Tuesday 12 July 2022

SHINZO ABE : ĐỌC NHỮNG LỜI CHIA BUỒN (Nguyễn Tuấn)

 



Shinzo Abe: đọc những lời chia buồn   

Nguyễn Tuấn 

11-7-2022  20:26

https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/pfbid02RYy9HEd3ZntuzB37BMkbtMn84KZZq1GP7t6aCxT3yfqeurV7k4Ap6ce2925KMhEG

 

Cố Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (1954 - 2022) đột ngột qua đời để lại nhiều thương tiếc trong cộng đồng quốc tế, kể cả Việt Nam. Đọc những lời chia buồn của người đứng đầu chánh phủ Việt Nam và trên thế giới chúng ta sẽ thấy vài xu hướng hay hay.

 

Không nói ra thì ai cũng biết ông Shinzo Abe là một chánh khách đúng nghĩa. Ông xuất thân từ một gia đình chánh trị và bảo thủ: thân phụ ông là cựu bộ trưởng ngoại giao, và ông nội là cựu thủ tướng Nhật. Ông là người đề ra chánh sách kinh tế mà sau này người ta gọi là "Abenomics". Ông còn là một trong những người sáng lập nhóm Bộ Tứ Kim Cương (Quad). Nhưng ông cũng bị phê phán vì thái độ không tạ lỗi liên quan đến những hành động của Nhật trong Thế chiến thứ II. Ông từng nói rằng thế hệ tương lai không nên quá bận tâm cho những sai lầm của cha ông trong quá khứ.

 

Cái chết đột ngột của ông đã để lại rất nhiều thương tiếc không chỉ trong giới chánh trị mà còn trong người dân trên thế giới. Đọc những lời chia buồn về sự ra đi của ông cũng giúp chúng ta biết một chút về những thành tựu của ông trong thời gian tại chức. Nhưng tôi còn phát hiện qua những so sánh lời chia buồn của Việt Nam và thế giới còn cho chúng ta một "cửa sổ" nhìn vào suy nghĩ của mấy người lãnh đạo.

 

"A life of consequence"

 

Trong các lời chia buồn, tôi thấy lời văn của Thủ tướng Úc Anthony Albanese là hay nhứt. Ông Albanese viết rằng:

 

"Mr Abe’s was a life of consequence. He made a difference. He changed things for the better not just in Japan, but in our region and around the world.

Australia has lost a true friend. The friendship that Mr Abe offered Australia was warm in sentiment and profound in consequence.

To Mr Abe’s wife Akie, his family and the government and people of Japan, I extend the sincerest condolences of the Australian people. We stand with you in this time of sadness."

 

(Tạm dịch: Ông Abe là biểu tượng của một cuộc đời cống hiến. Ông đem lại sự khác biệt. Ông thay đổi sự việc theo chiều hướng tích cực không chỉ ở Nhật Bản và còn trong vùng và trên thế giới.

Úc đã mất một người bạn chân thực. Tình hữu nghị mà ông Abe đem đến cho Úc là một tình cảm ấm nồng và tác động sâu rộng.

Tôi trân trọng gởi đến phu nhân Akie, gia quyến ông, và Chánh phủ và Nhân dân Nhật Bản lời chia buồn chân thành nhứt của Nhân dân Úc. Chúng tôi đứng bên các bạn trong thời điểm đau buồn này.")

 

Như các bạn thấy lời chia buồn ngắn gọn có 3 ý. Ý thứ nhứt là những đóng góp mang tầm vóc quốc tế của ông Shinzo Abe. Ý thứ hai là đóng góp của ông cho mối quan hệ hữu nghị thân thiết giữa Nhật Bản và Úc. Và, ý thứ ba là lời chia buồn gởi đến phu nhân và gia quyến ông cố Thủ tướng.

 

Về văn chương, nếu các bạn để ý, trong lời chia buồn trên, ông Albanese dùng cách viết rất hay và rất đáng học: đó là mệnh đề "life of consequence". Rất khó dịch mệnh đề này sang tiếng Anh, nhưng khi người ta nói "You live a life of consequence" thì cũng đồng nghĩa với cách nói "Bạn đã tạo ra một thay đổi cho thế giới" (You made a difference to the world). Đó là một cách đề cao rất tao nhã.

 

Úc và Nhật có mối quan hệ mật thiết. Thủ tướng Úc không chỉ gởi lời chia buồn mà còn ra một tuyên bố (Statement). Tuyên bố kí ngày 8/7/2022 chỉ có 6 đoạn ngắn đề cập đến những đóng góp cụ thể của ông Shinzo Abe. Tôi lược dịch bản tuyên bố theo cách hiểu của tôi như sau:

 

"Cái chết thảm thương của cựu Thủ tướng Nhật Abe Shinzo là một bản tin choáng váng. Thay mặt Chánh phủ và người dân Úc, chúng tôi gởi lời cảm thông và lời chia buồn sâu xa nhứt đến bà Abe và gia quyến và bạn bè, và người dân Nhật Bản.

Ông Abe là một trong những người bạn thân thiết nhứt của Úc trên chánh trường thế giới. Viễn kiến của ông đã giúp nâng cao mối quan hệ giữa Nhật và Úc đến tầm Chiến Lược vào năm 2004. Dưới sự lãnh đạo của ông, Nhật Bản đã nổi lên như là một đồng minh gần gũi nhứt và chung chí hướng ở Châu Á -- đó là một di sản vẫn còn cho đến ngày hôm nay.

Ông Abe là một nhà lãnh đạo trong vùng Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, người xiển dương tầm nhìn về một vùng tự do mậu dịch. Sự ra đời của Bộ Tứ Kim Cương (Quad) và Hiệp ước Thương Mại Xuyên Thái Bình Dương là kết quả của sự lãnh đạo ngoại giao của ông Abe.

Ông Abe còn là một chánh khách lớn trên thế giới. Ông là một nhà lãnh đạo của Khối G7, Khối G20, và Liên hợp quớc. Di sản của ông có ảnh hưởng tích cực đến toàn cầu và Úc châu.

Chỉ vài ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Úc, tôi đã có đặc quyền viếng thăm Nhật trong buổi họp của Bộ Tứ Kim Cương, một di sản trong nỗ lực ngoại giao của ông Abe.

Ông Abe là vị Thủ tướng lâu năm nhứt trong lịch sử Nhật Bản. Thế giới sẽ còn thương tiếc ông rất nhiều."

 

Lời chia buồn từ Mĩ

 

Ở Mĩ, hai ông cựu tổng thống và đương kim tổng thống đều gởi điện chia buồn với những nội dung giống như ông Albanese bên Úc nhưng văn chương thì hơi khác.

 

Ông Obama viết rằng:

"Tôi luôn nhớ những việc làm của chúng ta nhằm củng bố mối liên minh giữa Nhật và Mĩ, lần chúng ta viếng thăm đầy cảm xúc đến Hiroshima và Pearl Harbor, sự sủng ái mà bà Akie đã dành cho Michelle và tôi".

 

Ông Donald Trump là một bạn thân của ông Abe, nên không ngạc nhiên khi ông ấy viết khá cá nhân:"Ông ấy [Abe] là người bạn chân thành của tôi và nước Mĩ. [Sự kiện ông bị ám sát] là một cú sốc lớn đến người dân Nhật tuyệt vời, những người yêu mến và ngưỡng mộ ông. Chúng ta cùng nhau cầu nguyện cho ông Shinzo và gia quyết đẹp của ông."

 

Ông Joe Biden thì viết tương đối chung chung, có lẽ ít tiếp xúc (?): "sững sờ, phẫn uất, và buồn bã khi nghe tin người bạn tôi Shinzo Abe, cố Thủ tướng Nhật Bản, bị ám sát trong khi vận động [bầu cử]. Đây là một thảm nạn đối với Nhật Bản và tất cả những ai biết ông. Tôi có đặc quyền làm việc gần gũi với Thủ tướng Abe. Trong vai trò Phó tổng thống tôi từng ghé thăm ông ở Tokyo và chào đón ông đến Hoa Thạnh Đốn. Ông là người đi đầu xiển dương liên minh giữa Mĩ và Nhật Bản và tình hữu nghị giữa hai dân tộc."

 

Việt Nam và China: lời chia buồn sâu sắc

 

Người đứng đầu Chánh phủ Việt Nam dĩ nhiên là có gởi điện chia buồn đến gia đình ông Shinzo Abe. Theo VietnamPlus:

"Trong điện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới Chính phủ, Nhân dân Nhật Bản và gia quyến Ngài Abe Shinzo; bày tỏ trân trọng tình cảm đặc biệt và sự ủng hộ, hỗ trợ quý báu mà Ngài Abe Shinzo dành cho đất nước và con người Việt Nam cũng như quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam-Nhật Bản."

 

Đó là một lời chia buồn chung chung, có thể sử dụng cho bất cứ ai từng có quan hệ với Việt Nam. Ngay cả lời chia buồn viết trong sổ tang, cũng vẫn với những cách viết chung chung đó [1]:

 

Chủ tịch Tập Cận Bình bên China thì thay mặt Chánh phủ và nhân dân và cá nhân gởi một thông điệp chia buồn sâu sắc đến sự ra đi đột ngột và không may mắn của cố Thủ tướng Shinzo Abe. Ngoài ra, phu nhân ông Tập còn gởi lời chia buồn đến phu nhân của cố Thủ tướng Shinzo Abe. Trong điện thư chia buồn ông Tập chỉ ra rằng cựu Thủ tướng Shinzo Abe đã có những nỗ lực nhằm cải thiện quan hệ giữa hai nước, đã có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng mối quan hệ Trung - Nhật trong thời đại mới. Ông Tập nói sẽ làm việc với đương kim Thủ tướng Kishida để tiếp tục phát triển mối quan hệ Trung - Nhật láng giềng tốt và hợp tác.

 

Điện thư của người đứng đầu đảng bên China có phần chi tiết hơn điện thư của người đứng đầu Chánh phủ Việt Nam. Tuy nhiên, cả hai đều dùng chữ "chia buồn sâu sắc". Hình như các vị ấy rất thích dùng mệnh đề này trong quá khứ [2].

 

Thoạt đầu tôi nghĩ Nhật Bản là nước thân với Việt Nam và ông Abe cũng từng giúp Việt Nam rất nhiều, thì phía Việt Nam sẽ có lời chia buồn "cá nhân hoá" (personalized) hơn. Nhưng hoá ra không phải như vậy, mà chỉ là một câu văn rất chung chung, giống như một "câu văn tủ" hay một loại bổn cũ soạn lại vậy. Việt Nam cũng không ra tuyên bố về cái chết của ông Abe.

 

Lời chia buồn không nhắc đến những di sản của ông ấy trên chánh trường quốc tế và trong vùng. Không thấy nhắc đến kỉ niệm nào hay một sự kiện nào để cho thấy Việt Nam hay những người đứng đầu chánh phủ Việt Nam gần gũi với ông ấy. Không có một lời đề cập đến G20, G7 hay Hiệp ước Xuyên Thái Bình Dương.

 

Tôi tự hỏi "tại sao". Tại sao cách chia buồn của Việt Nam có vẻ (nhấn mạnh là "có vẻ" thôi) hơi nhạt. Việt Nam không nằm trong các nhóm G20, G7 trên, hay Việt Nam không nằm trong câu lạc bộ quyền lực, nên chẳng có gì để viết. Rất có thể giới lãnh đạo Việt Nam không có một mối quan hệ 'bạn thân' như mấy ông Obama, Trump, Biden, Johnson, hay Albanese, nên chẳng có kỉ niệm gì để nhắc đến. Nhưng dù là không thân cấp độ cá nhân, thì Nhật Bản vẫn thân với Việt Nam ở cấp độ quốc gia, và chỉ mối thâm tình đó cũng đủ để có một lời chia buồn sâu đậm hơn và hay hơn.

 

Bản trên blog: https://nguyenvantuan.info/.../doc-nhung-loi-chia-buon-ve...

____

 

[1] https://dantri.com.vn/.../chu-tich-nuoc-thu-tuong-ghi-so...

 

"Vô cùng thương tiếc Ngài Abe Shinzo, Nhà Lãnh đạo có uy tín quốc tế cao, người bạn lớn, thân thiết của lãnh đạo và nhân dân Việt Nam. Thay mặt Nhà nước, nhân dân Việt Nam và nhân danh cá nhân, tôi xin gửi tới Nhà Vua, nhân dân Nhật Bản và gia quyến Ngài Abe Shinzo lời chia buồn sâu sắc nhất. Lãnh đạo và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng và khắc ghi trong tâm khảm về tình cảm sâu đậm và sự ủng hộ, hỗ trợ quý báu mà Ngài Abe Shinzo dành cho đất nước, con người Việt Nam cũng như quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.

Trong thời gian Ngài làm Thủ tướng Nhật Bản đã để lại nhiều dấu ấn đặc biệt, đầy ý nghĩa trong việc thiết lập và củng cố quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản vì hòa bình thịnh vượng ở châu Á. Cá nhân tôi không thể quên những kỷ niệm sâu sắc trong thời gian cùng làm việc với Ngài, sự quan tâm đặc biệt mà Ngài dành cho người dân Việt Nam và quan hệ hai nước cũng như cá nhân tôi."

 

[2] Những lời "chia buồn sâu sắc" của giới lãnh đạo Chánh phủ:

 

• "Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Đại sứ Hà Kim Ngọc gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới Chính phủ, nhân dân Mỹ và đặc biệt tới gia quyến của Tổng thống George H.W. Bush."

 

• "Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch ... lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia quyến Thượng nghị sĩ John McCain."

 

• "Việt Nam xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến Nhà nước, Chính phủ, nhân dân Li-băng và gia đình các nạn nhân vụ nổ ..."

 

• "Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời thăm hỏi và chia buồn sâu sắc nhất tới người dân Úc bị ảnh hưởng bởi hỏa hoạn."

 

• "Chính phủ gửi lời chia buồn sâu sắc và chia sẻ mất mát với từng gia đình có người thiệt mạng trong vụ 39 người tử vong trong container ở Anh."

 

• "Thủ tướng Chính phủ gửi lời chia buồn sâu sắc tới các nạn nhân, thân nhân người bị nạn."

 

• "Thay mặt Chính phủ, tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến những bậc Ông Bà, Cha Mẹ, Vợ Chồng, Anh Chị Em, Con Cháu ..."

 

 

Hình :

https://www.facebook.com/photo?fbid=1519468745167104&set=pcb.1519468248500487

 

https://www.facebook.com/photo?fbid=1519468771833768&set=pcb.1519468248500487

 

.

6 BÌNH LUẬN   

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats