Cuộc
chiến Ukraine và “tiêu chuẩn kép” của Việt Nam
Bình luận của Triệu Quốc Thước
2022.08.25
Ngoài nỗi
lo về kinh tế, chừng nào cuộc chiến còn tiếp diễn, Việt Nam càng bị lún sâu vào
các “tiêu chuẩn kép” mà rồi đây, Hà Nội sẽ chưa biết sẽ “trang trải” với Kyiv
như thế nào cho phải đạo.
Việt Nam tiếp tục lạc lõng
Nhân kỷ niệm
31 năm Ngày độc lập Ukraine, lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và Bộ Ngoại
giao Việt Nam đã gửi điện mừng tới Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội và
Bộ Ngoại giao Ukraine. Tờ “Tuổi trẻ” đưa tin vào lúc 20:01 tối 24/8 (1). Nội dung các bức điện không được tiết lộ, chắc chắn là
vì câu chữ quá nhạt nhẽo, chỉ mang tính hình thức, “gửi cho có”. Tin tức về “điện
mừng” của Lãnh đạo Việt Nam cũng chỉ được công bố vào cuối ngày Quốc khánh (?!)
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo quốc tế đã nồng nhiệt bày tỏ tình đoàn kết với
Ukraine và tái khẳng định sự ủng hộ của họ vào Ngày Lễ Độc lập của Kyiv.
Thủ tướng
Anh Boris Johnson cho biết Anh quốc sẽ sát cánh với Ukraine trong thời gian lâu
dài, đồng thời bảo đảm thêm về việc cung cấp mọi hỗ trợ nhân đạo, kinh tế và
quân sự. Boris Johnson thăm Tổng thống Zelensky tại thủ đô Kyiv đúng vào Ngày Độc
lập. Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen nói rằng châu Âu đồng hành cùng
Ukraine không chỉ hôm nay mà còn về lâu dài. Chủ tịch Nghị viện châu Âu Roberta
Metsola cho biết, EU sẽ không ngừng ủng hộ nền độc lập của Ukraine và cuộc chiến
đấu dũng cảm chống lại sự xâm lược bất hợp pháp của Nga. Thủ tướng Đức Olaf
Scholz nói rằng trái tim của đất nước ông đang hướng về Ukraine ngày hôm nay,
khi nước này kỷ niệm Ngày Độc lập trong một “hoàn cảnh khủng khiếp” (2).
Ông Olaf
Scholz cùng với các nhà lãnh đạo từ khắp châu Âu chúc Ukraine có một Ngày Độc lập
vui vẻ. Họ bao gồm các tổng thống Phần Lan, Latvia, Lithuania và Moldova và các
bộ trưởng ngoại giao từ Ba Lan và Thổ Nhĩ Kỳ. Thủ tướng Australia Anthony
Albanese cho biết sự ủng hộ của ông vẫn "dứt khoát và kiên định", vì
nó bắt nguồn từ niềm tin rằng luật pháp quốc tế phải được ưu tiên để bảo vệ chủ
quyền của tất cả các quốc gia. Chính quyền Biden có kế hoạch công bố gói viện
trợ quân sự trị giá ba tỷ USD cho Ukraine trong tuần này, các quan chức Mỹ nói
với Associated Press hôm 23/8. 10,6 tỷ USD là số tiền mà Chính quyền Biden đã
cam kết trong suốt 19 gói viện trợ quân sự kể từ khi chiến tranh bắt đầu, chưa
kể gói dự kiến sẽ được công bố trong tuần này. Từ khi
Nga sáp nhập Bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014, Mỹ đã cung cấp 12,6 tỷ
USD hỗ trợ an ninh cho chính phủ Ukraine (3).
VIDEO :
Quốc khánh
Ukraine: trình diễn xe tăng Nga bị phá hủy #shorts
https://www.youtube.com/watch?v=p_ZLU2LZaKs&t=1s
Nỗi lo “cơm áo” lấn lướt
Có lẽ duy
nhất chỉ có tờ “Tuổi trẻ” là có bài kỷ niệm đất nước hoa hướng dương mừng Quốc
khánh với câu hỏi, khi nào thì chiến tranh chấm dứt. Cuộc chiến đã gây ra những
thay đổi lớn cho Kyiv, Moscow và cả Việt Nam nữa. Nhưng khi nào nó chấm dứt thì
tới nay vẫn là câu hỏi khó trả lời (4). Nỗi lo “cơm áo” lớn nhất của Việt Nam là việc loại bỏ
Nga khỏi hệ thống SWIFT đã tạo ra cơn ác mộng cho các doanh nghiệp trong nước,
những nhà xuất khẩu hàng hóa và sản phẩm sang Nga. Hiện nay việc thực hiện và
nhận thanh toán từ các đơn vị Nga đang gặp khó khăn thực sự. Trước khi xảy ra
xung đột Nga-Ukraine, thương mại song phương giữa Việt Nam và Nga đang tăng trưởng
ổn định, bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Việt Nam
xuất khẩu nhiều loại sản phẩm sang Nga và thương mại song phương giữa hai nước
đã đạt 7,2 tỷ USD vào năm 2021. Trong đó, tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam đạt
4,9 tỷ USD, tăng 25,9% so với năm 2020. Chiến tranh khiến giá xăng dầu thế giới
tăng cao, gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và xuất nhập khẩu nông lâm thủy
sản của Việt Nam. Một số hãng tàu Việt Nam đã từ chối nhận đơn hàng vận chuyển
hàng hóa từ Việt Nam sang Nga do sợ bị trừng phạt. Đặc biệt, các doanh nghiệp
phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu đầu vào từ Nga hoặc Ukraine phải đối mặt với
nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trực tiếp do chiến tranh gây ra, trong khi ngành
hàng không Việt Nam cũng có thể bị ảnh hưởng do chi phí dầu tăng cao chuyển đến
tay người tiêu dùng.
Ngành du lịch
của Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Nga là nguồn khách du lịch quốc tế lớn thứ sáu
trước đại dịch COVID-19, nhưng các lệnh trừng phạt đã khiến nhiều người Nga lo
lắng về việc không thể tiếp cận nguồn tiền nếu họ đi du lịch nước ngoài. Đây là
điều sẽ tác động tiêu cực đến việc Việt Nam mở cửa trở lại với khách du lịch quốc
tế vào tháng trước. Cuộc chiến gây ra tình trạng thiếu hụt và tăng giá đối với
nhiều mặt hàng như dầu, khí đốt và ngũ cốc, trong đó Ukraine là một trong những
nhà xuất khẩu lớn nhất. Do đó, lạm phát sẽ gia tăng và các doanh nghiệp Việt
Nam phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu nhưng không có khả năng tăng giá bán để
bù đắp chi phí nguyên liệu tăng sẽ gặp khó khăn. Rủi ro lạm phát có khả năng
làm chậm lại tiến trình đầu tư vốn vào nền kinh tế Việt Nam. (5)
Bị kẹt giữa các “tiêu chuẩn kép”
Ngoài nỗi
lo kinh tế, chừng nào cuộc chiến còn tiếp diễn, Việt Nam càng bị lún sâu vào
các “tiêu chuẩn kép” mà rồi đây, Hà Nội chưa biết sẽ “trang trải” với Kyiv như
thế nào cho phải đạo. Trên mạng xã hội, Facebooker Lê Xuân Nghĩa không hiểu nổi
một bộ phận lớn người Việt nhân danh điều gì để xúc phạm dân tộc và đất nước
Ukraine đang phải vật lộn với cuộc chiến vệ quốc? Ông Lê Xuân Nghĩa đặt câu hỏi:
Tại sao Việt Nam thì “chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất
nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, nhưng lại đòi Ukraine nên đầu hàng Nga sớm
và nên theo Nga để “người dân đỡ phải chết chóc”? Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng
hoà được phép rời Thủ đô để đi kháng chiến, nhằm bảo toàn lực lượng. Ukraine
thì không có quyền ấy. Chưa đi tản cư đã bị phê là “hèn nhát”? (6)
Nhưng có lẽ
thất thố lớn nhất là Thiếu tướng, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược từ
Bộ Công An Lê Văn Cương đã đăng đàn diễn thuyết về các sự kiện liên quan đến cuộc
chiến Ukraine. Chất lượng dự đoán của ông “gây nổ lớn” trên các trang mạng.
Ngày 17/02/2022, trả lời báo Dân Việt, Thiếu tướng Cương cho biết, ông ủng hộ
và tin rằng, Tổng thống Putin sẽ không động binh với Ukraine. Trên thực tế 7
ngày sau, sáng ngày 24/02, Nga tấn công Ukraine mà không hề tuyên chiến. Chưa hết,
trả lời báo Nghệ An, ông Cương còn lên tiếng rằng, Nga sẽ không xâm lược và
không cướp đất của Ukraine, Nga sẽ không sa lầy sâu vào cuộc chiến, quân Nga sẽ
thắng nhanh và kết thúc chiến tranh cuối tháng 3, thực chất, Nga đã phải rút lui
khỏi Kiev và cuộc chiến vẫn khốc liệt trong những ngày này. (7)
Phản cảm
nhất là khi tướng Cương lên án Tổng thống Ukraine Zelensky mắc các trọng tội.
“Người đứng đầu quốc gia mà mắc 3 trọng tội như vậy thì không thể tồn tại được”,
tướng Cương đánh giá tiếp, Zelensky là “thằng hề 43 tuổi” thì “làm sao đọ được
với nguyên sĩ quan KGB Putin 70 tuổi” (?!). Lượng Phạm Văn tung ngay một cái
“tuýt”: Tôi không nghĩ Tổng thống Ucraine Zelensky là “một thằng hề”. Ông ấy là
Tổng thống của một quốc gia... Tôi kính trọng ông ấy bởi lòng dũng cảm, không rời
khỏi đất nước, để chiến đấu chống lại quân xâm lược!” (8)
Đạo lý gì đây hả trời? Các tướng nói không ngượng
hay sao ấy? Khi một đất nước mà một bộ phận dân tình và các bậc tự nhận là “có
tiếng nói định hướng dư luận” (KOL) mà lại tráo trở, xảo ngôn, chà đạp lên chân
lý và lẽ phải, đất nước đó khó mà nhận được sự tôn trọng của thế giới. Có ai trả
lời được câu hỏi trên đây? Đó là kết quả của giáo dục, tuyên truyền một chiều
làm cho trí não bị tê liệt, nhìn một chiều mãi rồi quen, mất đi khả năng lật
ngược vấn đề xem xét cho kỹ để nhận thức đúng đắn sự vật? Tự huyễn hoặc, bị lừa
gạt mà vẫn tiếp tục sai lầm... Ban đầu chỉ một số ít tin vào tuyên truyền,
nhưng rồi bị nhồi sọ lâu ngày, mất niềm tin và hùa theo tâm lý đám đông. (9)
Tình hình
tồi tệ đến mức, một vài tờ báo chính thống trong nước đã buộc phải đính chính lại
các loại tướng như Lê Văn Cương, Lê Thế Mậu… Cho dù sau đó, những
bài này đã bị “delete”. Tờ “Người Lao động” ra hôm 25/2 có bài: “Bộ trưởng Quốc
phòng Anh Ben Wallace khẳng định Nga chưa đạt được bất kỳ mục tiêu lớn nào ở
Ukraine trong ngày đầu ra quân nhưng đã tổn thất 450 binh sĩ, tính đến ngày
25/2”. Báo “Thanh niên hôm 18/3 “giật tít”: “Ukraine phản công, đà tiến của Nga
bị chặn”. Đà tiến quân của Nga được cho là đình trệ trên mọi mặt trận, trong
khi Ukraine bắt đầu tổ chức phản công. Chưa hết, AFP đưa tin Bộ Ngoại giao
Ukraine ngày 17/3 cáo buộc Nga hôm 16/3 đánh bom rạp hát ở TP.Mariupol, nơi hơn
1.000 người bao gồm trẻ em, đang ẩn náu. (10)
Có tác giả đã muốn tìm nguồn gốc của tình trạng “
tiêu chuẩn kép” do đâu mà có? Phải chăng, trong thời Chiến tranh lạnh, Việt Nam
là quốc gia thuộc hệ thống XHCN, núp dưới bóng của Liên Xô và Trung Quốc. Chính
vì vậy, cho tới nay, thể chế chính trị của Việt Nam cũng mang “các gen” độc tài
như Nga và Trung Quốc vậy.
Tuy nhiên, khác với Nga và Trung Quốc, khi quyền lực tập trung chủ yếu vào một
cá nhân duy nhất, ở Nga là Tổng thống Putin và ở Trung Quốc là Chủ tịch Tập Cận
Bình, Việt Nam không có nhân vật nào đủ sức mạnh nắm quyền lực tuyệt đối như
Putin và Tập. Tuy nhiên, thể chế chính trị Việt Nam vẫn là độc đảng, quyền lãnh
đạo tuyệt đối tất cả mọi mặt thuộc về Đảng Cộng sản. Thể chế độc tài với sự cai
trị tuyệt đối đó đã bộc lộ ra nhiều căn bệnh trầm kha. Ngoài tình trạng tham
nhũng từ trên xuống dưới, căn bệnh “tiêu chuẩn kép” cũng từ đấy mà ra. Chính vì
có chung thể chế độc tài, cho nên Việt Nam vẫn chưa thoát ra khỏi “các bóng
xám” của ông Putin cũng như của ông Tập, mặc dầu về kinh tế lại muốn “hội nhập”
để hướng về Mỹ và phương Tây. (11)
_______________
Tham
khảo:
1.
https://tuoitre.vn/lanh-dao-viet-nam-gui-dien-mung-ngay-doc-lap-ukraine-20220824194246161.htm
2.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-62633073
4.
https://tuoitre.vn/ukraine-mung-quoc-khanh-voi-cau-hoi-lon-20220823223221224.htm
5.
https://thediplomat.com/2022/04/how-the-russia-ukraine-war-is-impacting-vietnams-economy/
-----------------------------------------------------------------
*
Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
No comments:
Post a Comment