tị nạn bị bắt hoặc gặp rủi ro về an ninh, tránh trường hợp họ bị Việt Nam tác động và dẫn độ về Việt Nam.”

 

Bà Thùy, ông Hùng và ông Ân là ba trong số hàng trăm người Việt đang tị nạn chính trị tại Thái Lan nhưng mòn mỏi để chờ được đi định cư ở nước thứ ba, và đối diện với việc bị cảnh sát sở tại bắt khi đi lao động bên ngoài. 

 

Blogger Trương Duy Nhất của Đài Á Châu Tự Do từng bị mật vụ Việt Nam bắt giữ ở Bangkok hồi tháng 1 năm 2019 và đưa về Việt Nam chỉ một ngày sau khi nộp hồ sơ lên văn phòng của Cao ủy tị nạn Liên hiệp quốc để xin quy chế.

 

Ông Nhất sau đó bị đưa ra tòa và bị tuyên án 10 năm tù với cáo buộc “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo Điều 356 Bộ Luật Hình sự.

 

---------------------

Tin, bài liên quan

 

TNLT Trần Thanh Phương ra tù "bị đày" xa gia đình 1,000 km

Tù nhân lương tâm Trần Thanh Phương bị giam chung với tù hình sự trong phòng 60 người/100m2

Thành viên nhóm Hiến Pháp Đoàn Thị Hồng mãn án tù

Liên Minh Châu Âu quan ngại về án phúc thẩm đối với 4 thành viên Nhóm Hiến Pháp

Nhóm Hiến Pháp bị xử y án sơ thẩm dù khẳng định "chỉ chống Trung Quốc"





No comments:

Post a Comment

View My Stats