Monday, 18 July 2022

“ĐỜI PHI CÔNG” VÀ “ĐỜI TOÁN HỌC” (Mai Bá Kiếm)

 



“ĐỜI PHI CÔNG” VÀ “ĐỜI TOÁN HỌC” 

Mai Bá Kiếm

https://www.facebook.com/bakiem.mai/posts/pfbid02pGGGiTiJSRZMToQhQt9EnZEBUXQ7gRExyCUZuJkTSqJY9upv9GMcrDffD2qZevw6l

 

 https://www.facebook.com/bakiem.mai/posts/pfbid02pGGGiTiJSRZMToQhQt9EnZEBUXQ7gRExyCUZuJkTSqJY9upv9GMcrDffD2qZevw6l

 

Hổm rày, đọc nhiều Stt viết về GS toán học, Viện sĩ Hàn lâm viện Không gian quốc tế Nguyễn Xuân Vinh (theo tin giả là ông đã từ trần), tôi đọc lại “Đời Phi Công” của ông dưới bút danh Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh. Nhớ lại, ngày 24/12/1972, khi tôi từ Trường Bộ binh Thủ Đức chuyển qua Không quân, sau khi ký Hợp đồng hiện dịch (cam kết phục vụ 7 năm, sau khi tốt nghiệp phi công), tôi được nghỉ 24 giờ phép. Việc đầu tiên, tôi mua “Đời Phi Công” về đọc ngấu nghiến.

 

50 năm sau, đọc lại tôi vẫn giữ cảm xúc bồi hồi, nhất là chương “Trăng Dãi Bắc Phi” tả về một chuyến bay đêm vào trăng rằm với những suy nghĩ vẩn vơ của ông khi nhìn xuống mặt đất. Có lẽ, Hoài Linh và Song Ngọc đã lấy cảm xúc từ chương này mà sáng tác bài “Một chuyến bay đêm” nghe đã điếu! Phải nói, Nguyễn Xuân Vinh viết Đời Phi Công như một tác phẩm văn chương đặc thù cho binh chủng Không quân, mà các binh chủng khác không có được trước tác tương xứng như vậy.

 

Đời Phi Công là truyện hơi dài, 53 trang, gồm 9 chương, mỗi chương là một lá thư gửi cho cô em hàng xóm tên Phượng! Đầu lá thư ông chỉ viết “Phượng”, trong thư có thêm “Phượng em” chứ không kèm yêu iếc gì cả! Theo nội dung, ông dạy kèm Phượng học từ hồi còn nhỏ, sau này đến tuổi teen Phượng nhí nhảnh, có một chút bướng bỉnh. Ông kể Phượng nghe mộng giang hồ của mình, rồi Phượng trách “Sao lúc nào anh cũng muốn đi xa. Em muốn anh ở lại nhà”. Theo cốt truyện, ông bỏ đi vào Nam từ năm 1951, mất liên lạc với Phượng hai năm, đến năm 1953, khi ông sang Pháp học bay ở Salon de Provence, ông được ở Ba lê một tuần, ngồi trong quán rượu giữa khu Latin viết thơ cho Phượng, trần tình lý do bỏ quê ra đi cho thỏa mộng gió mây.

 

Ông viết: “Nước nhà cần có đủ mọi ngành quân lực. Đường đời muôn vạn nẻo, anh đã chọn lấy một hướng, dù gian nan muôn trùng anh cũng sẽ mỉm cười dấn bước. Anh mong em sẽ đọc hết bức thư này với một nguồn vui mới trong lòng”. Có lần 7 tháng Phượng không hồi âm, ông viết thơ nhắc lại những kỷ niệm ở quê nhà, ông đã làm Phượng phật lòng và tiếc nuối tại sao lúc đó ông không nói những lời nuông chìu để Phượng vui! Phượng cho biết vắng ông, Phượng phải nhờ Hiền - SV năm thứ tư y khoa, day kèm và Phượng đã đậu Tú tài 1. Ông lại khen Hiền là người giỏi, tốt làm gia sư chắc Phượng hài lòng hơn ông. Ông cũng mong hai người nên duyên!

 

Qua 9 chương, ông đã kể cho Phượng nghe từ giai đoạn 9 tháng hoc bay căn bản ở ở Marrakech, dưới trời Bắc Phi. Ông được nghỉ hai tháng rồi sang giai đoạn bay chiến đấu ở Salon de Provence miền Nam nước Pháp. Sâu đó ông học bay phi cụ (chỉ nhìn vào các đồng hồ và la bàn) ở Avord - nơi quanh năm trời có sương mù, trên máy bay hai động cơ. Tuyệt nhiên, ông không kể cho Phượng nghe việc ông tận dụng thời gian để học toán vào các ngày cuối tuần, các kỳ nghỉ 2 tháng chờ chuyển giai đoạn bay. Nhờ thế, mà Đời Phi Công không lẫn lộn với Đời Toán Học với bộ não siêu phàm của ông.

 

Theo bút ký và hồi ký, ông đã đỗ đầu kỳ thi chứng chỉ Toán đại cương vào đầu hè năm 1951 và được tuyển làm giáo sư trường Trung học Nguyễn Trãi Hà Nội . Nhưng bất ngờ ông nhận được giấy gọi nhập ngũ theo học khoá I Sĩ quan Trừ bị Nam Định và được theo học ngành công binh ở Thủ Đức. Ra trường, ông làm sĩ quan công binh tại Thái Bình, năm 1952 ông nhận được giấy vào Sài gòn đi học trường không quân Ecole de l’Air cuả Pháp. Năm 1953, sau 9 tháng học bay cơ bản ở Bắc Phi, ông về Pháp nghỉ hè 2 tháng chờ học bay chiến đấu, ông đã tới Nice để học thi chứng chỉ Toán Vi Phân và Tích Phân ở Đại Học Marseille.

 

Đến năm 1955, khi về nước, ngoài bằng phi công quân sự, ông còn mang theo bằng kỹ sư hàng không, cử nhân toán, cao học toán. Ông đã từng viết rằng, trong khoảng thời gian những năm cuối cùng sống trên đất Pháp, ông cố thu thập những lý thuyết quân sự, tổ chức hành chánh, kỹ thuật và hành quân trong Không Quân. Nhờ vậy, ông đủ kiến thức để giúp Bộ Tổng Tham mưu hình thành các đơn vị không quân VNCH đầu tiên được bàn giao từ quân đội Pháp. Tháng 2/1958, với lon trung tá, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Không quân đầu tiên.

 

Sau khi hai phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn Văn Cử ném bom TT Ngô Đình Diệm, tháng 8/1962 ông mất chức tư lệnh KQ. Ngay sau đó, ông sang Mỹ làm nghiên cứu sinh Đại học Colorado. Năm 1965, ông là người đầu tiên lấy bằng tiến sĩ hàng không và không gian. Năm 1972, đậu bằng tiến sĩ quốc gia toán học của Đại học Paris VI. Từ năm 1968 ông dạy Đại học Michigan và được thăng cấp giáo sư thực thụ năm 1972. Ông về hưu trí năm 1999 và được tặng tước vị "Professor Emeritus of Aerospace Engineering". Giáo sư Vinh là tác giả ba cuốn sách chuyên môn và hơn 100 bài khảo cứu về cơ học không gian và qũy đạo tối ưu. GS Vinh được bầu làm viện sĩ ngoại quốc của Hàn Lâm Viện Hàng Không và Không Gian Pháp (Académie Nationale de l’Air et de l’Espace) vào năm 1984 và viện sĩ chính thức của Hàn Lâm Viện Không Gian Quốc Tế (International Academy of Astronautics) vào năm 1986.

 

Năm 1968, GS Nguyễn Xuân Vinh là team leader dùng toán học tính quỹ đạo bay ra ngoài không gian và về trái đất của phi thuyền Apollo 11. Thành tích của GS kể 3 ngày chưa hết!

 

Hình :

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=1966930136832180&set=pcb.1966930230165504

Đại tá Nguyễn Xuân Vinh

 

https://www.facebook.com/photo/?fbid=1966930126832181&set=pcb.1966930230165504

Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh

 

.

34 BÌNH LUẬN    





No comments:

Post a Comment

View My Stats