Monday, 11 July 2022

THẾ GIỚI HÔM NAY : 11/07/2022 (The Economist)

 



THẾ GIỚI HÔM NAY : 11/07/2022

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

11/07/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/07/11/the-gioi-hom-nay-11-07-2022/

 

Người biểu tình Sri Lanka tuyên bố sẽ chiếm dinh tổng thống cho đến khi tổng thống Gotabaya Rajapaska thực sự từ chức. Ông Rajapaska đã cho biết sẽ từ chức vào ngày 13 tháng 7. Trước đó người biểu tình đã phóng hỏa nhà riêng của thủ tướng Ranil Wickremesinghe và xông vào dinh tổng thống. Họ tức giận về cuộc khủng hoảng tài chính của đất nước, cũng như lạm phát phi mã và tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu. Ông Wickremesinghe cũng đồng ý từ chức.

 

Các cựu bộ trưởng y tế Sajid Javid và Jeremy Hunt trở thành hai nhân vật tiếp theo tham gia cuộc đua đông đảo cho ghế lãnh đạo Đảng Bảo thủ Anh, một bước đệm để trở thành thủ tướng. Bộ trưởng tài chính Nadim Zahawi, bộ trưởng giao thông vận tải Grant Shapps, và cựu bộ trưởng tài chính Rishi Sunak cũng tuyên bố ứng cử. Cuộc đua có thể kéo dài hàng tháng, dù các nghị sĩ cho biết họ đặt mục tiêu sớm kết thúc phần còn lại của nhiệm kỳ Johnson.

 

Thăm dò hậu bỏ phiếu ở Nhật Bản trong cuộc bầu cử quốc hội được tổ chức hai ngày sau vụ ám sát cựu thủ tướng Abe Shinzo cho thấy Đảng Dân chủ Tự do của ông sẽ gia tăng thế đa số ở thượng viện. Sau vụ ám sát, thủ tướng Kishida Fumio đã cam kết vẫn tiến hành cuộc bầu cử và “không đầu hàng bạo lực.” Cảnh sát thừa nhận có “vấn đề” trong an ninh cho ông Abe.

 

Novak Djokovic của Serbia đánh bại tay vợt Úc Nick Kyrgios trong bốn set để giành danh hiệu đơn nam tại Wimbledon. Đây là chiến thắng Wimbledon thứ tư liên tiếp của Djokovic và là chiến thắng thứ bảy của anh ở giải này. Trước đó vào thứ Bảy, Elena Rybakina của Kazakhstan đánh bại Ons Jabeur của Tunisia để giành chiến thắng trong trận chung kết đơn nữ.

 

Cảnh sát Nam Phi cho biết ít nhất 15 người đã thiệt mạng trong vụ xả súng tại một quán rượu ở Soweto, gần Johannesburg. Được biết vào đầu giờ sáng Chủ nhật, một nhóm đàn ông trang bị súng trường và súng lục đã vào quán bar và bắn bừa bãi vào đám đông.

 

Tên lửa Nga đã tấn công một số thành phố ở vùng Donbas, miền đông Ukraine, gây ra thiệt hại trên diện rộng, theo lời các quan chức. Serhiy Haidai, một thống đốc khu vực, đã mô tả loạt tấn công như “địa ngục thực sự.” Chính phủ Ukraine cũng yêu cầu người dân ở các vùng lãnh thổ phía nam do Nga nắm giữ sơ tán khi Kyiv lên kế hoạch phản công. Trước đó tình báo quân sự Anh cho biết Nga đang tập hợp lực lượng dự bị đến gần biên giới Ukraine.

 

Thượng Hải ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm covid-19 mới, làm dấy lên lo ngại trung tâm tài chính của Trung Quốc sẽ một lần nữa đi vào phong tỏa. Ca nhiễm cũng đang gia tăng ở thành phố Hải Khẩu, khiến giới chức phải cho đóng hầu hết các cơ sở kinh doanh và địa điểm công cộng trong một tuần. Còn tại Macao, một lãnh thổ bán tự trị và thiên đường cờ bạc, các sòng bạc sẽ đóng cửa một tuần kể từ thứ Hai vì tình hình lây nhiễm phức tạp.

 

Con số trong ngày: 4 tỷ đô la, là doanh thu năm ngoái của TikTok. Doanh thu sẽ tăng lên 12 tỷ đô la trong năm nay và 23 tỷ đô la vào năm 2024.

 

TIÊU ĐIỂM

 

Cuộc đua vào ghế thủ tướng Anh bắt đầu

Trong nhiều tuần qua, các nghị sĩ đảng Bảo thủ đã luôn miệng nói rằng họ không thể cách chức thủ tướng Boris Johnson vì không tìm được người thay thế khả thi. Nhưng kể từ khi ông từ chức lãnh đạo đảng vào tuần trước, hóa ra lại có khá nhiều người nghĩ mình có thể kế nhiệm ông.

 

Ông Johnson muốn tại vị cho đến khi Đảng Bảo thủ chọn được lãnh đạo mới (người cũng sẽ là thủ tướng). Trong vòng hai tuần tới, các nghị sĩ Bảo thủ sẽ bỏ phiếu để giảm số ứng viên xuống còn hai. Hai ứng viên dẫn đầu sau đó sẽ được chọn bởi tất cả đảng viên Bảo thủ vào đầu tháng 9.

 

Cho đến nay có chín nghị sĩ đã ghi tên mình vào cuộc đua. Họ bao gồm cựu bộ trưởng tài chính Rishi Sunak, ngoại trưởng Liz Truss, và tổng chưởng lý Suella Braverman. Các ứng viên đang đưa ra các thông điệp tương tự nhau: cắt giảm thuế, tăng chi tiêu quốc phòng — và tách mình khỏi sự hỗn loạn và nhếch nhác của thời kỳ Johnson.

 

Các đảo quốc Thái Bình Dương có dấu hiệu chia rẽ

Một đêm trước cuộc họp thường niên của Diễn đàn Các Đảo Thái Bình Dương vào thứ Hai, tổng thống Kiribati bỗng nhiên thông báo không tham dự. Taneti Maamau cho biết diễn đàn đã không thể giải quyết được những vấn đề của các nước Micronesia. Đây là đòn giáng mạnh vào tổ chức này, vốn có 18 thành viên đang là tâm điểm của cuộc tranh giành ảnh hưởng ngày càng gay gắt.

 

Hồi tháng 4, Trung Quốc đã ký một hiệp ước an ninh với Quần đảo Solomon, cho phép nước này gửi quân nhân, cảnh sát, và tàu chiến đến trợ giúp nếu được mời. Kể từ đó ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã cố gắng – nhưng không thành công – thuyết phục mười quốc gia Thái Bình Dương ký một hiệp định thương mại và an ninh khu vực. Ở chiều ngược lại, Mỹ và các đồng minh cũng gia tăng viện trợ và vốn liếng ngoại giao cho khu vực.

 

Các đảo quốc Thái Bình Dương đang cảnh giác trước khả năng bị bóp nghẹt giữa các cường quốc. Và họ muốn thế giới nỗ lực hơn nữa trong cuộc chiến với biến đổi khí hậu. Trước những thách thức như vậy, họ cần tất cả sự đoàn kết mà nhóm có thể tập hợp được.

 

Châu Âu hồi hộp chờ động thái của Nga về khí đốt

Trước đây không có nhiều người tin khi chính phủ Đức cho rằng việc châu Âu ngừng nhập khẩu khí đốt Nga sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Nhưng giờ đây triển vọng u ám này đang trở nên lớn hơn bao giờ hết.

 

Vào thứ Hai, tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga sẽ ngừng tất cả các dòng khí đốt dọc theo Nord Stream 1, đường ống chính dẫn khí đốt của Nga vào châu Âu. Lý do được đưa ra là bảo dưỡng turbin theo lịch trình, và sẽ được nối lại chỉ sau 10 ngày. Nhưng hoàn toàn có khả năng tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tìm cớ để không mở lại van.

 

Hồi tháng 6, khối lượng khí đốt của Nga vào châu Âu qua tất cả các đường ống chính chỉ đạt 4,7 tỷ mét khối, giảm hai phần năm so với tháng 5 và chỉ bằng một phần ba so với đầu năm 2021. Nhưng ngay cả khi khí chảy trở lại, ông Putin vẫn có thể chờ thời tiết lạnh lên mới cắt giảm xuất khẩu, qua đó có được lợi thế tối đa.

 

Tròn một năm người dân Cuba biểu tình

Một năm trước, hàng nghìn người Cuba đã xuống đường để phản đối điều kiện sống trên đảo. Việc họ đứng lên bày tỏ bất bình — về tình trạng thiếu điện, thiếu hàng hóa, và nền kinh tế suy sụp — là điều chưa từng có. Và dĩ nhiên cuộc đàn áp của chính phủ cũng vậy. 700 người biểu tình vẫn đang chờ xét xử, với mức án từ 5 năm đến 30 năm.

 

Năm nay các đường phố ở Havana có thể sẽ yên tĩnh hơn. Nhưng mạng xã hội đang râm ran yêu cầu trả tự do cho một số tù nhân nổi tiếng, bao gồm những người như nghệ sĩ Luis Manuel Otero Alcántara hay Maykel Castillo Pérez. Các cuộc tuần hành và lễ kỷ niệm ngày 11 tháng 7 cũng được tổ chức tại hơn 30 thành phố bên ngoài Cuba, từ Miami đến Montevideo.

 

Khi điều kiện kinh tế tệ đi, ngày càng có nhiều người Cuba chạy trốn. Dòng người di cư đến Mỹ tăng đã khiến chính quyền Biden phải nới lỏng một số biện pháp trừng phạt. Nhưng nếu bản thân Havana không ban hành các cải cách ý nghĩa, nỗi thống khổ của người dân Cuba sẽ không thể tự chấm dứt.





No comments:

Post a Comment

View My Stats