Friday 1 July 2022

"NỘI CHIẾN" và "KÍCH ĐỘNG HẬN THÙ" (Tuấn Khanh)

 


“Nội chiến” và “kích động hận thù”

Tuấn Khanh

01/07/2022

https://baotiengdan.com/2022/07/01/noi-chien-va-kich-dong-han-thu/

 

Sự kiện ca sĩ Khánh Ly hát bài Gia Tài Của Mẹ, một bài hát trong tập Ca khúc Da Vàng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đang dấy lên những tranh luận dữ dội trong nước. Phía những người chống Khánh Ly và sự tồn tại của nền văn hóa Việt Nam Cộng Hòa ở Việt Nam, lúc này đã dùng những lời lẽ hết sức nặng nề, thậm chí gọi bà là kẻ âm mưu tuyên truyền chính trị ở Việt Nam.

 

Không có lý luận rõ ràng, nhưng hầu hết các luận điệu chống đối ca sĩ Khánh Ly đều dựa trên câu chữ mà bài hát mô tả là “nội chiến” để tấn công. Phía Nhà nước Việt Nam lâu nay vẫn nói rằng cuộc chiến tranh giải phóng Nam Bắc là một cuộc giải phóng thần thánh, để thống nhất đất nước. Nội dung nói “nội chiến” bị coi là sai đường lối và chủ trương của đảng Cộng sản Việt Nam.

 

Nhưng đáng ngạc nhiên, là không dòng nào chỉ trích người viết ra bài hát này, là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Bên cạnh đó, làn sóng bảo vệ bà Khánh Ly và dòng văn hóa riêng của Việt Nam Cộng Hòa cũng bùng lên sôi động không kém.

 

Trên nhiều diễn đàn ở facebook, có những lời bình luận nói vụ video quay bà Khánh Ly hát ở Đà Lạt bài Gia Tài Của Mẹ, là do công an gài để tấn công show diễn của bà.

 

Viết trên trang nhà của mình, nhà bình luận thời sự Dương Quốc Chính từ Hà Nội, ghi rằng: “An ninh chính trị nội bộ đã vào cuộc do “quần chúng tố giác”! Thực ra quần chúng ở đây chính là anh em bò đỏ thôi. Chuyện này gây phẫn nộ dữ dội bởi anh em, do não trạng xơ cứng và máy móc, cứ thấy bài hát bị cấm là auto phẫn nộ khi có kẻ cả gan biểu diễn trái phép. Bọn chúng không hiểu rằng cấm thế chứ cấm nữa thì cũng vô ích. Bởi nghe offline chỉ có tối đa 1.000 người chứ nghe online thì cả triệu người và cả trăm triệu lượt người mấy chục năm qua, có cấm được đâu? Đấy là chưa kể khi báo chí rùm beng thì trẻ trâu nó search vì tò mò khiến bài hát lại càng được phổ biến. Thế nên bò càng húc lại càng giúp quảng bá bài hát, phản tác dụng”.

 

Nhiều người cũng nhắc rằng bài Gia Tài Của Mẹ cũng như nhiều bài hát trước năm 1975 không được lưu hành trong đời sống, đều không có một lệnh cấm cụ thể nào.

 

Sự kiện ca sĩ Khánh Ly hát thêm một bài ngoài danh sách 24 bài cho phép, vốn là chuyện ngày thường của sân khấu Việt Nam, đặc biệt khi có khán giả yêu cầu. Nhưng với ca sĩ Khánh Ly, ắt là một trường hợp “nhạy cảm” khác nên mọi thứ trở nên căng thẳng. Cục Biểu Diễn Nghệ Thuật ở Hà Nội nói đợi sau khi Sở VHTT&DL Lâm Đồng xử lý xong, thì sẽ đến phiên Cục này có quyết định tiếp.

 

Trong một bình luận có tên “Biện bạch vụng về”, nhà báo Võ Văn Tạo ở Nha Trang viết “Mượn cớ ca khúc “Gia tài của mẹ” không có trong danh mục ca khúc được cấp phép biểu diễn trong đêm nhạc 25/6/2022 ở Đà Lạt, Sở VHTT & DL cũng như Cục Nghệ thuật biểu diễn Bộ VHTT & DL đều khẳng định Ban Tổ chức đêm nhạc có sai phạm, Sở VHTT & DL Lâm Đồng làm đúng quy định khi mời làm việc Ban Tổ chức đêm nhạc? Xin lỗi! Võ Văn Tạo tôi tin chắc 100% rằng nếu đêm đó Khánh Ly hát vượt danh mục cấp phép đêm biểu diễn bằng bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng thì” có đến bố quý Sở cũng không dám “mời làm việc”. Phải không ạ?

 

Có những bình luận na ná nhau, xuất hiện ở nhiều nơi, tựa như có một cách chỉ huy hành động chung, nói bài hát Gia Tài Của Mẹ chống hòa giải hòa hợp, khơi gợi hận thù trong người Việt, nên cần phải cấm. Tuy nhiên nhiều người nói đây là một cách nói lấy được. Nhiều bài hát của miền Bắc Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh đến nay vẫn còn được lưu hành, đầy tính kích động hận thù.

 

Đơn cử như bài Tiến Về Sài Gòn của tác giả Huỳnh Minh Siêng có lời hát ”tiến về Sài Gòn, ta quét sạch giặc thù”. Bài hát này được phát liên tục từ năm 1974 cho đến về sau nay, mà đó là thời điểm chỉ còn cuộc đối đầu giữa hai phía Việt Nam Cộng Hòa và Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa mà thôi. Từ năm 1973, lực lượng đồng minh của VNCH đã hoàn toàn rút khỏi Việt Nam, nên “giặc thù” ở đây, rõ chỉ có chính quyền miền Nam Việt Nam.

 

Việc ra giấy phép biểu diễn, kiểm soát nghiêm ngặt như show Xuyên Việt của ca sĩ Khánh Ly, cũng cho thấy có cái gì đó bất thường đối với Nghị định cho phép tự do trình diễn các ca khúc trước năm 1975 của Hà Nội đã từng được nhiều báo chí trong nước hân hoan đưa tin.

 

Theo Nghị định số 144/2020 về hoạt động nghệ thuật biểu diễn được Chính phủ ban hành, từ 1-2-2021, có nói rõ rằng quy định bắt buộc cấp phép ca khúc miền Nam trước 1975 được bãi bỏ. Việc phổ biến không cần phải cấp phép nữa, hay nói cách khác là tất cả các bài hát được tự do trình bày. Bài nào đặc biệt có “vấn đề” sẽ có danh sách cấm riêng. Nhưng Gia Tài Của Mẹ cũng chưa bao giờ được công bố là bài hát cấm, nên công chúng đang tự hỏi bài hát này đang trở thành sự kiện rùm beng, là vi phạm gì, về nội dung gì?

 

Và như vậy, Sở VHTT&DL Lâm Đồng đang áp dụng lệ làng hay Nghị định chính phủ vô giá trị, chỉ thông cáo đưa ra cho có? Và hiện nay, cách nối nhau để “làm việc” với chương trình của bà Khánh Ly, liệu có là một chủ trương bất thường của hệ thống kiểm duyệt văn hóa Việt Nam?

 

------------

2 COMMENTS

.

Van Nguyen

Chỉ là "không ưa, dưa có giòi" thôi ! "Luật là tao, tao là luật" đó mà ! Sao mau quên thế ?!

.

Tien Chu

Cá nhân tôi, một người làm văn nghệ, viết báo, làm TV từ nhiều thập niên nay, đồng ý với tác giả bài này về Quyền Tự Do Phát Biểu bị vi phạm nặng nề. Nhà nước kiểm duyệt mọi tư tưởng, lời nói của người dân, thích cho thì cho, không thích thì cấm. Trong khi cho trình diễn các bài Bolero viết bởi các tác giả Quân Đội miền Nam, nói về Lính miền Nam, và còn tổ chức thi hát "nhạc vàng" rầm rộ, lại làm khó một bài của Trịnh Công Sơn, nhân vật phản chiến số 1 ở miền Nam, và cũng là thần tượng Âm Nhạc của miền Nam sau 1975, để khi chết, thì cả chục ngàn người đi đưa tiễn (trong đó có các cán bộ văn hóa của nhà nước). Đó là hành động "lạc hậu, chậm tiến" của thế kỷ 19, trong khi đó lại thả dàn cho thanh niên, thiếu nữ trụy lạc, ăn chơi còn hơn Mỹ. Thiếu nữ ở truồng, khoe các bộ phận nhậy cảm trên xế xịn, cầm cờ đỏ chạy tung tăng, thì lại không có phản ứng gì. Gái điếm tràn lan ngoài đường phố. Văn hóa suy đồi, giáo dục xuống cấp, bằng giả, học giả thành một cái mốt thời thượng. Đa phần các lãnh đạo đều xài bằng giả, nên hành động ngu xuẩn. Tiến Sĩ Lu, Tiến Sĩ cầu sập vì dân đứng chụp hình...Tất cả những điều liên quan đến văn hóa đều không được nhà nước chú ý và điều chỉnh, lại chỉ nhòm vào một câu hát. Theo thiển ý, thật ra vấn đế ở đây không phải chỉ là môt bài hát có nội dung không thích hợp mà vì nhà nước đã chán cái bà ca sĩ già này, có tư cách phản bội. Trước 75, hát các bài phản chiến của họ Trịnh, sau 75, hát chống Cộng, rồi vài thập niên sau, thấy hát chống Cộng không có tiền, lại về hát ca tụng Cộng Sản, nghĩa là, theo dân chúng, thì bà là môt thứ "chó ba chuồng". Nhà Nước cho bà về hát để chứng tỏ họ có cởi mở, sau một thời gian, vai trò bà bị lu mờ, nên bà bị đá đít, như tất cả mọi trường hợp trước đây, với những kẻ đi "chàng hảng". Xài vài lần xong là bỏ. Đó là bài học cho tất cả những văn, nghệ sĩ trở cờ, hoạt đầu chính trị, chỉ thấy hình ảnh Tiền là trên cả tư cách. Theo tôi, chỉ có hai chữ cho bà này: ĐÁNG KIẾP!

 

 =======================

 

241 BÌNH LUẬN   

https://www.facebook.com/NhacsiNguyenTuanKhanh/posts/pfbid02L9Xf73wMZ3mcvwCMaRuX3ZMdBu2pjhyRhJucLWubDKjfgZ5tFZhma7eEMMpyS5CJl




No comments:

Post a Comment

View My Stats