Saturday, 13 August 2022

HÀ NỘI MÙA 'MƯA LÀ NGẬP' (Huỳnh Thế Du)

 



Hà Nội mùa 'mưa là ngập'    

Huỳnh Thế Du,

Kinh tế gia

Thứ bảy, 13/8/2022, 00:00 (GMT+7)

https://vnexpress.net/ha-noi-mua-mua-la-ngap-4494649.html

 

Sự hòa quyện của các món ăn tinh túy, rượu nóng và những giai điệu đẹp về Hà Nội vào những chiều đông quả là quyến rũ.

 

Ký ức đẹp nhất của tôi về Thủ đô với những khoảnh khắc như vậy đến từ những chuyến công tác vào thập niên 1990. Tôi đặc biệt ấn tượng với giai điệu:

 

"Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa
Cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh
Hoa sữa thôi rơi, em bên tôi một chiều tan lớp
Đường Cổ Ngư xưa chầm chậm bước ta về"

 

Vẻ đẹp có được của Hà Nội vào những năm đầu Đổi mới là kết quả cải tạo thiên nhiên của con người qua hàng nghìn năm. Hà Nội từng là một đô thị đáng sống, có kiến trúc đẹp, không ngập nước, không tắc nghẽn, tĩnh lặng, sạch sẽ và thân thiện cho người đi bộ. Hà Nội thuộc một loài, nói theo ngôn ngữ của Edward Glaeser - giáo sư về đô thị học hàng đầu tại Đại học Harvard, được hình thành từ phát kiến vĩ đại của loài người - các thành phố.

 

Các thành phố, đặc biệt là các thành phố đáng sống, là một loại hàng hóa công (public goods) do con người tạo ra. Hàng hóa công mang lại lợi ích cho toàn xã hội với hai đặc tính không tranh giành và không loại trừ. Không tranh giành nghĩa là người này dùng không ảnh hưởng đến việc người khác dùng; và không loại trừ có nghĩa là ai cũng có thể dùng.

 

Sau gần bốn thập niên Đổi mới, Hà Nội đã thay da đổi thịt. Đây là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, không ít hàng hóa công xấu (public bads) cũng đã hình thành. Hàng hóa công xấu cũng không tranh giành và không loại trừ, nhưng gây hại cho người phải chịu đựng chúng. Chẳng hạn, dòng sông ô nhiễm Tô Lịch là một hàng hóa công xấu. Mọi người ở trong khu vực đều phải chịu mùi hôi và không khí thiếu trong lành.

 

Ngập lụt, tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm là những thứ như vậy. Những ngày này, lời chế của bản nhạc nêu trên lại đúng hơn với Hà Nội.

 

"Hà Nội mùa này phố cũng như sông
Cái rét đầu đông chân em run ngâm trong nước lạnh
Hoa sữa thôi rơi, em tôi bơi cả chiều trên phố
Đường Cổ Ngư xưa, ngập tràn nước sông Hồng"

 

Một Hà Nội ngập lụt, tắc nghẽn, ô nhiễm, ồn ào và khó mà đi bộ. Video do VnExpress ghi lại sáng hôm qua cho thấy một bức tranh cận cảnh hơn.

 

Người đàn ông cao lớn đang dắt chiếc xe chết máy đi sát mép giữa lòng đường thì xe buýt kềnh càng lao tới, dạt sóng ra hai bên, đẩy xe anh đổ rạp xuống nước. Anh vừa loay hoay dựng xe lên, một ôtô bảy chỗ lại chạy tới, xô cả anh lẫn chiếc xe máy lần nữa ngã nghiêng xuống dòng nước đang gây ngập sâu phố Dương Đình Nghệ - một trong những tuyến đường trung tâm ở Thủ đô.

 

Điều gây ngạc nhiên cho tôi là thái độ của những người dân đã chôn chân hàng giờ trong những dòng nước đục ngầu - một thái độ gần như là cam chịu, có lẽ vì đã quá quen với cảnh này. Cả xã hội đang phải gánh chịu những tổn thất rất lớn.

 

Theo một tính toán vào năm 2018 của Viện Giao thông và Chính sách Phát triển thuộc Bộ giao thông Vận tải, tắc nghẽn giao thông gây ra thiệt hại hàng năm cho Hà Nội khoảng 1,2 tỷ USD, tương đương 3% GRDP năm 2018.

 

Một nghiên cứu của tổ chức Y tế Thế giới cho biết, ô nhiễm liên quan đến nguồn nước sẽ làm cho Việt Nam mất khoảng 3,5% GDP vào năm 2035.

 

Tiếng ồn đô thị cũng đang là nguồn ô nhiễm nghiêm trọng ở Hà Nội. Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường thuộc Bộ Y tế đã thực hiện một khảo sát 12 tuyến đường và nút giao thông ở Hà Nội với kết quả tiếng ồn trung bình vào ban ngày là 77,8-78,1 dB, vượt tiêu chuẩn cho phép từ 7,8-8,1 dB; vào ban đêm là 65,3-75,7 dB, vượt tiêu chuẩn từ 10-20 dB.

 

Người dân xứng đáng được hưởng các hạ tầng đô thị - một loại hàng hóa công - tương xứng với tiền thuế mà họ đã đóng góp, thay vì phải chịu đựng các loại hàng hóa công xấu ngày một nghiêm trọng hơn.

 

Nỗ lực cải tạo hệ thống sông hồ của Hà Nội chính là việc biến những hàng hóa công xấu thành những hàng hóa công hữu ích. Khi đó, những cái tên như Tô Lịch, Nhuệ, Đáy sẽ trở thành những hình ảnh đẹp như sông Seine ở Paris, sông Thames ở London và sông Charles ở Boston, thay vì nỗi ám ảnh như hiện nay.

 

Đối với hạ tầng giao thông, phát triển bằng được hệ thống giao thông công cộng là điều kiện tiên quyết. Trợ cấp đủ cho giao thông công cộng và tiếp tục triển khai kế hoạch đã có, chứ không nên nhụt chí và đổi hướng khi những tuyến đầu tiên chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Đối với tiếng ồn đô thị, cần có chế tài xử lý các nguồn tiếng ồn vi phạm quy chuẩn, đặc biệt là những thời điểm người dân cần yên tĩnh để nghỉ ngơi.

 

Hình ảnh người dân trên những cung đường ngập nước hôm qua, sẽ là động lực để giới chức tạo ra những hàng hóa công cộng chất lượng, đảm bảo cho quyền lợi sử dụng chính đáng của người dân, vào ngày mai.

 

Xét về mục tiêu xây dựng Hà Nội xanh, hòa bình và phát triển, sẽ rất ý nghĩa nếu đến năm 2025, việc cải tạo dòng sông Tô Lịch nói riêng, hệ thống sông ngòi nói chung; nỗ lực giảm thiểu tiếng ồn; cải tiến hệ thống giao thông, thoát nước đô thị đạt được các kết quả đáng kể.

 

Lúc đó, người Hà Nội sẽ đảm bảo được thụ hưởng những hàng hóa công ích lợi, ngay cả trong những ngày lắm những cơn mưa.

 

Huỳnh Thế Du





No comments:

Post a Comment

View My Stats