Friday, 22 July 2022

"VẮT CHANH BỎ VỎ", SỰ TRÁO TRỞ MANG TÊN . . . TRUNG QUỐC (Lương Thái Sỹ / Saigon Nhỏ)

 



“Vắt chanh bỏ vỏ”, sự tráo trở mang tên… Trung Quốc

Lương Thái Sỹ  -  Saigon Nhỏ

21 tháng 7, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/vat-chanh-bo-vo-su-trao-tro-mang-ten-trung-quoc/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/07/GettyImages-868003978.jpg

Trong nhiều năm, Sri Lanka đã bị Trung Quốc “đường mật” đưa vào bẫy nợ ngập đầu (ảnh: Hiroki Yamauchi – Pool/Getty Images)

 

Việc Trung Quốc bỏ rơi Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa được xem là bài học cho các nhà lãnh đạo thân Trung Quốc trên thế giới.

 

Bản chất lật lọng của Bắc Kinh

 

Trung Quốc chỉ đưa ra những nhận xét chung chung về cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị đang diễn ra ở Sri Lanka và đặc biệt là không hề có dấu hiệu ủng hộ Gotabaya Rajapaksa, “người bạn thân” của Bắc Kinh tại Sri Lanka. Sự việc cho thấy, bất kỳ nguyên thủ quốc gia nào có khuynh hướng thân hoặc tin Trung Quốc phải hiểu rằng việc phát triển mối quan hệ cá nhân với Bắc Kinh không có nghĩa “bạn bè” sẽ giúp nhau khi cần thiết, vì Trung Quốc xem việc “thích nghi với tình hình mới” quan trọng hơn là chăm sóc bạn bè hay chế độ mà họ từng lôi kéo dụ dỗ đi theo quỹ đạo của họ.

 

Gia đình Rajapaksa cai trị Sri Lanka như “nhà riêng” của mình đã đối mặt với sự mất quyền lực đầy ô nhục. Cựu Thủ tướng Mahinda Rajapaksa và cựu Bộ trưởng Tài chính Basil Rajapaksa phải từ chức giữa làn sóng biểu tình giận dữ. Tổng thống Rajapaksa ra đi trong một động thái không tự nguyện khi những người biểu tình giận dữ xông vào Dinh Tổng thống và đòi ông ta từ chức ngay lập tức. Con người tham quyền lực này chỉ từ chức bằng email gửi cho Chủ tịch Quốc hội sau khi đã chạy trốn khá vất vả ra nước ngoài.

 

Điều nổi bật trong nỗi ô nhục của Rajapaksa là sự thờ ơ bất ngờ và gây sốc của Trung Quốc. Rajapaksa đã vun đắp mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc trong hai năm rưỡi qua, nay bị đồng minh lạnh lùng ngoảnh mặt vào thời điểm mà ông cần hỗ trợ. Không chỉ Trung Quốc,  Nga cũng ngó lơ Rajapaksa. Đây là bài học cho các nhà lãnh đạo thân Trung Quốc trên thế giới về hệ quả sẽ xấu thế nào cho họ nếu làm bạn và chung tay thao túng quyền lực với sự giúp đỡ Bắc Kinh.

 

Cần nhắc lại, Rajapaksa đã tìm đường thoát thân khi vẫn là tổng thống để hưởng quyền miễn truy tố đối với tổng thống đương nhiệm theo Hiến pháp. Điểm đến đầu tiên của ông là quần đảo Maldives cùng vợ trên một chiếc máy bay quân sự với hai cận vệ. Trước đó, Rajapaksa cố rời đất nước bằng một chuyến bay dân dụng nhưng bị cơ quan quản lý xuất nhập cảnh và hành khách chặn lại tại nhà ga.

 

Chính quyền Maldives nói rõ nơi này chỉ là điểm trung chuyển để Rajapaksa đến một nơi khác. Trong khi đó, Mỹ từ chối cấp thị thực cho ông ta (đương sự từ bỏ quốc tịch Hoa Kỳ từ năm 2003 để tranh cử tổng thống năm 2019). Sau đó, Rajapaksa được phép vào Singapore nhưng chính phủ đảo quốc này không cấp quy chế tị nạn. Hãng tin AFP dẫn lời Bộ Ngoại giao Singapore xác nhận Rajapaksa đã đến Singapore với “tư cách cá nhân”, không phải với tư cách nguyên thủ.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/07/GettyImages-1242017227.jpg

Tân Tổng thống Ranil Wickremesinghe (ảnh: Pradeep Dambarage/NurPhoto via Getty Images)

 

Hối không còn kịp

 

Những quyết định của Ấn Độ, Mỹ, Maldives hay Singapore không hề gây ngạc nhiên vì không ai nghĩ các quốc gia này giúp đỡ Rajapaksa hoặc phải bảo vệ ông ta. Tất cả đều hướng về Trung Quốc, nơi gia đình Rajapaksa đã dễ dãi “trao tặng” nhiều dự án chiến lược mà không hề xem xét kỹ tác hại cho đất nước mình! Tuy nhiên, Bắc Kinh chẳng thèm bận tâm đến số phận chính trị te tua của Rajapaksa!

 

Khi được hỏi về các cuộc biểu tình công khai buộc Rajapaksa phải rời khỏi đất nước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) nói: “Với tư cách là một người bạn, láng giềng và đối tác, Trung Quốc chân thành mong muốn tất cả mọi người ở Sri Lanka sẽ vì lợi ích đất nước, nhân dân để đoàn kết cùng vượt khó khăn, phấn đấu sớm khôi phục, ổn định và phục hồi kinh tế và cải thiện dân sinh”.

 

Trung Quốc cũng phản ứng tương tự trước vụ từ chức của (cựu) Thủ tướng Mahinda Rajapaksa, anh của Rajapaksa. Trung Quốc không chỉ tránh đề nghị cho họ tị nạn hoặc công khai ủng hộ anh em nhà Rajapaksa, mà còn không có chút thiện ý nào muốn cứu nền kinh tế Sri Lanka thoát khỏi khủng hoảng. Trước đó, khi chế độ Rajapaksa cố kiểm soát tình hình bằng tất cả phương cách để giá nhiên liệu và lương thực tăng cao không kích động cơn giận dữ của người dân và biến thành bạo động lật đổ, thì Trung Quốc đã chặn không cho Colombo vay $1.5 tỷ như cam kết.

 

Trung Quốc là nước hưởng lợi nhiều nhất từ chế độ gia đình trị độc đoán và tham nhũng của gia tộc Rajapaksa. Ngay cả trước khi Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) có hiệu lực, Trung Quốc đã đầu tư vào các dự án như Sân bay Quốc tế Mattala Rajapaksa ở miền Nam Sri Lanka, được xây dựng bằng khoản vay lãi suất cao nhưng thua lỗ nặng ngay từ lúc đi vào hoạt động. Năm 2015, các tập đoàn quốc doanh Trung Quốc đã đóng góp hàng triệu đôla cho chiến dịch vận động của Mahinda Rajapaksa và tặng những món quà trị giá hàng trăm ngàn đôla cho những người ủng hộ gia tộc Rajapaksa.

 

Đổi lại, Trung Quốc được phép đầu tư vào những dự án “vô bổ” sử dụng các khoản vay lãi suất cao của các ngân hàng nhà nước Trung Quốc như dự án cảng Hambantota. Khi Colombo không trả được nợ cho dự án thua lỗ này, Bắc Kinh cũng kết thúc thoả thuận hợp thuê cảng 99 năm để… thu hồi nợ. Đáng buồn là ngay cả khi thế giới bàn tán về sự thất bại của cảng Hambantota, Rajapaksa vẫn cho phép Bắc Kinh đầu tư vào dự án Thành phố Cảng Colombo, để rồi nó cuối cùng cũng trở thành một “ác mộng” khác cho nền kinh tế Sri Lanka.

 

Sri Lanka là một bài học cho tất cả các nhà lãnh đạo thế giới có xu hướng đổ tiền vào các khoản đầu tư bằng tiền vay Trung Quốc. Thực tế cho thấy các khoản đầu tư của Trung Quốc không chỉ khiến đất nước họ mắc kẹt trong bẫy nợ, mà Trung Quốc cũng sẵn sàng hy sinh tất cả mối quan hệ “thắm thiết” với một cá nhân hoặc một gia đình. Các nhà lãnh đạo thân Trung Quốc ở Đông Nam Á và châu Phi phải hiểu rằng việc phát triển mối quan hệ cá nhân với Bắc Kinh có thể là cách “tự giết mình”.

 

Sri Lanka, đất nước từng có Chỉ số Phát triển Con người (Human Development Index-HDI) tốt nhất trong vùng và thu nhập bình quân đầu người cao hơn 50% so với Ấn Độ, đã lâm vào cảnh túng quẫn vì các chính sách sai lầm của gia tộc Rajapaksa sau khi đánh bại lực lượng Hổ Tamil (LTTE) trong cuộc nội chiến kết thúc năm 2009.

 

Những lợi ích thu được từ sự bùng nổ kinh tế đã giúp Sri Lanka tăng gấp đôi thu nhập trong sáu năm, nhưng lại sớm trở thành quốc gia thất bại khi bị Trung Quốc cho ăn bánh vẽ để theo đuổi các dự án cơ sở hạ tầng tốn kém. Năm 2015, khi gia đình Rajapaksa bị lật đổ lần đầu, nợ công đã vượt qua 4/5 GDP. Năm 2016, IMF đồng ý cứu Sri Lanka. Tuy nhiên, sự trở lại của gia tộc Rajapaksa vào năm 2019 đã đưa ​​nền kinh tế xuống dốc một lần nữa với sự “cố vấn” tích cực của “thầy dùi” Trung Quốc.

_______

 

 

Bàn tay bẩn của Trung Quốc trong bi kịch Sri Lanka

Lê Tây Sơn  -  Saigon Nhỏ
20 tháng 7, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/ban-tay-ban-cua-trung-quoc-trong-bi-kich-sri-lanka/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/07/GettyImages-1242002098.jpg

Colombo, Sri Lanka, ngày 19 Tháng Bảy 2022: Dân biểu tình cầm hình nộm bày tỏ phản đối quyền Tổng thống Ranil Wickremesinghe (ảnh: Tharaka Basnayaka/NurPhoto via Getty Images)

 

Các khoản vay của Trung Quốc gần như luôn chiếm tỷ lệ lớn nợ nước ngoài của các quốc gia nghèo lúc họ đang cần vay mượn. Tại Zambia là khoảng 30%. Hàng tỷ đôla Trung Quốc “tài trợ” cho một nhà máy thủy điện và các cơ sở hạ tầng đường sắt cũng khiến Lào sắp rơi vào bẫy nợ của Bắc Kinh.

 

Vì đâu nên nỗi?

 

Ngày 20 Tháng Bảy, quốc đảo Sri Lanka bước vào giai đoạn mới của cuộc khủng hoảng khi Quốc hội bầu tổng thống mới. Sự tháo chạy rồi từ chức đầy hoảng loạn của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và Thủ tướng Mahinda Rajapaksa (hai anh em đóng vai trò quan trọng trong chính trường đất nước suốt hơn một thập niên) diễn ra trong bối cảnh kinh tế sụp đổ tan nát, dẫn đến các cuộc biểu tình hàng loạt của những người dân không còn biết nương tựa vào đâu.

 

Giờ đây, người chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu kín tại Quốc hội sẽ phải thành lập một chính phủ đoàn kết tại một đất nước đang bị chia rẽ để mở đường cho các cuộc bầu cử mới. Nhưng bất cứ ai nắm quyền cũng đều kế thừa một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, trong đó có cả việc vạch ra một kế hoạch kinh tế khả thi và đạt được sự ủng hộ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong những cuộc đàm phán không hề dễ dàng để cứu một đất nước bị phá sản, mất khả năng trả nợ nước ngoài nhiều chục tỷ đôla và không có khả năng thanh toán các mặt hàng nhập khẩu thiết yếu, đặc biệt là thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu, trong khi kho ngoại tệ đã trống rỗng!

 

Lạm phát tăng vọt khiến gần như toàn bộ 22 triệu dân Sri Lanka đều cần trợ cấp lương thực. Các trường học và nhiều cơ sở kinh doanh vẫn đóng cửa, cơ quan làm việc chỉ vài ngày trong tuần và người dân phải xếp hàng dài vài kilomet để mua xăng.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/07/GettyImages-1228987145.jpg

(Cựu) Tổng thống Gotabaya Rajapaksa trong cuộc gặp Dương Khiết Trì, ủy viên Bộ Chính trị, chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác ngoại vụ Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ảnh: Ajith Perera/Xinhua via Getty Images)

 

Một trường hợp cảnh báo cho các nước nghèo

 

Đối với phần còn lại của thế giới, Sri Lanka đã trở thành một câu chuyện cảnh báo về sự bất hạnh khi có một chính phủ không vì dân mà vì phe đảng và gia đình trị. Sự tham lam, mê quyền lực của anh em nhà Rajapaksa cùng với kế hoạch sai lầm nhằm chuyển đổi ngành nông nghiệp thành hữu cơ hoàn toàn không dùng phân bón và thuốc trừ sâu hoá học, đã tác động xấu đến các lĩnh vực khác và vượt ngoài tầm kiểm soát của chính phủ.

 

Ngoài ra còn ảnh hưởng rất lớn của đại dịch, làm sụp đổ ngành du lịch quan trọng của đảo quốc, rồi cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine gây gián đoạn thêm chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy nhanh vòng xoáy lạm phát kéo nền kinh tế xuống vực sâu. Các chuyên gia quốc tế cảnh báo các quốc gia nợ nần chồng chất khác, từ Lào ở Đông Nam Á đến Kenya ở Đông Phi, đang đứng trước số phận tương tự. “Các quốc gia có mức nợ cao và không gian hạn chế để linh hoạt hơn về chính sách sẽ phải đối mặt với những căng thẳng khó lường.

 

Sri Lanka là một dấu hiệu cảnh báo – bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành IMF nhận định trong cuộc họp mới đây của các bộ trưởng tài chính Nhóm G20. Một trong những tác nhân chính gây ra thảm họa ở Sri Lanka là Trung Quốc. Bắc Kinh là chủ nợ lớn nhất của Sri Lanka, chiếm khoảng 10% tổng nợ nước ngoài của quốc gia này. Từ năm 2000 đến năm 2020, Trung Quốc đã hào phóng rót gần $12 tỷ cho chính phủ Sri Lanka, phần lớn dùng tài trợ cho một loạt các dự án cơ sở hạ tầng lớn không mang lại lợi ích trong đó có cả một cảng biển tốn kém ở quê nhà Hambantota của anh em Rajapaksa mà cách đây hơn năm năm đã phải nhượng lại cho Trung Quốc sử dụng nhiều năm để cấn nợ.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/07/GettyImages-1233844555.jpg

(Cựu) Thủ tướng Mahinda Rajapaksa trong một hội nghị trực tuyến với Trung Quốc (ảnh: Jin Liangkuai/Xinhua via Getty Images)

 

Mắc bẫy

 

Sau khi chi một số tiền lớn để trở thành chủ nợ của nhiều nước đang phát triển, trong những năm gần đây, các ngân hàng nhà nước Trung Quốc đã chuyển sang tập trung vào hoạt động… thu hồi nợ. Và lập tức Sri Lanka trở thành một nạn nhân của chính sách cho vay hào phóng nhưng thực ra là “giăng bẫy nợ” của “người bạn lớn”. Lý do đòi nợ là nền kinh tế của các con nợ đang chậm lại khiến Bắc Kinh không còn mặn mà với mục tiêu cũ, và ưu tiên mới bây giờ là giảm rủi ro các khoản tiền cho nước ngoài vay.

 

Sri Lanka được xem là điển hình của cái mà giới quan sát quốc tế gọi là “ngoại giao bẫy nợ” (debt trap diplomacy) của Trung Quốc. Năm 2020, “miếng mồi” đầu tiên được tung ra khi Trung Quốc cho Sri Lanka vay dễ dàng $3 tỷ để giúp trả các khoản nợ đến hạn. Sri Lanka bị dụ “chui đầu vào rọ” để khỏi phải trải qua các bước khó khăn trong cuộc thương lượng tái cơ cấu nợ nần với IMF, với yêu cầu tiên quyết là con nợ phải áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng để thuyết phục Câu lạc bộ Paris (Paris Club – gồm 22 quốc gia chủ nợ lớn của thế giới; Trung Quốc không có chân trong câu lạc bộ này).

 

Chọn lựa này của Sri Lanka là một sai lầm. Ông Ali Sabry, quyền Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka từ Tháng Tư đến Tháng Năm nói với tờ The Wall Street Journal: “Thay vì tận dụng nguồn dự trữ hạn chế hiện có và tái cấu trúc khoản nợ trước, chúng tôi lại tiếp tục thanh toán nợ cho đến khi hết tất cả dự trữ ngoại tệ quốc gia! Lẽ ra chúng tôi nên thương lượng với IMF ít nhất 12 tháng trước khi đưa ra quyết định”.

 

Không chỉ Sri Lanka

 

Trung Quốc luôn bác bỏ những chỉ trích của phương Tây về chiến thuật dùng nợ khống chế nước nghèo mà còn tố cáo “đây là kiểu chủ nghĩa cha chú của thời thuộc địa”. “Phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo không muốn thấy bất kỳ sự hợp tác có lợi nào giữa Trung Quốc và các nước khác, vì phương Tây biết kiểu hợp tác của họ đã mất lợi thế” – tờ Thời báo Hoàn cầu, cái loa của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã viết như thế để đáp trả lời chỉ trích về vai trò của Trung Quốc ở Lào.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/07/GettyImages-1237652381.jpg

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong chuyến công du Sri Lanka vào Tháng Một 2022 nhân dịp 65 năm quan hệ ngoại giao hai nước (ảnh: Ajith Perera/Xinhua via Getty Images)

 

Dù tại Sri Lanka, Trung Quốc không phải là chủ nợ duy nhất mà còn Ấn Độ, Nhật Bản và một số quốc gia khác (tất cả đều vướng vào các cuộc đàm phán phức tạp về việc thu hồi nợ và viện trợ thêm) nhưng theo Alan Keenan thuộc Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (International Crisis Group) thì “chủ nợ” Trung Quốc có lắm “vấn đề” nhất. Ví dụ Bắc Kinh hỗ trợ chính trị tích cực cho gia đình Rajapaksa và các chính sách của họ.

 

Chính những mờ ám phía sau các khoản vay đã dẫn đến sự sụp đổ kinh tế của Sri Lanka. Đất nước này chỉ có thể hồi sinh bằng việc sửa đổi Hiến pháp để có một nền văn hóa chính trị dân chủ hơn. Nếu không, Sri Lanka khó lòng thoát khỏi cơn ác mộng hiện nay. Những hậu quả mà Bắc Kinh để lại ở Sri Lanka sẽ còn kéo dài nhiều năm tới. Peter Hartcher của tờ Sydney Morning Herald viết: “Đây là vụ sụp đổ lớn đầu tiên, không thể kiểm soát của một quốc gia mang nợ mà Trung Quốc là ‘chủ nợ chi phối’. Nó dẫn đến những câu hỏi lớn về sự tàn nhẫn của Bắc Kinh trong việc vận dụng quyền lực mới có được trên số phận của các quốc gia đúng vào thời điểm nó dễ bị tổn thương nhất”.

 

Tham khảo: The Washington Post





No comments:

Post a Comment

View My Stats