Căn cứ Nga ở Crimée bị ‘‘tấn công’’: Giai đoạn
mới trong xung đột Matxcơva – Kiev ?
Đăng ngày: 18/08/2022 - 16:31
Giữa tháng 8/2022, gần
6 tháng kể từ đầu cuộc xâm lăng Ukraina của Nga, đã xảy ra một loạt vụ nổ tại một
số căn cứ quân sự và cơ sở hạ tầng quan trọng ở bán đảo Crimée, lãnh thổ cực
nam của Ukraina mà Nga sáp nhập từ năm 2014. Trước các vụ nổ này, chính quyền
Ukraina dường như tránh đụng đến bán đảo Crimée vì nhiều lý do, về phương tiện
quân sự cũng như về tương quan thế lực.
Căn cứ không quân
Nga Saki ở Novofedorivka (bán đảo Crimée) sau cuộc tấn công. Ảnh chụp ngày
10/08/2022. via REUTERS - MAXAR TECHNOLOGIES
Sau các vụ nổ nói trên, giới quan sát
đặt vấn đề : phải chăng cuộc xung đột Nga – Ukraina đang bước sang một
giai đoạn mới ? Phải chăng với hậu thuẫn bắt đầu đủ mạnh của đồng minh,
chính quyền Kiev giờ đây dường như quyết định chuyển sang phản công, nhắm thẳng
đến mục tiêu cuối cùng, khôi phục toàn bộ các vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền quốc
gia ? Mục Theo dòng thời sự của RFI tổng hợp thông tin về chủ đề này.
***
Các cuộc tấn công đầu tiên nhắm vào bán đảo Crimée ?
Ngày 16/08/2022, một kho đạn của
quân đội Nga tại Djankoi (phía bắc bán đảo Crimée) nổ tung. Cùng ngày, nhiều vụ
nổ gây tổn hại cho một đường dây điện cao thế, một trạm điện và một tuyến đường
sắt địa phương. Trước đó,
ngày 09/08, một kho đạn của Nga nằm cạnh một sân bay phát nổ, ít nhất
tám máy bay chiến đấu thuộc hạm đội Biển Đen của Nga (Su-24 và Su-30) bị phá hủy
trong dịp này, theo các hình ảnh vệ tinh. Nếu như trong các vụ nổ ngày 09/08,
chính quyền Nga phủ nhận nguyên nhân là một cuộc tấn công, thì trong đợt thứ
hai ngày 16/08, Quân đội Nga đã ra thông báo lên án một ‘‘hành động phá hoại’’.
Cho đến nay, bán đảo Crimée – nơi xuất
phát các lực lượng quân đội Nga xâm nhập sâu hơn vào các vùng lãnh thổ phía nam
khác của Ukraina - được coi là một vùng gần như là hậu cứ an toàn cho các
lực lượng chiếm đóng. Ai là tác giả của các vụ tấn công này ? Theo tuần
báo Pháp L’Express ngày 18/08, mặc dù không có thông báo chính thức, nhưng các
thông điệp từ phía chính quyền Kiev cho thấy gần như chắc chắn các lực lượng
Ukraina đã chủ trì các cuộc tấn công nhắm vào căn cứ quân sự và cơ sở hạ tầng của
Nga ở bán đảo Crimée.
Chính quyền Kiev gián tiếp nhìn nhận
Nhật báo Mỹ New York Times loan tin một
quan chức cấp cao của Ukraina xin ẩn danh quy các vụ nổ ở Djankoi là do ‘‘một
đơn vị Ukraina tinh nhuệ hoạt động sau chiến tuyến của kẻ thù’’, nhưng
không có quan chức Ukraina nào công khai đứng ra nhận trách nhiệm. Ngay sau
thông báo của Quân đội Nga lên án hành động ‘‘phá hoại’’ hôm 16/08,
chánh văn phòng phủ tổng thống Ukraina Andrii Iermak, trên Twitter, đã hoan
nghênh một hoạt động ‘‘phi quân sự hóa’’ vùng lãnh thổ Crimée đã được
các lực lượng vũ trang Ukraina tiến hành một cách tinh xảo, ‘‘như thợ kim
hoàn’’, và khẳng định chiến dịch ‘‘phi quân sự hóa’’ sẽ tiếp tục cho
đến khi nào ‘‘các vùng lãnh thổ của Ukraina được giải phóng hoàn toàn’’.
"'Phi quân sự
hóa’’ hay nói cách khác đánh đuổi quân xâm lược. Quan chức
Ukraina nhại lại cụm từ ''phi quân sự hóa", vốn được chính quyền
Nga dùng để mô tả cuộc can thiệp quân sự Nga tại Ukraina nhằm tiêu diệt quân đội
Ukraina.
L’Express cũng chú ý đến việc bộ Quốc
Phòng Ukraina hôm 11/08, công bố trên các mạng xã hội một video quảng cáo hướng
đến đến công chúng Nga, trên nền nhạc phẩm ‘‘Cruel Summer’’ của
Bananarama là dòng chữ sau : ‘‘Quý vị có nhiều lựa chọn cho kỳ nghỉ hè
của mình !’’. Bộ Quốc Phòng Ukraina giới thiệu các địa điểm : ''Đảo
Palm Jumeirah (ở Dubaï), các khách sạn Antalya (ở Thổ Nhĩ Kỳ), hay các bãi biển
Cuba...’’. Nhưng bộ Quốc Phòng Ukraina lưu ý : ‘‘Quý vị đã chọn bán
đảo Crimée. Đây là một sai lầm ghê gớm’’. Tiếp theo thông điệp nói trên là
hình ảnh và âm thanh của hàng loạt vụ nổ. Thông điệp của chính quyền Ukraina là rất rõ ràng :
người Nga không nên có mặt tại bán đảo Crimée.
Đồn đoán về phương tiện tấn công : đặc nhiệm hay tên
lửa… ?
Tuy nhiên, nhiều câu hỏi đặt ra về
phương tiện mà các lực lượng tấn công có thể sử dụng để đánh vào các căn cứ và
cơ sở hạ tầng Nga tại Crimée, tại các khu vực nằm cách chiến tuyến đến 200 km.
Về nguyên tắc, quân đội Ukraina không được trang bị các hỏa tiễn có tầm bắn lớn
hơn 80 km. Hiện tại các viện trợ quân sự của Mỹ và đồng minh cho quân đội
Ukraina đều giới hạn chính thức ở tầm bắn tối đa 80 km.
L’Express về cơ bản loại trừ khả năng
một số đơn vị đặc nhiệm Ukraina luồn sâu vào hậu tuyến của Nga, phối hợp với lực
lượng tại chỗ để tiến hành các cuộc tấn công, bởi rất ít có khả năng là quân
Ukraina có thể lọt sâu vào lòng địch như vậy. Hơn nữa các cuộc tấn công diễn ra
vào ban ngày. Một số chuyên gia quân sự nêu khả năng quân đội Ukraina sử dụng
các tên lửa tự sản xuất, được cải thiện tầm bắn và độ chính xác nhờ công nghệ của
một số quốc gia đồng minh, đặc biệt nhờ ở hệ thống ‘‘dẫn đường tên lửa’’.
Vẫn L’Express nêu ra thêm một khả
năng khác là can thiệp bí mật của quân đội Mỹ. Hoa Kỳ sở hữu các tên lửa
ATACMS, với dàn pháo đa nòng có tầm bắn 300 km, có nghĩa là có đủ khả năng tấn
công vào các mục tiêu nói trên. Nếu giả thiết này được khẳng định, theo chuyên
gia quân sự Pháp Michael Goya, điều đó không có nghĩa là Hoa Kỳ tham chiến chống
lại Nga, vì ‘‘Crimée không phải là lãnh thổ Nga’’.
Thế ‘‘tiến thoái lưỡng nan’’ của tổng thống Putin
Hiện tại, theo chuyên gia quân sự
Lawrence Freedman, giáo sư danh dự ngành nghiên cứu chiến tranh tại trường
King's College Luân Đôn, chính quyền Ukraina đang giữ kín thông tin, để mặc Nga
đưa ra các suy đoán. Không khí mơ hồ này phần nào gây tâm lý hoang mang trong
dân Nga tại bán đảo Crimée. Thống đốc Crimée Sergueï Aksionov do Nga bổ nhiệm
chỉ nói đến hành động ‘‘phá hoại’’.
L’Express nhấn mạnh dến thế ‘‘tiến
thoái lưỡng nan’’ của tổng thống Nga Putin. Cho đến nay, chính quyền Putin
mô tả bán đảo Crimée là một vùng ‘‘lãnh thổ thiêng liêng’’ của Liên bang Nga.
Thế nhưng Matxcơva lại rất khó khăn trong việc khẳng định các căn cứ Nga tại
Crimée bị quân đội Ukraina tấn công. Theo nhà phân tích Ultrich Bounat, chuyên
gia địa chính trị Trung và Đông Âu, trong một phát biểu trên Twitter, nhấn mạnh
là : nếu thừa nhận cuộc tấn công của quân đội Ukraina, thì không khác nào
chính quyền Nga thú nhận là quân đội nước này không đủ sức bảo vệ lãnh thổ của
mình, cụ thể là bảo vệ được ‘‘không phận’’.
Mặt khác, vẫn theo vị chuyên gia này,
nếu ‘‘quy trách nhiệm của vụ tấn công cho Ukraina thì điều này cũng đồng
nghĩa với việc Matxcơva phải tuyên chiến với Kiev. Đây là điều mà điện Kremlin
từ chối. Bởi việc này nếu xảy ra tương đương với việc thừa nhận ‘‘chiến dịch
(quân sự) đặc biệt’’ của Nga tại Ukraina thất bại’’. Và thất bại này buộc
Matxcơva phải chọn giải pháp cuối cùng là tổng động viên cho một cuộc chiến tổng
lực chống Ukraina, nhưng ‘‘một giải pháp như vậy lại bị đông đảo dân Nga phản
đối’’. Rõ ràng là các hoạt động tấn công nếu có của quân đội Ukraina nhắm
vào bán đảo Crimée đang đặt chính quyền Putin đối mặt với các mâu thuẫn của
chính mình.
Lợi ích quân sự rõ ràng
Ngoài ý nghĩa biểu tượng của các vụ nổ
đầu tiên nhắm vào bán đảo Crimée, những cuộc tấn công này rõ ràng ‘‘mang lại
lợi ích quân sự ngay lập tức cho phía Ukraina’’. Trả lời Le Monde, chuyên
gia Yohann Michel, làm việc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết là
chính từ những căn cứ như vậy mà máy bay Nga đã cất cánh để tấn công các vị trí
nằm sâu trong lãnh thổ Ukraina. Vị chuyên gia này cho biết thêm: các cuộc tấn
công này có thể buộc Nga ''phải đẩy lùi các kho đạn của họ ra xa hơn một
chút so với tiền tuyến, và do đó buộc quân Nga phải kéo dài các tuyến đường tiếp
tế’’. Việc các tuyến đường sắt bị tấn công gây trở ngại lớn cho hoạt động của
quân Nga cụ thể tại hai tỉnh Kherson và Zaporijia. Các đe dọa nhắm vào Crimée
cũng gây áp lực buộc hạm đội Nga có thể phải lùi xa khỏi căn cứ hải quân ở cảng
Sevastopol, cực nam bán đảo Crimée, làm giảm nguy cơ Nga dùng tên lửa – từ tàu
chiến và tàu ngầm - tấn công vào các vùng ven biển phía nam của Ukraina.
Chiến dịch tái chiếm Crimée còn xa
Các ‘‘tấn công’’ nói trên gây
một số tổn hại cho quân đội Nga, nhưng chưa đủ để coi là ‘‘màn dạo đầu cho một
chiến dịch tái chiếm Crimée’’, theo nhận định của chuyên gia quân sự Cédric
Mas, trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Pháp Le Figaro. Chuyên gia Cédric Mas
nhấn mạnh là các cuộc tấn công này trước hết là nhằm để ghi điểm ‘‘về mặt
chính trị, cũng như về quân sự’’, để khẳng định quân đội Ukraina đang ở
thế chủ động. Về mặt chính trị, đó là hành động tấn công vào một vùng lãnh thổ
mà Nga vẫn coi là bất khả xâm phạm. Về mặt quân sự, Crimée chính là bàn đạp cực
kỳ thuận lợi cho việc quân Nga tấn công và kiểm soát tỉnh Kherson và các vùng
đông nam Ukraina. Tất cả các cuộc tấn công nhằm vào Kherson, nhà máy điện
Zaporijia hay bao vây thành phố cảng Marioupol đều bắt đầu từ bán đảo Crimée.
Đánh Crimée cũng sẽ buộc Nga phải điều chuyển bớt lực lượng từ các mặt trận
khác.
Vẫn theo chuyên gia Cédric Mas, quân
đội Ukraina hiện đang trong giai đoạn xây dựng phát triển lực lượng, chưa đủ sức
tiến hành một cuộc chiến quy mô để giải phóng Crimée. Các cuộc tấn công nói
trên có thể nằm trong ‘‘nỗ lực duy trì áp lực liên tục trên nhiều mặt trận’’,
đặc biệt với mặt trận trọng yếu là bán đảo Crimée.
Cuộc xâm lăng của Nga ‘‘bắt đầu tại Crimée và sẽ chấm dứt
tại Crimée’’
Việc tấn công và giải phóng Crimée có
thể đòi hỏi nhiều thời gian. Nhưng vào thời điểm gần 6 tháng kể từ đầu cuộc xâm
lăng, vào lúc vụ nổ đầu tiên xảy ra tại một căn cứ quân sự Nga, chính quyền
Ukraina khẳng định rõ ràng, qua lời của tổng thống Zelensky, ‘‘Chiến tranh tại
Ukraina đã bắt đầu với Crimée (với việc Nga sáp nhập Crimée năm 2014), sẽ
phải chấm dứt tại đó, với việc Crimée được giải phóng hoàn toàn’’. Theo Le
Monde, cách đây hơn một năm (một năm trước cuộc xâm lăng của Nga), tổng thống
Ukraina đã chuẩn bị một kế hoạch vận động quốc tế hỗ trợ Ukraina giành lại
Crimée. Hoạt động đầu tiên được tổ chức là hội nghị ngày 23/08/2021, quy tụ 46
đại diện của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, kết thúc bằng tuyên bố lên án
việc sáp nhập là trái với luật pháp quốc tế.
Ngày 17/08, Kiev khẳng định rõ cây cầu
dài 19 cây số mà Nga xây bắc qua eo biển Kertch là ‘‘bất hợp pháp’’ và cần
bị hủy bỏ. Cầu Kertch - nối liền bán đảo Crimée với lãnh thổ Nga - chính là nơi
Matxcơva cho vận chuyển các lực lượng vũ trang và phương tiện quân sự tấn công
Ukraina.
No comments:
Post a Comment