Wednesday, 24 August 2022

BÁO HAARETZ : VIỆT NAM NHẮM MUA HỆ THỐNG PHÒNG THỦ TÊN LỬA CỦA ISRAEL (VOA Tiếng Việt)

 



Báo Haaretz: Việt Nam nhắm mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel    

VOA Tiếng Việt

23/08/2022

https://www.voatiengviet.com/a/haaretz-viet-nam-nham-mua-he-thong-phong-thu-ten-lua-cua-israel/6713232.html

 

https://gdb.voanews.com/01a10000-0aff-0242-bf63-08da851bb2ff_cx12_cy7_cw87_w1023_r1_s.jpg

Hệ thống phòng thủ tên lửa Barak 8 được trưng bày tại Triển lãm và Hội nghị Quốc phòng Hàng hải Quốc tế Châu Á 2011 ở Trung tâm Triển lãm Changi ở Singapore ngày 18/5/2011.

 

Một phái đoàn Việt Nam dự kiến sẽ đến thăm Israel vào tháng sau để thúc đẩy một hợp đồng mua vũ khí trị giá nửa tỷ đô la Mỹ, tiếp nối các thương vụ mua bán thiết bị quốc phòng hàng tỷ USD giữa hai nước trong hơn một thập kỷ qua, theo tiết lộ của báo Haaretz.

 

Thông tin này được tờ báo uy tín và lâu đời nhất của Israel đưa ra ngay sau khi cựu Thủ tướng Israel Ehud Barak gặp mặt Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm Hà Nội tuần trước, trong đó hai bên cam kết tăng cường mối quan hệ toàn diện, bao gồm cả an ninh-quốc phòng.

 

Theo Haaretz, một đoàn cấp cao từ Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ đến thăm Israel vào tháng 9 với tư cách là khách mời của Israel Aerospace Industries (IAI), một trong 3 tập đoàn lớn nhất của Israel, để thúc đẩy việc mua một trong ba hệ thống phòng thủ tên lửa Barak 8 trị giá 500 triệu USD của công ty quốc phòng này.

 

Hệ thống Barak 8 của IAI, theo Haaretz, được thiết kế để bảo vệ trước một loạt các mối đe dọa, bao gồm máy bay, trực thăng, máy bay không người lái, tên lửa hành trình và tên lửa chống hạm.

 

Tờ báo này hồi tháng 5 vừa qua cũng đã đưa tin về một thỏa thuận trực tiếp giữa IAI và Bộ Quốc phòng Việt Nam, có giá trị khoảng 550 triệu USD, để bán cho tình báo quân đội Việt Nam vệ tinh do thám “Ofek” do tập đoàn này sản xuất.

 

Cùng thời gian đó, tờ Haaretz nhận định rằng các thương vụ mua bán vũ khí của Việt Nam với Israel gặp khó khăn sau khi bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, một nữ doanh nhân được cho là “một trung gian mấu chốt của các thương vụ mua bán vũ khí” giữa hai nước, bị Bộ Công an Việt Nam khởi tố trong vụ án hình sự “vi phạm quy định về đấu thầu” gây thiệt hại tài sản nhà nước 152 tỷ đồng. Bà Nhàn, chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc AIC, đang bị chính quyền trong nước truy nã vì bà đã ra nước ngoài trước đó.

 

 

XEM THÊM:

Vì sao nữ doanh nhân Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị lệnh bắt trước thềm Hội nghị Trung ương 5?

 

Thông tin về việc phái đoàn Bộ Quốc phòng Việt Nam sẽ tới Israel vào tháng sau để thúc đẩy hợp đồng mua vũ khí với IAI không có trong các bản tin của báo chí chính thống trong nước khi ghi nhận về chuyến thăm của cựu Thủ tướng Barak tới Việt Nam tuần trước.

 

Tuy nhiên, theo Vietnam Plus của Thông tấn xã Việt Nam, trong cuộc gặp với ông Barak hôm 17/8, Chủ tịch Phúc nói rằng Israel đã trở thành một đối tác quan trọng của Việt Nam với một mối quan hệ hợp tác toàn diện, bao gồm cả hợp tác về quốc phòng và an ninh.

 

Trong chuyến thăm tới Israel vào tháng sau, phái đoàn Việt Nam sẽ gặp gỡ người đứng đầu Lực lược Không quân Israel, người chịu trách nhiệm về lực lượng phòng không của nước này, cùng các quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Israel, theo Haaretz.

 

Việt Nam, với dân số gần 100 triệu người, trong một thập kỷ rưỡi qua đã trở thành một trong những thị trường quan trọng nhất đối với ngành công nghiệp quốc phòng của Israel, theo nhận định của Haaretz. Tờ báo này trích dẫn các nguồn tin trong ngành cho biết rằng Israel đã ký kết các thỏa thuận trị giá 1,5 tỷ USD với Việt Nam.

 

Dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cho thấy Việt Nam trong thập kỷ qua đã tăng mạnh chi tiêu quốc phòng và hiện đại hóa các thiết bị quân sự giữa bối cảnh Trung Quốc tăng cường sức mạnh trong khu vực.

 

Việt Nam hồi năm 2015 đã mua hệ thống tên lửa phòng không Spyder của Rafael, một công ty quốc phòng khác của Israel. Việt Nam đã dùng tên lửa được coi là hiện đại hàng đầu châu Á này để đảm bảo an ninh cho cuộc họp cấp cao APEC tại Đà Nẵng cuối năm 2017, nơi Tổng thống Mỹ lúc đó Donald Trump tới tham dự.

 

Ngoài ra, theo Haaretz, Việt Nam cũng đã mua từ Israel hệ thống máy bay không người lái Heron, xe bọc thép, thiết bị radar, hệ thống chỉ huy và kiểm soát hải quân cũng như các thiết bị liên lạc. Tờ báo này còn cho biết rằng một đối tác của Israel đã thiết lập một nhà máy trị giá 100 triệu USD tại Việt Nam để lắp ráp súng trường tại đây.

 

Vẫn theo Haaretz, Israel và Việt Nam vào năm 2011 đã ký một thỏa thuận bí mật nhằm thúc đẩy quan hệ an ninh giữa hai nước. Bộ Quốc phòng và quân đội Israel đã cử các tùy viên quân sự cũng như đại diện bán hàng đến làm việc tại đại sứ quán ở Hà Nội trong khi các bộ trưởng và tướng lĩnh cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đến thăm Israel để thảo luận về các thương vụ khả dĩ. Năm 2018, một phái đoàn cấp cao của Israel do Tổng vụ trưởng Bộ Quốc phòng lúc đó là Udi Adam dẫn đầu đã đến thăm Việt Nam.





No comments:

Post a Comment

View My Stats