Hôm nay, mình đọc trên
báo thấy một tin khá đau lòng ở ngành Y nước ta, đó là các BS đang phải sử dụng
những dụng cụ y tế “kém chất lượng”! Tại Hội nghị trực tuyến do Bộ Y tế tổ chức
sáng 21/8, ông Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), chia sẻ nỗi
bức xúc của các bác sĩ tại viện này “Trưởng khoa Ngoại bức xúc gặp tôi hỏi tại
sao ông mua dao mổ giá rẻ? Trước đây, chúng ta dùng dao giá tốt chỉ cần rạch 1
đường, hiện trúng thầu dao giá rẻ, chúng tôi phải rạch đến 3 lần da mới đứt”.
Một số người có thể nghĩ
đơn giản là “nếu rạch 2 lần không đứt thì rạch 3 lần, 4 lần”, BS có thể chỉ cần
tốn thêm một ít thời gian nhưng tiết kiệm được một số tiền đáng kể với gói thầu
“rẻ nhất”! Thực sự thì điều này không đơn giản như vậy! Dao mổ (scalpel) là một
dụng cụ y tế được thiết kế “đủ bén” để người BS phẩu thuật chỉ cần sử dụng lực
vừa phải là có thể tạo những đường rạch trên da, trên mô thật “ngọt”. Những đường
rạch “ngọt” như vậy sẽ giảm thiểu được tối đa các tổn thương ở các tế bào vùng
bị cắt, điều này sẽ làm giảm phản ứng viêm (inflammation), sưng (swelling) sau
mổ, giảm hiện tượng xơ hóa (fibrosis), thời gian hồi phục nhanh và sẹo để lại
nhỏ. Trái lại việc sử dụng dao mổ “cùn” sẽ buộc người BS phẩu thuật sử dụng lực
nhiều hơn, một vết mổ phải rạch đi rạch lại nhiều lần sẽ làm tổn thương mô lan
rộng, dẫn đến dễ hình thành vùng viêm, sưng sau khi mổ, thời gian vết thương
lành lâu hơn và tăng xác suất bị biến chứng ở vùng mổ sau đó! Do vậy, việc có
con dao mổ đúng “chất lượng để phẩu thuật” là điều cơ bản và rất cần thiết, nó
không những giúp giảm bớt stress cho người BS phẩu thuật mà còn giúp giảm thiểu
nguy cơ biến chứng cho người bệnh nhân và nâng cao chất lượng phục vụ của ngành
Y tế.
Ở trên đây chỉ là phân
tích về con dao mổ nhỏ bé thôi, chứ nhiều thứ khác trong lĩnh vực Y tế cũng
không thể được bỏ qua như kim chỉ, thuốc men, dụng cụ hỗ trợ, v.v… Mình đồng ý
với ông Thức kiến nghị rằng “giá mua sắm không nên là “giá thấp nhất”, cần quy
định rõ là giá “hợp lý nhất” dựa trên nhu cầu điều trị thực tế.” Do ngành Y với
mục đích cuối cùng là đem lại kết quả tốt nhất khi chữa trị trên “người” nên những
dụng cụ sử dụng trong ngành Y cho nhân dân cần phải đạt được những tiêu chuẩn
“tối thiểu”! Ví dụ như con dao mổ cần điều kiện tối thiểu là “phải sắc bén”.
Người chấm thầu vật tư Y tế cần phải đặt những thứ tự ưu tiên khi chọn thầu như
sau: 1/ an toàn, 2/ chất lượng, 3/ giá cả; không thể để “giá cả” là thứ tự ưu
tiên hàng đầu để chọn một sản phẩm sử dụng trên người!
Từ khi cơn bão Việt Á-CDC
nổi lên thì một loạt các hệ quả đã kéo theo sau đó, các nhà chức trách, các
công ty nhập khẩu thiết bị, những nhà thầu và đơn vị chấm thầu đều khá lúng
túng để “thích nghi” trong bão. Hiện tượng thiếu thuốc, các trang thiết bị và
hiện tượng giảm chất lượng vật tư Y tế ở bệnh viện cũng có thể là một trong những
hệ quả đó! Tuy những nhức nhối như thế này thật đáng buồn nhưng hy vọng khi được
phơi bày một cách trần trụi như thế này thì sẽ là động lực để các nhà chức
trách thay đổi đó và có lẽ đây cũng là một thử thách mà tân bộ trưởng Y tế cần
giải quyết một cách “quyết liệt”.
Bảo trọng nhe bà con,
TS. Nguyễn Hồng Vũ,
Viện nghiên cứu City of
Hope, California, USA
Cố vấn khoa học Ruy
Băng Tím
--------------------
Tài liệu tham khảo:
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/16799372/
(The basic science of
wound healing)
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/14746360/
(Prevention and treatment
of excessive dermal scarring)
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7838729/
(Scalpel edge roughness
affects post-transection peripheral nerve regeneration)
https://vietnamnet.vn/dao-mo-gia-re-trung-thau-phai-rach...
Hình : https://www.facebook.com/photo/?fbid=5982200688460919&set=a.121001917914188
.
No comments:
Post a Comment