Thursday, 14 July 2022

TÀU MỸ ĐẾN GẦN QUẦN ĐẢO HOÀNG SA, TRUNG QUỐC GIẬN DỮ (BBC News Tiếng Việt)

 



Tàu Mỹ đến gần quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc giận dữ

BBC News Tiếng Việt

13 tháng 7 năm 2022

https://www.bbc.com/vietnamese/world-62150459

 

https://ichef.bbci.co.uk/news/800/cpsprodpb/111D2/production/_125889007_06317595f1d9e693e331529d3f3d029594019c8e.jpg.webp

Tàu USS Benfold

 

Trung Quốc công khai bày tỏ phản đối sau khi tàu khu trục tên lửa USS Benfold của Mỹ vào ngày 13/7 đã đi vào vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc kiểm soát nhưng Việt Nam tuyên bố có chủ quyền.

 

Chính sách Bốn Không làm VN cô quạnh khi có quyền lợi chung với Mỹ?

TQ tố Úc và Canada 'thông tin sai' về các vụ gây nguy hiểm trên không

 

Trung úy Nicholas Lingo, người phát ngôn của Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ đặt căn cứ tại Nhật Bản, nói đây là hoạt động "tự do hàng hải" thứ hai ở quần đảo Hoàng Sa trong năm nay.

 

Thông cáo hải quân Mỹ tuyên bố: "Các yêu sách hàng hải trái pháp luật và sâu rộng ở Biển Đông gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với tự do trên biển, bao gồm quyền tự do hàng hải và hàng không, thương mại tự do và thương mại không bị cản trở, và tự do cơ hội kinh tế cho các quốc gia ven Biển Đông."

 

"Theo luật pháp quốc tế ... tàu của tất cả các quốc gia - bao gồm cả tàu chiến của họ - được hưởng quyền đi lại tự do. Việc đơn phương áp đặt bất kỳ yêu cầu ủy quyền hoặc thông báo trước nào về việc đi lại là trái pháp luật."

 

Hải quân Mỹ cho biết tàu USS Benfold "khẳng định các quyền và tự do hàng hải ở Biển Đông gần quần đảo Hoàng Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế".

 

Nhưng một phát ngôn viên của chinh phủ Trung Quốc ngày 13/7 nói hành động của tàu Mỹ đã "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền và an ninh của Trung Quốc khi xâm nhập trái phép vào lãnh hải của Trung Quốc".

 

Trung Quốc nói hải quân và không quân đã tiến hành "giám sát, cảnh báo và xua đuổi" tàu chiến Mỹ.

 

"Các sự kiện một lần nữa cho thấy Hoa Kỳ tạo ra rủi ro an ninh ở Biển Đông và hủy diệt hòa bình và ổn định trong khu vực," một người phát ngôn của Trung Quốc nói.

 

Hải quân Hoa Kỳ lại nói tuyên bố của Trung Quốc là "sai sự thật" và là hành động mới nhất nhằm "xuyên tạc các hoạt động hàng hải hợp pháp của Hoa Kỳ".

 

Mỹ thách thức

 

Thông cáo ngày 13/7 của Hạm đội 7 nói:

 

"Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Vi phạm luật pháp quốc tế, cả ba bên tranh chấp đều yêu cầu phải được phép hoặc thông báo trước, trước khi tàu quân sự hoặc tàu chiến tham gia vào "hành lang vô hại" qua lãnh hải."

"Theo luật pháp quốc tế như được phản ánh trong Công ước Luật Biển, tàu của tất cả các Quốc gia - kể cả tàu chiến của họ - được hưởng quyền đi lại vô hại qua lãnh hải."

 

"Việc đơn phương áp đặt bất kỳ yêu cầu ủy quyền hoặc thông báo trước nào để được thông hành vô hại là trái pháp luật."

 

"Bằng cách tham gia vào việc đi lại vô hại mà không thông báo trước hoặc xin phép bất kỳ bên nào, Hoa Kỳ đã thách thức những hạn chế bất hợp pháp này do CHND Trung Hoa, Đài Loan và Việt Nam áp đặt."

 

Tuyên bố của Hải quân Mỹ cho biết hoạt động hôm thứ Tư cũng thách thức "đường cơ sở thẳng" - là đường nối các điểm hoặc đảo nhô ra nhất của bờ biển lục địa hoặc đảo.

 

Ngày 15/5/1996, Trung Quốc đã tuyên bố hệ thống đường cơ sở thẳng tại quần đảo Hoàng Sa, vận dụng theo phương pháp thiết lập hệ thống đường cơ sở quốc gia quần đảo.

 

Hoa Kỳ nói họ không công nhận diễn giải năm 1996 của Trung Quốc.

 

"Luật pháp quốc tế không cho phép các quốc gia lục địa, như CHND Trung Hoa, thiết lập các đường cơ sở xung quanh toàn bộ các nhóm đảo phân tán. Với những đường cơ sở này, CHND Trung Hoa đã cố gắng yêu sách nhiều vùng nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hơn quyền được hưởng theo luật pháp quốc tế ", tuyên bố của Hạm đội 7 nói rõ.

 

"Khi tiến hành hoạt động này, Hoa Kỳ đã chứng minh rằng những vùng biển này nằm ngoài những gì mà CHND Trung Hoa có thể tuyên bố hợp pháp là lãnh hải của mình, và rằng CHND Trung Hoa đã tuyên bố chủ quyền các đường cơ sở thẳng xung quanh quần đảo Hoàng Sa là không phù hợp với luật pháp quốc tế."

 

Trung Quốc đã kiểm soát quần đảo Hoàng Sa sau cuộc đụng độ vũ trang ngày 19/1/1974 với quân đội chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.

 

Đảng Cộng sản Việt Nam, cầm quyền tại Việt Nam sau chiến thắng 30/4/1975, tuyên bố quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ năm 1974.

 

Trung Quốc gọi Hoàng Sa là quần đảo Tây Sa, khẳng định Trung Quốc có chủ quyền "không thể tranh cãi" tại đây.

 

Vào tháng Năm năm 2021, một tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Mỹ cũng đã đi qua quần đảo Hoàng Sa.

 

Người phát ngôn Trung Quốc, Triệu Lập Kiên, khi đó nói Trung Quốc hối thúc Mỹ "lập tức chấm dứt những hành vi khiêu khích xâm phạm quyền lợi như vậy".





No comments:

Post a Comment

View My Stats