Sunday 3 July 2022

TẬP CẬN BÌNH TỰ MÃN VỀ HỒNG KÔNG (Phạm Phú Khải)

 



Tập Cận Bình tự mãn về Hồng Kông

Phạm Phú Khải

04/07/2022

https://www.voatiengviet.com/a/t%E1%BA%ADp-c%E1%BA%ADn-b%C3%ACnh-t%E1%BB%B1-m%C3%A3n-v%E1%BB%81-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng-/6643963.html

 

https://gdb.voanews.com/d7f4532a-0d63-4425-bca5-1c09ac8a1b73_w650_r1_s.jpg

Màn ảnh lớn tại Bắc Kinh chiếu hình chuyến đi thăm Hồng Kông của Tập Cận Bình, 1 tháng Bảy.

 

Tập vẫn nói về dân chủ, như trong bài phát biểu tại Hồng Kông vừa qua mà Tập biện luận rằng dân chủ đích thực đã bắt đầu tại Hồng Kông cách đây 25 năm.

 

Phát biểu nhân kỷ niệm 25 năm ngày Hồng Kông được trả về lại cho Trung Quốc, Tập Cận Bình nhất mạnh rằng nền dân chủ trong một quốc gia hai thể chế sẽ bền vững. Tập nhấn mạnh vào ngày 1 tháng 7: “Sau nhiều xáo trộn, mọi người đã học được một bài học đau đớn rằng Hong Kong không thể mất trật tự, không thể tồn tại như thế được… Hồng Kông đang ở trong một giai đoạn mới từ rối loạn sang ổn định, từ ổn định đến thịnh vượng”.

 

Quan điểm của Tập nói riêng, Bắc Kinh và Đảng Cộng sản Trung Quốc nói chung, vẫn luôn luôn nhất quán rằng ổn định là tối quan trọng. Là ưu tiên cho mọi ưu tiên. Là nền tảng cho mọi sự tiến bộ. Là thịnh vượng.

 

Ổn định mà Tập đề cao ở đây phải nên được hiểu rằng không thể có đối lập hay biểu tình; không thể có tự do báo chí, truyền thông; không thể có nền giáo dục khai phóng, cấp tiến, rộng mở. Ổn định, sau cùng, theo cái nhìn của Tập, có nghĩa người dân phải lắng nghe và làm theo chính quyền; họ không được phản biện, phản đối hay phản kháng.

 

Bắc Kinh cảm thấy bị đe dọa qua các cuộc biểu tình ngày đêm và kéo dài nhiều tháng của phong trào dân chủ tại Hồng Kông, có khi lên đến gần 2 triệu người, từ năm 2019 đến 2020. Vì thế luật an ninh Hồng Kông đã được ban hành ngày 1 tháng 7 năm 2020. Mục đích, cho đến nay, thì rất rõ ràng. Bắc Kinh muốn ban hành đạo luật này để loại trừ mọi mầm mống đối kháng tại Hồng Kông, qua đó nhắc nhở Ma Cau, Tân Cương, Tây Tạng, và gián tiếp là Đài Loan, cũng như 1.4 tỷ người dân Trung Quốc tại Hoa lục, là đối kháng không thể hiện hữu trong khi họ cai trị.

 

Tóm lại tư duy của Tập và lãnh đạo Bắc Kinh từ xưa đến nay không hề thay đổi: Chấp nhận và im lặng để họ cai trị, chứ không được quyền phê phán.

 

Hai năm qua, hơn 10 ngàn người đã bị bắt, và 2,800 bị kết tội, từ khi ban hành Luật An ninh Quốc gia. 47 người trong này là những chính trị gia hay nhà hoạt động dân chủ đang chờ đợi xử về tội “lật đổ”. Những người đứng đầu chính quyền Hồng Kông hiện nay đều có xuất xứ trong lĩnh vực an ninh, từ John Lee đến Eric Chan, Chris Tang và Erick Tsang v.v…

 

Tự do báo chí, truyền thông là điều trái ngược hoàn toàn với chủ trương và quan điểm của Bắc Kinh. Sau gần một năm ban hành luật an ninh quốc gia, tài sản của Jimmy Lai và công ty Next Digital đã bị đông lạnh vào tháng 6 năm 2021, đưa đến sự đóng cửa của các công ty liên hệ. Jimmy Lai, người đứng đầu tờ báo Apply Daily, và Next Digital, cũng như hàng chục biên tập viên, đã lần lượt bị bắt. Một vài nhà báo, với ý chí kiên cường không khuất phục, như Alvin Chan, Leung Ka Lai, đã tiếp tục sử dụng truyền thông xã hội để giống lên tiếng nói của mình. Leung phát hành 40 tường trình trên Facebook của mình kể từ khi Apply Daily bị đóng cửa, phần lớn là phỏng vấn với những người bị bắt hay lãnh đạo phong trào. Nhưng đó chỉ là số hiếm hoi. Đại đa số đã mất việc, hay không còn viết được gì cả. Ký giả Norman Choi cho biết bây giờ Choi đang làm việc cho McDonald để kiếm sống, trong khi các đồng nghiệp thì không được may mắn như vậy. Choi cho hay giờ đây thông tin cũng tràn ngập như trước, không thua gì. Nhưng tính độc lập và chất lượng thì thiếu hẳn; chủ yếu chỉ nói một chiều, chiều chính thống. Một ký giả khác cũng tên Leung, với hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề, cho biết từ lúc Apple Daily bị đóng cửa ngày 23 tháng 6, Leung không viết được chữ nào cả.

 

Từ giữa tháng 6 vừa qua, các cơ quan truyền thông địa phương cho biết một số sách giáo khoa tại Hồng Kông sẽ xóa phần nói rằng Hồng Kông từng thuộc địa Anh. Được biết nó đang được các nhà chức trách giáo dục kiểm duyệt, trong chủ trương xem xét lại toàn bộ trường học tại đây từ chính sách của Tập Cận Bình: để bảo vệ các đầu óc ngây thơ, và để nâng cao lòng trung thành và yêu nước của công dân Hồng Kông, đặc biệt dành cho Hoa lục. VOA điều nghiên về điều này cho biết rằng sách giáo khoa mới cũng gọi các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ năm 2019 là "các sự kiện bạo lực nghiêm trọng, các phần trong đó kích động sự dụ dỗ và lật đổ chính phủ, gây ra mối đe dọa đối với chủ quyền, an ninh quốc gia và lợi ích của Hồng Kông." The New York Times cho biết Jeffrey Ngo, nhà dân chủ tại Hồng Kông và đang làm luận án tiến sĩ tại Georgetown, biện luận rằng đó là cách nói ngắn để biện minh rằng “Hong Kong luôn là một phần của Trung Quốc, do đó người Hong Kong không bao giờ có quyền tự quyết cả.”

 

Cách đây 3 năm, phong trào đấu tranh hừng hực tại Hồng Kông đã truyền cảm hứng đến mọi người trên thế giới. Một năm sau ban hành luật an ninh quốc gia, Human Rights Watch tường trình qua bài nghiên cứu dài có tên “Phá hủy một xã hội tự do” (Dismantling a Free Society) vào ngày 25 tháng 6 năm 2021. Bây giờ từ giáo dục, đến truyền thông, đến đối lập chính trị tại Hồng Kông, đã hoàn toàn bị bóp nghẹt. Xã hội dân sự tại Hồng Kông bị đối xử thô bạo, và dân chủ chỉ còn là quá khứ.

 

Thống đốc cuối cùng của Anh tại Hồng Kông, Chris Patten, phục vụ từ năm 1992 đến 1997, cho rằng Hồng Kông là một mô hình kinh tế thành công rực rỡ, như phẩm chất của Rolls Royce khi được giao lại cho Trung Quốc năm 1997, nhưng nay không còn gì, vì Trung Quốc đã thất hứa rằng họ sẽ duy trì nó trong 50 năm; họ phá luật khi nó thích hợp cho họ, và nó sẽ còn xảy ra nữa. Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng bày tỏ sự thất vọng cùng cực và cho rằng phải làm sao để Trung Quốc cam kết lời hứa của họ. Nhưng bằng cách nào đây?

 

Hồng Kông đã trở thành một thành phố rất khác so với sự hiện hữu của nó hơn 150 năm qua, mà điển hình là nền giáo dục khai phóng, truyền thông rộng mở đa chiều, cũng như quyền dân sự và chính trị căn bản được tôn trọng.

 

Tập vẫn nói về dân chủ, như trong bài phát biểu tại Hồng Kông vừa qua mà Tập biện luận rằng dân chủ đích thực đã bắt đầu tại Hồng Kông cách đây 25 năm. Bắc Kinh vẫn đề cao về nhân quyền, như họ từng biện minh với định nghĩa riêng, để phản bác quan điểm nhân quyền của Hoa Kỳ hay quốc tế. Tóm lại, khó mà ai có thể bác bỏ hay phản biện bởi vì nó đều là những thứ … mang đặc tính Trung Hoa mà.

 

Việt Nam thì sao nhỉ!





No comments:

Post a Comment

View My Stats